(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhìn bóng Linh khuất hẳn trong nhà Tân mới cho xe lăn bánh, hắn vừa đi vừa hát có vẻ yêu đời. Tân vui lắm bởi nay đã cùng Linh đi tên một con đường, con đường tuy khá xa, nhưng tương lai Tân thấy thật gần. Mồ hôi ướt dầm nhưng rất khỏe, phấn chấn; có lẽ Phương Linh đã truyền cho Tân nguồn năng lượng tích cực đó.
Tác giả Trọng Bình
Mình đợi bạn ở sân Kim Thanh nhé!
Dứt lời, Phương Linh ôm cặp quay lưng, nàng bước đi giữa sân trường trong nắng ấm. Toàn thân như có một dòng điện chạy chung với nước, cơn “cảm sốt thương hàn” của tuổi đôi mươi chợt bất thình lình xâm nhập vào cơ thể Tân.
Tà áo dài thướt tha, đôi gót son hồng nứt nẻ bởi những vòng xe, làm da nước đen pha trộn con nắng biển bãi bồi Tam Giang cháy bỏng, cặp kính cận chiếm nửa diện tích “mặt tiền”… khiến nàng chững chạc, thùy mị hơn.
Dáng cô bạn năm tú tài khiến Tân ngẩn người, hắn nhìn theo lọn tóc đuôi gà không chớp mắt. Dáng bước mong manh, thơ ngây Phương Linh hòa mình vào những thiên thần áo trắng, tất cả đon đả rảo bước ngược xuôi ra giữa cổng đời.
– Ê, sao không về? Đứng chồng cây chuối hả? Muốn thầy Long cho vào phòng giám thị ngồi hay gì?
Tân giật mình bởi cái vỗ vai và giọng nói của Thùy. Đi cạnh bên còn có thêm thằng Hôn, cặp tiền đạo bén ngót.
– Ừ! Thì về.
– Về đi “em guộc”. Hôn cà rỡn khoác vai Thùy đi về hướng để xe.
*
Ghé cổng sân Kim Thanh đón Linh, nhưng chẳng thấy ai. Tân đảo mắt tìm kiếm nhìn quanh, cũng chỉ thấy nhấp nhô í ới những tà áo dài và đập với nhau trong lòng đường. Hắn mê mẩn nhìn thật lâu, ngắm thật kỹ những gương mặt thân quen Trường Bán công Cà Mau. Hắn gác đầu lên ghi-đông xe đạp lắng nghe những âm thanh, uống những giọt nắng hiu hiu chớm hè. Bởi chẳng bao lâu nữa là kết thúc “vòng đời” học trò không riêng gì của hắn.
– Tui nè! Linh xuất hiện sau lưng bất thình lình.
– Lên xe nào, mình đèo về.
Tân gồng lưng đạp, chiếc xe phát ra âm thanh… cra..c…tạch.. cra..c…tạch…, hắn nhắm thẳng tay lái về hướng cầu quay mới, qua cầu rẽ về hướng đường Nguyễn Tất Thành, bởi cả hai cùng ở hướng Lý Văn Lâm.
Chiếc xe đạp của Tân còi cọc, ốm yếu. Hằng ngày đi học Tân nhét sẵn sau yên xe một cục gạch, khi nào bặc đạn không ăn là Tân dừng xe gõ cọc cọc, quay bàn đạp cho dây sên ăn mới chạy tiếp được. Căn bệnh đó Tân thường gọi là “con chó ngủ”, bệnh này khiến quần áo hắn dính đầy nhớt, có hôm ướt đầm mồ hôi, cũng là nguyên nhân học trễ. Nghĩ là năm cuối cấp, nên cũng chẳng mua xe mới làm gì cho tốn kém. Nhiều phen Tân khổ ải với nó lắm rồi, thêm hôm nay tự dưng Phương Linh đi nhờ về. Éo le, thật khó từ chối.
– Ngồi chắc, ôm eo nhé! Lên luôn ạ… Tân gồng mình, gập lưng xuống.
– Gì…? Ông tính đạp lên dốc cầu quay mới luôn hả?
– Um! về xiết ăn cơm. Đói rồi.
– Thôi… thôi… ông ơi, dừng lại tôi xuống rồi dắt xe qua. Không nổi đâu.
– Nổi mà. Chở Linh là nổi hết…
– Hay he? Giữa chừng té ạch cái là toi luôn.
– Sao té được, đèo bạn đến hết đời áo trắng luôn. Tin không?
– Tin… tin… Dừng lại dắt qua cầu đi… tui tin mà…
– Nhớ đó nghe! Tin rồi đó. Khe.. khe.. kha.. ha.
Xuống xe dắt qua cầu, thật ra ca cảnh ấy Tân rất thích, bởi cùng Linh chung bước, soi cả thời áo trắng lên mặt Sông Gành Hào mát rượi phù xa. Nhưng bệnh của chiếc xe khiến Tân quyết tâm vượt dốc, lên được đỉnh cầu thả dốc tới Tượng đài sẽ ngon hơn, như vậy “con chó’’ sẽ không ngủ. Chứ xe nằm đường thì kỳ lắm. Nhưng được vậy cũng vui, giá trị gấp đôi khi có người lẽo đẽo theo sau.
Đến tượng đài của tỉnh, Tân rẽ phải nhưng hình như “con chó ngủ” rồi, chiếc xe vẫn chạy theo quán tính, hai chân của Tân cứ đạp đều đều, nhưng đạp vào không khí, sên và bặc đạn không “ăn” nhau. Tân càng đạp mạnh, xe càng chậm rồi từ từ dừng hẳn giữa dòng người tấp nập. Xui thật rồi, nhưng Tân cười khoái chí.
– Xe ông bị sao hả? Linh hỏi
– Ừm, xuống đi Linh, “con chó ngủ” rồi, ghé vào vỉa hè tý nhé? Tân nhắc.
– Chó ngủ là sao?
– Hư bặc đạn… nó không ăn… đạp không chạy. Tân trả lời cột lốc.
– Vậy giờ sao?
– Vô đây, chờ tý.
Tân lấy cục đá dưới yên xe gõ cóc cóc vào bặc đạn đùm sau, hắn nghiêng xe cho bánh sau nhổng khỏi mặt đất, đạp thử… vẫn không ăn. Dưới cái nắng nhạt, kèm gió nhẹ hiu hiu, lưng của Tân đầm đìa mồ hôi, nhưng chẳng sao! Quen rồi. Còn Linh, mái tóc ngố che kín vầng trán, búi tóc đuôi gà để lộ tháp cổ ráo mưa, mồ hôi nàng bắt đầu chiết xuất từ da thịt, nó lăn xuống dốc thái dương, thẩm thấu rịn rịn qua vai áo trắng tinh khiến Tân có cảm giác bớt mệt.
– Hay đem vào tiệm đi Tân. Linh hối.
– Không cần đâu bạn, đạp vài cái là “nó thức dậy” liền à.
– Nãy giờ có thức gì đâu?
– Đợi chút nữa đi.
*
– Ha ha… được rồi! Mời nàng lên xe.
Tân hô to rồi cất cục đá vào yên, tiếp tục đèo Phương Linh đến dốc cầu Gành Hào. Đây là cây cầu thứ 2 mà chiếc xe ngủ đường đội hai bạn chuẩn bị vượt qua, cầu mới bắc được vài năm, rộng mà mới mẻ nên có thể Tân ngẫu hứng đạp Linh lên đỉnh cầu.
– Ê! Xuống dắt xe qua nghe. Linh bấm eo Tân như giằng cảm xúc.
– Ngồi đi, dắt lâu lắm.
– Thôi ông ơi, dắt đi. Chứ ông thả dốc coi chừng dzô nghĩa địa Triều Châu luôn á!
– Bà nói nghe thấy ớn!
– Ớn ạ, dưới chân cầu Gành Hào có cái nghĩa địa đó, ớn không?
– Ớn gì đâu? Đường đó Kiên nó đi học hoài có sao? Tân phân trần.
– Kiên nó đi chứ ông mà dám?
– Sao không? Sáng nào tôi không ghé nhà Kiên lớp mình, hai thằng chở nhau đi học.
Lên xe Tân kể cho Linh nghe sáng nào hắn với Kiên cùng nhau đi học. Kiên thể dục bằng cách đi bộ sáng sớm từ nhà đến trường, bất kể nắng mưa. Ân cũng vậy, nhưng Ân ở Phường 5, đi học gần hơn Kiên. Xa nhất chắc có Chí Thanh, Thanh cũng đi đường này về tuốt trong cầu Lý Văn Lâm, nhà ở hướng đi Đầm Dơi.
– Ê, nay dám chở Phương Linh he? Chí Thanh đạp xe ù ù phía sau lên.
– Trời! Thằng này Linh như miểu ông tà. Mới nhắc nó tới liền kìa Linh.
– Xe tui hỏng rồi, nay đi nhờ xe ông Tân về. Linh trả lời.
– Hai bạn gần nhau hả?
– Um! Nhà Linh gần cô Nga dạy Văn lớp mình, tui trong bờ hồ, gần trận biến điện.
– Ok! Lớp 12K mình ở mé bên này nhiều hen? Thằng Út chọt, Lam lùn nữa. Thôi! Tạm biệt nhé, đói rồi về ăn cơm còn đi ruộng.
Chí Thanh vượt lên, còn Tân thì cứ ì ạch đạp và đếm từng vòng xe đưa Linh về dưới cái nắng thong dong. Nếu điều kiện cho phép có thể Tân đạp xe chở Linh đi đến cuối con đường, tới Mũi Cà Mau.
– Tân ơi, hình rơi cục đá ở dưới yên rồi. Linh gọi.
– Kệ đi, chắc từ đây tới nhà “chó nó không ngủ” nữa đâu?
– Ừm! Vậy đạp lẹ đi, trưa rồi.
Tân chẻ vào lớp nắng bao trùm, đạp mạnh về phía cây xăng Năm Mừng, đèn đỏ ngáng vòng xe của đôi bạn trên mặt đường ấm áp. Mừng vui lẫn lộn, Tân rất lo lắng bởi dừng xe lại có thể “con chó ngủ” nữa, lại phiền phức nữa. Đèn xanh xuất hiện, “chó ngủ thật”, Tân dắt xe vào lề phải, Linh lẽo đẽo chạy theo sau.
– Bạn chờ tui nhé Linh. Tân dựng xe rối nói.
– Ông đi đâu? Tính bỏ con giữa chợ hả?
– Đâu có, sao bỏ đóa hồng 12K được, đứng đi tui kiếm cục đá, cục gạch gì đó. Đập cho “con chó thức”.
– Nãy không chịu lượm lại, giờ đi kiếm! Linh vừa cười vừa trách Tân.
Hắn đập cạch cạch, lẩm bẩm “Nay chở người đẹp mà chứng hả mày, thức ngủ bất chợt… giống như nàng sau lưng tao nè… Cạch cạch… cho mày ngủ nè, thức chưa, thức chưa?
– Ông nói gì đó? Linh bịt miệng cười sặc sụa hỏi. Nhưng dường như hắn cố ý không nghe, câu giờ.
Mình mẩy Tân lại ướt sũng mồ hôi, Linh cũng vậy, đôi má ửng hồng làm nhòe cặp mắt kính cận dày cui. Cũng may chỗ này có vài cây tràm núi nên nhiệt trong người cũng được giải bớt. Cái bao tử của hai chắc cũng ộp ẹp như tiếng hát giữa đồng của đôi ếch vừa được tưới một trận mưa rào.
– Rồi, về… Tân leo lên xe hối.
– Nè, bỏ cục đá vô đây.
– Trời… trời… cẩn thận ta ơi!
– Trời gì? Bỏ dzô đây chút xài tiếp.
– Hư! Không lẽ xui xẻo vậy?
– Biết đâu! Đưa tôi cột vào sau yên nhé!
Gió lùa tà áo Linh bay bay trên phố, cái tóc đuôi gà phẩy phẩy theo vòng xe đang ngụp lặn lên xuống những cái ổ của gà. Hết đoạn đường nhựa, còn vài trăm mét nữa tới nhà Linh nhưng Tân muốn nó xa hơn nữa, dù cho đoạn này mấp mô đá đất chưa tráng nhựa. Xe lộc cộc đè những cục đá và đất đỏ trườn lên phía trước, mệt nhưng mà vui. Vậy tới chiều cũng được.
Nhìn bóng Linh khuất hẳn trong nhà Tân mới cho xe lăn bánh, hắn vừa đi vừa hát có vẻ yêu đời. Tân vui lắm bởi nay đã cùng Linh đi tên một con đường, con đường tuy khá xa, nhưng tương lai Tân thấy thật gần. Mồ hôi ướt dầm nhưng rất khỏe, phấn chấn; có lẽ Phương Linh đã truyền cho Tân nguồn năng lượng tích cực đó.
T.B