Chiếc xuồng ba lá quê tôi

3918

Huyền Văn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo, gắn liền với người dân miền sông nước Nam bộ từ lúc nhỏ cho đến trưởng thành. Có người lúc lọt lòng mẹ đã nằm trong xuồng rồi, và từ đó, mọi việc hết thảy đều lấy chiếc xuồng để đi tới đi lui, nó gắn liền như bóng với hình.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Quê tôi ở vàm Ngã Bát, nơi có nhiều con rạch, con kinh, ruộng vườn mát mẻ nhưng đường bộ vừa ít vừa sình lầy, cầu khỉ nhiều vô số, bình thường đi bộ rất khó khăn, nếu đi xe đạp phải sức đàn ông mới vác xe qua cầu khỉ được, đến mùa nước nổi và những đợt triều cường thì đi bộ còn không được nói chi đi xe, cho nên người dân nơi đây thường dùng xuồng ba lá để đi lại.

Xuồng ba lá (còn gọi là xuồng tam bản), có hình dáng nhỏ, gọn dễ luồn lách trên những con mương, con rạch nhỏ, đồng thời cũng có thể dễ dàng ra ngoài sông lớn. Mặt khác, xuồng có diện tích mặt tiếp xúc với nước nhỏ làm hạn chế sức cản của nước, nên khả năng di chuyển của nó rất nhanh nhẹn, kể cả ở những nơi nước cạn. Vì vậy, từ xưa đến nay, những làng quê thuộc vùng sông nước Nam bộ nói chung, ở quê tôi nói riêng hầu như nhà nào cũng sắm ít nhất một chiếc xuồng ba lá để “làm chân”, nếu không có xuồng ba lá thì “bó tay bó chân” không đi đâu được.

Mỗi lần muốn về quê, nhưng ngại đường đất trơn trợt, ngại cầu tre lắt lẽo, gập ghềnh khó đi. Biết vậy, người chị họ tên Phượng thường chèo xuồng ba lá ra tận bến đò ở chợ để rước mấy chị em tôi về.

Ngồi trên chiếc xuồng ba lá bồng bềnh, tôi thả hồn theo dòng nước mênh mông, say sưa ngắm những chiếc xuồng, chiếc ghe qua lại dập dìu trên sông, mọi người chào hỏi nhau í ới, tiếng nói, tiếng cười giọng quê chơn chất hòa cùng tiếng sóng vỗ, tiếng gió reo lồng lộng, cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái, vơi đi phần nào những lo toan, tất bật ở phố thị ồn ào.

Chị Phượng, người thanh mảnh, mặc chiếc áo bà ba màu tím lợt thắt eo con kiến, vậy mà chèo xuồng lướt sóng im ru. Tôi hỏi chị tại sao gọi là xuồng ba lá, chị nói “Tại nó làm bằng ba miếng ván thì kêu là xuồng ba lá”. Tôi bèn ngó kỹ chiếc xuống, đúng là nó được ghép bằng ba miếng ván thật. Một miếng nằm ngang dùng làm đáy, hai miếng còn lại nằm hai bên hông gọi là be, ở giữa kê sạp nhưng thấp hơn ở đầu mũi và đầu lái để xuồng được thăng bằng. Thấy đơn giản, nhỏ gọn mảnh mai vậy mà chở được tới bốn năm người.

“Chiếc xuồng ba lá quê ta
Mảnh mai như chiếc lá đa giữa dòng
Liềm trăng sông nước cong cong
Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng…”

Xuồng ba lá có kết cấu mũi và lái giống nhau, nên không cần quay mũi như các loại xuồng, ghe khác, mà chỉ cần thay đổi vị trí ngồi chèo là được, nhờ vậy mà xuồng ba lá, dễ luồn lách ở những vùng kinh, rạch chằng chịt và nhỏ hẹp. Ngoài cây chèo, xuồng ba lá còn có cây sào nạng để chống, cây dầm để bơi, thuận tiện mọi bề. Cho dù lúc bơi, lúc chèo hay cách nào đi nữa, muốn giữ cho xuồng được thăng bằng không bị lật úp là không phải dễ, vậy mà chị Phượng chèo xuồng nhẹ nhàng và vững chãi. Chị nói, chị biết chèo từ lúc nhỏ lận.

Chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo, gắn liền với người dân miền sông nước Nam bộ từ lúc nhỏ cho đến trưởng thành. Có người lúc lọt lòng mẹ đã nằm trong xuồng rồi, và từ đó, mọi việc hết thảy đều lấy chiếc xuồng để đi tới đi lui, nó gắn liền như bóng với hình.

Không như bóng với hình sao được, xuồng ba lá đưa người nông dân đi làm vườn, làm ruộng, giăng lưới, câu cá, học hành, làm việc, đám tiệc, hội hè, vận chuyển hàng hóa, mua bán lưu động. Hàng xóm đến với nhau cũng bằng xuồng. Thậm chí hai nhà gần nhau vài mươi mét thôi, cũng phải lấy xuồng chèo qua.

 “Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch
Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím
Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá
Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em
Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá
Đêm trăng hai đứa mình…Hò ơ… mới thực đêm trăng”

Tôi nhớ mãi lần về quê ăn đám cưới của chị Phượng, đàn trai rước dâu bằng xuồng ba lá. Xuồng cô dâu, chú rễ đi đầu, cô dâu mặc áo dài màu hồng tươi, chú rể mặc áo dài khăn đóng, xuồng lướt chầm chậm trên sông, đẹp và lãng mạng vô cùng, theo sau là hơn hai chục chiếc xuồng ba lá của bà con hai họ, tiếng nói tiếng cười rộn rả cả vùng quê, hai bên bờ sông người ta đứng xem chật kín, con nít reo hò ầm ĩ, vui như Tết.

Dần dần, gỗ rừng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, người ta ghép nhiều mảnh ván lại, mới đóng được chiếc xuồng, cũng vẫn gọi xuồng ba lá. Công nghệ phát triển, người ta thay ván gỗ bằng các vật liệu khác như hợp kim, vật liệu hợp chất phi kim loại. Một số xuồng làm bằng vật liệu composite cũng đã được đưa vào sử dụng. Dù chiếc xuồng ba lá được làm ra bằng vật liệu gì, phương thức nào đi nữa, tác dụng của chiếc xuồng ba lá vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn kế thừa và giữ được nét đặc trưng trong sinh hoạt cũng như đời sống của người dân miền sông nước Nam bộ.

Đất nước ta ngày càng phát triển, hạ tầng cơ sở của cả nước nói chung, của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng đã mở mang nhiều tuyến đường giao thông, các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ cũng được nâng cấp mở rộng. Từ khi có chủ trương xã liền xã, ấp liền ấp, xóa cầu khỉ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền Nam nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng.

Quê tôi cũng đã thay đổi diện mạo. Dọc theo hai bờ rạch Ngã Bát, lộ bê tông rộng 5m, gần như không còn cầu khỉ nào. Nay mỗi lần về quê, tôi có thể chạy xe gắn máy hoặc đi xe bốn bánh tới nhà của chị Phượng, nhưng chị đã theo chồng về xứ khác, tuy vậy chiếc xuồng ba lá năm xưa vẫn còn nguyên và lặng lẽ dưới con rạch Ngã Bát, thỉnh thoảng chồng chành theo con sóng, như thoáng nhớ người con gái năm xưa.

Tôi thèm được ngồi trên chiếc xuồng khoác tay xuống dòng nước mát lạnh, ngắm cái dáng thon thả của chị Phượng chèo xuồng dưới bóng nắng chang chang, đôi má ửng hồng, miệng cười duyên dáng.

 Ai đến miền Tây mà chẳng thương/ Ai xa miền Tây mà chẳng nhớ.

Mỗi lần bắt gặp hình ảnh chiếc xuồng ba là trên các con kinh, con rạch, các bến đò, chợ nổi trên sông là lòng tôi lại dâng lên nỗi nhớ quê xao xuyến, hồn quê lắng động trong sâu thẳm, cho dù có đi đâu, xa bao lâu cũng không thể nào quên được chiếc xuồng ba lá quê tôi.

Ghi chú: (*) Lời của bài hát “Hương Tóc mạ non” Tác giả Thanh Sơn