Chiều sân ga, tiếng còi tàu vang lên là lòng tôi sắt lại. Nó như thúc giục tôi mau chóng lên đường vào Nam công tác. Giờ chia tay đã đến. Em tiễn tôi ra ga Hà Nội sau 4 ngày trở thành dâu nhà lính. Giây phút bịn rịn, vấn vương khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Tôi hẹn em về trong đợt phép năm sau. Em đứng đó nhìn theo con tàu Thống Nhất nhỏ dần rồi khuất sau những dãy nhà san sát.
Tôi quen em trong một lần về phép và cảm mến em từ cái nhìn đầu tiên. Em là một thôn nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, có nụ cười rạng rỡ. Nhà chúng tôi cách nhau chừng vài trăm mét, vì thế mà rất thuận lợi cho việc gặp nhau thường xuyên. Mới gặp nhau được vài lần, nhưng chúng tôi rất hợp nhau trong cách nói chuyện. Tôi nghĩ, đợt phép không còn dài, mình phải tranh thủ “cưa đổ” em ngay mới được. Sau nhiều lần hẹn hò, em đã nhận lời yêu tôi vào một đêm trăng sáng.
Hai bên gia đình đã biết chuyện tình của chúng tôi. Có lẽ, cũng chỉ vì thương con nên gia đình em đã quyết liệt phản đối không cho con gái lấy một anh bộ đội thường xuyên công tác xa nhà hơn 2000 cây số. Mẹ của em không muốn con gái cưng của mình sẽ hằng ngày phải vò võ một mình ngóng đợi tin chồng về phép. Hơn nữa, gia cảnh của tôi cũng éo le, đơn chiếc. Bố tôi mất sớm. Mẹ tôi ở một mình nuôi tôi khôn lớn. Vì thế hoàn cảnh của gia đình tôi làm sao xứng với gia đình em. Là một người phụ nữ chân chất, thật thà, mẹ tôi đã nhận ra sự khác biệt hoàn cảnh giữa hai gia đình. Bà sợ rằng cuộc sống riêng tư của con trai mình sẽ không hạnh phúc vì sự xa cách và hoàn cảnh kinh tế. Vậy là, hai bên gia đình cương quyết phản đối mối tình của chúng tôi…
Nhưng, tình yêu của chúng tôi giống như bếp lửa bị vùi, vẫn âm ỉ cháy rồi bùng lên dữ dội. Đứng trước sự ngăn cấm quyết liệt của hai bên gia đình, tôi và em càng thấy cần có nhau hơn. Sau gần 2 năm kiên trì thuyết phục gia đình, chúng tôi đã thực sự hạnh phúc khi được bố mẹ hai bên đồng ý cho kết hôn: “Nếu chúng con thương nhau thực sự thì cho phép cưới.”
Xin nghỉ phép cưới vợ, tôi khoác ba lô lên tàu tốc hành từ Nam ra Bắc. Em xuống đón tôi vào một buổi chiều sân ga Hà Nội. Chúng tôi vội vã di chuyển sang bến xe Mỹ Đình cho kịp chuyến xe cuối ngày, trở về quê hương Phú Thọ, cách Hà Nội chừng 150 cây số. Chúng tôi vui sướng sau một năm mới được gặp nhau và điều đó càng được nhân lên gấp bội khi sắp về chung một nhà. Chúng tôi tập trung vào chuẩn bị cho lễ ăn hỏi và đám cưới trong cùng một đợt phép, khiến cho thời gian trôi đi rất nhanh chóng.
*
* *
Tôi trở lại đơn vị với công việc thường ngày. Mặc dù công việc nhiều cũng không làm tôi vơi bớt nỗi nhớ về em. Tôi hướng về em, hướng về nơi hạnh phúc. Ngày ấy, công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ, không zalo, cũng chẳng facebook, tôi chỉ có thể gặp vợ mình qua giọng nói trên điện thoại. Tâm sự qua điện thoại không thỏa, chúng tôi còn viết cho nhau những cánh thư.
Em viết: “Hôm qua, nhìn anh chuẩn bị ba lô, quần áo trở vào đơn vị, cái cảm giác hụt hẫng trong em thật khó tả. Em đã gắng không để nước mắt rơi nhưng không thể! Em không thể giấu được nỗi buồn, lại càng không muốn xa anh. Vì em biết, lần này nhanh nhất cũng một năm nữa mới có thể được gặp lại anh. Một năm nữa em mới thấy được nụ cười của anh… Chỉ nghĩ thế thôi, em đã hụt hẫng vô cùng! Em thương mẹ lắm. Anh biết vì sao không? Một phần vì mẹ và em đều yêu thương anh, lo lắng cho anh, nhớ nhung anh… Hôm anh đi, tối đó em khóc, mẹ khóc. Em nghĩ rằng mình phải cứng rắn lên, nếu cứ buồn khóc mãi thì mẹ cũng cứ khóc và chẳng ai chịu ăn cơm. Mẹ thì già rồi! Hôm đó, em cứ nằm ở giường khóc sụt sùi mãi. Mẹ lại giường an ủi làm em nũng nịu lại càng khóc to hơn. Tối đó lại mất điện nữa, buồn lắm vì vắng bóng anh. Mọi hôm thì bước nào em cũng theo chân anh quấn quýt… Mẹ đã an ủi và kể chuyện cho em nghe rất nhiều, anh ạ! Nghĩ đến một năm nữa mới được gặp lại anh, em thực sự rất sợ! Có lúc em muốn anh ra quân để được nhìn thấy anh, nghe anh nói mỗi ngày… Nhưng như thế thật quá ích kỉ phải không anh? Em không thể làm mờ đi hoài bão của anh; không thể làm mất đi sự hi vọng của gia đình đối với anh và lại càng không thể làm mờ đi hình ảnh một thần tượng – người lính – trong trái tim mình…”
Những cánh thư tôi gửi về đều làm công tác tư tưởng cho em. Mong em vững vàng tâm lí khi chấp nhận là vợ bộ đội. Tôi thấy rằng, em thật sự là người dũng cảm, biết chấp nhận và hi sinh để xây dựng cho mình một cuộc sống mới.
*
* *
Thời gian lặng lẽ trôi!
Đầu năm 2011, sau hơn 5 năm công tác tại Đoàn Đặc công 429 (nay là Lữ đoàn Đặc công 429), Binh chủng Đặc công, tôi vui mừng khi biết chỉ huy đơn vị đã xét duyệt lá đơn chuyển vùng và tạo điều kiện cho tôi chuyển công tác ra một đơn vị phía Bắc, nhằm hợp lí hóa gia đình. Vài tháng sau, tôi nhận được quyết định chuyển về Đoàn Đặc công 113 (nay là Lữ đoàn Đặc công 113), Binh chủng Đặc công, cách nhà tôi chừng 120 cây số.
Tôi lên tàu ra Bắc, và khi tiếng phát thanh viên trên tàu giới thiệu về điểm dừng cuối là ga Hà Nội, lòng tôi chộn rộn vô cùng trong niềm vui khó tả. Tôi nóng lòng được ôm chặt người vợ trẻ sau những tháng ngày xa cách. Tia nắng chiều xuyên qua những khe cửa. Cái nắng cuối xuân như sưởi ấm lòng người. Tiếng tàu chạy xuỳnh xuỵch, tiếng còi réo lên qua những con phố nhỏ. Hầu hết hành khách đã chuẩn bị xong đồ đạc để xuống tàu. Đoàn tàu chuẩn bị dừng bánh ở sân ga Hà Nội, tôi cố nhìn qua cửa sổ để được trông thấy em.
Và tôi vội reo lên:
– Em đây rồi!
Vâng! Em – một nửa của tôi, thật nhỏ bé, đang lẫn giữa dòng người đông nghịt, đang đón người thân trở về. Em vẫy chào tôi với đôi bàn tay xinh xinh. Tôi vội vã xuống tàu ôm chặt lấy em trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Chúng tôi nhanh chóng di chuyển ra bến xe Mỹ Đình cho kịp chuyến xe khách cuối ngày. Trên chuyến xe ấy, tôi thủ thỉ vào tai em:
– Anh đã về và không để em một mình trên chuyến xe khách về quê nữa.
Em gục đầu vào vai tôi và ngủ tự lúc nào. Có lẽ, khi biết tin tôi ra Bắc, em đã mất ngủ biết bao đêm, và giờ là lúc em được cảm thụ niềm hạnh phúc từ hơi ấm của chồng.
Quảng Ninh, một ngày đông lạnh giá. Tôi nhớ lại kỉ niệm được em tiễn ra sân ga lúc hoàng hôn sau ngày cưới. Và cũng chiều sân ga ấy là lúc em đón tôi được chuyển công tác ra Bắc. Hai cảm xúc trái ngược của cuộc chia li và hội ngộ ấy khiến tôi nhớ mãi đến tận bây giờ…
HÀ THIỆN HÙNG/ VNQĐ