(Vanchuongphuongnam.vn) – Những cánh cò trắng phau chao đồng bay về tổ đám lá tối trời ở Gia Thuận, còn cô đi về “nhà chồng” ở Ao Dinh, căn cứ chống quân thù. Đám mục đồng hát nghêu ngao: “Trai anh hùng sánh gái thuyền quyên/ Tỉ như mai điểu gầy duyên bá tòng”.
Nhà văn Trần Bảo Định
Truyện ngắn đăng nhân kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8-3
Một.
Cô Sáu Sanh chưa dứt cơn bàng hoàng sau cái chết rất anh hùng của Huyện Thoại (1).
Bọn Pháp bắt đầu kiêng nể, đám lính Tây Ban Nha cũng bắt đầu e dè và run sợ trước những ánh mắt rực lửa của người dân bổn địa.
Trời Gò Công mất dần sự yên ả những ngày xưa!
– Sáu nầy! Con đã suy nghĩ kỹ chưa?
Má cô Sáu (2) chậm rãi hỏi đứa con gái mà bà thương nhứt nhà.
Cô Sáu im lặng!
Biết con đang bị tổn thương, một sự tổn thương đối với người mẹ từng đẻ chín đứa con, nhưng chỉ nuôi được một đứa thứ ba; mà lại là con gái, dòng họ Dương (Dương Tấn Bốn) coi như tuyệt tự. Hơn nữa, vừa mới mãn tang chồng tức thời, sao đành làm “vợ nhỏ” người khác? Buồn quấn lấy lòng cô đã giết chết tiếng cười, như mây đùn cục che lấp ánh trăng.
– Má ơi! Thủng thẳng, để rồi con sẽ tính! Có lẽ, má cô Sáu không bằng lòng cách trả lời của con.
– Con sẽ tính? Sẽ tính!?… Tính tới bao giờ?
Ngày trôi theo tiếng chim vịt kêu chiều…
Tiếng kèn Tây báo hiệu đóng cửa đồn và giới nghiêm. Từ hồi, Trung úy Paulin Vial chết hụt bởi đường gươm Huyện Thoại, hắn cảnh giác cao độ và đề phòng ở mức tối đa; hắn nghiêm cấm đám lính thuộc quyền mua bán hoặc lân la hàng quán ngoài chợ Gò Công. Cấm thì cấm vậy, chớ hắn làm sao cấm được nỗi lòng cô quạnh của người lính viễn chinh trên đất khách! Và, cũng đã có người lính viễn chinh làm ma khách ở xứ người. Riêng, tụi lính Tây Ban Nha chẳng thèm đếm xỉa gì tới cái lịnh của hắn. Về sau, tụi lính Tây Ban Nha còn ngang nhiên bắc cầu đi vô chợ và người Gò Công, thường gọi cầu đó là cầu Tây Ban Nha.
Nắm bắt tình hình lỏng lẻo của liên minh xâm lược Pháp – Tây Ban Nha, cô Sáu dùng tiền của mua chuộc đám lính mê rượu, gái, cờ bạc… hòng hạn chế cái ác của chúng đối với dân lành, mỗi lần chúng đi ruồng bố.
Những lá thơ bí mật của chị Hai (Phạm Thị Hằng), liên tiếp theo cánh buồm no gió mùa Đông Bắc xuôi Nam về Gò Công. Mỗi khi nhận thơ, cô Sáu càng hiểu thêm sự nôn nóng, hối thúc của chị mình. Trong lá thơ cuối cùng, đại ý chị bảo rằng: “… Thời giờ chẳng còn nhiều nữa, xin em đừng chần chờ mà lỡ dịp. Hoàng thượng tin em!”.
– Con sẽ tính? Tính tới bao giờ?
Má cô Sáu hỏi gặng lại con một lần nữa.
– Má ơi!…
Cô Sáu định nói: “Má ơi! Việc nước, việc nhà… việc nào cũng nặng cả. Con sợ mai nầy, người đời trách cứ “Gái tơ mấy chốc sẩy ra nạ dòng”, không giữ hai chữ “tiết hạnh” mà ham đèo bồng chuyện mây mưa”. Nhưng, má chặn họng bằng những lý lẽ như “đi guốc trong bụng” của cô.
– Xét cho cùng, theo lối suy nghĩ thường tình của thiên hạ thì con sợ cũng phải. Đằng nầy, trong tình cảnh nầy, mình không thể làm theo lối suy nghĩ thường tình của thiên hạ. Nước mất nhà tan, con đã thấy rồi đó! Máu xương hào kiệt Gò Công thấm đỏ ruộng đồng, con đã thấy rồi đó! Nếu ai ai cũng cứ khư khư giữ lấy “tiết hạnh”, khư khư giữ “trong sạch” riêng mình mà bỏ xứ đi “tị địa”, thì ai sẽ là người đánh Tây cứu nước cứu dân? Con chớ câu nệ cái tầm thường, quay lưng nghĩa lớn!
Những tiếng kẻng đồn Tây đổi gác, chẳng khác nào những nhát dao chém thẳng vào lòng dân thuộc địa. Mới đó, mà đất ba tỉnh miền Đông (3) từ độc lập, tự chủ đã chuyển thành đất thuộc Pháp. Má cô Sáu thở dài…
– Chị Hai của con là người chín chắn, rất cẩn trọng trước mọi việc làm và tuân thủ phép tắc. Mợ con vắn số mất sớm, má ngỏ lời xin phép cậu con cho má đem cháu về nuôi dưỡng. Tới mười năm sau, má mới sanh ra con. Tuy má không đẻ chị Hai, nhưng lúc nào chị Hai của con cũng coi má như là má đẻ và thường nói: “Công sanh không bằng công dưỡng”. Lời chị Hai của con yêu cầu con tái giá với Quản cơ họ Trương, là lời yêu cầu hệ trọng của Hoàng thượng. Con nhớ lấy!
Cô Sáu đắn đo: “Vận nước đang chìm trong tăm tối, thì ngay cái mạng sống của mình cũng làm sao tránh khỏi tối tăm!”.
Lòng người Gò Công sôi sục nhưng trầm tĩnh, không hoang mang trước sự thay đổi đột ngột của thời cuộc ở Nam Kỳ.
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”
Tiếng ru con văng vẳng của người mẹ ở hàng xóm, làm cô Sáu thêm cám cảnh phận mình trước sự lựa chọn: “Tình nhà, nợ nước”.
– Má… Má ơi! Má mần sao mà buồn, vậy má?
Ba Hương (4) sà vào lòng má.
Cơn mưa ngoài trời mỗi lúc một nặng hạt, hai má con bên nhau trong buổi chiều duyên hải. Cô Sáu ôm con, nhớ chồng:
“Hạt mưa rơi ướt bao hoài vọng
Chiều cũ còn vương hơi ấm xưa”
Nỗi buồn gậm nhấm cô đơn khiến sương phụ tê buốt lòng.
Đột ngột, phải nói là quá đột ngột đối với cô Sáu, khi Ba Hương thì thầm:
– Má ơi! Má sẽ tái giá, hả má?
Cô Sáu chưng hửng, chả hiểu sao mà nó biết chuyện riêng tư, thầm kín nầy!
Mưa bắt đầu nhẹ hạt, bay lất phất. Ba Hương bộc bạch:
– Ngoại nói: “Người tái giá cũng giống như lúa tái giá, nghĩa là lúa cấy lại lần sau, sau khi lúa cấy lần trước bị hư hỏng”. Phải vậy, không má? – Ngoại nói thì đúng rồi!
Tái giá là người đàn bà góa chồng, đi lấy chồng lần nữa.
Ba Hương thắc mắc:
– Vậy, đàn ông “tái giá” thì sao, hả má?
Cố nhịn cười nhưng cô Sáu vẫn tức cười, bởi câu hỏi ngớ ngẩn của con.
– Không có đàn ông tái giá, chỉ có đàn ông tục huyền. Nghĩa là nối dây đàn, dân gian thường nói: “Đàn ông góa vợ mà lấy vợ nữa”.
Cô Sáu khẽ khàng, nói rất nhỏ:
– Má sẽ tái giá với người đàn ông không thuộc loại đàn ông tục huyền (5)!
Ba Hương bẽn lẽn cười, không hiểu câu nói của má.
Thương con, cô Sáu vuốt tóc Ba Hương thả dài chấm lưng. Rồi, thầm nghĩ: “Ở tuổi mười tám, con còn khờ quá! Mai nầy, mình tái giá, con nó có hiểu cho?”.
Hai.
– Bà ăn nói sao đây, khi chúng tôi bắt tại trận ba ghe chài chở lúa của bà ở sông Rạch Tra đang trên đường tìm cách vô Gia Thuận, nơi đám phiến quân Quản Định chiếm cứ?
Tên thông ngôn dịch trật vuột câu hỏi của viên trung úy Trưởng đồn Gò Công. Cô Sáu nói tỉnh rụi:
– Tui là người chuyên mua bán lúa gạo chẳng những nổi tiếng trong vùng, mà còn nổi tiếng khắp Nam Kỳ từ hồi các ông chưa đặt chưn tới đây! Việc các ông chặn bắt ba ghe chài chở lúa của tui là việc làm hồ đồ, tui hỏi ông: “Tàu chiến của các ông muốn ra sông Vàm Cỏ thì phải theo thủy trình sông Rạch Tra. Đương nhiên, đoàn ghe chài của tui cũng vậy!”.
Viên Trung úy Paulin Vial bị động và bất ngờ trước câu trả lời chắc cứng của cô Sáu. Tên thông ngôn vừa lom khom dịch, vừa lén lút ngó trộm người đàn bà có nhan sắc mặn mà dù đã qua tuổi bốn mươi.
– Tui là người chuyên mua bán lúa gạo, thì lẽ tất nhiên “Ai mua tui bán, ai bán tui mua”. Tui cũng cần nhắc lại cho ông nhớ: “Tui là dì của hoàng thượng!”.
Không thèm chờ tên thông ngôn dịch ra tiếng Tây để thầy của nó hiểu, cô Sáu mạnh miệng phang tới:
– Phiền ông ra lịnh thả ba ghe chài chở lúa của tui. Bằng không, tui sẽ kiện vụ nầy tới chánh phủ Pháp quốc.
Chẳng biết tên thông ngôn dịch thế nào, da mặt viên trung úy chuyển màu từ đỏ khé sang xám xịt như tro rơm rạ đốt đồng.
Trận đối đầu, đầu tiên giữa cô Sáu và viên đồn trưởng đồn Gò Công coi vậy mà có hiệu quả. Lính đồn bớt ngang ngược, ít thấy cảnh chúng muốn bắt ai thì bắt, đánh đập ai thì đánh đập như hồi trước. Viên trung úy bề ngoài tỏ vẻ mềm mỏng, nhưng bề trong hắn lồ lộ cái hiểm ác. Hắn cài cắm những tên vong nô chui sâu vô hàng ngũ nghĩa quân kháng Pháp, đồng thời xây dựng mạng lưới chỉ điểm trong dân.
Gò Công chết chóc và nghẹt thở!
– Thôi, chết rồi! C…o…n… ơ…i…!
Tiếng má thảng thốt, đứt quãng.
Cô Sáu quýnh quáng, linh tính dường như có việc gì đó đã xảy ra rất tang thương. Ngọn bạch lạp trên bàn thờ chồng, lúc mờ lúc tỏ theo từng cơn gió cuối hạ đầu thu, từ biển thổi về lùa qua song cửa.
Má khóc sụt sùi!
– Chuyện gì vậy má?
Cô Sáu khụyu người, ngồi bẹp đất, khi nghe má nói lại chuyện anh út (6) của cô mang mật thơ trên đường từ Huế về Gò Công, chẳng may đã thọ nạn. Trời xui đất khiến, nghĩa quân Gò Công mất đi cái cầu nối vô cùng hệ trọng giữa vua với dân trong thế nước dầu sôi lửa bỏng. Bây giờ thì, chỉ còn lại vỏn vẹn mình cô có thể giang tay hỗ trợ tiền bạc giúp Trương tướng quân chặn đứng phong ba bão táp. Có mặt cô cận kề người anh hùng họ Trương, dân Gò Công yên bụng: “Vua tạm thời bỏ đất, nhưng không bỏ dân”. Bởi, cô là biểu tượng của sợi dây ruột rà, máu mủ bên ngoại vua Tự Đức, dù rằng trước đó (7) , vua Tự Đức đã xuống chỉ lột sạch các chức tước của Trương Định vì cái tội kháng chỉ giải binh.
– Chiều mai, con phải tiến hành việc tái giá với Trương tướng quân. Tình cảnh bây giờ, con không thể nói: “Con sẽ tính!”.
– Chưa chuẩn bị làm sao tiến hành, hả má?
Trầm ngâm một chút, cô nói tiếp:
– Con e dục tốc bất đạt, hỏng đại sự!
Má gạt nước mắt, khẩn trương nói:
– Mọi việc chị Hai con đã cẩn thận nhờ má giúp, và má đã chuẩn bị chu đáo từ rất lâu rồi!
Đêm dài, như chưa bao giờ dài hơn.
Cô Sáu, trắng đêm thức cùng di ảnh của chồng.
Côn trùng quê nhà trổi những đoản khúc tình ca, thay lời người vợ lạy chồng tha tội không giữ trọn lời thề chung thủy: “Sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách!”. Vì, việc nước trước tình nhà và có lẽ lúc nầy, chắc mình hiểu lòng em hơn lúc nào hết. Cô tỉ tê, thủ thỉ với chồng qua “hồn ma phách quế” trơ trớt thời gian trong không gian hư ảo cõi âm-dương. Hai chục mùa xuân “trổ bông tào khang”, em biết rằng em từ buổi đó đã hoàn toàn thuộc về dòng họ Dương, như hoàn toàn thuộc về cái chết. Nhưng, than ôi! Lạy mình, cho em đi về phía máu đổ, đầu rơi… nơi mà người họ Trương đang xả thân vì sơn hà xã tắc. Mình bỏ em một mình lặn hụp trong nỗi nhục giặc Tây chiếm cứ làng mạc, bắt bớ và bắn giết dân lành. Mình ơi! “Tay yếu chưn mềm”, em biết phải làm sao? Thôi thì, mình cho em làm “vợ nhỏ” người ta để giặc không đủ cớ ngăn trở một khi, em chu cấp hậu cần phục vụ Trương tướng quân và nghĩa quân đánh Tây ngay trên đất quê nhà!
Miền duyên hải, trời lâu tối mau sáng
Tiếng súng từ đồn giặc bắn vu vơ.
Ba.
Trời sáng bửng!
– Sáu à! Lo châm nước, đốt nhang cho thằng chồng bây, rồi xuống ghe đi cho sớm đi con, kẻo trễ hẹn!
Má cô Sáu hối thúc, cô Sáu trù trừ.
– Má hẹn người ta, mấy giờ?
– Má không hẹn giờ với người ta, vì biết chắc giờ nào mà hẹn! Má hẹn buổi trưa.
Như sực nhớ chuyện quan trọng chưa cho con biết, má cô Sáu nói:
– Trương nghĩa tế cũng nắm rõ sự sắp đặt của má và dường như, Trương nghĩa tế có nhận được mật chỉ của Hoàng thượng.
– Ngoại ơi, ngoại! Ngoại không đưa má của con đi tái giá, sao ngoại?
Ba Hương hóng chuyện, thiệt tình hỏi ngoại.
– Không đâu, con!
“Nói vậy, chắc là con nhỏ không dễ gì hiểu”. Má cô Sáu tự nghĩ. Rồi, bà biểu cháu ngoại lên nhà trên đốt nhang lạy ba cho phép má đi tái giá và cũng có nghĩa, con vui khi tiễn má bước đi bước nữa.
– Ông cố ngoại hồi xưa dạy: “Trai lấy vợ gọi là thú, gái lấy chồng gọi là giá. Ba má cưới vợ gả chồng cho con một lần. Tái giá mà ông bà mình hay nói: “Rổ rá cạp lại” thì ba má không tham gia.
– Vậy, ngoại không đưa má của con đi tái giá?
– Phải rồi, con!
Nắng Gò Công trải mượt mà lên từng hàng cau, mùi mắm tôm chà mang hồn cốt đất quê đậm tình xứ sở. Bất giác, lòng cô Sáu lâng lâng niềm cảm hoài khi nghĩ tới cái chết “trang tuấn kiệt Huyện Thoại”, giữa lúc đại sự đang còn bộn bề, dang dở. Cô Sáu lẳng lặng mời má vô buồng, nói nhỏ:
– Từ giờ phút nầy, con xin phép má cho con được quyền không làm theo sự sắp đặt của má!
Má cô Sáu im lặng, nghe con giãi bày.
– Biết đâu sự sắp đặt của má từ lâu đã rò rỉ ra ngoài. Và, có gì đảm bảo rằng kẻ ăn người ở trong nhà không có kẻ bán lương tâm cho giặc? Ngay trong hàng ngũ nghĩa quân, có chắc chi không có kẻ phản bội? Giặc dùng tiền tình, chức tước… cám dỗ và mua chuộc hạng người thường “ăn ở hai lòng”.
Cô Sáu nhấn mạnh:
– Mấy tháng trở lại đây, từ lúc hòa ước Nhâm Tuất (1862) ký kết, có một số người trở cờ công khai hoặc âm thầm theo giặc.
Má cô Sáu tỏ ý tán đồng.
Cô Sáu nói tiếp:
– Việc anh Út Thuận (Phạm Đăng Thuận) thi hành nhiệm vụ “giao mật chỉ của Hoàng thượng cho Quản Định” và rồi, chết đột ngột trên đường vô Nam, đầy nghi vấn. Mật chỉ của Hoàng thượng đã lọt vào tay ai? Chắc gì trong hàng ngũ quan lại, không có kẻ rấp tâm phản phúc?!
Má cô Sáu buồn xo. Má nghe con mình nói có lý:
“Dò sông dò biển dễ dò
Mấy ai lấy thước mà đo dạ người”
Khói nhang vật vờ bay theo gió lòn qua song cửa.
– Má con mình đều nằm trong tầm ngắm của viên Trung úy Paulin Vial, nó chưa chạm vì cái “thẻ bài” hoàng gia ngoại thích của má con mình; chớ lũ đi cướp đất nước người thì có gì mà nó không dám!
– Sáu! Con hãy làm những gì con đã định liệu. Má tin con! Má hoàn toàn tin con!
Nắng gác vai! (8)
Cô Sáu ngồi ghe tam bản len lỏi theo rạch Gò Công, rồi bất thình lình cho ghe dừng lại cặp bờ, cô đi bộ về hướng Ao Dinh (9) nơi mà cô đã mật ước với Trương tướng quân.
Bầu trời xanh chiều!
Những cánh cò trắng phau chao đồng bay về tổ đám lá tối trời ở Gia Thuận, còn cô đi về “nhà chồng” ở Ao Dinh, căn cứ chống quân thù. Đám mục đồng hát nghêu ngao:
“Trai anh hùng sánh gái thuyền quyên
Tỉ như mai điểu gầy duyên bá tòng” (10)
như thay lời chúc mừng “Loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp!”.
Bước chưn cô Sáu bước nhanh hơn và hình như, cô vừa bước vừa mỉm cười:
– Chiều tái giá!
T.B.Đ
—
1. Huyện Thoại tên thật là Đỗ Trình Thoại, đêm 21 rạng 22 tháng 6 năm 1861 (Tân Dậu) ông hy sinh khi chỉ huy nghĩa binh tấn công đồn Gò Công.
2. Bà Phạm Thị Phụng là em gái ông Phạm Đăng Hưng, là cô ruột của bà Phạm Thị Hằng tức thái hậu Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức.
3. Hòa ước Nhâm Tuất được ký ngày 5.6.1862 tại Sài Gòn, giữa đại diện triều Nguyễn (vua Tự Đức) là Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Lâm Duy Hiệp với đại diện của Pháp là Thiếu tướng Bonard và đại diện của Tây Ban Nha là Đại tá Don Carlos Palanca Guttiere. Vua Tự Đức nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (trong đó có Gò Công) cho Pháp.
4. Út Hương tức Dương Thị Hương (sinh năm 1844) là con gái Dương Tấn Bổn – Trần Thị Sanh.
5. Trương Định có vợ Lê Thị Thưởng, con gái của bá hộ Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông). Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, bà vâng lời chồng về nương náu ở quê chồng xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, bà được chu cấp ruộng đất, hưởng lộc triều đình (theo Thực Lục, tập tám, các trang 81-82, 283, 461).
6. Phạm Đăng Thuật (em út của bà Từ Dụ – Phạm Thị Hằng) là chồng công chúa Vĩnh Trinh, tức phò mã vua Minh Mạng. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, bản dịch tập ba, Nxb Thuận Hóa, 2006, trang 181: Qui Đức Công chúa Vĩnh Trinh (1823-1892) “Năm thứ 14 (1861), Nam Châu có động, Thuật (tức Phạm Đăng Thuật) dâng mật chiếu đi Gia Định phóng sát, chết trong khi làm công việc”.
7. Tháng 7 năm 1862.
8. Nắng chuẩn bị xế chiều.
9. Ao Dinh cũng là nơi Trương Định tuẫn tiết rạng sáng ngày 20.8.1864 (nay thuộc ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
10. Tỉ như (giống như, cũng như). Điểu (con chim), bá tòng là những hình ảnh thường dùng trong thơ văn cổ.