Chim không báo điềm lành – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

561

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong suy nghĩ, với Hoa mẹ bao giờ cũng là người đi bên cạnh để cho những tình cảm sự ấm áp, tin cậy. Còn ba giản đơn chỉ một bàn tay chìa ra vẫy vẫy đã giúp bản thân vững tin tiến về phía trước. Với Hoa ba là người đàn ông mà không có người đàn ông nào thay thế được.

Nhà văn Võ Văn Trường 

Ngồi bưng ly trà vừa pha, ông Bá gọi bà Lan. Sao hôm nay bụng dạ cứ nóng cồn cào, mỗi khi thế này…

– Sáng nay bà đã nghe gì chưa.

– Mấy con chim lợn ở đâu bay về chí cha chí chóe như báo điềm gì.

Bà Lan ngồi bệt xuống đất, thở dài thườn thượt.

– Con Hoa bên ấy, sao mà thân nó khổ thế. Rồi bà lại nhớ ngày đưa dâu. Đám cưới Lan không đình đám nhưng cũng được cái ấm cúng, nhộn nhịp. Rước dâu, hai họ trai gái cả mấy chục người. Áo dài xanh đỏ, dù lọng che sáng rực trên đồng làng cứ như một bức tranh quê.

Trời nhá nhem tối, có tiếng gõ cửa. Thôi đúng rồi con Hoa đây mà. Bà Lan nói như đã biết trước đó. Vào nhà đi con.

Tự lúc nào ông Bá đã nhổm dậy, mở thêm cánh cửa số, ngồi xếp bằng trên bộ ván gỗ, châm điếu thuốc, nhìn ra. Từng sợi khói bay lên, xoắn lại rồi tan ra theo làn gió từ ngoài sân thổi vào. Trời không nóng nhưng ông nghe bức bối, hết điếu thuốc lại khẽ khàng thả mình xuống bộ ván. Tiếng bà Lan vẫn tỉ tê khi to khi nhỏ.

– Gì thì gì sáng mai con phải về nhà chồng thôi. Đời con gái, nợ duyên mười hai bến nước. Sao nói dứt ra là dứt được con ơi. Thằng Bảo nó vẫn thương con, vợ chồng ông Sui cũng đâu đến nỗi nào…

– Thôi thì hôm nào bức bối cứ sang với ba mẹ… rồi lại nhà.

– Nghe đến đây ông Bá ngồi bật dậy. Bà nó nói phải lắm. Con Hoa, cứ ở nhà ba mẹ năm, ba bữa rồi về cũng chẳng sao. Mai ba sang nhà nói với lão Sui một tiếng. Nghe tiếng ba, Hoa chợt thấy lòng nghẹn lại. Im lặng một hồi, Hoa cất giọng khẽ khàng.

– Con lại làm khổ ba mẹ rồi.

– Ba không phải sang đâu, mai con lại nhà.

Ông Bá nghe miệng mình đắng ngắt, bụng lại nhoi nhói đau. Chắc là cái bệnh dạ dày, gặp phải thuốc lá đây mà. Thương con Hoa, cả đời binh nghiệp, tuổi về chiều, ông đến với bà Lan cũng là cái duyên cái số, có được mụn con, bao nhiều tình thương ông dành cả cho nó. Chừ nó đau một ông đau mười. Có ai hiểu hết nỗi lòng người cha như ông đâu.

Ông Bá lại tự an ủi, cũng khối đồng đội, đồng chí của ông nằm lại khắp các chiến trường, có đứa vẫn không dòng dịa chỉ.

Vợ chồng ông, tuổi về chiều, tuy cuộc sống đạm bạc nhưng cũng đâu đến nỗi nào. Tiền lương hưu của ông cũng tạm đủ trang trải các khoản phí điện, nước… rồi những thứ lặt vặt hằng ngày. Còn cái ăn, hơn sào ruộng ông bà chăm bẳm, sớm hôm phân bả, cỏ rác kỹ càng nên vụ nào cũng được mùa, gạo thóc coi như đủ, khỏi phải cầm tiền ra chợ. Chuyện trò lối xóm ông bà thường bảo, bây chừ rỗi rải, không có việc gì làm chân tay cứ như thừa ra. Khoảnh vườn quanh ngôi nhà cấp bốn rộng hơn năm chục mét vuông lúc nào cũng xanh ngát, rau muống cạn, rau thìa là, rau lang, rau cải, mồng tơi… Riêng cây ăn quả độc đinh cây mít thuở thời chiến tranh còn sót lại. Thế mà sai trái đáo để. Trái ra như để trả ơn người.

Còn với con Hoa, nghĩ mà thương. Đêm cuối cùng Hoa về nhà ba mẹ, rồi tiếp đó là bao biến cố đến với con bé. Giá mà việc gì nặng nhọc ông ghé vào đỡ cho nó, đằng này… Hồi chiến trận ông từng lấy lưng đỡ đạn cho một đồng đội bị thương khi lọt vào ổ phục kích của địch. Lần đó viên đạn xuyên bả vai, chừ mỗi lần trở trời vẫn nghe buốt nhức. Ông nghĩ dại, nếu đánh đổi ông phải chết để con bé hạnh phúc ông cũng vui vẻ làm ngay.

Ba người không ai nói với ai câu gì trong đêm tối. Khoảng trống lặng lẽ ấy hình như đang kéo dài ra. Sợ chồng xúc động lại lên cơn khó thở, bà Lan, thẽ thọt.

– Sao ông lặng thinh lâu thế.

– Không sao mà ông.

– Nó nhớ ông và tôi nên về thăm đó thôi. Nhà đơn người, qua qua lại lại mà hay ông ạ!

Bên bộ ván gỗ ông Bá vẫn thinh lặng. Đêm yên ắng, tiếng mọt gỗ nghiến trèo rẹo trên phía kèo nhà nghe rõ mồm một. Tiếng con thạch sùng tặc lưỡi nghe như đang nhấm vào màn đêm sóng sánh câm đặc trong căn nhà.

Nằm bên mẹ sao Hoa thấy lòng bình yên đến lạ. Ước gì, cứ mãi thế này. Nhắm mắt vờ như đã ngủ, Hoa nhớ lại ngày đến với Bảo. Bảo ở làng bên, con một đồng đội của ba, bận mùa đổi công, anh không ngần ngại, đánh trâu cày luôn mấy thửa bên làng Hoa. Ngày bỏ cây rơm, bữa rượu quê với mấy con lóc nướng ba cùng ông Tám làng bên ngồi với nhau nghe chừng hợp ý lắm.

– Hay tôi với ông làm sui với nhau.

– Hai đứa nó tôi thấy cũng rất mến nhau.

– Được thế gì bằng.

Nhìn sang Bảo, Hoa thấy trong ánh mắt anh ánh lên niềm vui, sự chan chứa yêu thương, dành cho mình. Từ hôm ấy Bảo qua lại nhiều hơn, chủ yếu giúp những công việc lặt vặt đồng áng…Bảo lại có nghề chạy xe, hết ngày mùa, rỗi cái là anh nhận cầm lái chiếc 20 chỗ cho một doanh nghiệp tư nhân. Xe khách nhưng chủ yếu là bỏ hàng đường dài… trai làng những người như Bảo lúc đó hiếm lắm.

Điều lạ hôm rước dâu, ngày vui của Hoa và Bảo, sáng sớm ấy, không hiểu sao mấy con chim lợn từ đâu bay về đậu trên ngọn mít, đuổi nhau rồi thả những kêu như điềm báo.

*

Chồng đi vắng dài ngày với những chuyến hàng xuôi ngược Bắc – Nam, cuộc sống hằng ngày với Hoa khá nặng nề. Cứ đi đâu, tối ngày đồng áng, chứ về lại nhà chả mấy khi “cơm lành canh ngọt”. Vợ ông Tám tuổi cao, hơn năm lại đây ốm nhì nhằng, người rạc ra, xương với da. Chuyện vợ chồng già đầu ấp tay gối trở nên xa lạ. Ông Tám lại đổ chứng nghiện rượu, từ bưng bửng sáng đã chế một ly hạt mít, trưa ly mắt trâu, mắt voi, tối thì đứ đừ đến khi về đến ngõ đã chân nam chân chiêu, đá loạn tùng phèo. Ông có nỗi niềm của ông. Ai bảo con cái chẳng sinh cho ông đứa cháu nối dõi tông đường. Phụ nữ không con như cây độc còn gì.

Không thể đợi cơm mãi, Hoa và bà Tám thường dùng cơm trước. Có hôm đang cơm ông Tám về, bà Tám lùa vội miếng cơm đang dở, tránh ông đi vào nằm ở chiếc chõng tre góc nhà. Còn lại Hoa thế là phải chịu trận tất. Hôm bà Tám lên trạm xá khám, nghe bà nhắn lại chị hàng xóm phải nằm hai hôm để truyền bình đạm, sức khỏe xuống quá. Khi bà Tám về không biết Hoa khóc lúc nào đã sưng bụp cả hai mắt. Ông Tám vẫn lại điệp khúc, chân nam đá chân chiêu, đến ngõ đã sóng soài. Lạ là lần này ông chẳng nói chẳng rằng, không la lối, phiền hà như những lần đi uống rượu về. Linh cảm đàn bà như mách bà Tám điều mà bà đã ngằn ngoặt hỏi Hoa nhưng cô chỉ khóc và im lặng. Cũng may sao mấy hôm sau Bảo thôi chạy xe trở về lúc mùa vụ bắt đầu.

Cuộc sống cứ trôi. Ngày Hoa mang bầu, cả nhà ai cũng mừng, nhất là Bảo, rồi ông Tám, bà Tám…

Ông Bá bà Lan lại lỉnh khỉnh túi gói, cặp gà, chục trứng, sọt khoai… nói thăm sui gia nhưng cũng để cái Hoa tẩm bổ, khi mang bầu bì. Niềm vui cứ thế nhân lên khi biết, tới đây một thằng cu con nối dõi tông đường cho nhà trai sẽ ra đời. Ông bà cũng đùng cái lên chức ông bà ngoại – điều mà ông bà vẫn trông đợi bấy nay.

*

Hôm Bảo lên thị xã nghe đâu anh bảo với vợ, sắm sanh ít quần áo cho đứa nhỏ, tối mịt anh mới về. Quần áo cho đứa nhỏ chẳng thấy đâu, chỉ thấy anh ngất ngưởng say chí tử. Hỏi gì cũng bảo gặp đám bạn, nó chúc mừng, không uống cũng chẳng được, nên lỡ cả việc mua quần áo cho con. Điều ấy Hoa không lấy làm lạ, bởi đàn ông sao tránh khỏi lúc chén anh chén chú… quá đà say xỉn. Cái lạ là Bảo đối xử với vợ khác hẳn những ngày trước khi lên thị xã. Có điều gì đó không bình thường. Hoa đâm lo lắng nhưng đành dấu nhẹm trong lòng, chỉ đến hôm Bảo đưa tờ giấy có dấu xác nhận ở một cơ sở y tế, khẳng định anh không có khả năng sinh con, làm Hoa chới với.

Trước cơn thịnh nộ của Bảo, Hoa chỉ mỗi câu, em chưa làm điều gì có lỗi với anh. Có ba mẹ anh đây làm chứng, em thề vậy. Lời qua tiếng lại đứa bé tỉnh ngủ, chợt òa khóc, Hoa bế lấy dỗ dành, thì Bảo giằng lấy.

– Bây giờ cô nói thật đi, nó là con đứa nào.

– Nếu cô nói thật tôi còn để nó sống bằng không. Hai tay Bảo xốc đứa bé lên, định chừng như muốn ném ngay xuống nền nhà. Chưa kịp định hồn, ông Tám ở đâu xuất hiện ngay trước mặt Bảo hét to.

– Thằng kia. Mày không được làm thế.

– Tôi là chồng nó mà tôi không thể có con, thì nó là con ai.

– Nhìn ánh mắt Bảo hằn lên sự tức tối, có thể ăn tươi nuốt sống ai đó… nếu có thể. Biết Bảo có thể làm tất những điều gì, có thể rất đáng sợ trong lúc này nếu không có ai đó ngăn lại.

– Thằng thất đức.

– Nó là con tao đấy…

– Thật quá bất ngờ, khi tiếng nói ấy lại phát ra từ chính miệng ông Tám.

Hoa sững cả người, miệng cứ như bị ai dán chặt bằng mấy miếng băng keo. Nhìn qua Bảo, Hoa thấy gương mặt chồng đã như chết lặng. Ông Tám áp sát Bảo, đỡ lấy đứa bé. Chẳng hiểu sao, thằng bé cũng nín lặng thin thít tự bao giờ.

– Ngay đêm đó Bảo bỏ nhà ra đi.

Một ý nghĩ dại dột chợt đến. Hoa trấn tĩnh ngay. Không thể. Hình ảnh người cha già tóc bạc, vết thương cuộc chiến vẫn buốt nhói mỗi khi trái gió trở trời.

Hoa lại nhớ về những ngày còn thơ. Không biết có lẽ do ba mẹ có mỗi Hoa nên việc hòa đồng chơi với chúng bạn cũng hạn chế hơn. Các cuộc vui chơi của Hoa với chúng bạn khi rảnh rỗi hay dịp nghỉ hè thường bao giờ cũng có ba đi kèm. Những trò chơi mà Hoa vẫn thích thú đến giờ đó là cùng đám trẻ trâu thả diều trên những chân ruộng sau vụ giặt, tập cưỡi trâu băng qua kênh nước, rồi bắt cào cào, châu chấu thành xâu dài về cho ông Bảy nuôi sáo đầu xóm chỉ để lấy số tiền đủ mấy cây kem. Mặc cho con gái tự do vui đùa thỏa thích, ông Bá chỉ từ xa quan sát, nhắc nhở cứ y như là một tổng quản yêu chiều dễ tính trong các câu chuyện mà Hoa đã đọc.

Tham gia vào các trò chơi của đám bạn khi có ba, Hoa cảm thấy tự tin lắm. Hình bóng người ba thân thương cứ khắc sâu vào tâm hồn của Hoa cả khi tuổi đã thành thiếu nữ, rồi những đêm mơ. Đó là hình bóng của ba khi ông dắt Hoa lội qua rãnh nước, ông lao vào lùm cây bụi đầy gai để lấy con diều chẳng may rơi rơi, hay lúc nhanh tay đỡ Hoa suýt nhào xuống mương khi chú nghé trâu trững giỡn…

Năm cấp hai, khi Hoa có bạn trai hay cùng chung nhau câu chuyện học tập, có lần ngồi bên ba, Hoa nghe như nuốt từng lời ông tâm sự : “Rất khó để có thể tìm một người đàn ông yêu thương con như ba nhưng con vẫn cần một người yêu con hơn hẳn những người khác, giống như con luôn là một phần quan trọng trong đời ba vậy. Có một điều con cần phải nhớ, cách bạn trai con đối xử với mẹ mình có thể sẽ là cách cậu ấy đối xử với con trong tương lai”.

Trong suy nghĩ, với Hoa mẹ bao giờ cũng là người đi bên cạnh để cho những tình cảm sự ấm áp, tin cậy. Còn ba giản đơn chỉ một bàn tay chìa ra vẫy vẫy đã giúp bản thân vững tin tiến về phía trước. Với Hoa ba là người đàn ông mà không có người đàn ông nào thay thế được.

Từ khi lấy chồng, hôm nào về nhà, ông Bá thường hỏi, “con Hoa thích ăn gì ba nấu”. Những lúc đó Hoa cảm nhận rõ nhất tình thương yêu của đấng sinh thành dành cho con gái. Còn với mẹ Hoa không sao quên, “Không ai khổ đời khổ kiếp con ạ, sông có khúc người có lúc…”. Nghĩ đến đó, nước mắt Hoa lại chảy giàn gụa mặt, mũi.

Hôm sau Hoa lại bế con về ngoại.

*

Cái tin ông Tám mất quả rất đột ngột. Ông trúng phải cơn gió độc sau khi quá chén ở ngay sân nhà mình. Bỏ buổi ra đồng, cỏ rác mảnh ruộng, ông Bá bà Lan quay vào nhà sửa sang để qua nhà sui gia lễ lạt cho phải phép. Ông Bá bảo, con Hoa bế đứa bé đi cùng. Theo lời ba, Hoa lẳng lặng bế đứa bé bước theo sau như một phản xạ. Hoa không biết dùng lời lẽ nào để kể lại sự tình đã xảy ra.

Bất ngờ ông Bá quay lại choàng tay ôm hai vai con gái, rồi khẽ khàng.

– Chẳng cần con phải nói điều gì đâu.

– Ba biết cả mọi chuyện rồi, con cứ về ở hẳn với bố mẹ. Thằng cu đây con ai đi nữa thì nó cũng là cháu ngoại của ông bà cơ mà. Còn bây giờ cả nhà ta cùng qua thắp hương cho ông Tám.

– Nghĩa tử là nghĩa tận.

– Ngày xưa ông ấy còn là đồng đội của ba cơ đấy. Lúc đó Hoa mới thấy lòng mình nhẹ bớt nỗi âu lo.

Hoa muốn nói điều gì đó với ba như ngày còn bé, nhưng nghe cổ họng mình nghẹn lại. Giữa cái nắng ban mai, tiếng chim hót trên cánh đồng nghe trong lành quá, khác hẳn cái lũ chim lợn thi thoảng lại bay về thả những tiếng kêu toàn báo điềm gở.

Đồng Nghệ mùa trọng hạ 2020 

V.V.T