(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong màu sương khói chị thấy anh về: Anh cứ ôm lấy chị mà khóc và xin lỗi vì bao nhiêu năm ở gần nhau mà anh thờ ơ với chị. Khi phải đi bội đội anh mới biết thương yêu chị thì…
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Nhân duyên anh chị thành vợ chồng là do: “Đổi trâu lấy bò”. Ngày đón dâu về cho anh trai, chị cũng theo đằng gái về làm vợ anh bên này. Nhà chồng chỉ có bà mẹ, còn ông bố đã mất bảy tám năm nay. Đêm tân hôn mẹ chồng sắp xếp chị nằm chung giường với chồng, nhưng anh chồng mới mười tuổi mếu máo dứt khoát không chịu ngủ xa mẹ. Bà đành nghĩ ra cách cho hai đứa qua nằm chung giường nhưng nằm cạnh nhau. Anh chồng vẫn giãy đành đạch không chịu. Rốt cuộc phải dàn xếp mỗi người nằm một bên, còn bà nằm giữa là tấm chắn giữa hai người.
Với tuổi mười bốn, đang dậy thì nhìn chị đã ra vẻ một cô gái, nước da mơn mởn, hai bên ngực đã nhu nhú như hai quả ổi to. Đêm đầu lạ nhà, lạ hơi chị trằn trọc mãi nhưng đang tuổi ăn, tuổi ngủ nên thao thức chốc lát chị cũng ngủ khì. Sáng dậy mẹ chồng đã cơm nước xong, thấy bà đang quét sân. Chị chạy ra khoanh tay thưa:
– U ơi! U bên con bảo sáng dậy là nấu cơm, quét sân ạ!
Mẹ chồng như chợt tỉnh, à à… gật gật đầu đưa chổi cho chị. Bà leo lên bậc thềm gạch, lôi ô trầu ra têm, ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Bà nhỏ nhẹ:
– Từ nay con là con của nhà này, thằng San nó còn nhỏ, trăm việc chỉ có mẹ và con thôi.
Mỗi lần phải ra khỏi nhà có chuyện gì, là y rằng tụi trẻ con chạy theo trêu: “ Lêu lêu lêu … hai vợ chồng, chống vợ hai, lấy cái gai, cài mái tóc…” chị đỏ mặt cắm cúi đi, cũng chả thèm trả lời chúng nó làm chi. Trêu mãi rồi chúng cũng chán, lâu rồi chả thấy đứa nào lêu lêu… nữa.
Khổ nhất là anh chồng trẻ con còn ham chơi. Sáng đi học về, cơm nước xong là đi. Hết tắm mương, lại đánh đáo, đánh khăng… Có hôm tối chả thấy mò về. Bà bắt chị đi tìm, gọi tên thì chả dám, vì sợ tụi trẻ con cùng lứa trêu. Cứ lầm lũi đi hết ngõ này tới nhà kia. Đến khi gặp mặt rồi, chạy lại quát:
– U bảo về ăn cơm!
Anh chồng cũng chẳng nói chẳng rằng, lùi lũi ra về. Trên đường đi chả ai thèm nói với ai lời nào. Về đến nhà, bà mẹ bắt chồng nằm lên cái chõng tre hạch tội. Khi bà quất những cái roi vào đít, anh chồng nhảy nhổm lên vì đau, miệng mếu máo. Chị đứng nhìn bụm miệng cười, hình như những cái roi của bà cũng xoa bớt nỗi bực mình của chị về tính ham chơi và trẻ con của chồng.
Đôi khi được về thăm mẹ đẻ, chị giãy nảy nói với mẹ là không thèm qua ở bên đó nữa. Bà xoa đầu mắng yêu:
– Tiên sư bố cô! Bên này đã bắt chị người ta, mày bỏ về không có người làm; họ qua đòi chị dâu mày thì anh mày mất vợ à?
Nhà có hai anh em, bố chị chết đã lâu. Chị thương anh trai lắm, cái gì anh cũng lo và chiều chuộng em gái. Bây giờ mà bỏ về với mẹ không khéo anh mình mất vợ thật. Thôi thây kệ vì hai nhà chung xóm cách nhau chừng hơn trăm mét, có nhớ u tối lại xin phép mẹ chồng tranh thủ chạy qua.
Học hết cấp hai, chồng chị cũng phổng phao ra dáng chàng thanh niên bảnh trai. Ngặt một nỗi, tuy chung nhà nhưng ngủ chung giường anh chồng vẫn không chịu. Chẳng hiểu vì xấu hổ, hay là chê chị lớn tuổi hơn. Đang cái tuổi mười chín đôi mươi, thời vàng son của người con gái. Đôi lúc chị cũng tủi thân, khóc một mình. Như hiểu được những ý nghĩ của con dâu, đêm nằm bà mẹ chồng thủ thỉ an ủi:
– Cứ để từ từ rồi u nói, nó sẽ nghe thôi mà.
Nhân có đợt tuyển công nhân làm mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh; anh đăng ký đi. Ngày chia tay chị đạp xe đưa chồng ra tận bến xe. Trên đường đi năm cây số, cả hai cứ im như thóc chẳng hề nói với nhau lời nào. Đợi tới lúc xe chuyển bánh, chị mới nhét vội mấy đồng bạc dành dụm bấy lâu nay vào tay chồng.
Anh đi chưa được một năm. Chiến tranh đã lan tràn, Mỹ ném bom tới Hà Nội, Hải Phòng… Lệnh tổng động viên. Thế là anh phải nhập ngũ. Trước khi đi Bê anh được bảy ngày nghỉ phép. Có lẽ bây giờ anh mới thấm thía tình nghĩa vợ chồng. Anh đã chịu ngủ chung giường và còn tỏ ra có những cử chỉ rất âu yếm. Chị hồ hởi mát lòng mát dạ. Hai người cứ cầu mong sao được đứa con trai… nếu anh có bề gì.
Ngày nào chị cũng nghe đài, báo quân ta đang thắng to ở cứ điểm Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị. Mẹ chồng nghe đài, đêm đêm cứ thì thà thì thụp chẳng ngủ. Bà ngồi nhai trầu vặt, thở dài nói với con dâu: “Nói quân Mỹ chết nhiều, chả thấy nói chết chóc bên ta. Nó nhiều bom đạn như thế, chắc bên mình chết không ít đâu con”. Bà chắp tay miệng lầm rầm: “Nam mô a di đà Phật…!”
Một đêm đang ngủ, sau một ngày làm việc mệt nhọc. Chị nghe tiếng gõ cửa, và giọng quen quen:
– U ơi mở cửa!
Khêu ngọn đèn dầu to lên; chị kéo chốt cửa. Sững sờ chẳng nói nên lời, chị đánh rơi cả cây đèn. Mừng mừng tủi tủi, chị ôm chặt lấy anh. Đưa tay lên miệng anh ra dấu, bảo chị đóng cửa lại. Nhìn anh bây giờ người hốc hác gày guộc, tóc tai thì bù xù. Theo như anh kể, đơn vị anh bị điều vào bao vây căn cứ Khe Sanh. Mỹ thả bom phá, bom na pan, bắn pháo bầy… đủ các loại suốt ngày đêm. Nhiều khu rừng trơ trụi cháy đen thui, chẳng còn lấy một cành lá xanh nữa. Nhân một chuyến cáng thương binh ra tuyến sau, anh đã bỏ trốn. Lặn lội hơn nửa tháng mới về tới nhà. Anh yêu cầu gia đình, giữ bí mật một thời gian để anh dưỡng sức và điều quan trọng là phải có đứa con, rồi anh mới ra huyện đội trình diện.
Suốt ngày anh cứ nằm tịt trong buồng. Cơm tới bữa vợ bưng vào, đợi đêm đến mới dám ra ngoài tắm rửa. Quần áo chị giặt giũ xong cũng phải đem vào phơi trong buồng, ai mà chả biết nhà này không có đàn ông.
Giữ bí mật như thế, vậy mà mới hơn một tháng. Nửa đêm nghe tiếng gõ cửa. Cửa vừa mở thấy lão xã đội trưởng dẫn mấy dân quân, ai nấy súng kè kè trên tay. Anh ta thông báo cho gia đình biết, có giấy đơn vị báo là anh nhà đây đã bỏ ngũ. Đề nghị anh ra nói chuyện, bằng không họ sẽ khám xét nhà. Không có tiếng trả lời, vì anh đã chui vào cái hòm đựng thóc. Chị đứng ngoài run lập cập, nhìn theo ánh đèn pin cứ loa lóa trong buồng. Hết lia dưới gầm giường lại rọi vào từng ngóc ngách. Lão xã đội trưởng làu bàu: “ Cơ sở báo chắc chắn mà sao không thấy?” Cuối cùng lão nắm bàn tay gõ gõ vào cạnh hòm thóc, nghe tiếng kêu, biết hòm rỗng. Lão hét:
– Các đồng chí, lật nắp hòm soi kỹ vào!
Anh sợ quá nép mình vào góc hòm; khi nghe tiếng reo:
– Đây rồi! Ra đi đồng chí Bê quay.
Thế là chồng chị phải vào trại thu dung; nói cho có văn vẻ chứ thực tế là đi học tập cải tạo.
Gần nửa tháng mới nhận được thư, chị cơm đùm cơm nắm lên thăm anh. Cả đêm trước hai mẹ con làm thịt con gà mái; hì hục làm ruốc mặn đem cho anh ăn dần. Chị đạp xe gần nửa ngày mới tới cái làng ở dưới chân một ngọn đèo. Gặp mặt chị chỉ biết ôm chồng khóc vì tủi, và cũng mừng là chị đã có thai. Anh cũng chỉ biết an ủi và căn dặn chị cố gắng thay anh phụng dưỡng mẹ già và nhớ nuôi con ăn học đàng hoàng.
Được ba tháng anh phải viết đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu. Vì theo thư anh kể:
“Nhục lắm em ạ, sáng nào cũng tập thể dục chạy quanh làng miệng phải hô to theo nhịp chạy: Mốt, hai, mốt… Cứ như chúng tôi là mất nước. Mốt, hai, mốt…”.
Không như lời anh ước nguyện; chị sinh được cô con gái kháu khỉnh. Nó rất giống cha, nghe người ta bảo, con giống cha là vợ thương chồng nhiều. Chính chị tự hiểu nếu không thương chồn, làm sao bao nhiêu năm anh chê chị như thế mà chị vẫn làm tròn bổn phận người vợ.
Đằng đẵng mấy năm trời, cái ngày nhận được tin chồng là tờ giấy báo tử. Vỏn vẹn có mấy chữ: “Hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam”. Chị chết lặng người chỉ biết ôm mẹ chồng và con khóc lóc. Ngửa mặt lên trời chị gào lên:
-Trời ơi sao tôi bạc phúc thế này!
Nhà cửa không có tay đàn ông nó cũng khác ngay; dù đó là người đàn bà giỏi giang. Nhà người ta xây cất tường gạch, mái ngói; chứ chị cố lắm cũng chỉ lợp được mái ngói còn tường vẫn bằng đất nện. Mẹ chồng thì cứ an ủi: “ Kệ người ta con ạ, có mái nhà trú mưa gió là quý rồi”. Tuổi bà mỗi ngày một cao, nên lắm bệnh mãn tính, khi trở trời cứ ho khù khụ, khổ nhất là hai khớp gối lại cứ hay sưng, đi đứng chẳng được. Tắm giặt, vệ sinh, cơm nước gì cũng chỉ một tay chị. Đôi khi con cứ xoắn xít hỏi: “Sao lâu quá bố không về?” Chị chỉ biết ôm con mà khóc. Mùa vải đến nghe tiếng chim tu hú gọi bầy mà chị nẫu từng khúc ruột.
Đôi lần có những người đàn ông gãy gánh đánh tiếng; vì chị còn quá trẻ. Mẹ chồng hối thúc đi bước nữa, chị đều lắc đầu từ chối. Lòng dạ nào mà chị bỏ mẹ chồng đau ốm dặt dẹo và đứa con thơ đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Một điều lo lắng nhất là không biết xác thân anh nằm nơi đâu; để chị đem hài cốt về quê nhà.
Bên nhà mẹ đẻ chị cũng lại nhận được giấy báo tử anh trai. Hai người đàn bà do đổi trâu lấy bò hết chiến tranh, đầu ai cũng phải chít khăn tang.
Vật vã với bệnh tật do tuổi già sức yếu, bà mẹ chồng cũng ra đi. Lời trăng trối cuối cùng của bà: “Cố gắng tìm được xác anh đem về quê”. Vò võ hai mẹ con chị trong ngôi nhà trống rỗng. Mấy năm nhờ cởi mở giao khoán sản phẩm về cho người dân, phần cố gắng chăn nuôi thêm lợn gà, chị cũng dành dụm được ít tiền. Nghe nói đâu có nhiều người tìm được xác thân nhân cũng nhờ các nhà ngoại cảm.
Chị lặn lội tìm được nhà ngoại cảm có tiếng. Sau khi thầy ngoại cảm đã vẽ sơ đồ, cùng địa danh nơi chôn anh, đâu mãi tít một tỉnh trong Tây Nguyên. Chị lo chạy xin giấy tờ, cậy nhờ đứa cháu trai đi cùng. Khăn đùm khăn gói đi ô tô chạy gần hai ngày mới tới địa danh như ghi trong sơ đồ.
Hai dì cháu xuống xe, người đã mệt nhừ. Hỏi thăm dân địa phương; họ bảo đường vào còn xa. Lúc này trời đã về chiều, đành tìm nhà nào tá túc cho qua đêm.
Cả đêm chị chẳng hề chợp mắt. Sáng ra tìm mãi mới được bác xe ôm đồng ý chở vào con đường rừng ngoắt ngoéo. Cả tiếng đồng hồ, mới tới một bản người dân tộc thiểu số. Nghỉ ngơi cơm nước xong, hai dì cháu mới hỏi thăm đường lên trên ngọn đồi nằm cạnh con suối. Theo trong sơ đồ của nhà ngoại cảm: Từ cây cơ nia, nhắm về hướng mặt trời lặn khoảng một trăm hai mươi bước. Nhìn về bên phải có ụ mối to, từ ụ mối đó, bước theo hướng chính nam ba mươi sáu bước, là nơi chôn chồng chị.
Mặt trời đã đứng bóng. Bây giờ đang đầu mùa hạ. Những cơn gió Lào hầm hì thốc tháo; cứ như quạt lửa vào mặt. Chị lấy từ trong bó hương ra ba nén. Đốt lên khấn vái linh thần thổ địa, vong hồn anh phù hộ, đào cho trúng chổ anh nằm. Ba cây hương cháy tàn một nửa, chị và cháu bắt đầu tìm xung quanh. Phải lấy dao chặt cành cây làm chổi, quét những lớp lá mục lâu năm. Thấy chỗ đất hơi u lên. Dì cháu cứ thay nhau, bổ từng nhát cuốc chim xuống nền đất lẫn sỏi đá cứng ngắc. Đào đến hơn mét, chả thấy gì ngoài mấy ụ mối con to bằng nắm tay. Trời đã sắp tối, đành phải ngưng. Mồ hôi và nước mắt chị nó cứ trào ra, vì mệt và tủi. Trước khi về bản nghỉ qua đêm, chị lại đốt ba nén hương thì thầm khấn: “ Anh ơi! Anh có linh thiêng hãy chỉ chỗ anh nằm, để em mang anh về quê hương. Nằm gần cha, gần mẹ, cho mẹ con em được hương khói anh hàng ngày”.
Có lẽ trời cũng đã khuya, chị vẫn không tài nào ngủ được. Từ trong rừng tiếng chim từ quy khắc khoải gọi nhau đến nao lòng. Tiếng chim như đào xới, xâu xé tâm thức của chị. Nghe sao mà hoang hoải: “Quy, quy, quy, quỹ, quỹ… quỳ…”. Tiếng chim từ âm trầm, ngân lên cao rồi hạ xuống dần theo nhịp, như có tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ: “Quy, quy, quy, quỹ… quỳ…”. Thôi thúc chị phải tìm được mộ anh, dù còn vài mảnh xương. Tiếng chim từ quy xa dần… Chị cũng chập chờn trong giấc ngủ.
Trong màu sương khói chị thấy anh về: Anh cứ ôm lấy chị mà khóc và xin lỗi vì bao nhiêu năm ở gần nhau mà anh thờ ơ với chị. Khi phải đi bội đội anh mới biết thương yêu chị thì… Vậy mà chị không oán hận gì anh. Bây giờ chị lại lặn lội vào đây tìm xác anh cho trọn tình trọn nghĩa. Anh bảo rằng chị đã đào sai chỗ rồi. Ngày mai hãy tới cái hố đào hôm qua. Từ mép hố đã đào bước về bên phải đúng sáu bước; tới điểm đó bước về bên trái hai bước nữa. Cào lá ra thấy mặt đất trũng hơn chỗ khác thì đào. Trong mơ chị mừng quá cứ ôm anh mà khóc khi tỉnh giấc hai bên gò má ướt nhem. Chị vội vàng lấy giấy, bút ghi những điều như anh báo mộng.
Mặt trời vừa ló ở đầu rặng núi phía xa. Chị cùng đứa cháu tất tả trở lại địa điểm đã đào hôm qua. Đúng như trong giấc mơ anh dặn; chị và cháu quét lá rừng ra, thấy khoảng đất hơi trũng xuống, chiều dài chừng hai mét, chiều rộng gần một mét. Vị trí này nằm trên sườn đồi dốc thoai thoải; có lẽ lâu ngày mưa đã xói mòn phần nắp mộ. Phần đất phía trong mưa gió nén chặt xuống nên trũng hơn. Mừng chảy nước mắt, chị đốt hương khấn vong hồn anh, hai tay cứ run lập cập. Hai dì cháu hăng hái đào. Chừng sâu một mét, gặp lớp ni lông xanh xám đã mục nát. Nhẹ nhàng tay hốt đất bỏ lên, dưới lớp ni lông mục nát là lớp đất đen thui. Có lẽ thịt da anh đã hóa đất, nước mắt và mồ hôi cứ chảy tràn xuống miệng cay xè. Chị xòe hai tay vốc từng vốc đất đen, lẫn lộn trong đó là những mảnh xương vụn. Tất tả hai dì cháu hốt hết vào túi ni lông. Khi xương cốt đã được gói chặt chẽ. Chị cứ ôm bọc mà hôn hít mà thủ thỉ nhỏ to như ngày nào anh còn sống nằm bên nhau. Hai hàng nước mắt cứ tuôn ra ướt hết cả bọc hài cốt.