Chín nhánh da vàng trong dòng chảy thơ trẻ Việt hôm nay

259

Tọa đàm ‘Chín nhánh da vàng trong dòng chảy thơ trẻ’ do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức sáng 29/9 đã mang lại nhiều gợi mở về đời sống sáng tạo ở đô thị.

Tọa đàm “Chín nhánh da vàng trong dòng chảy thơ trẻ” tại TP.HCM sáng 29/9.

Tọa đàm “Chín nhánh da vàng trong dòng chảy thơ trẻ” không chỉ bàn về tập thơ mới “Chín nhánh da vàng” của tác giả Khét, mà còn trực tiếp đề cập đến sự đam mê và sự dấn thân đang réo gọi văn chương trẻ. Tác giả Khét từng được trao giải thưởng Nhà Văn Trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2021 cho tập thơ “Ở đậu trong nhau”, cho nên “Chín nhánh da vàng” cũng là một thử thách đối với chính anh trên con đường sáng tạo.

Tập thơ “Chín nhánh da vàng” dày 100 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm hai phần “Chín nhánh khói bay” và “Giấc mơ da vàng”. Tác giả Khét có nhiều tìm tòi về ngôn ngữ và tập trung khai thác vẻ đẹp miền sông nước Nam bộ “cố quận mặc áo gì/ sinh ra tôi ở câu hò nửa đen nửa trắng/ mạ không còn non để mọc chân làng/ chín nhánh đêm đêm vỗ lên mái tóc/ đứa con rơi của đồng bằng/ ở đậu nhịp song lang”.

Tác giả Khét sinh năm 1989 tại U Minh, Cà Mau. Từng dạy học một thời gian trước khi lên TP.HCM lập nghiệp bằng nghề khác, tác giả Khét thao thức bái vọng nơi chôn nhau cắt rốn: “tôi nhớ tôi/ ngày tháng rong chơi/ ruộng đồng nứt nẻ/ đầu trần chân đất/ con diều giấy nở nụ cười/ những trưa hè sũng ướt cá lia thia/ mỗi cọng rơm là một tia nắng mặt trời/ chiều nghẹt thở bên biển mặn/ như muỗi vao vây đống vỏ dừa đốt vội/ man mác khói bay/ sao mà cay/ sao mà mặn nồng/ tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong”.

Tọa đàm “Chín nhánh da vàng trong dòng chảy thơ trẻ” có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ quen thuộc với công chúng phương Nam như Bích Ngân, Trầm Hương, Bùi Anh Tấn, Đoàn Thạch Biền, Xuân Trường, Trần Lê Khánh, Bùi Phan Thảo, Nguyên Hùng, Nguyễn Vĩnh Bảo, Trần Hoàng Nhân, Hà Thanh Vân, Hoài Hương, Đào Văn Sử…

Nhiều tham luận tại tọa đàm đều nhấn mạnh những nỗ lực của tác giả Khét qua 4 tập thơ đã xuất bản. Nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ: “Tôi thích những câu thơ như “điều giỏi nhất của giống loài mình là làm đau người khác phải không tôi”. Không là sự khẳng định, chỉ là câu nói dành cho chính mình. Hầu như ở nhiều bài thơ của anh, ta đã nhận ra tiếng nói của người xa quê với nhiều cung bậc trái chiều, có gì đó trăn trở và dằn vặt”.

Còn nhà thơ Hạnh Ngộ cho rằng: “Chín nhánh da vàng” là một bước tiến mới của Khét, một tác giả trẻ dấn thân. Khét dấn thân bởi đọc thơ Khét, tôi thấy rõ một thái độ của người làm thơ. Một thái độ dứt khoát và độc lập, một tình yêu sâu thẳm nằm trong từng con chữ”.

Ngược lại, có một nỗi băn khoăn ở tọa đàm “Chín nhánh da vàng trong dòng chảy thơ trẻ” là hiện nay hầu như các tác giả trẻ ít xem trọng tính chuyên nghiệp của nghề cầm bút. Tác giả Khét có thể ví như một trường hợp hiếm hoi đang nồng nàn và đang say đắm với thi ca. Điều này được những đồng nghiệp cùng trang lứa với tác giả Khét như Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến, Đoàn Diễm Thuyên, Nguyễn Khắc Thắng, Gili Nguyễn… trực tiếp trân trọng thừa nhận.

Cụ thể hơn, nhà văn trẻ Tống Phước Bảo đánh giá: “Khét làm thơ thành tật. Cái tật như là nỗi yêu ghim gút tận trí óc của anh chàng. Thành thử ra, thơ Khét luôn mang màu thế sự, tình đời, và tình người nhưng rất dạt dào tâm ý, da diết niềm thương và hào sảng khí phách. Cái sởi lởi của anh chàng này đôi khi mang chút dấu ấn hài hước cà khịa ngay cả trong giao đãi cùng bạn bè”.

Tác giả Khét phát biểu tại tọa đàm do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức.

Từ tọa đàm “Chín nhánh da vàng trong dòng chảy thơ trẻ” cho thấy một tín hiệu mới của văn chương trẻ. Những tác giả trẻ như Khét đang tìm kiếm giọng điệu riêng trên hành trình khám phá sức sống cội nguồn: “mẹ tôi ngàn năm lúa nước/ cha tôi cào đời mình dưới biển/ ném hòn đất xuống nước/ sẽ nhập vào cội nguồn/ ném hòn tôi xuống đời/ trôi vô tăm tích/ bằng cách này hay cách khác/ hoa vẫn nở trong lòng đường/ bằng cách này hay cách khác/ tôi vẫn nở về quê hương”

 L.T.N