Chó biển – Truyện ngắn Bùi Thanh Minh

42

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa thu vàng đến kỳ lạ, trên trời nắng vàng, cánh đồng lúa vàng, xóm làng cũng được nhuộm một màu vàng tươi và bỗng dưng trong lòng ông Tảo xốn xang, thèm sang nhà ông Quảng chia sẻ. Ông diện bộ conple, lấy chiếc ô màu đen thong thả, đĩnh đạc bước vào cổng.

Ảnh minh họa   

   Từ trong thềm con Vện nhảy sổ ra tấn công ông Tảo.

– Vện! Mày mù hả? ơ hay Vện! ơ kìa… tiên sư mày…ơ ông Quảng, ông cho con Vện một gậy nào.

          Con Vện choãi hai chân trước nhe bộ răng nhọn hoắt trắng ởn, bao nhiêu mật xanh dồn hết lên mắt, lông cổ dựng đứng, chiếc đuôi cong vọt như cán cầy chìa vôi, chồm lên vừa sủa, vừa sấn đến toan gây chiến với ông Tảo. Lúc đầu ông Tảo khựng lại, giả bộ mặt bình thản, ra giọng người nhà quát mắng con Vện. Nhưng con Vện vẫn không tỏ dấu hiệu hoà hoãn chút nào, tiếng sủa càng quyết liệt, nó quyết xông lên cắn ông Tảo, không để ông tiến thêm một bước vào cổng. Đến nước này, ông Tảo đành phải giở “miếng võ” trị chó dữ của mình, tuy chả đẹp đẽ, nam nhi chút nào. Ông ngồi thụp xuống đưa tay quơ một cái, giả vờ vung ném. Thường thì chó có dữ đến mấy, hễ thấy người ngồi xuống, nhất là vung ném là chúng sợ chạy biến. Con Vện rất dữ, dường như nó quyết chiến chứ không từ bỏ nhiệm vụ, tuyệt nhiên không có dấu hiệu lùi bước. Nó toan bổ vào mặt ông Tảo, may mà ông có chiếc ô cầm tay, đỡ hất con chó bật ngửa. Con Vện bật trở lại, càng hăng tiết. Vừa kịp, ông Quảng cầm chiếc gậy chạy ra. Con Vện bị một đòn chí tử vào lưng, đành cụp đuôi chạy ngấm vào gầm giường hậm hực.

         Ông Tảo chống tay đứng dậy, phuổi phuổi đít quần. Miệng cười hơi gượng gạo, nhưng mặt ông tái xanh. Bề ngoài ông Tảo cười nói xởi lởi, ra ý coi thường, quên béng “sự kiện” vừa rồi, nhưng trong lòng ông còn chất đầy sợ hãi. Thật là hú vía, nếu vừa rồi ông Quảng không ra kịp thì…

          Ông Quảng xin lỗi qua loa cho phải phép, rồi mời ông Tảo vào nhà. Ông Quảng đi trước, ông Tảo rụt rè bước le né sang bên phải và xách chiếc ô che bên trái phía con Vện nằm, lỡ nó có bất ngờ xông ra, tiện chiếc ô xỉa cho một nhát.

Con Vện phục trong gầm giường, mắt gườm gườm không rời đôi chân ông Tảo, thỉnh thoảng nó lại gấm gứ trong họng như không nôn được tức giận ra ngoài. Những lúc ấy ông Tảo nhìn ông Quảng nói chuyện nhưng tinh lực lại hút vào gầm giường. Cũng chả biết đâu được, bất thình lình nó xồ ra đợp một nhát thì toi. Mình phải lo cho mình chứ, chủ nhà bao giờ cũng “bằng chân như vại” chả có chuyện gì xảy ra. Đến khi nó bấm răng vào chân người ta rồi, lúc đó chủ nhà mới  “bác cứ yên tâm, chó nhà em tiêm phòng, không điên dại gì đâu, vài hôm là lành thôi mà”.

 Kể cũng tức thật, bao nhiêu năm nay ông qua lại nhà ông Quảng như cơm bữa. Con Vện quen ông như người trong nhà. Hoà bình với ông thì không bao giờ, thậm chí đuôi cũng không vẫy. Nhưng chả bao giờ nó gây chiến tranh. Vậy mà hôm nay bỗng dưng nó lại giở chứng đổ đốn, coi ông như kẻ xâm lược. Thật chẳng ra làm sao. Trước lũ chó dữ, cái thế của người quân tử bị mất. Thành ra hôm nay ông chẳng còn cái dáng đạo mạo, giọng nói sang trọng như mọi ngày nữa. Hình như cứ mỗi lần ông Tảo cất giọng nói, con Vện lại nghiến ngoắng trong gầm giường vẻ tức tối?

           Đã bước ra ngoài sân rồi mà ông Tảo chưa dám bật ô, vẫn cầm thõng khua khua ở đằng sau, phòng khi con Vện ở trong nhà nhảy ra “tập hậu”.

*  *  *

          Tiễn bạn đi khỏi, ông Quảng quay trở vào nhà lấy roi đe con chó. Con Vện thấy chủ mắng thì lũi sâu vào trong gầm giường, nằm im, đuôi nó phe phẩy có vẻ biết lỗi và sợ hãi. Ông Quảng buồn lắm. Việc con Vện cắn ông Tảo là một sự lạ. Ông nuôi con Vện mấy chục năm, ông biết. Ông hiểu tính nết nó hơn mấy đứa con trời đánh của vợ chồng ông. Vậy mà hôm nay con Vện lại làm một việc trái hẳn với tính nết thường ngày của nó.

          Ông Quảng có tay nuôi dạy chó. Mọi người bảo thế. Bao nhiêu con chó đã qua tay ông huấn luyện đều trở thành chó khôn có hạng. Bởi vậy khi con Vện được ông mang về dạy dỗ thì nó tinh khôn kỳ lạ. Ông còn nhớ, ông  nhặt được con chó này khi đi dạo ngoài bờ biển. Nó là một loài chó biển thường sống hoang dã ngoài rừng sú vẹt, nó bắt tôm cá để ăn. Con Vện có đôi mắt thật lạ. Mắt có lòng đen trong suốt như mèo, ở chính giữa có một đốm sáng là lạ trông giống như tinh lực của mắt người. Hình như đôi mắt của nó biết quan sát, phán đoán. Linh cảm bảo ông đây là con chó quý.

          Con Vện càng lớn càng khôn và nó khác với mọi con chó trong đàn. Nó quấn quýt với người hơn với đồng loại. Nó rất ít sủa. Hễ có người lạ đến nhà, đàn chó vây lấy thi thố tài năng, chứng minh lòng trung thành với chủ. Riêng con Vện đậu ở trên thềm nhìn rất kỹ rồi hoặc vào chỗ nằm, hoặc đến bên chủ. Con Vện thể hiện tình cảm cũng rất đặc biệt. Mỗi khi ông Quảng đi đâu về, cả đàn chó chạy nhắng lên, dồ đạp, quấn quýt, ư ử, ngoáy tít chiếc đuôi đến gập cả mình. Còn con Vện trụ bốn chân xuống đất nhìn ông. Khi thì với ánh mắt mừng rỡ, khi lại ngạc nhiên, có lúc nghi ngờ… Nếu nó mừng, chiếc đuôi ngoáy tít; nếu ngạc nhiên, chiếc đuôi chỉ ngoáy hai vòng rồi cụp xuống; còn nếu nghi ngờ, thì chiếc đuôi dựng đứng. Nhiều lần để ý, ông cảm thấy dường như con Vện đọc được ý nghĩ của ông. Mọi hành động của ông bị phơi trần trước con mắt lọc lõi của nó.

         Một lần để thử khả năng của con Vện, ông mượn bộ quần áo ka ky của anh bạn, và đeo luôn chiếc mặt nạ của đội lân về nhà. Cả đàn chó, con thì sợ hãi chạy biến vào góc nhà, có con dũng cảm xông ra quyết ngăn kẻ đột nhập. Con Vện vẫn chốt trước cửa nhìn ông với đôi mắt mừng rỡ, chiếc đuôi ngoáy tít. Đến khi ông lột chiếc mặt nạ ra, đàn chó con thì len lén chui vào gầm ghế vẻ hối lỗi, con hạ chân trước rồi vừa bò tiến lại chỗ ông, vừa ngoáy đuôi kiểu nịnh bợ. Con Vện vẫn dửng dưng ở tư thế cũ.

          Một lần khác, theo sự phân công ông đi rình bắt một đôi quan hệ trai gái. Ông khoác bộ quần áo cũ, vá víu để tránh gặp người quen. Đêm hôm đó trời tối quá, mà ông lại không thể đi trên đường đàng hoàng, phải lén lút vượt tường, chui rào, về nhà theo lối sau. Thấy động, đàn chó xông ra sủa ầm ĩ. Đến khi nhận ra tiếng chủ rồi, thì lũ chó xúm lại quanh ông xin lỗi theo kiểu của thú vật. Riêng con Vện, mặc dù nhìn thấy ông mười mươi, nhưng nó vẫn cắn sủa một cách giận dữ. Sợ ầm ĩ, ông liền quất cho nó một roi, rồi rửa ráy chân tay vào nhà. Vừa trút đôi dép để leo lên giường, con Vện liền đến ngửi ngửi rồi tha từng chiếc dép đem vứt ra ngoài cổng. Ông lục cục ra mang đôi dép để vào chỗ cũ. Quay ra quay vào lại thấy đôi dép nằm ngoài cổng. Ông lại mang vào. Lần này con Vện chờ lúc ông sơ hở, nó mới tha đôi dép  thả xuống hố vôi. Ông bực quá vút cho nó một roi nữa. Thế là con Vện không vào nhà ngủ mà ra ôm góc vườn. Sáng dậy, ông Quảng đi tìm vội gọi vào nhà, nó không thèm mở mắt nhìn ông, đến chiếc đuôi cũng không nhúc nhích. Ông mang thức ăn đặt trước mõm, lỗ mũi nó quyết không động đậy, cứ ì ra như tuyệt thực. À, mày giận tao hả? tao có làm gì vớ vẩn đâu mà mày giận? Được rồi cứ thi gan đi, để xem mày thắng hay tao thắng? Ông Quảng cảm thấy thinh thích, vào nhà đổi đôi dép nhựa định mang ra cổng vứt để xem con Vện xử thế nào? Khi cầm lên, mới biết đôi dép không phải của mình. Ông đã đi nhầm của ai. Dép ông cũng mới, nhưng có hai khấc ông đánh dấu ở đế. Thảo nào… y rằng, khi ông mang đôi dép đi rồi, con Vện mới chịu thôi ôm góc vườn, đứng dậy đi vào nhà. Rõ ràng con Vện nhà ông hơi đặc biệt.

          Từ đó, ông Quảng càng ra công chăm bẵm nuôi dạy con Vện hơn hẳn các con trong đàn. Con Vện mỗi ngày mỗi lớn, và khẳng định là con đầu đàn bằng tư thế đĩnh đạc, khôn ngoan của nó, chứ không phải bằng sức mạnh dữ tợn và vóc lực như những con chó khác. Nó chỉ ăn riêng một mình, và nhất thiết thức ăn phải đựng trong chiếc bát sạch sẽ riêng của nó. Chỗ nó ngủ phải có lùn rơm khoanh tròn, lót rơm sạch. Nó có đặc tính chỉ cắn sủa những người mặc quần áo nhem nhuốc, vá víu, bích kê… dù người đó là lạ hay quen. Lúc đầu ông Quảng còn cho đó là chuyện lạ. Sau rồi ông chậc lưỡi, chẳng qua là “chó cắn áo rách” theo đúng nghĩa đen thế thôi.

         Rồi đến một hôm có một người ăn mày, da thịt lòi ra, đeo bộ mặt buồn, lê đôi chân vào cổng nhà ông Quảng. Người ăn xin ngồi thụp và đặt chiếc bị, chiếc gậy xuống đất. Đàn chó nhà ông Quảng thấy người lạ thình lình cầm gậy ngồi xuống thì bỏ chạy hết. Chỉ còn con Vện xông ra cắn sủa, rồi nhảy bổ vào ngoạm lấy gót chân người ăn xin xé rách, máu toá ra đỏ lòm. Thật không may cho người ăn mày, đường gân gót chân bị đứt, ông Quảng phải băng bó và kịp thời đưa đi bệnh viện. Khi lập hồ sơ bệnh án, người ta phát hiện ra sự mập mờ về lai lịch bệnh nhân, liền báo công an huyện. Công an điều tra và phát hiện hắn chính là một tên buôn bán ma túy giả mạo đi ăn xin để vận chuyển hàng cấm. Tin đồn về khả năng phát hiện kẻ gian của con Vện nhà ông Quảng loang khắp huyện. Rồi người ta đan lát ra bao nhiêu là chuyện thần thoại về con Vện. Từ đó ông Mạnh và mọi người nhìn con Vện bằng con mắt thán phục. Con Vện vẫn không có gì thay đổi, ngoài việc ăn no, chơi bời quậy phá cùng lũ chó và đón chủ bằng cách riêng của nó. Chỉ khổ cho ông Quảng, thời đó bói được người giàu có, sang trọng thật khó. Dù có của thật, họ cũng giả nghèo giả khổ, thịt con gà cũng phải giấu giấu giếm giếm, lỡ có ai biết… Thành ra nhà ông Quảng vắng hẳn khách, nhiều người muốn đến chơi mà đành chịu, chẳng lẽ lại đi mượn quần áo sang trọng mặc vào, mà mượn ở đâu? chẳng ai làm thế. Ông Quảng phải thường xuyên xích con Vện lại.

         Thế rồi thời gian cứ lẳng lặng bò đi. Những người mặc áo rách, áo vá, quần bích kê cũng ít dần. Tiếng sủa của con Vện ngày một thưa. Đàn chó nhà ông Quảng mốt hai vào quán cầy tơ hết. Chỉ duy nhất con Vện già vẫn đậu đó. Thỉnh thoảng có người đi làm đường ống, hoặc xây dựng nhà cửa tạt qua nhà ông Quảng việc này, việc nọ, họ đều đứng ngoài cổng gọi trước để ông Quảng xích con Vện lại. Con Vện cổ tròng xích nhưng mắt cứ long xòng xọc, đu lên tru tréo. Nó không chịu từ bỏ thói quen cũ của nó. Chỉ những người như ông Tảo ra vào nhà ông Quảng là không phải đề phòng gì cả. Thế mà hôm nay, con Vện trở chứng lại cắn đúng ông hàng xóm giàu có của gia đình ông Quảng. Có lẽ con Vện già quá đâm lú lẫn, hoặc nó mắc bệnh dại cũng nên. Ông Quảng nghĩ như vậy và ngồi xuống quan sát con Vện. Không phải, con Vện tuy già yếu, bộ lông không còn mượt mà như trước đây mà xơ xác bết lại, vai nó nhô cao, mông hóp. Hai đùi sau của nó mảnh ra như hai sống dao; hai túm lông trắng trên hai mi mắt của nó trước đây như hai cái lông mày giờ trụi hết. Nhưng con mắt của con Vện vẫn tinh nhanh nhìn ông, rồi từ từ cúi xuống vẻ né tránh, tuyệt nhiên không có dấu hiệu man dại. Lưỡi nó không thè ra và không có nhớt chảy. Ông lấy một mảnh sành ném cho con chó. Con Vện vẫn nằm, phần phật chiếc đuôi, hít hít chiếc mảnh sành để đáp lại hành động của chủ rồi lại đặt mõm xuống đất nhìn ông phân vân. Nó không nhai mảnh sành rau ráu, như người ta bảo là triệu chứng mắc bệnh dại. Ông lại lấy bát cơm trộn thức ăn đặt trước mõm nó, con Vện nhìn ông nghi ngờ, rồi cúi xuống liếm láp một lát và ăn hết bát cơm ngon lành, còn ngẩng lên liếm mép nhìn ông chờ đợi ra chừng bụng còn ngót nghét lắm. Rõ ràng con Vện vẫn bình thường và khoẻ mạnh. Vậy thì tại sao nó lại gây chiến với ông Tảo? Mày chết Vện ạ. Hôm nay mày cắn ông Tảo là lỗi lớn đó nghe con. Còn nhầm lẫn là ông thịt, nghe chửa?

         Con Vện thả mi mắt nhìn xuống, buồn bã, chiếc đuôi rù rũ mệt mỏi và nó cúi đầu chậm chạp quay đi, từng bước đến chỗ lùn rơm. Trước khi nó thu mình, đôi mắt còn ngớp nhìn ông Quảng một cái rồi mới lặng lẽ khoanh mõm vào lòng ra điều giận ông Quảng. Ông Quảng thương con Vện lắm. Chẳng gì nó cũng sống và trung thành với gia đình ông hơn hai chục năm. Giống gì cũng vậy, khi đã quyến luyến với con người chẳng ai nỡ đối xử tệ bạc với nó. Nuôi con gà, đến khi phải giết, ông Quảng cũng búng vào họng nó và nói: “Hoá kiếp cho mày làm kiếp khác” để tự an ủi mình thôi, chứ ông cũng chả biết có kiếp nào khác cả. Sau chiến công bắt thằng buôn ma túy, con Vện được ông đối xử ưu ái hơn. Chính vì vậy, con Vện sống dai dẳng và tỏ ra không phụ công chăm sóc của chủ. Nết ăn, nết ở, những phản ứng thú vật của nó thêm điềm tĩnh, chững chạc hơn. Ông Quảng còn nhớ, cũng cách nay khá lâu rồi, buổi sáng ông vào cơ quan làm việc, chiều về nhà, đàn chó chạy ra mừng rỡ quấn quít theo cách của mỗi con. Con Vện không đứng nhìn, vẫy đuôi thể hiện tình cảm theo cách thường xuyên của nó nữa, mà đôi mắt nó muốn nổ tung, bộ răng đòi nhảy ra khỏi mõm kiên quyết không cho ông vào nhà, xem ông như người xa lạ. Vợ ông phải ra ôm giữ lấy nó, ông mới bước vào nhà được. Đặt chiếc túi xách xuống ghế, ông Quảng quay ra, quay vào đã thấy con Vện lôi tuột chiếc túi xuống đất, rồi sục mõm vào trong kéo ra một chai rượu ngoại. Vợ ông bảo: “Tôi biết ngay mà. Ông ăn mặc lành lặn, chứ có bích kê vá víu gì đâu mà nó cắn. Chẳng qua nó ngửi thấy mùi rượu ngoại”.

          Ông Quảng không giận con Vện lắm, nhưng giận kẻ đã nhét chai rượu vào chiếc túi ông. Ngày đó rượu ngoại hiếm thuộc loại hàng đặc biệt. Thằng nào đã hối lộ, hoặc đặt bẫy ông? Không phải, xưa nay ông sống, làm việc đứng đắn, chả có kẻ thù bao giờ. Có lẽ… ừ, có lẽ… hôm trước ông đã ra lệnh cho cô nhân viên kế toán phải lập tức phá cái thai ra đời không đúng lúc, đành rằng chồng cô ta đã mất, đành rằng tuổi cô đã cao và không ai lấy cô nữa. Đành rằng… Nhưng đàn bà có chồng  mới được sinh con. Cô làm thế,  giữa lúc này… còn đâu là cơ quan tiên tiến?… Có lẽ đúng, kẻ nào đó – tác giả của cái thai đã cảm ơn ông bằng chai rượu  này. Nhưng cũng bao nhiêu lần ông mang đồ lạ về nhà. Khi thì chiếc giấy khen, lúc thì hồp trầu cau cho mẹ già.v.v… có thấy con Vện cắn sủa đâu?

         Từ đó ông Quảng khẳng định khả năng mới của con Vện. Ông nghĩ, nếu nó được bàn tay nghiệp vụ huấn luyện, chắc là con Vện giúp ích được nhiều.

*   *    *

         Buổi sáng chủ nhật tuần ấy, mùa đông lạnh lẽo. Chiếc bể đặt hòn non bộ trên tầng ba nhà ông Tảo nước đứng lặng, mặt như co lại. Trong bể kính ở tầng trệt, đàn cá vàng lững lờ quạt nước. Ngoài sân cây lộc vừng lá đã bắt đầu vàng lả tả rơi xuống gốc. Miệng người nào cũng như ngậm lửa, thở ra khói tuôn mù mịt. Ông Tảo thèm uống một chén trà với bạn quá. Ông đứng lên, lại ngồi xuống với vẻ bồn chồn, đắn đo. Ông chỉnh lại bộ com lê màu ghi, rồi lau lại đôi giày cho bóng. Việc ăn mặc đối với ông cũng chẳng quan trọng gì. Chẳng qua là để cho bọn người lạ chỉ biết ông là người giàu có, sang trọng, và xoá hết ấn tượng của những người quen coi ông là kẻ ba đời khố rách áo ôm, bây giờ mới phất lên giàu xổi nhờ vụ giúp ông bạn doanh nghiệp xăng dầu của tỉnh trước khi nghỉ hưu và hạ cánh an toàn. Ông với ông Quảng cũng chả hợp cạ nhau gì. Nhưng vì ông Quảng là người học vấn uyên thâm, ăn ở nghĩa tình, liêm khiết trong sạch cả huyện kính trọng, mỗi tội nghèo. Bởi vậy ông cần cái bóng của ông Quảng để bù lại cái thiếu, cái không bao giờ ông có được. Mặt khác sang chơi nhà ông Quảng cũng phải cẩn thận một chút. Sống cùng làng đã lâu, ông biết tính nết quái dị của con Vện. Nhất là từ lần trước, ông bị con Vện cắn nhầm, làm ông mất tự tin. Cũng chẳng qua vì quá quen nên ông sơ xuất, vận bộ quần áo xuềnh xoàng mới bị thế. Gì thì nó cũng là giống súc vật, biết đâu đấy. Máy móc hiện đại, con người khôn ngoan có khi còn nhầm lẫn, huống chi con vật. Vì thế ông cầm thêm chiếc ô, vừa là để cho ra dáng nho nhã, vừa là vũ khí tự vệ, chứ đây kia vài bước chân, nắng mưa đâu mà ô với iếc.

        Mặc dù đã chuẩn bị khá đầy đủ, cả tâm thế, trang phục và “vũ khí”, nhưng khi bước vào cổng nhà ông Quảng, ông Tảo vẫn thấy lo lo. Ông Tảo chủ động lên tiếng trước để ông Quảng biết ra đón, lỡ có gì… giống chó má, chúng chỉ biết sợ chủ mà thôi:

– Ông Quảng có nhà không đấy?

       Ông Quảng nghe tiếng ông Lục gọi ngoài cổng, chưa kịp trả lời, thì con Vện từ trong nhà vút như một mũi tên qua khoảng sân, lao ra cổng. Nó choãi hai chân trước, hạ thấp u vai, lông gáy đứng dậy, gầm gừ sẵn sàng cắn phập vào ông Lục, nếu ông vượt qua biên giới. Ông Tảo lùi một bước, tay nắm chiếc ô chưa bật ra, cũng sẵn sàng đánh trả nếu con súc sinh kia xông vào. Ông Quảng vừa chạy ra, vừa đe con Vện. Con Vện chớp thời cơ xông lên. Ông Tảo nhanh như bắn, bóp cò, chiếc ô đánh rụp, xoè ra, con Vện thuận mõm ngoặm chiếc ô cắn xé, ray rỉa. Ông Tảo mất đà ngã nhào. Vừa kịp, ông Quảng lao đến giơ chân đá đánh ức vào bụng con Vện, làm nó hức lên, buông chiếc ô, lùi vào tuyến sau ở cửa nhà phòng thủ.

Ông Tảo đứng dậy phuổi quần áo, mặt mày xám ngoét. Ông Quảng nhặt chiếc ô rách toạc đóng lại, rồi bước lên vừa chít lại chiếc ca ra vát cho ông Tảo, vừa an ủi:

– Khổ, xin lỗi bác. Con chó nhà tôi dở chứng hư mất rồi.

Ông Tảo:

– Phải thịt thôi! không có ngày mang hoạ đấy ông ạ.

*    *      *

         Con Vện dở chứng thật và hư quá thể. Không phải chỉ cắn ông Tảo, mà nó tấn công cả những ai dù quen hay lạ hễ ăn mặc kiểu như ông Tảo. Ngược lại, những người trước đây nó hay cắn thì bây giờ lại vẫy đuôi, nhìn bằng cặp mắt thiện cảm. Thật quái quỷ. Bao nhiêu bạn bè của ông Quảng phải lần lượt bằng cách này, cách khác xa lánh chiếc cổng sắt luôn để ngỏ của nhà ông. Không phải họ có ý này, ý khác với gia đình ông Quảng, mà chủ yếu họ sợ con chó dữ. Mà bây giờ những người quần áo vá víu, bích kê lại thật hiếm. Dù có nghèo khó thật, người ta cũng giấu không để ai biết, có khi còn vay tiền mua vàng để phô ra. Thế là nhà ông Quảng lại vắng như làng có dịch.

         Ông Quảng giận con Vện lắm. Xưa nay ông sống đàng hoàng được như thế này, phần nhiều là nhờ bạn. “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, thật chẳng sai. Bây giờ nhiều tuổi rồi ông càng cần có bạn đàm đạo. Vậy mà, nhà ông cứ như nhà bị niêm phong,  không ai bén mảng. Đúng là “chó dữ mất bạn”. Không thể để tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, chẳng may nó tợp phải “cụ” nào đáng “kính”, thì đúng là gia đình ông mang vạ thật. Không thể vì một con chó già yếu mà để mất bạn bè, hàng phố. Thôi thì, dù ông có thương, tiếc nó cũng phải chịu vậy thôi. Đành phải quảy nó vào quán cầy tơ đầu làng. Nó là kiếp con vật, chứ có phải gì đâu mà cứ phải bịn rịn, đắn đo.

– Vện! Mày già đâm lú lẫn. Mày cắn sủa lung tung gây hoạ cho tao. Tao phải hóa kiếp cho mày thôi, nghe Vện!

          Ông Quảng vuốt ve con Vện và nói với nó như thế. Con Vện ve vẩy chiếc đuôi, thả chiếc lưỡi đỏ liếm bàn tay ông Quảng rồi ngẩng lên nhìn vào mắt chủ. Đôi lòng đen trong mắt con Vện vẫn trong suốt, cái đốm sáng ở giữa vẫn long lanh, rồi đôi mắt dân dấn nước. Dường như con Vện khóc chia tay ông Quảng để đi hoá kiếp. Không biết kiếp sau nó có được gần gũi con người không? Nếu được sống với loài người thì mong sao nó chỉ gặp những người trần trụi, không có áo quần để không phải nghi ngờ, phán đoàn, tức giận…

         Ông Quảng hiểu được ánh mắt con Vện, vậy nên ông không thể cầm lòng. Ông xúc động vuốt vuốt đầu nó và bỗng đổi ý:

– Thôi vậy, trước mắt mày tạm làm bạn với cái xích… rồi ra, chờ thời thế tao sẽ liệu.

                                                  B.T.M