Chợ chiều – Truyện ngắn của Nguyễn Thái Sơn

361

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hắn gằm mặt, lặng lẽ lết đi. Trong bầu ánh sáng bàng bạc, thứ ánh sáng nửa vời, giao thoa giữa ngày sắp rạng, đêm chưa tàn, khi mà vầng trăng vốn tròn vành vạnh ở trên cao kia giờ chỉ còn là một vệt sáng mờ nhạt nhẽo, méo xẹo, chơ vơ trên nền trời, không còn đủ phát sáng nữa, trông hắn bây giờ giống hệt một con cóc khổng lồ, chồm chỗm trên mặt đường nhựa láng ướt sương đêm. Gió từ mạn sông Đồng Nai tràn lên từng đợt, từng đợt lạnh giá. Xa xa, đã có tiếng động cơ xe cộ vọng đến ầm ì, thỉnh thoảng, vài tia sáng đèn pha quét vụn bầu trời.

Con người kia có vẻ không cần để ý đến mọi thứ xung quanh: cả ánh đèn ô-tô, lẫn những làn gió táp. Hắn nghiến chặt răng, cố lết nhanh cái cơ thể bất thành nhân của mình lên đỉnh dốc, nơi bắt đầu một chiếc cầu cao, hiện đại. Dưới cầu, dễ đến hàng chục mét, là dòng sông rộng, đen ngòm, cuồn cuộn chảy. “Cuồn cuộn chảy! ”. Đó là ý nghĩ duy nhất trong đầu hắn. Chưa bao giờ hắn thực hiện một cuộc hành trình xa đến vậy, nên hắn mệt bã, đầu các ngón tay tê dại, các bắp thịt nhức nhối đến tận óc. Mồ hôi hắn vã như tắm, ướt đẫm cả bộ quần áo bẩn thỉu, dính đầy bụi đất, chua lòm. Hai cái ống quần thừa của hắn, ngày thường được buộc túm chặt, giờ sổ tung ra, kéo lệt sệt theo mỗi bước đi. Hắn đi bằng hai tay. Hai chân hắn bị cụt đến tận bẹn. Hai tay hắn cầm hai chiếc ghế gỗ nhỏ, vẹt mòn lõm xuống, cũng bẩn thỉu và đẫm mồ hôi như chính hắn. Mỗi lần dịch chuyển, hẵn uồm người ra đằng trước, đặt hai cái ghế xuống đất, rồi dùng toàn bộ sức lực, cả người và hai tay, kéo cái cơ thể tàn phế của mình tịnh tiến. Vì thế, tuy chẳng còn chân nào hắn lại đi bằng “ba chân”, nên cực kỳ chậm chạp, khó khăn.

Càng gần cầu, đường càng dốc. Hắn thở gấp gáp, nặng nhọc. Tuy thế, tốc độ dịch chuyển, thậm chí, còn có vẻ nhanh hơn.Trời sắp sáng. Hắn sợ trời sáng khi chưa tiến tới cầu. Hai hàm răng hắn nghiến chặt, như chỉ sợ ý nghĩ trong đầu tuột đi mất.

– Đi đâu giờ này ?

Bỗng có tiếng quát như súng bắn, làm hắn giật mình, run bần bật, toàn thân chùng xuống, xẹp như quả bóng xì hơi. Trước mặt hắn lù lù người công an gác cầu mà trong lúc nóng vội thực hiện ý đồ hắn quên bẵng mất.

– Dạ… Hắn lắp bắp- Em… em qua…chợ…

– Quay lại! Người công an ngó hắn xăm xoi một lúc, rồi như chợt đoán ra điều gì đó không bình thường ở kẻ bất thành nhân kia, anh quát to, không để hắn kịp phân bua gì hết – Quay  lại ngay, không đi đâu hết !

Chẳng còn cách nào khác. Mệt mỏi, chán chường, vừa lết trở về, hắn vừa nghĩ đến cái chợ, nơi hắn vừa bắt đầu cuộc hành trình bất đắc dĩ.

Chợ nhỏ nhưng đông đúc nhờ ở sát lộ lớn, phố xá, nhà cửa sầm uất. Chợ chỉ họp vào buổi chiều nên người ta gọi là chợ Chiều, để phân biệt với chợ chính ở trung tâm họp cả sáng lẫn chiều. Hàng hóa bán ở chợ cũng giản dị, khiêm nhường như chính tên nó, và chủ yếu để phục vụ những nhu cầu tối thiểu cho dân cư ngụ quanh vùng: công nhân, viên chức, thợ thuyền, những người làm nghề tự do… Tuy vậy, cũng giống như tất cả các chợ khác, chợ Chiều có đủ cả những gian hàng, từ thứ xa xỉ, đến cá, tôm, mắm muối… và cả những gian lều bán đồ ăn, đồ nhậu; người mua, kẻ bán tấp nập. Mùa nắng thì không sao, nhưng mùa mưa thì bẩn thỉu, hôi hám. Mùi cá tôm tanh tưởi, xen mùi đồ xào, đồ nấu nghi ngút, dức cả đầu. Chợ hẹp, chỉ có một lối đi nhỏ, xuyên suốt từ ngoài lộ vào tận mé sông. Hai bên lối đi là hai dãy những gian hàng; cuối, sát bờ sông, là một bãi nhỏ của các bà hàng cá, hàng tôm, ngồi lê la ngoài trời, không lều, không chái. Thỉnh thoảng, xuồng ghe trên sông cũng ghé vào chợ bán buôn, đổi chác.

Tác giả Nguyễn Thái Sơn

Ngày ngày, hắn nằm ườn ngay giữa lối đi, ngõ chợ, xin tiền. Hắn sống bằng những đồng tiền “làm phước” ấy của thiên hạ. Người mua, kẻ bán dầu muốn hay không cũng phải đi ngang qua hắn, trước khi vào chợ. Người ta, chẳng phải ai cũng hào phóng, cũng muốn cho  hắn tiền. Nhưng hắn biết cách gợi lòng trắc ẩn của người đời. Cùi không sợ lở. Hắn cố tạo cho thân thể càng bẩn thỉu, tang thương càng có lợi. Cả ngày, hắn tẩm mình quanh vũng nước bùn, lẫn nước cháo, huyết heo… bẩn đến tận cả mái tóc dài, dày cợp. Mái tóc hắn, từng sợi dính bết lại với nhau, trông như bộ râu cây đồng đình. Hắn nằm ngửa, vén áo, cố ý phơi cái bụng màu da cóc tẩm bùn. Ở đấy, bên phải, thòi lòi một núm ruột đỏ lói, được hắn kéo ra từ một cái lỗ bé bằng đồng xu. Cái núm ruột, chẳng biết thiệt hay giả, cứ phập phồng, phập phồng, ruồi nhặng bu đầy… Rất dễ sợ.

Hắn nhìn mọi người bằng cặp mắt con chó cúm, tay huơ huơ cái nón nỉ về mọi hướng: “Dì ơi… Cô ơi… Làm phước…”. Các bà già cho hắn tiền vì lòng trắc ẩn, cũng có khi là để làm phước cầu may. Các cô, các cậu ăn bận sạch đẹp cho hắn tiền là để nhanh qua khuất mắt. Cũng có người cho  hắn tiền vì không chịu thấu cái nhìn của hắn. Những đồng bạc lẻ, bạc chẵn, hoặc vì lý do này, lý do kia, cứ thế, rơi vào nón hắn. Từ sau ngày kết thúc cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc hắn sống yên ổn ở cái chợ này nhờ những đồng tiền ấy. Và chẳng bao giờ hắn quan tâm đến bất cứ ai, mục đích cho tiền của họ. Cũng như những kẻ cho hắn tiền, chẳng bao giờ tự hỏi hắn là ai? Từ đâu đến?

Tầm trưa, chợ vắng người, hắn ăn uống qua loa bằng thức ăn thừa xin được của mấy bà hàng cháo, hàng bánh. Rồi, lại nằm ườn, chờ chiều. Cũng có khi  hắn thiu thiu ngủ luôn tại đấy. Những lúc tỉnh, buồn tay, hắn bắt giết lũ kiến bò quanh mình. Lâu dần, đâm quen, hắn nghiện trò chơi ấy. Hắn chăm chú nhìn, và hồi hộp chờ đợi lũ kiến, có khi từng đàn, hoặc từng con lẻ bò đến tầm tay. Cảm giác khi chú kiến bé teo bị miết bằng ngón tay trên nền đất, bị tan biến, cho hắn một sự hưng phấn, thỏa mãn đặc biệt. Hắn miết bằng ngón tay cái, bao giờ cũng bằng ngón tay cái, chà đi, xát lại một cách chậm rãi, để chú kiến bị tan kỳ hết, tan biến, và cảm giác thú vị của hắn được kéo dài. Cứ như bọn kiến bị tan thành nước hết, ngấm qua làn da, theo mạch máu vào tận bụng, làm mát mẻ ruột gan hắn, làm giãn nở, nguôi ngoai những đau xót, tủi hận, những thua thiệt mà hắn phải vô lý gánh chịu trong đời. Lâu dần, hắn cảm nhận một cách rõ ràng: những chú kiến bé nhỏ ấy, trước lúc chết, đã rung lên rùng rùng dưới ngón tay hắn. Trong tầm tay hắn có thể với được chẳng có một chú kiến nào thoát chết. Đôi khi, có một vài con kiến đang từ từ bò vào tầm tay, và hắn đang chăm chú theo dõi, bỗng rẽ ngoặt sang một hướng khác, vượt ra ngoài tầm tay hắn, rồi bò đi luôn, làm hắn cứ nhìn theo mãi. Cho đến khi hắn biết chắc là con kiến ấy không còn quay lại nữa, hắn cảm thấy tiếc rẻ, bâng khuâng. Nhưng sâu thẳm hơn, tận đấy lòng hắn, mà đôi lần xảy ra, chú kiến thoát chết làm hắn cảm thấy nao nao, nửa tiếc rẻ, nửa lại như không. Không hẳn là mừng thay cho con kiến thoát nạn, nhưng cũng là điều gì đó gần như thế, mà hắn chịu không thể nào gọi tên ra được, cái cảm giác ấy. Có vài bận, hắn bắt và đánh dấu lên mình một con kiến nào đó, bằng đất, hoặc bột bánh, rồi thả ra. Nhưng con kiến ấy, không hiểu sao, không hề linh cảm thấy sự hủy diệt tàn bạo đang ập tới, cứ vớ vẩn, loăng quăng chạy trong vòng hoạn nạn. Hắn thả chú kiến ấy ra thật xa, nhưng chú kiến vẫn nhắm mắt lao vào vòng tay hắn. Có đến vài bận. Bực mình. Hắn giết chết chú kiến ấy ngay. Vẫn bằng cách miết như thế, không thay đổi, nhưng chậm chạp, từ tốn hơn nhiều. Những lúc ấy, hắn buồn bực, chạnh nghĩ đến thân phận mình. Cũng thế thôi. Chẳng mấy khi ý thức trước được những tai họa đang dương bẫy chờ sẵn. Rồi hắn rầu rĩ đắm nhìn phần không gian thiếu hụt phía dưới cặp dò cụt lủn…

Họa hoằn lắm mới có một chú kiến sau khi bị hắn đánh dấu, rồi thả ra mà bỏ đi thẳng, vượt ra ngoài tầm tay hắn. Và lâu thật lâu mới có một lần như vậy.

Hắn say mê tìm, bắt giết lũ kiến đến nỗi nhiều khi quên cả xin tiền, khi có ai đó có việc đi chợ tầm trưa, ngang qua hắn.

Vô phúc cho một chú dế dũi, hay một con sâu chiếu nào đấy đi ngang qua chỗ hắn. Cứ là tan thành nước hết.

Những con ruồi thì dễ thoát chết hơn. Ruồi cũng thường bu quanh hắn, nhưng ruồi thì không dễ vồ được vì chúng biết bay…

Chập tối, khi chợ tan, người mua kẻ bán về hết, hắn dốc tiền trong cái túi vải dơ dáy đeo bên mình ra đếm. Đồng to, đồng nhỏ, hào chẵn, hào lẻ… Hắn xếp đâu ra đấy. Xong, hắn ra sông tắm rửa, gội đầu, xức dầu thơm, rồi ra khỏi chợ, theo đường lộ lết về ngã ba Vũng Tàu, nơi phố xá đông đúc, tìm đến quán nhậu, quán cà-phê, lai rai đến tận khuya, lại trở về cái lều quen thuộc, nằm lăn trên tấm phản gỗ hàng xa xỉ, sạch nhất chợ, ngủ một giấc tới sáng. Bữa nào xin được nhiều tiền, hắn thường tự thưởng cho mình một dĩa đồ nhậu thiệt ngon, vài ly rượu ngoại, vài điếu “ba số năm”, hay chầu cà-phê thiệt đã. Hắn ăn nhậu một mình, uống hoặc hút cũng một mình. Bởi vì chưa có ai mời hắn hút chung một điếu thuốc đã đành, đến những tiệc nhậu vui vẻ, xô bồ nơi quán sá cũng vậy, nên hắn cũng chẳng mời ai, cũng chẳng ai xin xỏ, hoặc gạ gẫm hắn.

Đôi buổi tối hắn không mò ra ngã ba, phần vì mệt, phần vì đã có kẻ cho hắn ăn. Một tô cháo lòng, bát bún riêu, hay có khi là một thứ “tạp pí lù” hâm nóng; hoặc bất cứ thức gì đó có thể ăn qua bữa. Thức ăn được để cẩn thận trên cái sạp gỗ hắn vẫn nằm. Không một lời mời hay một lời giải thích kèm theo. Mới đầu, hắn ngạc nhiên đến sửng sốt, nhưng sau thì hắn quen. Bởi hắn biết kẻ cho hắn ăn là “một đứa dở hơi”, một cô gái vẫn sống chung trong dãy lều chợ với hắn.

Khi hắn tới và chính thức cư ngụ ở cái chợ này, thì “con nhỏ thọt chân chạm mát” (như hắn vẫn gọi) ấy đã có mặt từ trước. Hắn chẳng biết nguồn gốc, lai lịch cô gái. Cũng chẳng ai nói với hắn điều ấy cả. Mà thực ra, hắn cũng chẳng biết hỏi ai. Có ai nói chuyện với hắn bao giờ? Đã mấy bận, hắn mò đến làm quen, nhưng cô gái không chịu. Ấy là tại nó “mát”. Cuối cùng, hắn đành phải tự lý giải như thế, sau mấy bận cố gắng không thành. Được cái, con nhỏ cũng chẳng phiền lụy gì tới hắn. Đôi khi còn cho hắn ăn nữa. Cũng tốt. Mặc dầu mỗi khi cho hắn đồ ăn, cô gái chẳng chịu nói với hắn lấy một lời, hay nhìn hắn lấy một lần, điều ấy không phải không làm hắn khó chịu. Hắn vẫn còn nhớ, lần đầu tiên cô gái “thọt chân chạm mát” cho hắn đồ ăn. Đấy là một buổi chiều có mưa lớn, hắn không thể đi đâu kiếm ăn được, cứ phải nằm còng queo mãi trên sạp gỗ với cái bụng rỗng, lâu lâu lại sôi óc ách; rủa thầm cái buổi chiều khốn nạn cứ mưa mãi không thôi. Và rồi hắn nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, với tô bún “tạp pí lù” nóng hổi, làm hắn mướt mồ hôi. Cứ như là cô gái ấy đã để ý tới hắn vậy. Cho mãi tới sau này hắn mới nghiệm ra rằng: đời hắn, duy chỉ có con nhỏ “thọt chân chạm mát” ấy là cho hắn không vì mục đích nào cả. Còn những kẻ khác, hắn luận, khi cho hắn năm, hoặc mười đồng, thậm chí, một trăm, hai trăm, chí ít, độ sung sướng, thoả mãn trong người họ cũng đúng bằng hắn, kẻ nhận. Nghĩa là kẻ cho cũng được lợi đúng bằng giá trị cái mà họ đem cho. Công bằng. Kẻ cho năm đồng thì thoả mãn kiểu năm đồng, một vài trăm lại thoả mãn theo kiểu một vài trăm. Và hắn thấy hắn chẳng phải chịu ơn ai, cũng chẳng nợ nần chi ai!

Mới đầu hắn cứ tưởng cô gái đem cho hắn đồ ăn là để làm quen với hắn, người bạn mới. Nhưng sau hắn biết hắn lầm. “Tại nó thích thế”. Cuối cùng hắn đành phải tìm ra cách lý giải đại khái thế để khỏi băn khoăn khi nhận đồ ăn. Lâu dần, hắn cảm thấy chuyện ấy cũng bình thường như muôn vàn chuyện khác xảy ra ở đời. Và hắn cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện có phải chịu ơn cô gái ấy chăng ?

Hắn ngủ đầu chợ. Cô gái ngủ cuối chợ, cũng trên một cái sạp như hắn. Hai người chẳng có gì liên quan, ảnh hưởng gì đến nhau nếu như không có những tô đồ ăn đôi khi cô ta cho hắn. Không phân chia nhưng hai người có “đất làm ăn” riêng. Hắn ở đầu chợ, phần trong chợ là là của cô gái. Hàng ngày, cô ta chạy tới, chạy lui, chỗ này, chỗ nọ bằng đôi chân thọt của mình, để phục vụ mấy bà bán hàng. Khi xách thùng nước, khi rửa mớ rau… Chỗ này người ta gọi: “Hai. Lại tao biểu !”. Chỗ khác có kẻ kêu: “Bảy. Đẩy dùm cái xe !”. Cô gái chạy khắp chợ, quanh những tiếng kêu, tiếng gọi sai bảo bằng đôi chân thọt, những bước chân đi như ngoáy, hai tay bơi bơi trong không khí, trông thực mắc cười. Đôi bận, có người gọi cô ở ngoài ngõ chợ, tận chỗ hắn nằm. Cô đi ngang qua hắn. Hắn chỉ nhìn mà không hề xin. Bởi hắn biết chắc là có xin con nhỏ cũng chẳng cho! Một lần, hắn đã thử chìa nón: “Cô ơi ! Làm phước…” (thực ra hắn cũng chỉ cốt ghẹo chơi thôi), nhưng cô gái không cho, cũng chẳng thèm nhìn hắn. Về sau hắn thôi. Với lại, hắn biết, cái mà hắn muốn xin ở “con nhỏ thọt chân chạm mát” ấy là thứ hoàn toàn khác, nhưng cái đó thì càng khó, càng không hy vọng được. Và chính vì biết chắc không được nên hắn càng khao khát hơn. Con người ta vốn ham muốn, khao khát cái mình chưa có, muốn có, mà không biết quí cái mình đã có, đang có, nhất là cái thứ đó lại có được một cách dễ dàng, không mấy nhọc lòng. Hắn cũng vậy. Mặc dầu cơ thể “bất thành nhân”, nhưng hắn vẫn là một con người. Hơn nữa, một con người không đầy đủ bộ phận như người, để có thể phát huy sức mạnh nhiều hơn, đầy đủ hơn. Chính vì thế, nỗi khát khao của hắn lớn hơn, khắc khoải hơn! Với lại, mỗi buổi chiều, khi chợ tan, hắn lại nhìn thấy cô gái, độc một mình cô, trong cái chợ vắng đến trơ trọi, là hắn như thấy đối mặt với nỗi khát khao, mong ước. Cái mà hắn muốn, hắn ước mong ở cô gái ấy thì to lớn lắm. Lớn đến nổi, hắn không dám hình dung. Hắn chỉ cụ thể bằng những thứ nho nhỏ: Ước gì con nhỏ nói với hắn vài câu, hay chịu nghe hắn nói vài câu. Rồi, ước gì con nhỏ chịu để hắn nhìn thật lâu, hay con nhỏ nhìn hắn thật lâu cũng được… Ước gì… Và rồi, buổi chiều nào cũng vậy. Hắn cứ nhìn cô gái. Khi hắn đếm tiền thì cô gái lúi húi nổi lửa, đun lại mấy thứ đồ ăn người ta vét trong nồi còn dư đem cho, làm bữa. Buổi chiều nào cũng chỉ còn lại hắn với cô, với lời lẩm bẩm “ước gì”… trong đầu hắn. Chiều nay cũng vậy. Chiều nay hắn đếm bạc lẹ hơn mọi ngày. Hôm nay hắn xin được quá ít. Vẻn vẹn có vài trăm bạc. Chẳng phải hắn đã không hết mình kêu nài, van vỉ, tỏ vẻ tang thương như mọi ngày, mà là “làm ăn” có khi hên, khi xui. Hôm nay hắn xui thật. Tất cả chỉ có hai tờ năm ngàn, sáu tờ hai ngàn, và bốn chục tờ một ngàn. Vị chi, sáu mươi hai ngàn! Hắn đếm kỹ, xếp vào lại dở ra, mấy lần, những tờ bạc nhàu nát, nhờn nhờn mồ hôi. Hắn trải những tờ bạc giấy ra sàn gỗ, vuốt vuốt lại cho thật phẳng phiu, nhìn như muốn nhớ kỹ mặt chữ, mặt số từng tờ bạc một. Chẳng phải hắn muốn kéo dài sự thích thú khi được vuốt ve những tờ bạc giấy đâu. Không. Hắn cũng quí tiền, nhưng đã có lần mất tiền, mất nhiều, mất tất cả số tiền mà hắn tích cóp được, nhưng hắn không tiếc lắm. Chẳng qua hắn sợ cái công việc hắn đang làm kết thúc quá nhanh. Khi công việc kết thúc rồi, hắn chỉ còn mỗi một việc nữa, là ngồi nhìn con nhỏ “thọt chân chạm mát” ấy không thôi. Và rồi hắn lại “ước gì…”. Mà ước không được thì buồn. Buồn lắm ! Lại ước nhiều nữa. Cả ngày hắn lo cho việc nài nỉ xin tiền, cô gái có việc riêng của cô; với lại, chợ đông, hắn quên khuấy chuyện ước ao. Nhưng giờ này…

Rồi cuối cùng hắn cũng xếp tất cả những tờ bạc mới xin được vào cái túi đã có nhiều tiền cũ. Hắn nhấc nhấc cái túi, ước lượng nặng, nhẹ. Cái túi nặng thiệt. Ninh ních. Hắn mỉm cười thoả mãn, rồi chợt giật mình, ôm túi tiền vào người, như sợ có kẻ khác bất ngờ thấy hắn cười. Nhưng chợ vắng tanh, vắng ngắt. Đằng kia, cô gái vẫn lặng lẽ, lúi húi đun nấu, tuyệt không để ý gì đến hắn. Khói bếp nghi ngút bay. Lẫn trong mùi khói cay nồng có cả mùi thơm của mỡ, hành thoang thoảng. Hắn chun mũi, hít hít cái mùi thơm ấy, vừa chăm chú nhìn cô gái nấu nướng. Thao tác bằng rất nhiều động tác thừa, ngọng nghịu như diễn tuồng.

Hắn rất muốn lết lại chỗ cô gái. Có thể phụ giúp cô một việc gì đó chẳng hạn, hay nói chuyện vài câu đỡ buồn… Nhưng hắn không dám. Cô gái sẽ không nói chuyện với hắn, thậm chí, sẽ bỏ đi ngay nếu hắn để ý quá lâu. Tốt nhất là nên ngồi tại chỗ mà xem, mà chờ. Hắn nghĩ. Nhưng điều ấy làm hắn bứt rứt không yên. Cứ nhìn thấy cô gái mà không được nói năng gì, chuyện trò gì, là hắn cảm thấy khó chịu. Không phải hắn tham ăn, bởi không có gì đảm bảo chắc chắn là cô ta sẽ cho hắn ăn, điều ấy còn phụ thuộc vào tính “mát” của cô, mà vì những ước ao lại đến với hắn. Rồi hắn ngồi lặng lẽ, nhìn xa vời đâu đó bằng cặp mắt trống rỗng, vô hồn. Những dãy lều trống tênh, toang hoác, cọc ván chơ vơ, mái lợp bằng nhiều loại vật liệu vớ vẫn: tôn thủng, rỉ, sét vàng; tranh, rơm rạ… tiêu điều. Đây đó, một vài cái bàn, cái ghế long đinh, sụt chốt, xiêu vẹo, mục nát, vứt chơ chỏng. Rác rưởi, lá rau, lá bánh vãi đầy lối đi, thỉnh thoảng, một vài làn gió thổi làm tung những cái lá bay vật vờ, ruồi nhặng vo ve, vo ve…

Tô bún thật ngon. Lại vẫn như lần trước, nó được đem đến đặt cạnh hắn, không một lời mời, lời giải thích, hay bất kỳ một câu nói vớ vẩn, vu vơ nào. Thậm chí, không cả một ánh mắt nhìn. Một tô bún có cả xương, thịt, đậu hũ, huyết heo, rau muống chẻ, tía tô, hành củ… với cả rất nhiều ớt, cay xè. Hắn không nghĩ đến việc lết ra ngã ba nữa. Hôm nay hắn xin được quá ít tiền. Với lại, hắn còn chai rượu. Hắn nhâm nhi, nhấm nháp mãi, như muốn tận hưởng thật lâu cái vị béo béo, ngầy ngậy của tô bún. Ăn xong, hắn lăn ra phản ngủ liền.

Quá nửa đêm, hắn tỉnh dậy. Hắn thấy ớn lạnh. Người hắn nổi đầy gai ốc, bụng đau lâm râm, sôi óc ách như muốn đi cầu. “Tại tô bún ấy mà”. Hắn nghĩ. “Với nữa, trời hơi lạnh”. Hắn quay người, vớ chai rượu uống dở đưa lên miệng tu. Hắn cảm thấy người ấm dần lên, nhưng bụng vẫn đau lâm râm. Hắn lại tu rượu. Rồi hắn ợ. Mùi hành, mùi bún, và cả vị beo béo, ngầy ngậy đầy miệng hắn. Hắn cố dùng rượu để xua cái thứ mùi vị “bất hảo” ấy trong miệng. Rượu làn hắn đỡ lạnh, đỡ đau, nhưng lại tỉnh táo, khó ngủ. Buồn nữa. Cứ lâng lâng. Và hắn lại uống. Cố dùng rượu để lấy lại cơn buồn ngủ, nhưng không hiểu sao, càng uống, hắn càng tỉnh táo hơn, càng buồn hơn.

Trăng sáng. Một thứ ánh sáng dịu và lạnh. Đêm nay rằm, nhưng hắn không biết. Bởi hắn chẳng để ý đến cả ngày, lẫn tháng. Mà để ý làm gì cơ chứ? Hắn chỉ biết là trăng sáng lắm. Có khi trăng với cái thứ ánh sáng lành lạnh ấy làm hắn đau bụng cũng nên. Hắn nghĩ thế. Đối với hắn, trăng chỉ tổ làm hắn đau bụng mà thôi, ngoài ra, chẳng có tích sự mẹ gì hết. Nhưng dầu sao đây cũng là lần đầu tiên trong đời hắn để ý đến trăng. Ngồi trong lều, hắn không nhìn thấy trăng, nhưng hắn biết, trời rất trong và trăng sáng lắm. Trên cái sạp hắn ngồi, trăng chui qua lỗ thủng trên mái tạo thành những đốm sáng tròn tròn, lung linh, nửa thực, nửa hư. Hắn cứ ngồi nguyên như thế thật lâu, vừa uống rượu, vừa nhìn những đốm sáng lùng linh ấy.

Một cảm giác buồn lâng lâng xâm chiếm tâm trí hắn. Có lẽ cũng tại ánh trăng quái quỉ ấy, chứ ban ngày hắn ít thấy buồn. Và, trong đầu hắn dần tái hiện một đêm trăng. Một đêm trăng sáng lắm. Đã lâu lắm rồi, nhưng hắn vẫn còn nhớ như in. Trăng rải đầy núi đồi, làng mạc, mọi thứ như đều dát bạc, lung linh. Trong cái đêm thinh vắng ở một làng sơn cước, chỉ có ánh trăng vàng rộm và tiếng chó sủa bóng vu vơ, thảng thốt…

Đấy là giờ đây hắn mới nhớ lại, chứ dạo ấy thì hắn chẳng hề để tâm tới ánh trăng sáng bạc cả bầu trời, cả làn gió núi rười rượi. Cách đây đã rất lâu rồi. Hồi ấy, hắn còn là lính. Lính biệt động Lôi Hổ. Trung đội hắn được lệnh tập kích vào một ngôi làng. Cấp trên của hắn gọi là “làng cộng sản”. Khi bọn hắn đến trời đã xế chiều, làng vắng tanh không một bóng người. Hắn và những đồng đội của hắn tiến vào làng trong sự ắng lặng, đầy vẻ bất an. Có lẽ chiến dịch bị bại lộ, dân làng đã tản cư hết, vườn không, nhà trống.

Hắn cảm thấy sống lưng ớn lạnh. Bỗng: ùng, oàng! Lựu đạn nổ vang trời. “Tằng, tằng, tằng…!” Tiểu liên điểm xạ ba phát một. Tiếng la hét, kêu gào của những đứa bị thương. “Tản ra. Xông lên !” Tiếng trung đội trưởng của hắn quát tháo. Hắn lăn mấy vòng, xả súng vu vơ phía trước. Hồi lâu hắn chợt nhìn thấy bóng những chiếc áo đen đang di chuyển rất nhanh quanh những gốc dừa, ụ mối. Bọn hắn bị du kích bao vây. Những đồng đội của hắn sau phút choáng váng đã lấy lại tinh thần, bắt đầu bắn trả. Tiếng súng nổ chát chúa, khói bụi cay xè. Kinh nghiệm cho hắn biết chỉ có khoảng một tiểu đội du kích, tấn công một trung đội của hắn. Không cân về số lượng, nhưng đối phương nhanh nhẹn, ngoan cường, thạo địa hình hơn. Họ vây lấy chúng dai như đỉa, tỉa dần từng đứa một. Bọn chúng được trang bị tối tân hơn, xả đạn như mưa rào về phía đối phương.

Trời tối rất nhanh. Trung đội của hắn chỉ còn chưa đầy một nửa, buộc phải co cụm vào một ngôi nhà, chống trả. Cuộc đọ súng kéo dài. Đêm về khuya, trăng càng sáng, tiếng súng càng thưa dần. Hắn biết đồng đội hắn và cả phía bên kia, đối thủ, quân số đã vơi đi rất nhiều.

Phát hiện đối phương chỉ bắn cầm chừng và bắt đầu rút lui, trung đội hắn xung phong. Một trận giáp la cà xảy ra. Đối phương kém người, ít cơ số đạn nên bị tiêu diệt. Chỉ còn duy nhất một tay súng, chui xuống hầm chống cự. Hết tung lựu đạn lại quạt tiểu liên, tay súng chống trả quyết liệt. Bọn chúng bao vây căn hầm tứ phía, nả đạn như mưa, vừa kêu gọi đầu hàng. Sự anh dũng của đối phương đủ để hắn và đồng đội kính phục. Trung đội trưởng của hắn ra lệnh : “Bắt sống nó, moi gan coi lớn cỡ nào?”.

Đối phương hết đạn. Chính hắn bắt được. Thật bất ngờ, đó là một cô gái. Một cô gái còn rất trẻ,

– Thưởng cho mày đó. Bảy lì ! Trung đội trưởng bảo hắn.

Hắn kéo lê cô gái vào một bụi chuối. Cô gái giãy dụa, chống cự điên cuồng. Càng làm hắn cảm thấy khoái lạc. Hắn cảm nhận một cách rõ ràng, cũng giống như những con kiến bé nhỏ, cô gái rung lên rùng rùng. Chưa bao giờ hắn lại có cảm giác lạ lùng đến vậy. Bọn gái làng chơi, gái “bar”, gái đĩ… đã làm hắn quên mất chuyện trinh tiết ở đời. Cô gái càng vùng vẫy, hắn càng cảm thấy thoả mãn như vẫn bắt gặp mỗi lần giết kiến. Phút cuối, hắn lần ngực cô gái, bằng cái miệng đầy những răng vàng, nhằm cái núm nhỏ bên trái, mềm mại trên bầu ngực cương cứng của cô, cắn mạnh… Cô gái rú lên một tiếng, ngất xỉu.

Hắn nhìn cô, như nhìn ngắm một con kiến bé nhỏ, rồi rút súng ngắn, bắn một phát lên trời. Cô gái vẫn nằm bất động. Hắn bỏ đi cùng lũ bạn.

… Hắn ợ một cái thật to, rồi chép miệng chèm chẹp, rượu không xua nổi mùi hành, mùi bún, mùi “tạp pí lù”. Cái vị beo béo, ngầy ngậy trong miệng làm hắn cảm thấy nôn nao, không hẳn khó chịu, cũng chẳng ra dễ chịu. Và hắn nhớ đến người đã cho hắn tô bún ban chiều, cho hắn cái thứ có mùi vị nôn nao…

“Con quỷ thọt chạm mát kỳ cục”. Hắn nghĩ. Và chợt nhận ra rằng: cô gái, ngoài sự kỳ cục là đã cho hắn ăn không hề vụ lợi, không thèm nhìn hắn, bắt chuyện với hắn, còn có một cái gì đó nữa khác làm hắn lưu tâm, mỗi khi nghĩ đến. Là cái gì thì hắn chịu, không thể nào lý giải được. Hắn bực bội vì không minh bạch được thắc mắc của mình. Những lần khác thì hắn sẽ “ôi dào” một cái là cho qua. Nhưng lần này, hắn cứ tự tra vấn mãi. Không phải con nhỏ có cái dáng đi như bơi, như người ta ngoáy cái com-pa, trông rất mắc cười. Cũng không phải cái tính dở người của nó. Đằng sau những thứ ấy còn có cái gì khác nữa, khác lắm, mà hắn cố nắm bắt, cố gọi tên ra, nhưng không được. Cứ như là hắn có quen biết, hay nhìn thấy cô ta một lần nào đó, thoáng qua trong đời, nhưng hắn không tài nào nhớ ra được. Rồi hắn tự trả lời – Đời hắn có ai thèm làm quen? Có ai bắt chuyện? Nhất lại là một cô gái?! Thế thì là cái khỉ mẹ gì ? Hắn bực bội. Lại tu rượu. Mà sao hôm nay hắn lại lý sự nhiều đến thế? Hay là tại ánh trăng quỉ quái ấy cũng nên?! Có cảm tưởng như trăng làm hắn khổ sở, bức bối, ý nghĩ cũng chẳng minh bạch tỏ tường, mọi thứ đều mờ mờ, ảo ảo thực thực, hư hư.

Trăng vẫn sáng. Hắn đảo mắt nhìn mông lùng. Dưới ánh trăng cái chợ có vẻ sạch sẽ hơn, đỡ bẩn thỉu, hôi hám hơn. Trăng rải vàng lối chợ, làm mờ những lá lay, rác rưởi hàng ngày vẫn thấy. Ở dưới kia, sát mé sông, cô gái ngủ ở đấy. Hắn biết thế. Giờ này, chắc con nhỏ ngủ say. Trăng sáng và dịu mát đến thế cơ mà. Không hiểu con nhỏ khi ngủ trông có kỳ cục, buồn cười không nhỉ? Hắn tự hỏi. Lạ thật. Tại sao nó cứ xa lánh hắn? Hắn có làm gì hại cô đâu? Rồi trong cảm giác lâng lâng say, hắn tự ngắm mình. Đã lâu lắm rồi hắn mới lại làm như thế. Kể trông hắn cũng gớm giếc thật. Nhưng con nhỏ ấy thì có gì hơn ? Cũng tật nguyền như hắn vậy?! Ở chung với nhau hàng mấy năm mà cứ làm bộ hoài. Thâm tâm, hắn cứ hy vọng rồi một ngày nào đó con nhỏ cũng sẽ chịu hắn. Dẫu sao cái chợ vắng tanh mỗi chiều cũng chỉ có hai người.

Những ý nghĩ, những câu hỏi cứ ám ảnh, quấn chặt lấy đầu óc hắn, làm hắn bức bối, khó chịu vô cùng. Giá là ngày trước, khi hắn còn nguyên vẹn, thì đã không như thế. Như cái đêm trăng năm nào ở cái làng sơn cước ấy chẳng hạn. Những ý nghĩ về cô gái và cảm giác mà hắn nhận được ở đêm trăng ấy lại trở về với hắn, cụ thể, rõ ràng , như có thể sờ nắn được, làm hắn rạo rực, nôn nao…

Hắn tuồn người ra khỏi lều, lết đi. Mới đầu hắn dịch chuyển chậm chạp, sau, hắn lết nhanh.

Cô gái nằm thưỡn, hớ hênh trên mặt sạp. Ánh trăng  làm da thịt cô có vẻ trắng và mềm hơn. Nhất là phần bụng, phần đùi, hở hang do quần áo bị kéo xô lên trong giấc ngủ say, vô tư, thoải mái. Tay chân cô buông xoải, dạng nang. Hắn nhìn cô chằm bặp, quên cả ý nghĩ cô gái ngủ trông có mắc cười hay không? Một cái gì đó cứ trườn lên trong cổ hắn. Hắn cố nuốt xuống. Lại trồi lên.

Một lúc. Hắn đu người, leo lên mặt sạp. Cô gái vẫn ngủ ngon, không hề hay biết. Không nghe tiếng sạp vặn mình kèn kẹt. Hắn men lại gần. Gần hơn. Giờ thì đã trông thấy rõ mặt cô gái. Khuôn mặt trăng trắng, mờ mờ sau làn tóc rối. Cặp mắt cô vẫn nhắm nghiền, từ bên mép, một dòng nước dãi chảy xuống, ướt, sáng lên dưới ánh trăng. Hắn chuyển cái nhìn từ từ xuống phần dưới cơ thể cô gái, dừng lại rất lâu ở những nơi da thịt hở hang, trắng mờ mờ… Và hắn bỗng run lên. Hai tay chống xuống sàn của hắn tưởng chừng không đỡ nổi cơ thể hắn nữa. Hai hàm răng hắn nghiến chặt. Cố kìm giữ, nhưng cả người hắn  vẫn run lên bần bật. Cảm tưởng như cái sạp gỗ cũng run rẫy theo nhịp cơ thể hắn. Lần đầu tiên trong đời hắn làm một việc vụng trộm, một việc mà suốt cả đời hắn cũng không nghĩ là có lúc hắn phải làm như thế. Mồ hôi hắn vã ra…

Hắn ôm choàng, đè lên người cô gái. Cô gái bừng tỉnh, ú ớ, dãy mạnh. Hai người vật lộn, giằng co nhau dữ dội. Cái lều cũ kỹ, yếu ớt, rung lên kèn kẹt, muốn gãy. Cô gái giãy giụa, thúc đạp, cố tuồi ra khỏi hắn. Tuy bị cụt cả hai chân, nhưng bù lại, hắn có hai cánh tay cứng như kìm. Hắn khoẻ hơn cô gái rất nhiều. Vừa phun phì phì, hắn đè ngửa cô trên mặt sạp. Hắn xé quần áo cô gái. Một khoảng ngực trần của cô ló mở toang hoang, trắng nhễ. Hắn chợt nhìn thấy, một bên vú của cô gái phẳng lì, không núm. Hắn ngây dại nhìn cô gái…

– Đồ chó ! Bảy Lỳ!

Cùng lúc, cô gái bỗng thét chửi, tiếng thét của người câm, lâu nay dồn nén, bỗng bật xé ra, nghe sắc lạnh, dữ dội, ma quái đến rợn người.

Hắn sững người một giây, vòng tay ôm lỏng ra một ít. Cùng lúc, hắn bị một cú đạp thốc vào bụng, rớt xuống nền đất đánh ịch.

Cô gái bỏ đi xuống bến sông, vừa kéo lại áo quần, dáng đi như ngoáy ngoáy nhiều hơn, chậm chạp, mệt mỏi như khi cô gái xách xô nước thiệt nặng, để lại mình hắn, vẫn nằm còng queo trên nền đất, ngỡ ngàng, ngây thộn…

x      x

x

Hắn lầm lũi lết trở về. Nỗi thất vọng, buồn chán đè nặng tâm tư, làm đôi vai hắn rũ xuống.

Đã hơn một lần, hắn nhìn thấy, đằng sau những đồng bạc lẻ, bạc chẵn rơi vào nón hắn, là ánh mắt ái ngại của người đời: “Người như hắn sao không chết đi? Đỡ khổ hơn không?”. Những lúc ấy, chính hắn cũng không trả lời được với hắn câu hỏi ấy. Hắn đâu có sợ chết? Cái chết chẳng có gì khủng khiếp đối với hắn, một kẻ tật nguyền, sống bằng nghề ăn mày lòng thương của thiên hạ. Với nữa, cuộc đời lính đã để hắn nhiều lần giáp mặt với cái chết. Nhưng giờ đây. Chính lúc này. Hắn hoàn toàn hiểu rõ lý do vì sao hắn chưa tự nguyện lìa bỏ cuộc đời. Hắn còn ước mơ. Còn hy vọng. Hy vọng một ngày kia thế nào con nhỏ “thọt chân chạm mát”cũng cho hắn được làm thân, sẽ “chịu” hắn. Bởi dầu sao thì lối chợ vắng, trống tênh trong những đêm dài, cũng chỉ có hai người. Hai đứa tật nguyền với nhau… Ước mơ ấy khắc khoải, cụ thể, rõ ràng. Như thế hắn có thể sờ nắn được. Cuộc đời hắn, một thằng lính, cũng đã từng ước mơ danh vọng, tiền bạc… bằng con đường binh nghiệp. Nhưng đã từ lâu, hắn biết, tất cả đều hão huyền. Hắn chỉ là con kiến bé nhỏ mù quáng trong vòng tay tạo hoá mông lung, vô định và khắc nghiệt mà thôi.

Giờ đây, với hắn, chỉ có con nhỏ “thọt chân chạm mát” là tất cả. Tất cả đời hắn mà thôi. Cụ thể và rõ ràng. Nhưng chính lúc hắn phát hiện ra điều đó thì cũng lúc hắn biết hy vọng đã tiêu tan. Và chính hắn đã bóp chết ước mơ, hy vọng của mình – Ước mơ đẹp và thánh thiện đến nỗi, ngay cả hắn cũng không dám gọi tên ra một cách cụ thể, kể cả bằng lời, lẫn trong ý nghĩ.

Rồi hắn sẽ sống ra sao với một người mà hắn đã ấp ủ một ước mơ còn quí giá hơn cả chính cuộc sống của mình, khi người con gái ấy vốn biết rõ chính hắn, kẻ đã hãm hại đời cô, để cô đến nỗi tật nguyền? Không. Không thể có sự nhầm lẫn được. Cái bầu vú phẳng lì, không núm, cũng ở bên trái ấy, không cho phép hắn tự lừa dối mình. Thảo nào, đã có lúc hắn ngờ ngợ, trông cô gái như quen.

Hắn không thể nhận ngay ra cô được, mặc dầu cái đêm trăng nào, với cảm giác “lần gặp đầu tiên” ấy, hắn không thể nào quên. Hắn đâu có biết rằng, sau cái đêm trăng khủng khiếp ấy, nỗi khiếp đảm đã làm cô mắc chứng tâm thần, sự đau đớn thể xác đã để cô mang tật suốt đời? Nhưng dầu tật nguyền, dầu loạn trí, nỗi khiếp sợ và hận thù dường như vẫn náu kín ở một nơi nào đó sâu kín nhất trong tâm hồn cô, chợt bùng lên, để cô nhận ngay ra hắn mặc dù cho năm tháng và chiến tích đã băm nát cơ thể, bộ mặt hắn, khi hắn lần đầu tiên dẫn xác đến cái chợ này. Hắn có biết đâu rằng, sau cái đêm hôm ấy, cuộc đời cô, một cách ngẫu nhiên bắt buộc dính chặt lấy cuộc đời hắn, như mảnh thứ hai của con người mà tạo hoá đã bắt buộc kiếp người phải tìm kiếm suốt cả đời! Tật nguyền, man rợ, cô gái đã đi tìm hắn khắp mọi nơi, bất cứ chỗ nào mà cô có thể đi đến được, bất cứ nơi nào nghe tiếng, nghe hơi hắn, với một ý nghĩ duy nhất, nung nấu trong điên dại: “Trả thù”! Năm năm. Mười năm… Thời gian như một vị thuốc tiên để cô quên dần, nhạt dần ý nghĩ ấy. Đã có lúc cô nghĩ như hắn đã chết rồi. Cho mãi đến khi gia đình cô “di tản”, bỏ rơi cô vì tật nguyền, chậm chạp ở ngay phi trường Biên Hoà này, để cô lần hồi sống trong cái chợ nhỏ, khuất khoáy này, cô đã hầu như quên hẳn hắn. Trời xui đất đẩy thế nào hắn lại xuất hiện ở đây. Lần đầu tiên nhìn thấy hắn, cô gái đã muốn băm vằm hắn làm trăm mảnh. Đau đớn, tủi nhục làm cô giận dữ đến run người, thúc dục cô, cho cô sức mạnh, cho cô dã tâm và tàn bạo để đâm chém hắn. Con dao thái thịt trong tay cô cũng run lên bần bật … Nhưng rồi … Khi lại gần hắn, cô gái chợt nhận ra, cơ thể hắn, khuôn mặt hắn, chẳng còn lấy một chỗ nào nữa, khả dĩ còn lành lặn để cô thọc nhát dao thù hận. Phải chăng chính cuộc đời đã giúp cô trả món nợ đó rồi?!

Những câu chuyện ấy hắn chẳng thế nào biết được.

… Hắn đau khổ, vừa bực bội với chính mình vì không tài nào hiểu được mọi chuyện ra sao nữa. Làm sao mà hắn có thể biết được rằng, cả hắn, cả cô, những kẻ tật nguyền có thể đi được trong cái biển người mà sự hoảng hốt, sợ hãi, lo cho chính mình hơn bất cứ ai, trong cái không khí hỗn loạn, điên cuồng của những ngày “di tản” ấy?! Chỉ có điều này thì hắn ý thức được rõ ràng, là hắn và cô gái ấy nữa, vì miếng cơm hàng ngày, chẳng còn chỗ nào tốt hơn cái chợ nhỏ, đông đúc ấy. Nhất là đối với hắn, một kẻ chỉ còn là thứ nửa người, nửa ngợm!…

Hắn lết đi. Hoàn toàn theo bản năng. Trong đầu hắn chập chờn những câu hỏi không thể trả lời, nỗi thất vọng chua chát, chán chường, những biến cố trong đời, như những thước phim đậm nhạt kéo qua … hỗn loạn, chập chờn. Nhưng những ý về cô gái “dở hơi thọt chân chạm mát” vẫn khắc rãnh trong đầu hắn, đậm và nhức nhối. Thế là hết. Chẳng còn hy vọng gì nữa. Hắn đâm giận hờn tất cả. Giận cái đêm trăng sáng như ma quái. Giận cả tô cháo có mùi vị khó quên. Cả chai rượu làm hắn say quá độ … Tất cả những thứ đó đã xúi đẩy, thôi thúc hắn. Hắn giận luôn chính mình. Chỉ tại hắn ngu mà làm tan nát mọi chuyện. Chứ nếu không thì hôm nay, và cả ngày mai, ngày kia nữa … hắn có thể yên ổn làm ăn và ngắm nhìn cô gái. Như thế có phải thích thú biết bao? Ôi! Bây giờ hắn mới ý thức được là hắn quý cô biết dường nào. Nếu không có cô thì những ngày qua hắn sống ra sao trong cái dãy lều quán vắng tanh, vắng ngắt mỗi chiều chợ tan? Hắn giận lây cả người công an gác cầu đã ngăn không cho hắn tự vẫn. Rồi hắn giận luôn cả cô gái. Chính vì cô mà hắn ra nông nỗi này. Phải. Tất cả chỉ vì con nhỏ “thọt chân chạm mát” ấy. Không có nó, hắn đã không chết dở, sống dở như vầy. Hắn sẽ không đủ can đảm để nhìn thấy cô, với ánh mắt nhìn như bốc lửa, sáng rực lên dưới ánh trăng, như muốn thiêu cháy hắn thành tro bụi. Hắn không thể sống mà nhìn thấy cặp mắt ấy. Hắn phải chết. Và, trước khi chết, hắn muốn cặp mắt ấy phải tắt cái nhìn như dội lửa. Phải rồi, con nhỏ “thọt chân chạm mát” ấy, niềm hy vọng, ước ao của hắn ấy, không có quyền được nhìn hắn như vậy …

Đầu óc hắn cuồng loạn bởi những ước muốn quẫy lên dữ dội. Cả người hắn run lên bần bật, mồ hôi vã ra như tắm. Ý nghĩ về một cuộc chết chung làm hắn cảm thấy phấn chấn, hăng hái, tự tin hơn. Hắn sẽ vĩnh viễn từ bỏ cái thế giới khốn nạn này, cái thế giới chỉ đen lại cho hắn rặt những điều tai hại, khổ đau và thù hận, để mang đi cả cô gái ấy, niềm khát khao, mong mỏi của hắn, mà hắn biết chắc là ở trần gian, hắn sẽ không có được, không bao giờ có được!…

Hắn chẳng còn gì ở thế gian này nữa. Hắn là ai? Là gì ở trên đời? Hắn không biết. Chỉ biết, hắn sinh ra đã khốn nạn, khổ ải lắm rồi. Và cho đến tận bây giờ, khi hắn quyết định từ giã cõi đời, đến với cái chết, vẫn vậy, hắn vẫn khổ sở, khốn nạn như khi hắn sinh ra.

…Hắn không cha, không mẹ, không cả họ hàng thân thích. Ở trại mồ côi người ta gọi hắn là thằng Bảy. Cũng chẳng biết tại sao nữa, nhưng lâu dần thành quen, thành tên. Và hắn cũng chưa bao giờ tự hỏi có phải tên hắn là vậy chăng? Điều ấy hầu như hắn chẳng quan tâm, chẳng ảnh hưởng gì tới hắn. Riêng cái phần đệm “huý” kèm theo thì hắn biết rất rõ, thậm chí, hắn còn thích thú nữa. Nhưng đó là mãi về sau này, khi hắn đã lớn khôn, đã hiểu biết nhiều chuyện trên đời …

Cuộc đời hắn là sự kéo lê ngày tháng suốt từ trại này sang trại khác. Và cuối cùng, là trại lính. Một kết cục tất yếu. Để rồi từ đó bước ra , hắn có thể bắn giết, hãm hại đồng loại một cách không thương tiếc. Âu cũng là luật nhân quả. Có ai thương xót hắn bao giờ? Thứ tình cảm duy nhất mà hắn nhận được, là tình cảm của bọn gái làm tiền các kiểu không thôi.

Bởi vậy, sau lần gặp gỡ “đầu tiên’’ ấy trong cái đêm trăng sáng ấy, thằng Bảy chẳng thể nào quên được cô gái ấy nữa. Để rồi, trong suốt cuộc đời lính, dù đi đến bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào hắn cũng để tâm tìm kiếm hy vọng gặp lại cô gái. Để làm gì thì hắn không biết, nhưng vẫn hy vọng. Cứ như là, niềm hy vọng ấy là lẽ sống, là tiêu chí của cuộc đời hắn vậy.

Nhưng rồi … Chiến tranh, với tất cả sự khốc liệt, tàn bạo và công bằng của nó, đã chấm dứt cái hy vọng mong manh cuối cùng của thằng Bảy. Đôi giò cụt lủn, với cái thân xác nửa người, nửa ngợm còn lại, thằng Bảy cố lắm mới theo được đám loạn quân thất trận, về được đến phi trường Biên Hoà. Rồi từ đó, lết về cái chợ nhỏ này, là nơi yên ổn gần nhất mà hắn có thể tới được …

Vậy mà … Đúng lúc thằng Bảy không ngờ nhất, không mong đợi, hy vọng gì thì hắn lại gặp cô gái ấy. Vẫn là cô, chẳng thể nhầm, chẳng thể nào sai. Cuộc đời mới oái oăm làm vậy!…

Cuộc đời vốn vô nghĩa. Chưa từng có ai hỏi thằng Bảy có yêu đời? Nhưng dẫu khốn nạn, khổ đau ngay từ khi mới lọt lòng, thằng Bảy vẫn có cuộc đời riêng của nó, và chắc chắn, trước cái chết, nó chẳng thể nào không ít nhiều nghĩ về cuộc sống. Cũng chính vì cuộc sống mà thằng Bảy tìm đến cái chết. Một kiểu duy trì mong ước của mình, thoả mãn mơ ước của mình. Hắn hy vọng, ở “cuộc đời kia”, ít nhất cũng có một con người để hắn mong, hắn đợi, dầu là sự chờ đợi đến vô vọng hắn cũng cam lòng.

… Trời chưa sáng hẳn. Vẫn còn kịp. Ý nghĩ ấy làm hắn cuống cuồng. Giờ này chắc con nhỏ “thọt chân chạm mát” vẫn còn ngủ say. Chỉ cần hắn về kịp, khi trời chưa sáng, con nhỏ vẫn ngủ, thì mọi việc sẽ qua. Hắn xiết chặt đôi ghế gỗ trong những ngón tay co quắp đến tê dại, cứ như đây là cái cần cổ cô gái vậy.

Hắn lết nhanh, điên cuồng. Dồn hết tâm sức vào đôi tay, siết chặt đôi ghế gỗ. Những đợt đèn pha ô-tô lướt qua, quét vào mặt hắn. Mặc. Hắn không thèm để ý đến mọi thứ xung quanh. Hắn lết. Lúc càng nhanh.

Đã sáng ngày. Hắn thất vọng, đau khổ nhận ra điều ấy khi về đến ngõ chợ. Chậm rồi. Liếc xéo vô trong, hắn nhác thấy cô gái đã trở dậy, xách nước, dáng đi như bơi. Hắn nhìn cô, sững lại ngay ngõ chợ. Thất vọng và chán chường, mỏi mệt, mặt hắn méo xệch như chực khóc, toàn thân rũ xuống, mềm oặt như cái bao tải cũ. Cô gái vẫn đi lại lăng xăng phía cuối những dãy lều, những bước chân như ngoáy.

Hồi lâu, hắn chậm chạp, hờ hững lết về cái sạp gỗ, nơi hắn vẫn nằm. Trên sạp, hắn sững sốt nhìn thấy một tô bún lớn, vẫn còn bốc khói nghi ngút, thơm ngậy lên. Hắn dụi mắt. Vẫn chưa tin được. Hắn đưa tay sờ. Tô bún vẫn nóng nguyên. Hắn nhìn sững. Không thể nhầm được. Vẫn là tô bún như những lần trước, có cả rau thơm, cả thịt, đậu hũ … và cả những khoanh ớt đỏ chói chang … Rồi hắn lại nhìn cô gái. Vẫn thế. Vẫn đi lại lăng xăng, và vẫn không thèm nhìn hắn lấy một lần, như không hề biết hắn đã quay trở lại. Như chuyện đêm qua là không hề có thực. Hắn đưa tay sờ bụng. Chỗ bị đạp vẫn đau nhói lên. “Con quỷ thọt chân chạm mát kỳ cục”. Ý nghĩ đó làm hắn dễ chịu. Hắn leo lên sạp, men lại gần tô bún, vẫn đang bốc khói.

Hắn đói. Càng ăn, hắn càng thấy khoẻ khoắn. Cứ như là ăn tới đâu, cái chất ngòn ngọt, beo béo ngấm tới đấy, và xua tan đi những mối nghi hoặc, những ý nghĩ vẩn vơ trong đầu hắn!

Lác đác đã có người vào chợ. Đầu tiên là những bà bán hàng khô, hàng quà bánh. Họ đẩy hàng bằng xe ba gác. Sau nữa, là các bà hàng rau, hàng cá …

Hắn ăn xong. Chợ đông dần. Thoảng đã có khách mua xách giỏ, xách bị vào chợ. Một điều gì đó như là ý thức nghề nghiệp đến với hắn. Hắn rời sạp, bò lại ngõ chợ,  nơi hắn vẫn nằm.

Hắn luồn tay vô bụng, nơi có một lỗ thủng bé bằng đồng xu, vén áo, móc ra một núm ruột đỏ lói, lều phều. Trước khi mở miệng, bắt đầu   “bài ca muôn thủa”, với giọng bi ai, đầy nước mắt, hắn dõi mắt nhìn về phía cuối dãy lều chợ. Ở đấy, cô gái vẫn đi lại lăng xăng hết chỗ này, chỗ nọ, quanh những tiếng gọi sai bảo, bước chân đi như ngoáy, hai tay bơi bơi trong không khí, trông thật mắc cười.

“Con quỷ thọt chân chạm mát kỳ cục”. Hắn nghĩ, rồi đưa huơ huơ cái nón nỉ cáu ghét về mọi phía: “Gì ơi … Cô ơi … Làm phước…”…

Những đồng xu, đồng hào, chẵn, lẻ – những đồng tiền làm phước lại rơi vào nón hắn.

 

ĐOẠN KẾT

 

Ngày nay chợ Chiều không còn nữa. Người ta đã phá bỏ nó để xây dựng một khu thương mại khang trang. Tuy thế, vẫn có rất nhiều người dân ở ngã ba Vũng Tàu còn nhớ rất rõ chợ Chiều. Ở đó có hai kẻ dị hợm bất thành nhân sinh sống, là gã ăn mày cụt chân, có núm ruột đỏ lói, thòi lòi ở bụng và cô gái thọt chân, chạm mát, xách nước mướn, bước chân đi như người ta ngoáy cái com-pa. Có lẽ chính cái vẻ kỳ dị của hai kẻ nửa người nửa ngợm đó đã để lại dấu ấn đậm trong ký ức mọi người. Bởi thế, nhắc tới chợ Chiều người ta có thể quên mọi thứ, nhưng chẳng ai quên hai nhân vật này.

Khi chợ Chiều mất, cũng là khi hai kẻ dị hợm đó biến mất. Tôi, người viết truyện ngắn này, vì tò mò, đã bỏ công đi tìm họ khắp mọi nơi trong thành phố Biên Hòa, tất cả các chợ to, chợ nhỏ, từ chợ cóc bên đường, đến những chợ lớn khang trang, đông đúc ở trung tâm. Một năm, hai năm… rồi nhiều năm sau, tôi tìm không chỉ nội thành thành phố Biên Hòa, mà bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến. Tôi đi tìm, dày công đến nỗi, đã trở thành một thói quen, nên bất cứ khi nào, đến bất kỳ một nơi xa lạ nào… tôi cũng chăm chú nhìn, xem có thấy kẻ nào đó giống như cô gái có bước chân đi coi ‘‘mắc cười’’như người ta ngoáy chiếc com- pa; hoặc một ai đó có cặp giò cụt lủn, bụng bên phải có núm ruột thòi lòi, đỏ lói… Nhưng tuyệt không thấy. Có người nói với tôi, rằng họ đã chết. Nhưng tôi không tin, hay ít nhất là tôi không muốn tin như vậy. Thâm tâm tôi vẫn hằng mong hai người bọn họ đang cùng nhau lang thang ở một phương nào đó, và biết đâu đó, rất có thể, họ đã là một cặp không thể rời nhau?!

 

Nguyễn Thái Sơn