Chỗ đứng – Truyện ngắn Ngô Phú Thiện

888

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một buổi sáng Chủ Nhật khá đẹp trời, bố đưa thằng cu Cún về quê thăm nội. Tiện thể, bố Văn để cho thằng bé được hít thở không khí thoáng đãng ngoài đồng rộng. Điều quan trọng hơn, bố muốn lôi nó ra khỏi các lớp học thêm, học kèm mà mẹ nó đã lên lịch sẵn. Bố đèo thằng cu trên chiếc xe máy cũ, chạy chầm chậm trên con đường đê cao nghệu.

Tác giả Ngô Phú Thiện 

Cu Cún vô cùng thích thú, vì không thấy quạt máy mà gió đâu cứ phả vào mặt mát dịu. Nó dụi mắt, nhìn xuống thăm thẳm chân đê, bỗng reo lên:

– Bố ơi! Đàn dê cũng đi ăn cỏ kia kìa!

Văn cười với con, rồi dừng xe lại trên đường đê. Để cu Cún quan sát kỹ một lúc, bố lên tiếng: Đố Cún nhé! Cả đàn ăn cỏ dưới kia có phải là dê không?

Cu Cún tròn mắt nhìn một lúc rồi trả lời dứt khoát:

– Con thấy chúng đều có chân ngắn như con chó; lại có lông màu đen đen, đỏ đỏ… thì đúng là bầy dê rồi còn gì!

– Thôi được rồi, con đứng nguyên tại chỗ này. Bố xuống lùa lên đây vài con để cu Cún xem cho rõ ràng nhé! Nói đoạn, bố băng bộ chạy xuống chân đê, bẻ cành cây dại xua vài “con dê” to chạy lên phía mặt đê. Thằng cu Cún nhìn chằm chằm hai con vật đang chạy lên gần mình, cứ to dần. Nó thấy không thể tin được vào mắt mình nữa. Đợi bố nó vứt cành cây, bước lên đường, cu Cún quay lại hỏi ngay:

– Tại làm sao thế bố? Sao lúc ở dưới ấy là con dê mà lên đến đây lại thành con bò?

Thấy con trố mắt ngạc nhiên hỏi, bố chỉ biết cười trừ. Bởi bố chưa nghĩ ra cách giải thích hợp lý với trẻ con về vị trí, cách nhìn sự vật của đôi mắt. Bố ậm ừ, bảo: Không phải tại con bò, mà do… thôi về nhà nội nghỉ, bố sẽ giải thích!

*

Đó là mẫu chuyện ”ôn cố tri tân” của mười tám năm về trước. Sẵn dịp vui chuyện hôm nay bố Văn ngồi kể lại với mấy người bạn của con. Hình như năm ấy về nhà gặp nội, cu Cún quấn lấy bà nên bố cũng quên khuấy việc phải giải thích cho con vì sao dê lại là bò!

Anh con trai tên Tiến, tỏ vẻ bực bội: Bố cứ cà kê chuyện ”đời xưa” mãi, thôi con thấy mỏi lắm rồi! Ba chuyện lặt vặt của trẻ con có chi thú vị đâu, sao bố cứ nhắc lại hoài…

– Không có chuyện nhỏ làm sao biết việc lớn? Bố nổi đóa. Bây giờ mày đã hai mấy tuổi đầu rồi, mà sao mọi người vẫn gọi là cu Cún mày có biết không?

Nhắc đến cái tên cu Cún thời còn bé, bỗng dưng Tiến im bặt. Không phải cậu sợ hỗn láo với bố, mà cái chính là mình đang ”đau đầu” với việc mới đây gặp lại người yêu cũ.

Chẳng là trước khi rời quê lên học Đại học ở thành phố, Tiến đã thầm yêu con bé Mận cùng ở thị trấn. Gọi là ”con bé” cho ra dáng đàn anh, chứ thực tình Mận hơn Tiến những.. 2 tuổi. Vì con gái, nhà lại nghèo nên Mận đi học muộn và ngồi chung lớp cấp 3 với Tiến. Đến lớp 11, ”con bé” ấy đã phổng phao với nước da trắng hồng, khác hẳn các bạn nữ cùng lớp. Bấy giờ Tiến là lớp trưởng, học giỏi nên ”nàng” phục tài học của Tiến lắm. Chỉ có một tội của ”nàng” là chẳng chịu gọi ”Lớp trưởng” hay tên khai sinh, mà mỗi khi ra đường nàng cứ gọi ”Cu Cún”!

Bây giờ trước mặt bạn bè, ông bố lại đem cái tên ”nhóc con” ấy ra, có ẩn ý gì đây? Hay là bố biết chuyện rất khó nói giữa mình với Mận? Tiến hớp vội ly nước trên bàn, đoạn lầm lũi bỏ đi thẳng ra trước sân nhà. Nhìn thấy súc cây tròn lẳn nằm lăn lóc bên hàng chuối, Tiến ra phủi đất, ngồi. Hai chân cậu xoạc ra rồi đưa tay lên gải đầu, nhớ lại:

– Kể cũng khó hiểu thật! Trước sau gì thì mình vẫn là thằng Tiến này mà, nhưng sao Mận ngày nào với Mận bây giờ khác hẳn. Thời gian đâu có quá dài để con người ta có thể thay đổi…

Ngày ấy, trông Mận từ xa đã hớp hồn mình rồi. Đúng như tên nàng, nước da màu mận chín ấy chỉ nhìn thôi, đủ thấy ngọt lịm. Đôi mắt nữa chứ, đôi mắt tròn và xanh biếc, để biết bao lần ”thuyền ta bơi lặn giữa dòng mắt em”! Cũng bởi cái ”duyên” lồ lộ ấy, mình mới có thể chuyển bại thành thắng. Đến cuối năm lớp 12, hình như nàng quên luôn cái tên cu Cún để gọi bằng đại từ xưng hô vô cùng dễ chịu là ”Anh”. Cái mốc ”vượt rào” tình bạn của mình, hình như cũng bắt đầu từ dạo ấy. Khi chiếm lĩnh được trái tim nàng, mình thấy tất cả những người con gái khác đều trở nên tầm thường, xấu xí. Ngày rời thị trấn lên tỉnh học, nàng đến tiễn chân mình cũng với đôi mắt đắm đuối, đợi chờ. Đến nỗi, mình chỉ mơ ước sớm kết thúc khóa học để về xin cưới nàng làm vợ!

Nhưng oái ăm làm sao! Bây giờ gặp lại Mận, đôi mắt của mình như vô cảm, vô hồn. Nàng càng tỏ ra quyến luyến, mừng rỡ chỉ làm cho mình càng thấy lố bịch, vô duyên. Vẫn đôi mắt ấy nhưng dường như nó lại thâm quần hơn. Vẫn bàn tay, đôi gót chân ấy nhưng tại sao có nhiều gân xanh, vết nức sần sùi mà nàng cố để lộ ra? Nàng ý tứ nhắc lại chuyện mình đã hứa hẹn như ”đinh đóng cột” ngày trước, chỉ càng làm cho mình muốn sớm thoát được khỏi nàng càng nhanh càng tốt…

– Đã ngồi ghế sô-pha mãi, giờ ngồi gốc cây không thấy tê chân sao ngài Phó phòng Kế hoạch? Thằng Lâm đâu từ phía sau, vỗ vai cà khịa. Bố cậu nhờ tôi gọi cậu vào cùng bàn chuyện ”đại sự” chi đó, vào ngay đi!

Tiến vội vàng đứng dậy, hốt hoảng: Thôi chết tui rồi! Ông với thằng Hùng cố gắng giải vây cho tui phen này. Chắc chắn là bàn việc tôi phải cưới vợ, nhưng mà…

– ”Nhưng mà” sao? Bây giờ Mận của cậu làm gì? Ở đâu?

– Mình chỉ biết là cô ấy đã học qua quýt lớp Trung cấp Y nào đó, rồi về quê làm ”chăn nuôi – thú y” ấy mà! Tiến cố kéo dài cái giọng mỉa mai, trả lời.

Đọc thấy sự xem thường của Tiến hiện rõ từng lời nói, Lâm vô cùng thất vọng. Một phút im lặng, Lâm nhìn thẳng vào mắt Tiến, hỏi:

– Trông bộ dạng cậu thế này, chắc muốn đổi ý rồi chứ gì? Tôi hỏi thật nhé: Mới ngày nào cậu còn say Mận như điếu đổ, căn cớ nào để cậu dễ thay lòng đổi dạ như thế? Có người đẹp mới rồi phải không?

Dồn dập nhiều câu hỏi của Lâm, Tiến lúng túng, chưa kịp nghĩ ra cách đáp trả hợp lý. Biết không thể giấu được với bạn, Tiến đành phân trần:

– Thú thực… mình chưa có người yêu nào, ngoài Mận. Nhưng giờ thì thực sự mình cũng không hiểu được chính mình. Ngày trước, mình thấy Mận đẹp, dễ thương là vậy nhưng hôm vừa rồi gặp lại… mình cảm thấy chẳng có chút rung động nào. Hình như cô nàng lớn tuổi hơn mình, lại lao động chân tay vất vả nên Mận không còn được như xưa… Thực tình, mình không thể lấy một người mà mình không yêu!

– Như thế là không ổn với bố cậu rồi – Lâm tỏ vẻ lo lắng. Ông bố là người mực thước, lại hay nóng nảy khi nghe ai nói trái ý. Còn Mận nữa chứ, cô ấy có tội tình gì đâu. Chẳng lẽ cô ta làm nghề Thú y là đắc tội? Quả thực, tôi thấy chẳng có lý do nào để đứng về phía cậu…

*

Kể từ ngày biết tin Tiến được ”đề bạt” làm Phó phòng Kế hoạch trên thành phố, Mận vừa mừng lại vừa lo. Dĩ nhiên một người giỏi giang như anh ấy thì con đường thăng tiến không mấy khó khăn, với chức Phó phòng chỉ là ”bước đệm”. Nhưng nỗi lo đau đáu của Mận là mối tình đầu đời với Tiến rất có thể vụt khỏi tầm tay mình. Với ánh sáng phố phường huyễn hoặc, lại không thiếu những bóng hồng xinh đẹp, làm sao chàng cưỡng được sự cám dỗ.

Một hôm tình cờ gặp cô bạn thân cùng lớp, Mận tâm sự về nỗi lo ”hiện hữu” của mình. Cô bạn vốn trực tính, nói hoạch toẹt luôn:

– Mày cứ mải mê với dịch bệnh, lợn gà như thế, liệu ai còn chịu nổi. Người ta bảo tuổi con gái luôn chịu cái phận có duyên, có thì… Còn mày, hãy coi lại cái dung nhan của mình đi…

Mấy lời khó nghe của bạn như một liều thuốc đắng. Hôm ấy về nhà, Mận vào phòng đóng cửa và tự soi mình trong gương khá lâu. ”Có lẽ hắn nói đúng, mình phải dành thời gian để chăm chút lại cho vừa mắt đàn ông…”, Mận ngồi nói với người trong gương. Ngay ngày hôm sau, Mận lặng lẽ mang túi xách đi ”Mỹ viện”. Xong khuôn mặt, mái tóc, cần sắm vài bộ cánh tương thích. Mận cầm chiếc ví thấy còn nặng, nàng mạnh dạn bước vào shop thời trang. Khi ra khỏi tiệm, Mận cảm thấy đủ tự tin để alô hẹn gặp Tiến.

Điện thoại réo vang, miễn cưỡng Tiến cầm máy và đọc thấy tên Mận. Đúng lúc đang bực mình vì bị ”ông già” truy vấn, Tiến tắt máy, ném luôn ra bàn. Bố gặn hỏi:

– Sao con không nghe điện thoại? Hình như Mận vừa gọi đến đó phải không?

– Dạ… không phải. Cuộc gọi của thằng bạn hẹn đi chơi, con biết rồi!

– Lẽ nào có Lâm với Hùng đến thăm chơi đây, con lại hẹn với bạn khác à? Bố vừa nói chuyện với hai bạn đây về cô gái con yêu, họ rất đồng tình việc đi đến hôn nhân… Ý con thế nào để bố mẹ còn định liệu?

Lâm là thằng bạn vốn trực tính, liền xen vào: Đẹp đôi quá còn gì nữa! ”Cưới vợ phải cưới liền tay…”, người xưa đã nói vậy. Như bạn Tiến đây, để ngủ nhiều chỉ thêm lắm mộng, bác à!

Tiến cau có, hai mắt lườm lườm về phía thằng bạn, tỏ ý trách cứ. Đến khi bố giục, bảo ”nghĩ sao nói vậy” cho mọi người cùng biết, Tiến giật mình chữa cháy:

– Bố cho con suy nghĩ đã… Giờ con đã lỡ hẹn với bạn rồi, Lâm với Hùng cùng đi…

Khoan đã, đi chơi không chuyện gì phải vội – bố Văn cương quyết. Ngày mai con đi làm sớm, cả tuần mới về. Bố cần biết ý định của con…

– Thôi có lẽ sẵn có các bạn học cũ, con xin thưa thật: Cô Mận bây giờ không phải là Mận ngày xưa nữa. Xin bố đừng bận tâm, để con tự quyết định!

Nghe từng lời con vừa nói, bố Văn thở dài, lắc đầu. Bố nhìn sang Lâm và Hùng, muốn nghe góp ý của bạn bè, nhưng cả hai đều im như thóc. Trầm ngâm một lúc, bố hắn giọng, nói luôn một mạch:

– Đến nông nổi này, bố phải nói thực lòng… một phần lệch lạc của con là do lỗi của bố. Giá như ngày trước, bố cố gắng giải thích cho đôi mắt trẻ thơ của con về chỗ đứng, vì sao thấy con bò lại giống con dê?

Bây giờ con vẫn mang đôi mắt ấy vào cuộc sống và không thấy sự đa chiều của vị trí nhìn. Bố thì thấy cô bé Mận ngày càng đẹp và giỏi giang hơn đấy chứ! Người đời vẫn bảo ”nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”, lẽ ra con phải nhìn thấy cái ”nhất” ấy… Thế nhưng, không phải tại Mận lớn hơn con hai tuổi mà cái chính là do vị trí, chỗ đứng của con hiện thời. Tố chất con người ta không thể nhìn ở vẻ bên ngoài mà phải cảm nhận từ nhiều góc khuất bên trong. Ví như giờ đây con không tự coi mình là người học rộng, có vị trí xã hội thì bố tin chắc con sẽ thấy Mận đẹp và đằm thắm hơn xưa…

N.T.N