‘Cho nòi giống soi chung’

634

Những bài ca yêu nước của Lưu Hữu Phước từng trở thành một nguồn lôi cuốn quần chúng trong cao trào giải phóng dân tộc thập niên 1940. Xuất phát từ những thành quả của Ban âm nhạc Tổng hội sinh viên Đại học Đông Dương, các bản hành khúc kêu gọi tinh thần dân tộc của nhóm sinh viên này vượt qua phạm vi trường đại học, can dự vào cuộc tạo dựng một diễn ngôn về một nước Việt Nam độc lập. Vang lên ban đầu như tiếng nói của một đoàn thể tinh hoa, chúng đã trở thành cảm hứng của một cộng đồng.

Một tâm trí sục sôi

Mùa hè năm 1940, các kì thi tú tài ở Đông Dương diễn ra trong bối cảnh nước Pháp thất thủ trước phát xít Đức. Lưu Hữu Phước đã thi đỗ và ra Hà Nội học trường Y khoa Đông Dương. Đây là khoảng thời gian xảy ra những sự kiện chính trị ảnh hưởng đến việc học: “Chúng tôi đến Hà Nội chỉ vừa đủ thời gian để chứng kiến sự kiện Pháp kí hiệp định đầu hàng Nhật ngày 23/9/1940. Bất thần chỉ bốn hôm sau, có tin cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã nổ ra. Người Hà Nội bàng hoàng như bừng tỉnh sau một cơn mê. Sinh viên xôn xao, Pháp vội vã đóng cửa trường đại học và xua học sinh đi khỏi Hà Nội. Sinh viên Sài Gòn và Huế đành lên xe lửa tạm biệt Thủ đô. Đầu tháng 11, được tin trường đại học lại mở cửa, Phước và tôi lên đường trở ra Hà Nội. Nhưng vừa trở lại Hà Nội mấy hôm, thì ngày 23/11, cuộc khởi nghĩa Nam Kì nổ ra. Lại có tin dồn dập cho biết cuộc khởi nghĩa bị Pháp đàn áp đẫm máu… Trường đại học bị cuốn vào cơn khủng hoảng. Còn cần gì nữa, đã quá đủ để tác động vào tinh thần và thái độ của toàn thể sinh viên trước thời cuộc! Bắt đầu có sự phân hóa.”(1)


Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Để cứu vãn uy thế, giới cai trị Pháp cố gắng cạnh tranh với Nhật trong việc giành ảnh hưởng tới thanh niên, ví dụ đề ra một chương trình thu hút giới trẻ theo các giá trị của nước Pháp thời chính phủ Vichy thân phát-xít. Hàng loạt sách vở và báo chí cổ động cho các phong trào thể dục thể thao dưới khẩu hiệu “Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm”. Những quan chức thuộc địa vận hành một chính sách phức tạp song cơ bản luôn đảm bảo việc củng cố uy thế của gần 80 năm cai trị. Trong khi đó, Nhật đề xướng chương trình “Đại Đông Á cộng vinh quyền” nhằm dọn đường cho việc chiếm đóng các nước và lãnh thổ, trong đó có Đông Dương. Những đảng phái khác đề cao chủ nghĩa dân tộc cũng ra đời, các sách báo và chủ thuyết mọc lên tìm cách gây thanh thế. Các phe nhóm cũng tiếp cận thanh niên sinh viên, tuy nhiên mang tính tự phát và thiếu sự ủng hộ của quần chúng. Năm 1941, sau sự thất bại mang tính hệ thống của cuộc khởi nghĩa Nam Kì và hàng loạt yếu nhân của Đảng Cộng sản Đông Dương bị bắt giam rồi tử hình, những người cộng sản tìm cách gây dựng lại cơ sở của họ. Tổ chức Việt Minh ra đời nhằm tạo ra một hậu trường chính trị cho các tổ chức công khai. Bên cạnh Hội Truyền bá Quốc ngữ có từ năm 1938 hướng vào tầng lớp người nghèo và bình dân, Việt Minh nhắm tới các tổ chức của trí thức, nhất là trong môi trường giáo dục, từ Hướng đạo (chủ yếu học sinh ở bậc trung và tiểu học) cho đến Tổng hội sinh viên gồm số ít thanh niên ở cấp độ học vấn cao nhất, để thành các đầu mối tiếp cận trí thức trẻ. Một phương thức Việt Minh khai thác là “tương kế tựu kế”, nghĩa là lợi dụng chính phong trào thể dục và thanh niên của chính quyền Decoux làm vườn ươm nhân sự cách mạng.

Trong bối cảnh đó, Lưu Hữu Phước và nhóm bạn cùng trường Petrus Ký ra học đại học tại Hà Nội với hành trang là những bài hát cổ động đoàn thể ái quốc như Hành khúc của thanh niên Nam Kì và Ta cùng đi. Trong năm 1940, khi nhập học, nhóm âm nhạc này là một phép thử lí tưởng cho phản ứng “hóa học” với các xu thế chính trị. Vốn có tinh thần dân tộc từ trước, Lưu Hữu Phước đã vô cùng ước mong được ra Bắc để thăm lại các dấu tích xưa. “Đi Hà Nội! Ước mơ tuyệt đẹp đã thành hiện thực. Trên xe lửa từ Sài Gòn đi Hà Nội – con đường dài như vô tận, tàu tốc hành phải mất một ngày và hai đêm – tôi thấy Phước không lúc nào nằm yên hay ngồi yên. Cái ghế nằm của Phước thường bị bỏ trống, kể cả một phần lớn của ban đêm. Phước không rời cửa kính của toa xe, như bị thôi miên bởi phong cảnh bên ngoài. Phước nói: Chúng ta đang trở về nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên.”(2)

Trong tâm thế hồ hởi đón nhận một trang đời mới, Lưu Hữu Phước có lẽ khá hụt hẫng trước thực tế phân hóa của sinh viên trường đại học. Điều đầu tiên là sự mâu thuẫn về lối sống và sự mất đoàn kết, trong đó có thái độ bề trên của một số sinh viên miền Nam con nhà giàu. Sự phân biệt vùng miền này diễn ra phức tạp, phản ánh không chỉ vấn đề tàn dư của chính sách “chia để trị” mà còn sự khác biệt về ý niệm dân tộc chủ nghĩa. Chỉ ba tháng sau, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên bỏ kí túc xá sinh viên Nam Kì, dành tiền chung nhau thuê căn gác xép đủ chỗ đặt ba cái giường cá nhân và hai bàn viết nhỏ, tại số 60 phố Thể Dục (Wiélé, nay là Tô Hiến Thành), góc giao với phố Duvigneau (Bùi Thị Xuân ngày nay). Lưu Hữu Phước mua một cái lư hương con và đêm đêm thắp hương trầm, cùng bạn bè ngồi kể lại các cảm nghĩ khi đi thăm các di tích lịch sử quanh Hà Nội và miền Bắc qua các chuyến đạp xe về nguồn.

Nguồn cảm hứng lịch sử

Các bạn học đều ghi lại ấn tượng về các chuyến dã ngoại thăm các địa danh lịch sử ở miền Bắc mà người giữ vai trò kết nối là Lưu Hữu Phước. Noel 1940, nhóm mười người tổ chức đạp xe theo một lộ trình vòng tròn: Hà Nội – Bắc Ninh – Kiếp Bạc – Đông Triều – Hòn Gai – Hải Phòng – Hà Nội, qua sông Bạch Đằng và vịnh Hạ Long. Sự lựa chọn các địa danh này liên quan đến các di tích thời Ngô Quyền, Lý, Trần, những nơi diễn ra các trận chiến chống ngoại xâm của các triều đại trong lịch sử.

Một trong những địa danh mà Lưu Hữu Phước và các bạn đặc biệt quan tâm là sông Bạch Đằng. Họ đã từng hát bài Trên sông Bạch Đằng của Hoàng Quý, song trải nghiệm thực địa mang tính quyết định. Đoàn sinh viên đã đi theo một lộ trình khá đúng với bối cảnh các cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán hay Nguyên Mông được ghi lại trong các cuốn sử: từ Hà Nội họ qua Bắc Ninh ngược về Kiếp Bạc, Đông Triều và xuôi sông Bạch Đằng ra cửa biển sang vịnh Hạ Long.

“Khi đi, chúng tôi có dừng lại và viếng đền thờ Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Nhưng chỉ khi ngồi đò qua sông Bạch Đằng chúng tôi mới thực sự xúc động và mới hình dung được phần nào chiến công oanh liệt của một thiên tài quân sự mà sự nghiệp cứu nước sẽ được muôn đời truyền tụng.

Trời ngả về chiều. Chúng tôi đến một bến đò để qua sông và tiếp tục đi Hồng Gai. Đến giữa dòng sông mênh mông, nghe giọng nói miền Nam của chúng tôi, người lái đò, một ông cụ tuổi đã cao mà vẫn còn tráng kiện, chỉ xuống nước và nói: “Đây là sông Bạch Đằng!” Tức khắc, hai tiếng Bạch Đằng làm cho tất cả chúng tôi xúc động, im lặng nhìn dòng sông mờ mờ như bốc khói trong hơi lạnh đầu mùa đông.

Nhắc lại chuyến qua sông không thể quên này, Phước nói: “Mình có cảm tưởng như là đang đi thuyền 650 năm về trước trên những ngọn sóng mà vừa mới qua quân ta đã đánh chìm bao nhiêu chiến thuyền của kẻ xâm lược!”

… Những cảm xúc và những gợi nhớ, sự hào hứng và những hình tượng kích động đã được Phước đúc lại thành bài hát lịch sử đầu tiên, bài Bạch Đằng giang.”(3)

Câu mở đầu bài hát nhắc lại lời người lái đò, được xây dựng bằng một nét nhạc như tiếng kèn gọi quân, với phần lời do Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên soạn: Đây Bạch Đằng giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng/ Giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung. Không khí cổ tích được các tác giả tái hiện chính là từ một suy tư có sẵn về ý niệm lịch sử, họ chỉ chờ một trải nghiệm điền dã để được tiếp thêm cảm giác đồng vọng với quá khứ. Khung cảnh hiện lên trong ca từ không đặc biệt: Trên trời xanh, muôn sắc đua chen bóng ô/ Dưới đáy dòng nước, ánh sáng vởn vơ nhấp nhô/ Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau. Nhưng trong hình dung của họ, đấy là nơi kí thác sự kết nối với quá khứ: Hồn ai đang phảng phất trong gió, cảm xiết bao! Kết thúc bài ca là lời nhắc lại thông điệp mở đầu: Đằng giang vẫn sáng, để cho nòi giống soi chung. Mai Văn Bộ có cho biết đoạn cuối lời 2 đã bị kiểm duyệt không cho phổ biến: Nay đã bao lâu, còn đâu nữa rồi/ Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối/ Người nay có hay: đã vì chúng ta/ Người anh hùng xưa giữ nước non nhà? Những câu hỏi này có tính khiêu khích, chất vấn người đương thời và chính những thanh niên cất lời hát, hẳn là gợi những lo ngại với chính quyền Decoux, vì vậy nhóm đã viết lời khác tập trung vào khẳng định những giá trị trung thành vốn khá phù hợp với khẩu hiệu “lao động, gia đình, Tổ quốc” của chính quyền. Từ sự chất vấn chuyển sang sự khẳng định, lời ca nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Đặc biệt những ca từ “vì yêu quốc gia, vui lòng hiến thân” khá giống những diễn ngôn tuyên truyền cho thanh niên đương thời. Đây cũng là một biện pháp sau này nhóm viết lời cho Lưu Hữu Phước sử dụng để các bài hát lọt qua kiểm duyệt.

Không chỉ Lưu Hữu Phước tìm đến di tích Bạch Đằng, nhiều nhạc sĩ cũng đã viết về đề tài này, như trong nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng do Hoàng Quý phụ trách. Ngoài Trên sông Bạch Đằng của Hoàng Quý, bài hát gắn bó trực tiếp với nhóm Hướng đạo sinh Bạch Đằng do Hoàng Quý phụ trách gồm các thanh niên Hải Phòng giai đoạn 1939 – 1946, còn có Chiều buồn trên sông Bạch Đằng (Hoàng Quý, 1940), Ngày xưa (Hoàng Phú, 1941), Hò kéo gỗ Bạch Đằng giang (Văn Cao, 1941), Hồn Nam tướng (Lê Xuân Ái, lời Nguyễn Văn Nghiêm, 1943) và sau này, cảm hứng còn được tiếp tục khai thác trong thời kì 1946 – 1954. Đề tài chiến thắng sông Bạch Đằng được nêu cao là bởi tính chất biểu tượng cho lòng tự tôn dân tộc, yếu tố thuộc về phức cảm huyền bí dân tộc ở sẵn trong các cộng đồng văn hóa. Nhờ những biểu tượng có được trong quá trình tạo dựng và bảo vệ cộng đồng trước những cuộc đồng hóa hay xung đột chiến tranh, nó không chỉ tạo ra một uy lực tinh thần để phân biệt “ta” và “kẻ khác”, mà còn gắn kết nội bộ các thành viên trong cộng đồng thành một khối. Quá trình tìm kiếm biểu tượng này không dừng lại ở thời hiện đại mà mỗi chính thể sau đó lại tiếp tục cuộc tái khẳng định vị thế của biểu tượng vinh quang quá khứ nhằm kết nối với tính chính danh của chính thể mình, trong đó Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo là những ví dụ nổi bật nhất.

Nhìn ở phương diện truyền thông, bài hát của Lưu Hữu Phước có sự lan tỏa lớn hơn cả, nhờ sự tập trung của ca từ vào chủ đề chính và thông điệp mạnh mẽ hướng đến đối tượng thanh thiếu niên. Tính chính trị của lời ca vượt xa hơn những bài hát của nhóm Đồng Vọng, tạo ra một sự kích thích đối với tâm lí tầng lớp thanh niên đã sẵn hướng về những giá trị “lật đổ” hiện tại bị đè nén. Đồng thời, vai trò của một đoàn thể thanh niên trong trường đại học “tinh hoa” ở đô thị lớn tạo ra sức lan tỏa của bài hành khúc: “Đi đến đâu, trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào trong các giới sinh viên và trí thức Thủ đô, Phước cũng được giới thiệu với nhiều thiện cảm: Tác giả Bạch Đằng giang… Điều làm cho Phước cảm động và sung sướng hơn hết là sau khi bài hát Bạch Đằng giang ra đời, có nhiều anh em sinh viên Bắc và Trung cũng như Nam đã đến với chúng tôi, xóa sạch mọi thành kiến hoặc ý nghĩ lệch lạc và cùng nhau trao đổi ý kiến về những vấn đề thời cuộc, và đặc biệt hơn hết, về những dự kiến và kế hoạch hành động đối với Tổng hội sinh viên còn đang nằm trong tay một số sinh viên thiên về thân Pháp thường núp sau chiêu bài vui vẻ – trẻ trung.”(4)

Thông điệp của Bạch Đằng giang tạo ra một tính chất nhận diện quốc gia “giống anh hùng Nam Bắc Trung” – một điều mới mẻ so với những cụm từ đã cổ xưa như “giống Lạc Hồng”, “giống Tiên Rồng”, phối hợp với các từ khóa “nước non nhà” hay “quốc gia” làm nên một chỉnh thể tuyên truyền hiệu quả, thay thế cho khái niệm “xứ Đông Dương” hay “Đông Pháp” trên các diễn ngôn chính thống của nhà nước thuộc địa. Sau thành công của Bạch Đằng giang, thành quả của các chuyến đi về nguồn của nhóm sinh viên tiếp tục được Lưu Hữu Phước thể hiện qua một chuỗi bài hát chủ đề lịch sử viết trong hai năm 1941 – 1942. Mỗi bài ca là một nỗ lực tìm tòi đề tài riêng biệt. Người xưa đâu tá được viết sau chuyến đi thăm Cổ Loa, dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa người xưa và người nay; bài hát đan xen những lời kêu gọi vận dụng một sức mạnh tinh thần. Với lời ca đầy thách thức và nhiều kịch tính do Mai Văn Bộ viết, bài hát bị Sở kiểm duyệt Hà Nội cấm ngay, sau đó một bạn học khác là Lê Khắc Thiền đã đặt lời ca khác với tên Cầu nguyện Hai Bà để được kiểm duyệt cho hát. Bài hát thứ ba chủ đề lịch sử của họ là Ải Chi Lăng, thể hiện những kĩ thuật dụng công “mô tiến” xen kẽ những nét cổ nhạc, tạo ra sức căng trong những đoạn nhạc dồn dập và tăng cao độ liên tiếp, đặc biệt gây chú ý từ câu mở đầu điểm nhịp như trống trận, cũng như khắc họa một thực địa đan xen xưa và nay, gợi ra một tinh thần quá khứ hiển hiện qua những nét phác nhanh cảnh chiến trận, để rồi trở về kết bằng những thông điệp kêu gọi hiệp đoàn tựa như một màn kết của ca kịch cổ điển Hy Lạp và nhấn mạnh sự tập hợp lực lượng: Đồng hát khúc anh hùng ca/ Bền gan kết tâm cường tráng.

Vị thế khai mở tình tự dân tộc

Cho đến cuối năm 1942, nhóm Lưu Hữu Phước đã trở nên nổi tiếng trong giới thanh niên học sinh nhờ sức ảnh hưởng của những bài hát trên. Ở đây, những chuyến đi thăm các địa danh lịch sử đã phát huy tác dụng và hiệu suất sáng tác của nhóm là vô cùng đáng kể. Thậm chí, đây là những bài tân nhạc đầu tiên có sức ảnh hưởng cộng đồng toàn diện và sâu sắc, hoặc nói cách khác, chùm các bài hát ái quốc này đã mở rộng cánh cửa cho tân nhạc Việt Nam bám rễ trong đời sống. Trong khi các bài tân nhạc lãng mạn đầu tiên tương đối chật vật tìm đường đến công chúng, đòi hỏi các nhạc cụ phù hợp và giọng ca diễn tả được, thì các bài hành khúc có thể tổ chức hát tập thể, theo nhịp đi hay quân hành, thậm chí tạo ra lối hát nhiều bè mới mẻ so với thời đó. Tính chất kêu gọi và tính dấn thân của những bài ca này làm nên phẩm chất cuốn hút thanh niên và sinh viên. Có thể nói, qua chùm bài hát mở đầu thời kì sáng tác ở trường đại học Đông Dương, Lưu Hữu Phước mau chóng trở thành một ngôi sao của cộng đồng sinh viên. Anh không còn là một chàng trai nhỏ nhắn có khuôn mặt nữ tính mà đã thành một ứng viên cho vai trò thủ lĩnh tinh thần. Điều này đã được những thành viên có khuynh hướng mác-xít tìm kiếm từ lâu.

Những bài ca của Ban âm nhạc ra đời từ đây mang tuyên ngôn có sắc thái cách mạng mạnh mẽ, đã bắt nguồn từ tính chất ái quốc xuất hiện trong những bài anh hùng ca Lưu Hữu Phước viết trước đó. Hành khúc Lên đàng nhắc lại những hình ảnh cổ xưa của Bạch Đằng giang hay Ải Chi Lăng như “vung gươm”, “máu đào”, “đồng lòng cùng nhau”, “đồng tiến”, “nước Nam”, “giống Lạc Hồng”… hợp thành một hệ thống từ khóa trở đi trở lại trong vốn ca từ của nhóm tác giả. Những lời ca tập trung vào các ý niệm về quốc gia dân tộc và có khi đặt những câu hỏi chất vấn thực tại, khiến người nghe suy tư xa hơn so với những hành khúc sôi nổi mang tính khải hoàn.

Không bắt đầu bằng những bài ca lãng mạn như đa số nhạc sĩ tân nhạc, Lưu Hữu Phước đã dấn thân chọn con đường ít người theo, bộc lộ một cá tính quyết liệt. Điều đó góp phần khiến các bài ca của Lưu Hữu Phước quá đỗi nổi bật trong đời sống tinh thần sinh viên để trở thành lời tuyên ngôn của đoàn thể, cuối cùng đóng vai trò thành tố xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam trong thế kỉ XX đầy biến động.

Theo Nguyễn Trương Quý/VNQĐ

——–

1. Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước – cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Trẻ, 1989, tr.68-69.

2. Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước – cuộc đời và sự nghiệp, sđd, tr.67.

3. Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước – cuộc đời và sự nghiệp, sđd, tr.73.

4. Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước – cuộc đời và sự nghiệp, sđd, tr.75-76.