Chợ nổi trong sương sớm – Bút ký của Huyền Văn

720

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một buổi sáng tinh mơ, tôi cùng hai người bạn xuất phát từ bến tàu du lịch Ninh Kiều đi chợ nổi Cái Răng. Hai người bạn tôi ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu đi chợ nổi nên rất háo hức bước xuống tàu. Cảnh sông nước mờ mờ trong sương sớm đẹp lạ lùng. Anh lái tàu vừa cầm tay lái vừa nói “Chợ nổi nhóm họp cả ngày nhưng sáng sớm là đông nhất, vì nắng lên là vãn khách rồi”. Chợ nổi dần hiện ra trước mắt, Thảo reo lên “Tới rồi! tới rồi!” rồi bước ra mũi tàu nhìn khắp nơi.

Chợ nổi miền Tây

Tàu chúng tôi mới đến ven chợ đã thấy không khí rộn ràng, thuyền lớn, thuyền nhỏ từ mọi hướng tiến về chợ, tiếng máy nổ tành tạch, tiếng sóng vỗ bì bõm, tiếng í ới gọi nhau, tạo nên một âm thanh nhộn nhịp, tưng bừng. Thuyền bè qua lại mỗi lúc mỗi đông, những thuyền chở khách du lịch nước ngoài tiến về phía chợ một cách hăm hở, ghe thuyền chở nhiều loại hàng hóa không thua kém chợ trên bờ.

Tàu chạy một vòng chợ nổi, Thảo hỏi sao không thấy ghe, thuyền nào treo bảng hiệu, rồi chỉ một cây sào cao cắm trước mũi ghe có treo trái dưa hấu hỏi đó là cây gì, tôi nói đó là cây bẹo, dùng để treo hàng muốn bán. Thảo tròn xoe mắt “Hèn chi, treo trái dưa hấu lủng lẳng”.

Hình thức bẹo hàng là một nét văn hóa giao lưu độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào vồn vả, không níu kéo như ở chợ truyền thống mà lại thu hút khách đến mua rất đông. Người đi mua phải nhìn cây bẹo để tìm ra các loại hàng hóa mình cần. Phương thức mua bán này đã có từ xa xưa đến hôm nay vẫn không thay đổi. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của Huỳnh Kim “Cắm cây sào tre bẹo hình bẹo dạng/ Xôn xao xuồng ghe họp chợ chòng chành…”.

Ngày xưa người buôn bán trên chợ nổi nhóm họp bằng xuồng 3 lá, xuồng 5 lá, ghe tam bản, bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy, người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, bằng ghe. Những chiếc xuồng, ghe len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe, xuồng chằn chịt mà hiếm khi bị va chạm, xảy ra tai nạn.

Mặc dù nhóm họp trên sông, nhưng hầu như chợ nổi không thiếu mặt hàng nào. Từ cây kim sợi chỉ cho đến các loại thực phẩm, đồ gia dụng và quán xá cũng theo người nhóm họp trên sông. Nhiều xuồng ghe bán các món ăn dân dã mang đậm chất Nam bộ như bánh tét, bánh ú, bánh lá dừa, bánh cam, bánh chuối, bánh bò, bánh canh, bún riêu cua, bún mắm, bún cá…

Chủ tàu đố vui mọi người biết cái gì treo mà không bán không? Mọi người nhìn khắp lượt, tôi chỉ vào quần áo, soong nồi “có phải cái đó không?”, chủ tàu gật đầu rồi hỏi có ghe nào treo cái này mà bán cái kia không? Mọi người chịu thua, chủ tàu nói nếu treo lá dừa là bán ghe của họ, chúng tôi ngạc nhiên cùng ồ lên một tiếng.

Chợ nổi Cái Răng là đầu mối nơi tập kết nhiều lạ trái cây, nông sản miền Tây Nam bộ mang đến những vùng lân cận. Chưa đến tết mà những trái dưa hấu vỏ xanh chất đầy vung trên thuyền, được tung hứng từ thuyền nay sang thuyền khác một cách tài tình. Đó là các thuyền lớn bán sỉ, chỉ khi nào dư ra một ít mới bán lại cho thuyền nhỏ để bán lẻ. Cách mua bán ở đây rất đặc biệt, không bán ký mà bán theo chục mười trái, có khi mười hai, mười bốn hoặc mười sáu trái tùy theo loại trái cây, kích cỡ và thời vụ.

Tàu của chúng tôi cặp sát thuyền chở những trái khóm vàng ươm, hai người bạn tôi leo lên boong thuyền mua khóm, chủ thuyền cầm dao lượng vài cái là gọt xong trái khóm, xẻ ra làm tư bỏ vào bọc ny lon cho chúng tôi. Thảo không ngần ngại ăn liền tại chỗ, tấm tắc khen ngon và ngọt.

Đồng bằng sông Cửu Long là xứ nhiệt đới gió mùa nên trái cây quanh năm, mùa nào trái đó, rau củ cung rất đa dạng và phong phú, dân thương hồ len lỏi mọi ngỏ ngách trong kinh, rạch để mua tại vườn với số lượng lớn, giá rẻ, mang ra chợ nổi bán với giá phải chăng, nên khách du lịch sau khi thưởng thức tại chỗ còn mua thêm mang về quê làm quà cho bà con.

Đối với thương hồ, thì tàu, thuyền như là một căn hộ di động trên sông nước, khoang chính để chứa hàng, khoang nhỏ để sinh hoạt gia đình, trên tàu có chưng vài chậu hoa kiểng, soong nồi, quần áo treo trên vách, thể hiện cuộc sống của họ gắn bó trên tàu, thuyền.

Anh Bình hỏi cắc cớ: “Vậy có cái gì bán mà không treo lên không?”. Anh chủ tàu cười một hơi rồi nói “Có chứ!”. Bình ngạc nhiên “Thiệt hông?”. Chủ tàu chỉ mấy chiếc ghe nhỏ cặp sát các tàu lớn rồi nói, ghe đó bán đồ ăn, đồ uống nhưng không treo gì cả, chỉ cần nhìn vật dụng trên ghe là biết họ bán thức ăn rồi.

Những ghe nhỏ len lỏi khắp nơi để bán những mặt hàng ăn uống cho thương lái hoặc khách du lịch, ẩm thực chợ nổi cũng rất phong phú như trà đá, cà phê, nước ngọt, chuối luộc, bánh bao, bánh mì, hủ tiếu, bún riêu, hủ tiếu… chỉ cần gọi “bánh bao ơi” hay “bánh mì ơi” là ghe chạy đến liền. Ghe bán hàng dùng một chiếc móc nhỏ gọi tạm là neo móc vào tàu của du khách, người bán hàng đa phần là phụ nữ, chiếc ghe chồng chềnh cũng không làm ảnh hưởng đến công việc của cô bán hàng, thao tác diễn ra rất nhanh và điêu luyện…

Chúng tôi nhìn thấy nhiều tàu thuyền tụ họp xung quanh một chiếc ghe nhỏ, trên ghe, một người phụ nữ móm mém, nhưng cười rất tươi, đang chuyền tô bún còn bốc khói cho một người khách du lịch. Chủ tàu nói, đó là Dì Hai bán bún riêu, nổi tiếng mấy chục năm trên chợ nổi.

Chúng tôi không thể bỏ qua món bún riêu của Dì Hai, tôi ngồi ở mũi tàu, Bình và Thảo ngồi trong khoang, ai nấy húp sì sụp, tôi kêu lớn “Dì Hai ơi, bún của dì ngon lắm”. Dì Hai ngước nhìn tôi cười xởi lởi “Ờ! Cảm ơn con, dì bán bún riêu trên chợ nổi hơn 37 năm rồi con”. Thảo kêu lên “Ô! Hèn chi Dì Hai nấu ngon quá!”.

Dì Hai bún riêu tên thật là Trịnh thị Điệp, còn gọi là Hai Điệp, 68 tuổi, 37 năm bán nún riêu trên chợ nổi, cộng 12 năm bán bún riêu trên bờ, tổng cộng 49 năm bán bún riêu. Ghe bún riêu giúp dì nuôi 8 người con, hiện nay các con dì đã lớn, dì đã già nhưng phải nuôi mẹ già và người chồng bị mất sức lao động.

Ông Gordon Ramsay, đầu bếp nổi tiếng người Anh, một lần đến chợ nổi, sau khi ăn món bún riêu của Dì Hai đã thốt lên “Đây là món ăn ngon nhất tôi đã từng ăn” và ông còn tặng danh hiệu “Nữ hoàng nước dùng” cho Dì Hai, sau đó món bún riêu được ông đưa vào đề thi Master Chef USA để làm đề tài thử thách trong cuộc thi đầu bếp ở Mỹ mùa thứ 4, là niềm hãnh diện không chỉ cho Dì Hai, mà còn mang đến niềm vinh dự cho cả nền ẩm thực Việt Nam.

Thật thú vị khi ngồi trên chiếc chiếc tàu chồng chềnh lại thưởng thức bún riêu cua vừa ăn vừa thổi, thơm ngon đậm đà, vừa nghe giọng hò Nam bộ của Dì Hai. Tôi chợt hiểu, vì sao những thương hồ như Dì Hai lại gắn bó với chợ nổi như vậy.

Chuyến đi đã đưa chúng tôi một lần được về với miền sông nước miền Tây, được trải nghiệm một cuộc sống yên bình, những điều thú vị và được cảm nhận những tình cảm nồng nhiệt từ những con người miền Tây phóng khoáng, ấm áp tình người.

Đối với chúng tôi, chợ nổi Cái Răng ở thủ phủ miền Tây mang đến trải nghiệm đầy tuyệt vời. Còn đối với những người sinh ra và lớn lên ở đây, đó là bầu trời kỷ niệm về một tuổi thơ đầy màu sắc.

Chợ đã vãn mà cảm giác bồng bềnh trên sông vẫn vẹn nguyên, khiến chúng tôi nấn ná chẳng muốn ra về.

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ…

(Huỳnh Kim)

H.V