Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên

74

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!

        Chiều muộn, phố chợ đã có những người ở bản xa đã lác đác về, trong chợ tiếng kèn dương du, tiếng sáo trầm đục thổn thức thức. Chừng nửa đêm tôi tỉnh dậy bởi âm thanh rục rịch, ồn ã, vui vẻ dưới chợ vọng lên. Gần sáng tiếng người nói, tiếng kèn, tiếng trâu bò gõ móng càng thêm rộn rã, ra ban công nhìn xuống đường. Ôi trời, biết bao nhiêu là người, là hàng, kín con phố chợ rồi chèn ra cả ngã ba kéo lên dốc cao. Lạ chưa, có cái hòm chừng gần một mét vuông lại có bốn chân của cô gái HMông về nhà chồng chăng? Rồi giường, bàn ghế, nia mẹt. Trong mờ sương đêm, trong ánh đèn đường nhấp nháy tất cả đều sinh động lung linh… trở vào phòng khoác thêm áo, vơ lấy cái balo tôi xô xuống đường, tôi xô xuống chợ! Tôi đi, lòng như hội!

     Chợ Mèo vạc chiếm hẳn hai ô vuông phố trong thung lũng trung tâm huyện, ngày chợ phiên thì chợ kéo ra hết các đường phố bốn xung quanh, đan ra mọi ngã ba. Người trên núi, người trong bản về chợ mang theo rất nhiều sản vật. Có ba cậu bé học sinh quàng cả khăn đỏ, trên tay mỗi cậu là một con gà trống, con nào con ấy mào đỏ, đuôi dài lướt thướt, mê quá đi mà chẳng thể mang chúng về xuôi. Một chị người Dao váy lấm đất đường ôm con gà ác đen to dễ gần 2 kg, theo sau đằng đẵng là một cô người Kinh, tay cầm nắm tiền giấy cứ nhỉ nhẻ với chị. Lại ngã giá đây, và tôi dù có háo hức bảng nhãn với khắp phố chợ vẫn liếc mắt quan sát hai người ấy. Váy Dao không chịu, cứ ôm gà lùi đi, chả biết cô mặc quần kia nói những gì nho nhỏ, thầm thì mà váy Dao đưa con gà ra, cầm về 120k. Bà nội trợ Diên xuýt xoa, có 120k con gà trống đen kia! Chậc, thế thôi ư!

           Ra đến hàng rau. Chợt thấy xa xa cô tổng biên tập đang đi ra phía chợ trâu bò, chiều qua cô ấy rủ: Mai em đi chợ trâu bò chụp ảnh, có chị nào đi không, bây giờ cô ấy đã đi một vòng chợ rồi đấy. Đây nữa các anh chị trong hội cũng đã xuống đường từ khi nảo, khi nao, ai cũng cầm trên tay những thứ vừa mua được, nào hạt mắc kén, mật ong rừng, hạt tam giác mạch, hạt cải Mèo. Cô Bình cầm một âu xôi ngũ sắc thật là bắt mắt. Chúng tôi cùng nhau nhìn và xem rất nhiều thứ lạ lẫm hay ho. Rau gì cũng xanh tươi, sạch, ngon. Bà con mời chào chúng tôi bằng tiếng dân tộc, chưa hiểu tiếng nhưng nhìn và ra hiệu là cũng đã hiểu rồi. Đôi ba người nói tiếng Kinh

  – Cái mày mua rau đi! Rau trên núi mang xuống đấy!

  – Ờ, rau ngon lắm, nhưng mình ăn ở khách sạn rồi, không mua rau của mày được.

Áo chàm lại hỏi sau một hơi rít điếu nõ dài:

  – Thế mày ở đâu lên đây đấy?

  – Mình ở Ninh Bình lên Mèo Vạc chơi đây á.

 Áo chàm bảo:

– A lúi, Ninh Bình cố đô Tràng An ha?

Cái “ tao” sáng mắt lên vội hồ hởi:

– Sao cái mày biết?

Anh ta móc trong túi áo ra cái điện thoại giơ lên. Ra thế đó!

     Chợ nhộn nhịp và đông đến là đông, tôi lạc các anh chị em rồi, tôi đi vào ngả khác. Lối này nhiều phụ nữ lưng địu con bé, tay dắt con lớn, hoặc con lợn kéo lê theo. Những đôi trai gái cùng nhau đi chợ, họ có vẻ như là người yêu với người yêu, thong dong như cả cái chợ này cũng nhẹ nhàng yên ả như đi nương, đi rẫy vậy. Những cô lưng địu con thì có nhiều cô đi một mình, ánh mắt họ như tìm lại một thứ gì xa xăm cũ. Có hai cô em như thế họ gặp nhau, cô bụng to cứ dúi vào tay bạn địu con nhỏ một số tiền. Chắc hẳn là từ ngày cưới chồng về bản khác đến giờ họ mới gặp lại!

            Ra đến khu mua bán lợn, chó, mèo. Một chị dắt con lợn khoang lưng võng đi về vẻ thoả mãn. Hay ho quá, đi theo liền.  Mọi người đều dung dăng đi, gặp nhau là  xúm lại hồ hởi. Những con chó đủ loại, chó cảnh lai, chó bản thứ thiệt, mèo đủ màu và chúng ngoan, tư lự hơn mấy vật nuôi dưới xuôi.

           Ra đến hàng rượu, người bán toàn là phụ nữ bán rượu ngô trong ngần, mỗi người có một vài can to đến độ ngồi cả lên can rượu vẫn ổn. Rượu được rót ra chén nhỏ xíu để người mua nếm thử, cả người mua, người bán đều nhẹ nhàng, rầm rì trao đổi chứ không ồn ào như hàng điện tử hay hàng rau.

          Tôi lang thang ra chợ trâu bò đó là khu đất rộng, tách bạch hẳn ra. Trông kìa, một lão nông đang bắt con bò há mồm ra để xem nó có bị “ bạch thượt” không. Cái giống trâu bò  nuôi mà bị bạch thượt là rủi cho gia chủ lắm. Chúng được xem khoang khoáy cẩn thận còn những con nuôi vỗ béo làm thịt thì người mua không cần xem kĩ. Cứ hai bên ưng giá là trả tiền rồi dắt trâu về. Thấy người ta bán bò mà tự dưng tôi cảm thấy một nỗi buồn nho nhỏ len dần lên. Ngày nhỏ tôi cũng đi chăn bò. Bố tôi luôn tìm mua những con có tướng tốt nuôi cho lớn đẹp rồi bán được giá. Có lần nhà tôi bán con bò đang cày ruộng, khi người ta dắt nó đi cả nhà tôi cứ đứng nhìn theo mà tiếc, tôi không bao giờ gặp lại con bò đó nữa.

     Rời chợ trâu, trở lại vào khu chợ chính. Lòng muốn đi xem món thắng cố. Chợ miền cao khu ăn uống thật tấp nập, bởi ai cũng đi đường xa đến đây nên đều ăn no cái bụng, uống say chén rượu rồi mới về,  có đến cả một khu chừng mấy trăm mét vuông và cơ man nào là đồ ăn. Đậu phụ cả tấm to như tảng đá, ai mua bằng nào cắt ra từng đó. Có con gì chân cẳng khô khoẳng xiên thành “ rụi” như thế kia! Ôi con nghoé khô! Các bát phở đầy tú hụ thịt, chỉ chờ người mua là rưới nước “ dùng” sôi sùng sục vào. Các ghế băng hầu như đã kín người.

    – Cho mình bát phở hớ.

           Chủ quán rót ra chén rượu đầy, khách đưa lên môi uống khan, khà một tiếng, người bán đặt bát phở đầy tú ụ và ngằn ngặt thịt bốc khói nóng hôi hổi cùng bát mèn mén. Tôi gặp lại cô Bình và ba cậu trẻ người Kinh, cả hai chàng trai da trắng, mũi cao xứ châu Âu. Họ mời chúng tôi cùng nếm rượu ngô. Thì ra các bạn ấy là giáo viên dưới xuôi lên Hà Giang dạy học. Ngày thứ 7 ra chợ gặp nhau. Mỗi cậu một điểm trường xa nhau mấy chục km. Ra thế, đi chợ phiên để gặp nhau mỗi tuần. Chảo thắng cố to sôi sùng sục, người vào ra không dứt, tôi cuối cùng cũng ngồi trước món có ruột ngựa ấy, tay nâng chén rượu ngô như ai! Rượu ngô không cay, không gắt, uống rất dịu, thắng cố trông thế mà ngon!

          Cô Bình hỏi:

  – Thế nào, bây giờ đã viết về thắng cố được chưa?

          Tôi cười:

  – Dạ, viết được rồi, thực tế rồi mà lại!

           Chén rượu ngô biêng biếc, món thắng cố là lạ thơm mùi thảo quả êm đềm trong tiếng khèn ai ngân nga! Tôi đi, người chỗ nào cũng đông, chen, lách mà đi. Chợt có một tiếng thổ lơ lớ vọng từ sau lên:

            – A lúi, người ở đâu mà đi nhanh thế!

 Ngoái lại, là một anh trai bản địa trong bộ quần áo chàm, dáng cao lớn, hiền lành liền bắt chuyện:

  – Mình cái người Kinh, thế mình người gì?

  – Mình H Mông mà, mình về chợ đây.

  – Ơ, sao về sớm thế, đang đông chợ mà.

            Anh ta bảo:

           – Nhà mình xa lắm, tận Yên Minh đi từ giờ mà tối đến nhà đấy.

Thế thì tôi không đi trước nữa, đứng lại nhường đường và nhìn lên bốn bề núi cao: Yên Minh phía nào đây, hôm qua đoàn chúng tôi có đi qua điểm Yên Minh.

          Có một thứ mà tôi chỉ thấy ở chợ này và tôi rất tò mò về nó. Đó là vải lanh, vải lanh trên tay các chị phụ nữ trang phục có hạt bạc kêu xủng xẻng theo bước đi rong trong chợ, không có nhiều đâu, vải lanh hay đay được dệt tay, màu vỏ cây, chưa nhuộm, khổ chừng 45cm và dài nhiều mét. Đi một đoạn tôi lại gặp tấm lanh màu tím độc đáo, cái màu tím chắc, sâu, tôi chưa từng thấy màu tím này ở đâu cả dù tôi là dân mĩ thuật. Màu tím Hà Giang. Sợi vải nhỏ, mền hơn tấm vải lanh màu vỏ cây kia. Thế thì nhất định phải mua rồi. Nhưng chị bán hàng bảo:

          – Mày mua làm gì á?

          – Em mua để làm khăn à, cái màu này đẹp quá!

            Chị ấy lại nói tiếng ngập ngừng:

            – Vải này để cho người già về xuôi thôi.

            – Em ở xuôi mà.

Chị quàng tay tôi lại: Vải để dùng cho người già khi ch*t đó, không dùng cho cái mày quàng khăn đâu à!

          Thế thì thôi không thể mua nữa, mặc dù tiếc, dù nhớ màu tím, nhớ sợi vải lanh Hà Giang lắm lắm!

     Chừng trời đã trưa đứng bóng thì  những chiếc rương gỗ có chân, chậu gỗ, cũng đã bán hết. Chợ đã “ no no”. Những món “ mười ngàn ba thứ, ba thứ mười ngàn” không ê a quảng cáo nữa. Chảo thắng cố đã cạn, tảng đậu phụ còn chút xíu như cục đá cuội, đống đậu tím, đậu xanh, bắp cải vài chiếc lá vàng rơi sót. Chợ thưa dần, người người mặt hồng hào vì nắng, vì rượu, vì vui, tay cắp, lưng đeo “ lù cở” trở về bản trong tiếng khèn ngân nga và bước chân ngựa lên đèo cao. Nắng đẹp, trời xanh, mây trắng bồng bềnh, tạm biệt nhé chợ phiên vùng cao Hà Giang ơi!

                                           Tháng 03/3023

N.D