Chợ tình online tấp nập vì dịch

528

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi đêm, hàng triệu người độc thân sử dụng các ứng dụng mai mối để tìm kiếm tình yêu, bạn đời lý tưởng.

“Tại sao không ai vào nói chuyện?”.

Một người phụ nữ với khuôn mặt bị che khuất đặt câu hỏi. Phần màn hình chờ đang bị bỏ trống. Đây là nơi dành cho những chàng trai sẽ trả khoản phí 2 nhân dân tệ để trò chuyện với cô.

Phần thông tin bên dưới cho biết cô 32 tuổi, sống ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Khung chat còn lại là của bà mối – một người phụ nữ đầy đặn với mái tóc nhuộm hồng đang bận rộn chuẩn bị bữa tối. Filter làm đẹp khiến cằm cô ta trông dài hơn, môi đỏ và làn da mờ ảo đến mức hoàn hảo.

“Chờ chút, sẽ có người vào thôi”, bà mối an ủi.


Mai mối online phát triển mạnh trong mùa dịch.

Hẹn hò, mai mối trực tuyến từ lâu đã không còn xa lạ tại nhiều nước. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát buộc hàng loạt trung tâm mai mối đóng cửa, các dịch vụ online càng được đà phát triển và bùng nổ hơn.

Theo một báo cáo từ trang tin tức kinh doanh 36Kr, hàng triệu người độc thân Trung Quốc đang sử dụng các ứng dụng mai mối mỗi đêm.

Trong khi đó, số tiền người Nhật chi cho 10 ứng dụng hẹn hò phổ biến đã tăng lên 125% trong nửa năm qua, đạt 120 triệu USD. Tương tự, Mỹ và các nước châu Âu cũng ghi nhận nhu cầu gia tăng của giới trẻ đối với các ứng dụng hẹn hò trong mùa dịch.

Chợ tình online

Nền tảng phát trực tiếp Yi Dui có hơn 40 triệu người dùng và là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực mai mối trực tuyến ở Trung Quốc. Tới nay, các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ của đất nước tỷ dân như Tencent, Alibaba cũng không đứng ngoài cuộc chơi.

Trên chợ tình online, các đối tượng có thể tiếp cận hoặc thu hút sự chú ý của người khác bằng các buổi phát trực tiếp. Họ thể hiện sự quan tâm bằng cách tặng nhau những món quà ảo như vương miện màu hồng, chiếc xe hơi màu cam sáng bóng, cốc hoạt hình dễ thương hoặc hoa hồng đỏ…

Trên ứng dụng Yi Dui, món quà đắt nhất là một chiếc áo choàng đỏ có giá gần 3.000 nhân dân tệ.

Đa số các buổi phát trực tiếp được quay ở nhà riêng, nơi kín đáo. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp được thực hiện ở ngoài trời, nơi đông người. 36Kr mô tả một buổi livestream trên ứng dụng Kuaishou diễn ra tại quảng trường ở tỉnh Liêu Ninh.


Một cuộc hẹn giữa các đối tác tiềm năng và bà mai trên ứng dụng Yi Dui.

Nhiều người xếp hàng để giới thiệu bản thân trước đám đông. “Tôi sinh năm 1986, cao 1,63 m, nặng 54,5 kg và chưa có con. Tôi đã mở một cửa hàng quần áo của riêng mình”, một người giới thiệu.

“Tôi không thích vui vẻ bên ngoài. Tôi thích những chàng trai hay ở nhà giống tôi và quan trọng phải chung thủy”, người khác tiếp lời.

Vài phút sau, một người dùng nam bình luận trong phòng trò chuyện rằng anh ta đang lái xe gần đó và sẽ đến để giới thiệu bản thân.

Không chỉ Trung Quốc, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng kết đôi kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Nền tảng hẹn hò trực tuyến Bumble ghi nhận số lượng người dùng, tin nhắn tăng trên 20% ở các thành phố lớn của Mỹ như New York, Seattle, San Francisco từ ngày 12/3.

Ứng dụng Tinder mới đây cũng cho biết số tin nhắn trung bình của người dùng ở Mỹ đã tăng 10-15% trong tháng 2, 3. Tại Italy và Tây Ban Nha, lượng tin nhắn tăng hơn 25% và thời gian trò chuyện trên ứng dụng cũng tăng từ 10-30% vào tháng 2.

Tinder cũng thông tin ngày 29/3 là ngày ứng dụng này nhận nhiều “quẹt” nhất trong lịch sử với 3 triệu lượt. Trên ứng dụng này, người dùng sẽ quẹt trái hoặc phải để lựa chọn kết đôi hoặc bỏ qua người dùng khác.

“Vua” mai mối

Cũng giống như dịch vụ mai mối truyền thống, để các cuộc hẹn hò online trở nên trơn tru, mượt mà hơn, nhiều người không ngại chi tiền để mời bà mai.

Tùy vào cách thức hoạt động của từng ứng dụng, nền tảng, bà mai ở mỗi nơi mỗi khác, từ đang học việc cho đến làm nghề chuyên nghiệp đều đủ cả.

Với ứng dụng Yi Dui, người mai mối không được nền tảng trả tiền. Đa số là người bình thường, còn độc thân. Họ đăng ký làm người mai mối trên ứng dụng và nhận tiền hoặc quà ảo từ người thuê.

Những “ông tơ bà nguyệt” mát tay, được ứng dụng thăng hạng là “vua mai mối”, còn có đội “học việc” riêng. Thu nhập của những người này cũng cao hơn các nhóm khác.

Một người mai mối trên Yi Dui được xác định là Yu Bao’er nói với 36Kr rằng cô làm việc 10 giờ/ngày và phải thường xuyên có mặt để giúp đỡ “khách hàng” của mình.


Sự kiện mai mối được phát trực tiếp ở tỉnh Chiết Giang vào ngày 9/5/2020.

Yu cho biết hiện cô kiếm được 50.000 nhân dân tệ/tháng nhờ công việc này. “Nó khá đơn giản và không mệt mỏi. Phần lớn thời gian là nghe các vị khách nói chuyện”, cô nói.

Đến nay, Yu đã có hơn 10.000 người học việc từ 20-62 tuổi. Người lớn tuổi nhất trong số này cũng là người ít kinh nghiệm nhất có thể kiếm được 10.000 nhân dân tệ/tháng.

Trên ứng dụng Kuaishou, những người mai mối còn được gọi là “hongniang”. Khác với trên Yi Dui, nơi các bà mai tham gia vào các cuộc hẹn, “hongniang” thường trao đổi riêng với từng khách hàng để nắm bắt yêu cầu của họ về bạn đời (như chiều cao, cân nặng, tuổi, lương và tài sản) sau đó tìm kiếm và đề xuất các đối tượng phù hợp.

“Nông dân, 40 tuổi, ba con, đã ly hôn. Không có yêu cầu về chiều cao, chấp nhận đã ly hôn hoặc có con” là nội dung ghi chép của một bà mai trên Kuaishou sau 5 phút nói chuyện với khách hàng.

Tại Nhật Bản, các công ty mai mối cũng chuyển sang làm việc, tư vấn online khi lệnh giãn cách phòng dịch Covid-19 có hiệu lực.


Ayako, bên trái, và Kazunori Nakanishi tổ chức lễ đính hôn.

Thay vì gặp mặt trực tiếp, các công ty mai mối liên hệ khách hàng qua điện thoại, tin nhắn sau đó kết nối các đối tượng tiềm năng qua các phòng họp trên Zoom.

Với các công ty, đây là cách thức để duy trì hoạt động trong mùa dịch. Trong khi nhiều khách hàng cho biết họ cảm thấy các buổi hẹn trên Zoom (thường có thêm cả người mai mối tham gia) tiện lợi hơn vì không cần di chuyển hay quá chú trọng vẻ ngoài.

“Các cuộc trò chuyện trên Zoom cũng gần giống thực tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho khách hàng”, Kota Takada, Chủ tịch công ty mai mối LMO, nói với Washington Post.

Kazunori Nakanishi (31 tuổi, nhân viên khách sạn) đã gặp Ayako (43 tuổi, nhân viên xã hội) thông qua mai mối trực tuyến. Cả hai đã gặp nhau ba lần trên Zoom trước khi quyết định hẹn hò trực tuyến vào tháng 5.

Trò chuyện thường xuyên trên mạng xã hội giúp Nakanishi và Ayako nhận ra họ có nhiều sở thích, ước mơ chung.

Khoảng một tháng sau, ngày 19/6, Nakanishi chính thức cầu hôn bạn gái trước sự chứng kiến của nhân viên công ty mai mối và những người từng sử dụng dịch vụ kết đôi trực tuyến giống họ. Ngay ngày hôm sau, hai người đã đăng ký kết hôn.

Sập bẫy hẹn hò online

Theo Catalina Toma, giáo sư tại ĐH Winconsin-Madison, sự kết nối xã hội là một phần quan trọng của con người. Điều đó càng trở nên cấp thiết khi chúng ta trải qua quãng thời gian cô đơn kéo dài.

Đó là lý do các ứng dụng hẹn hò, mai mối phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 trên toàn thế giới.

So với các dịch vụ mai mối truyền thống, nhiều người cảm thấy hài lòng vì những tiện ích và tính hiệu quả của ứng dụng hẹn hò.

“Nếu bạn gặp ai đó trong cuộc sống hàng ngày hoặc thông qua bạn bè giới thiệu, họ có thể không vội kết hôn. Nhưng nếu bạn lên các ứng dụng và tìm kiếm, những người bạn gặp đa phần đều cực kỳ mong muốn kết hôn, vì vậy nó rất hiệu quả”, một người dùng lâu năm của các dịch vụ mai mối chia sẻ trên Sixth Tone.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về việc bị lừa đảo khi tìm kiếm tình yêu qua không gian ảo.

Ứng dụng mai mối Xiang Xiang cho biết đã phát hiện hơn 55.000 tài khoản giả mạo hoặc gian lận trong thời gian gần đây.

“Những kẻ lừa đảo có thể chui vào mọi ngóc ngách, rình rập bản năng tốt của con người”, đại diện ứng dụng cho biết.

Còn theo Elie Seidman, CEO của Tinder, để hẹn hò qua mạng thành công là cả một nghệ thuật.

Xem xét kỹ ảnh đại diện hoặc thực hiện nhiều cuộc gọi video trước khi hẹn gặp đối phương là những cách để xác định mình có thật sự hứng thú với mối quan hệ này hay không. Nó vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian, vừa hạn chế những cú lừa.

“Chúng tôi có quan điểm rất rõ ràng. Đó là nếu bạn cư xử tệ, chúng tôi muốn bạn xóa ứng dụng này. Chúng tôi có những công cụ để giáo dục mọi người về cách cư xử tốt”, ông Seidman trả lời The Guardian về cách ứng dụng giải quyết các sự cố.

Theo Zing