Trần Thế Tuyển
(Vanchuongphuongnam.vn) – Đọc tập thơ “Chồi biếc” của Nguyễn Hồng Vinh, tôi nhớ đến nhận xét về thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Người làm thơ nói chung giữ trong tay nhiều phù phép. Nhưng không có phù phép nào thay thế được sự chân thực”. Đúng như thế, dù có bay bổng đến đâu, thơ cũng không tách rời sự chân thực. Chả thế, có người nói, anh có thể nói dối tất cả. Nhưng với thơ, anh không thể, trước hết là nói dối với chính mình.
Bìa tập thơ “Chồi biếc” của Nguyễn Hồng Vinh.
Chồi biếc là tập thơ thứ 10 của Nguyễn Hồng Vinh, kể từ hơn một thập niên trở lại đây. Đọc tập thơ 364 trang với gần 100 bài thơ Nguyễn Hồng Vinh viết từ giữa năm 2021 đến nay, ta dễ dàng nhận ra thông điệp của tác giả.
Chúng ta đều biết, Covid-19 như bóng ma bao trùm thế giới, trong đó có nước ta, hơn 2 năm nay đã cướp đi hàng triệu sinh mạng, trong đó có hàng vạn người Việt Nam. Thơ là tiếng lòng, thanh âm của cảm xúc. Chồi biếc của Nguyễn Hồng Vinh là tiếng lòng, thanh âm của ông về một giai đoạn hy hữu trong lịch sử dân tộc. Ở đó, toàn xã hội tập trung cho “chống dịch như chống giặc” – một thứ giặc vô hình để lại hệ lụy ghê gớm cho từng mái nhà, góc phố, cho cả non sông, đất nước.
Gần 100 bài thơ trong Chồi biếc của Nguyễn Hồng Vinh, dường như ta đã đọc ở đâu đó trên các trang báo, tạp chí hoặc trong lời ca khúc phát trên truyền hình, phát thanh. Nhưng khi nó (các bài thơ ấy) tập hợp trong một tập sách đầy đặn, chỉn chu, lại cho ta cảm nhận mới, sáng rõ thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Thông điệp ấy là, đất nước qua hàng ngàn năm lịch sử “Dân tộc tôi trường tồn, bất diệt/ Nhờ những bản tình ca nối nhau sinh sôi” (Những bản tình ca).
Có nhiều người viết về Tình ca, song có lẽ khó có ai sánh kịp nhạc sĩ Hoàng Việt. Chả thế, đã gần một thế kỷ, kể từ ngày ca khúc ấy ra đời, đến nay TÌNH CA của Hoàng Việt vẫn là “bài ca đi cùng năm tháng”. Chung cảm xúc ấy, Nguyễn Hồng Vinh phát hiện ra rằng: Dân tộc Việt Nam ta trường tồn, bất diệt cũng nhờ các bản tình ca nối tiếp nhau sinh sôi, nảy nở. Tình ca ấy, trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” lại càng lung linh, rực rỡ.
Trong gian nan, đau thương, khốc liệt, hàng vạn người “ra đi” và trở về trong hũ tro cốt, nhưng bản tình ca về tình người “Thương người như thể thương thân/ Anh em hòa thuận chữ Nhân là nền” cứ mãi tỏa sáng. Chữ NHÂN ấy đã làm nên cốt cách, đạo lý dân tộc Việt. Khổ đau nhiều mới yêu thương lắm. Có thức trắng đêm mới biết đêm dài!
Chồi biếc, tập thơ thứ 10 của Nguyễn Hồng Vinh không chỉ chuyển tải cảm xúc về trận chiến chống Covid-19, mà còn gửi gắm một thông điệp nhân văn, nghĩa tình. Đọc hết gần 100 bài thơ ấy, người đọc nhận ra rằng, hình như bài nào tác giả cũng chạm đến nghĩa tình của con người với con người – một yếu tố căn cốt làm nên sức mạnh Việt Nam! Bằng bút pháp tả thực, cảm xúc của nhà thơ như sợi dây đàn căng tột độ rung lên, chạm vào trái tim ta, khiến ta lo nỗi lo, vui niềm vui của những chiến sĩ thiện nguyện. Dưới ngòi bút của Nguyễn Hồng Vinh, từ khắp miền đất nước, các chiến sĩ thiện nguyện đổ về TP HCM, về các tỉnh Nam Bộ – nơi tâm dịch như một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì Miền Nam thân yêu”. Cảm xúc dâng trào với tấm lòng nhân hậu, yêu thương đồng bào, đồng chí, ngòi bút của Nguyễn Hồng Vinh đôi khi không chú ý đến “kỹ thuật ngôn từ”, mà cứ để cảm xúc như dòng sông cuộn chảy. Kể không hết những câu thơ, bài thơ dạt dào cảm xúc ấy. Đó là các bài thơ: Xanh mãi những cuộc lên đường; Ngôi nhà tình thương; Nén nhang tri ân không tắt; Nhịp cầu Ô Thước; Giá như…; Cho riêng chung vẹn toàn; Gửi bạn mùa covid; Nốt nhạc tâm hồn; Vẫn sân ga này…
Dẫu thế phải khẳng định, sự chân thật trong thơ Nguyễn Hồng Vinh không làm hạn chế sự bay bổng của ngôn từ. Có nhiều câu, nhiều chữ tài hoa chạm vào trái tim ta khiến rung lên nhịp lạ. Đó là những bài thơ viết về mẹ, về cha, về quê hương, đất nước.
Người viết bài này có may mắn cùng quê hương, cảnh ngộ với tác giả Chồi biếc, cho nên đọc những câu thơ của ông viết về mẹ, về cha, về người thân là liệt sĩ, tôi cứ ngỡ viết cho riêng mình. “Mẹ sinh con giữa ngày tháng gian nan/ Bão tháng 6 hất tung mái rạ/ Cọng rau héo đêm cồn cào trở dạ/ Sinh con, mẹ đói lả suốt tuần…”.
Sự bình dị của bà mẹ Việt Nam sinh ra những đứa con, khi lớn khôn dâng hiến cho đất nước như bà mẹ trong thơ Nguyễn Hồng Vinh thật vĩ đại. Lại nữa, những câu thơ viết về mẹ như muối xát lòng, khiến ta không bao giờ quên được công ơn sinh thành, dưỡng dục như biển cả bao la ấy: “Rau lang luộc với cơm độn sắn/ Rét tháng giêng, bếp lạnh mẹ thức chờ / Vừa chợp mắt, canh ba mẹ đã vùng thức giấc/ Lo cơm nắm, muối vừng cho con học đường xa” (Nhớ mẹ). Không chỉ thương nhớ mẹ, Chồi biếc của Nguyễn Hồng Vinh còn dành những câu thơ nặng ân tình với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Tác giả Chồi biếc có người anh trai hy sinh ở chiến trường thời chống Mỹ mà đến nay vẫn chưa tìm được mộ chí. Đó là “câu hỏi đời người”, là món nợ mà Nguyễn Hồng Vinh và tất cả chúng ta không bao giờ trả được. Những kỷ niệm về người anh liệt sĩ ấy cứ canh cánh trong lòng: “Cả đời anh chưa một ngày thanh thản/ Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân/ Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải/ Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng” (Anh nằm nơi nao?)
Đất nước ta có ngày hôm nay không chỉ gia đình Nguyễn Hồng Vinh mà dường như tất cả chúng ta đều có sự mất mát, đau thương ấy. Một mặt, tri ân những người đã hy sinh vì đất nước; mặt khác, chúng ta tự hào vươn lên trong cuộc sống, dám đương đầu với bom rơi đạn nổ và F0, F1 như bóng ma ám ảnh. Niềm tin vào tương lai tươi sáng là âm hưởng chủ đạo trong thơ Nguyễn Hồng Vinh: “Giá băng còn phía trước/ Nhưng đồng thuận lòng người/ Ấm lòng tin vững chãi / Hoa rực tràn muôn nơi” (Hoa và người), “Rồi ngày mai sẽ khác / Sẽ lại thấy hàng cây rất xanh/ Sẽ lại thấy ngọn gió rất lành/ Sẽ lại thấy dòng người rất đông/ Sẽ lại thấy trời xanh rất rộng…” (Ngày mai với người thầy thuốc)…
Có người nói, Nguyễn Hồng Vinh sinh ra để làm thơ. Tôi lại nghĩ khác, Nguyễn Hồng Vinh sinh ra để làm “thư ký thời đại”. Bằng ngòi viết của mình, dù văn chương hay báo chí, người viết họ Nguyễn quê Thành Nam danh giá này vẫn đều đặn ghi chép, neo đậu cảm xúc về một thời đã qua; về những sự kiện nóng đang diễn ra trên đất nước và thế giới. Vì vậy, tập thơ này khác tập thơ trước ở chỗ, phạm vi đề cập được mở rộng trên nhiều chiều cạnh cả ở trong nước và thế giới, từ nỗi lo nước mặn nhiều lúc lấn sâu nhiều vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến cảnh băng phủ kín “hồ hình tim” ở Canada; từ những dòng sông đang bị lở loét cả đôi bờ do lòng tham con người hút cát ngày đêm, đến tiếng đạn nổ, bom rơi triền miên không ngớt trên đất nước Áp-ga-nít-xtan; từ những ATM gạo, rau, thực phẩm trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nước, đến “lời cam kết cho đi” của hàng chục nhà tỷ phú hảo tâm ở Mỹ…
Vì vậy, có thể nói, Chồi biếc hàm chứa thông điệp nghĩa tình, là một trong nhiều dấu ấn sâu đậm của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, một chính khách, nhà báo, nhà thơ, nhà quản lý văn hóa tư tưởng- một trong những “chiến sĩ tiên phong”, đã và đang tham gia “giữ lửa” và “truyền lửa” trên mặt trận báo chí và thi ca hôm nay.
Tp Hồ Chí Minh, tháng giêng Nhâm Dần – 2022
T.T.T