Chợt nghĩ về hoa | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

975

8.3.2018-10:10

Chợt nghĩ về hoa

 

ĐẶNG HUY GIANG

 

NVTPHCM- Khi đọc đến: “Trái đất không bao giờ đủ hoa/ cho đàn ông hái/ trái đất không bao giờ đủ đàn ông/ cho hoa tỏa hương” thì tôi tự hỏi: Sao Phan Hoàng không viết: Trái đất không đủ đàn ông cho đàn bà hái? Ngẫm mới thấy Phan Hoàng thật tỉnh táo và biết “thoát hiểm” đúng lúc…

 

CHỢT NGHĨ VỀ HOA

 

Chiếm được trái tim một phụ nữ

như sở hữu một bông hoa

có loài hoa đẹp và hiền

có loài hoa đẹp và độc

 

Trái đất không bao giờ đủ hoa

cho đàn ông hái

trái đất không bao giờ đủ đàn ông

cho hoa toả hương

 

Tôi lướt qua trái đất này

như một ngọn gió nhẹ đầy sinh lực

ngưỡng mộ các loài hoa

chạm vào đâu cũng hiền cũng độc

 

Hoa độc hoa hiền

hoa nào cũng quyến rũ

hoa nào cũng có khả năng làm thuốc

hoa nào cũng thổi bùng lửa xuân

hoa nào cũng bao phủ mùa đông băng giá

 

Trái đất như viên bi vô tri rơi tự do về đâu

nếu một ngày lỡ vắng hương sắc loài hoa

ngọn gió tôi lưu lạc về đâu

nếu một ngày người phụ nữ mình yêu nổi hứng nói lời từ biệt…

 

PHAN HOÀNG

 

Nói đến “Chiếm được trái tim một phụ nữ/ như sở hữu một bông hoa” là đã bao hàm sự sở hữu mong manh của tình yêu trong ấy rồi. Còn chia ra hoa lành, hoa độc là có sự phân biệt của tình yêu trong ấy rồi.

    

Khi đọc đến: “Trái đất không bao giờ đủ hoa/ cho đàn ông hái/ trái đất không bao giờ đủ đàn ông/ cho hoa tỏa hương” thì tôi tự hỏi: Sao Phan Hoàng không viết: Trái đất không đủ đàn ông cho đàn bà hái? Ngẫm mới thấy Phan Hoàng thật tỉnh táo và biết “thoát hiểm” đúng lúc. Rồi Phan Hoàng chỉ ra: Đàn ông vốn tham, đàn bà lại vốn quyến rũ, hấp dẫn; đàn ông vốn có bản chất chinh phục, đàn bà vốn có bản chất hái lượm.

    

Đi xa hơn, Phan Hoàng lại luôn “ngưỡng mộ các loài hoa” và anh cảm thấy từ trực giác: “chạm vào đâu cũng hiền cũng độc”.

   

Kết thúc, Phan Hoàng sợ: Biết đâu ngọn gió tôi lưu lạc về đâu/ nếu một ngày người phụ nữ mình yêu nổi hứng nói lời từ biệt”.

   

Sao không giận dỗi, bực bội, khó chịu…mà là “nổi hứng” nói lời từ biệt? Đây là cách nói, cách sử dụng từ ngữ tạo nên cái thật riêng của Phan Hoàng đặng tạo ra một sắc thái tình cảm kiểu Phan Hoàng.

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Tiếng nói tâm linh trong thơ thế hệ Đổi mới – Phạm Thị Trịnh

>> Dòng chảy Tự do giữa hai bờ lựa chọn – Trần Việt Hà

>> Sự cần thiết của hồi ký – Trần Hữu Dũng

>> Đôi dòng về sáng tạo thơ – Mai Văn Phấn

>> Muốn đổi mới thơ cần đổi mới cảm thức của nhà thơ – Từ Quốc Hoài

>> Tính đa chiều không gian – thời gian trong Bến quê – Nguyễn Văn Ba

>> Văn học mạng trong dòng chảy văn học nước nhà – Đỗ Hải Ninh

>> Đọc thơ Phan Thanh Bình – Hoàng Thị Thu Thuỷ

>> Rượu ngon cặn cáu cũng ngon – La Mai Thi Gia

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…