Khoái nhất vẫn là khi nghe Phùng tiên sinh đọc thơ. Tôi lờ mờ rằng có khi thơ ông đọc hay hơn thơ ông viết? Và thơ của người khác cũng thế? Cái tạng Phùng Quán có lẽ cũng na ná như Maia bên trời Nga thì phải? Cứ là phải kiếm, phải tạo cho những tạng ấy một thứ như là quảng trường, một đám đông thì là sang sảng thì là hào sảng phải biết?
Nhà thơ Phùng Quán (1932-1995).
… Bản tính cẩn thận lẫn lắm lời của bà xã đã khiến một dạo cuối năm ấy chỗ làm việc của tôi đã trải qua một cuộc đảo chính! Đám tài liệu giấy má sổ sách của tôi bỗng dưng phải được xếp đặt lại gọn ghẽ! Rằng gọn thì có gọn, bắt mắt thì có bắt thật nhưng tính khí luộm thuộm cũng có cái … được của nó là mó tìm cái chi cũng dễ chứ bây giờ trước cái khối vuông vức bằng chằn chặn như đống bánh chưng xếp đứng kia biết lần giở thứ mình cần tìm ở chỗ mô?.
Đang ngao ngán lật giở bậy bạ một chồng sổ tay cũ chờ vợ xếp lại cho bắt mắt thì bỗng tôi như bừng tỉnh khỏi cơn chán bởi chợt rơi ra một khổ giấy vuông vức ố vàng thẳng đuột vì bị ép trong đó đã lâu ngày!.
Một bài thơ của Phùng Quán!
Cây xương rồng
Cây chi cây lạ lùng
Không cành cũng không lá
Toàn những thân với thân
Mà chân thì dựng ngược
Như gậy gộc nghĩa quân
Toàn những góc với cạnh
Lá tua tủa gai chông
Nhựa đứng hàng độc dược
Gai nhọn buốt hơn gươm
Người nghèo đem luộc kỹ
Ăn lại lành thay cơm
Mọc lên từ cát lửa
Hồn vẫn xanh mát trong
Che chở người lương thiện
Trộm cướp đều ngại ngùng
Tên như một biểu tượng
Đời gọi cây xương rồng!
Xương rồng ơi xương rồng
Anh có thật xương rồng?
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hoá thân!
Mạn dưới bài thơ chép tay là dòng chữ Thơ tặng Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi. Còn dưới bức ảnh mầu khổ 19x12cm chụp Phùng Quán đang đứng đọc thơ, người ngồi bên là cụ Nguyễn Hữu Đang có hàng chữ nhỏ Tặng Xuân Ba – Phùng Quán – Hồ Tây mùa đông 92.
Mới đó mà đã bao năm…
… Trước dạo ấy khá lâu, cùng với mấy người bạn, chúng tôi hay ghé lại nhà thi sĩ Phùng Quán trên Hồ Tây mà chủ nhân đặt cho nó cái tên Chòi ngắm sóng!
Ký ức về những Vượt Côn đảo, Tuổi thơ dữ dội…buổi đầu được gặp thi sĩ khiến tôi như là lạ trước một hình hài manh mảnh bận bộ đồ nâu guốc mộc có một chòm râu ngắn phơ phất nom rất ngộ.
Chòi ngắm sóng hồi ấy đang còn thèo đảnh như hoang vắng đằng sau ngôi trường đồ sộ Chu Văn An, những con sóng Hồ Tây những hôm động trời mùa mưa còn chờm lên tận hiên vườn nhà ông nhất là những buổi đông có tí rượu thuốc chắt ra từ cái vò sành trong hiên nhà thi sĩ ngó ra thấy mình lẫn tất thảy bỗng nhỏ nhoi hun hút trong sóng trong gió Tây Hồ!.
Trong một bữa rượu đêm, tôi thấy xuôi tai cụm từ của Hoàng Phủ Ngọc Tường kêu cái nhà – cái chòi và cung cách sống của Phùng Quán là ẩn sĩ! Nhưng thấy cần phải thăng hoa cái cụm từ có tính chất tóm gọn ấy, hồi thi sĩ biệt với cõi dương năm 1995, tôi có một bài báo buồn: Thôi đã khuyết đi một cư sĩ Tây Hồ! Phùng Quán chả ẩn chả trốn ai cả? Chòi ngắm sóng và cung cách giao đãi nồng ấm mặn mòi của cô giáo Trâm vợ thi sĩ cùng với Phùng Quán vẫn trải lòng bao năm nay với hết thảy mọi người đó thôi?.
Bây chừ đã biến mất Chòi ngắm sóng, đã nhoà trong những nhôm kính sáng loáng sáng rợn và muôn thứ xây cất của liên hiệp quán cá ăn nhậu Tây Hồ! Chỗ nền cũ nhà thi sĩ là đèn xanh đèn đỏ, nhạc nhiếc xập xình từ sáng đến thâu đêm.
… Gọi là bữa rượu, đêm rượu cho oách đó thôi chứ, thứ lạc nhân có khi còn nguyên vỏ, cô giáo Trâm rang khéo lắm ủ thơm trong tay người vê vê và cái vò sành da lươn chả biết chủ nhân ngâm trong đó những thứ dược thảo gì, cứ thi thoảng lại nghiêng hết lòng trong những đêm tụ bạ ấy…
Bảo Phùng Quán nghiện rượu? Chả phải!
Chớ có căn cứ hẳn vào hai câu của Lý Bạch trích trong Tương tiến tửu.”Cổ kim thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”
Bản dịch của Trần Trọng Kim” Các hiền thánh xưa nay lặng lẽ/ Chỉ anh say tiếng để muôn đời.”
Trần Trọng Kim mà một người bạn đã thư pháp trên lối mặt tiền nhà Phùng Quán để đoán lẫn định cung cách sống của chủ nhân! Rồi vẻ như ngông những câu: Rượu đất tôi uống tràn/ cụng ly cùng dòi bọ/ mừng trắng nợ trần gian nữa?.
Cái dạo phát hiện ra chớm những triệu chứng của ung thư gan, các bác sĩ khuyên tuyệt đối cấm rượu, thi sĩ buồn, buồn lắm nhưng rất nghiêm chỉnh chấp hành! Bạn bè đến cứ nghiêng vò, còn mình phải đành nhấp nhấp thứ nước dược thảo của cô giáo Bội Trâm sắc cho, tủm tỉm cười rằng, chả lẽ trăm vạn thảo mộc của cả nước Nam mà không cứu được một nhà thơ?.
Thi sĩ có kiểu uống mà các cụ nói là tiên tửu, khác hẳn với thứ ngưu ẩm nốc lấy được. Vê vê hạt lạc có đến mươi phút, ông nâng chén rồi lại hạ xuống… Cái động thái gẩy gẩy bã thuốc lào trong cái điếu bát và cung cách cầm chiếc xe điếu cứ như một lãng tử cầm roi chầu trong cuộc nghe hát. Chất giọng Huế như đằm như ấm hơn trong những buổi khuya lạnh. Tôi đồ rằng rượu chỉ là cái cớ để ông họp đồng niên, họp vong niên chỉ là cái cớ để chủ nhân có hứng mà dốc lòng trong những khúc tự truyện với bạn bè anh em đồng chí?
Cái thời rượu chịu – cá trộm – văn chui! Chịu vì so súi, vì nghèo phải đong chịu từng hào rượu trắng, cái thứ rượu cất bằng sắn cánh lái buôn lại pha phách thêm cồn rồi tống vào săm ô tô quật cho kỳ sủi bọt sùng sục lên để tăng nồng độ, người uống cốt lấy cái bốc làm trọng!
Trộm, là câu cá trộm! Hồ Tây mênh mông sát sạt bên mình, hàng đêm, hàng ngày như thế khó mà đừng được cái việc dọ dạy này khác của việc kiếm cá chả phải để thoả thứ tiêu dao ngư tiều… mà là mưu sinh hẳn hoi?. Phùng tiên sinh chả nói, nhưng cô giáo Trâm kể lại rằng “Phùng nhà ta là người cũng sát cá có đêm vắng giật nhoáng nhoàng cũng được mấy con mè con chép kho ăn chả hết còn lén mang cả ra chợ”.
Chuyện này thì tôi nghe được từ chính chủ nhân. Hồi trước Hồ Tây lắm cá chứ không tha thớt, chỉ bằng mấy sợi dây tháo ra từ bì tải dây nhựa quen gọi là bì tải xác rắn xe bện lại thành cái dây bằng sải tay nhỉnh hơn đầu đũa… Phùng tiên sinh lấy lòng trắng trứng gà tỉ mẩn phết đều lên khoảng giữa của sợi dây rồi đem phơi. Cứ năm lần quệt, năm lần phơi như thế, thi sĩ đùa là theo cách phục thuốc Tàu là ngũ chương ngũ sái. Dưới nắng thực to thì quắt queo ngay đơ thứ lòng trắng bện quện khô khẳng vô sợi dây. Lựa lúc đêm vắng người, lấy một cái lờ luồn sợi dây vô rồi cột chặt vào hai đầu gậy cắm đại vào chỗ nào đó ven hồ. Các thứ cá đánh hơi thấy mùi tanh của lòng trắng trứng đang rữa dần vì bị ngâm nước, chúng cứ men theo mùi tanh dọc sợi sây ấy mà lần vô lờ! Gần sáng thì nhổ gậy, nâng lờ… Có bữa một lờ cá nặng!
Chừng như để minh chứng cho cái tài lẻ ấy, một đêm sậm trời lắm, tôi thử bén gót Phùng tiên sinh rinh cái câu lục cất bên chái nhà lâu rồi không dùng tới, lò dò ra mép nước… Thế mà một lúc giật nhoáng nhoàng cũng được con mè gần ký. Bữa rượu đêm ấy, thay vì lạc rang như mọi khi, có món cá mè luộc hành đâm xôm hơn. Văn chui là phải viết, viết do máu nghề câu thúc nhưng thường phải găm lại đây, đôi khi phải ký một cái tên khác bởi có một thời, chả biết có chỉ thị bất thành văn từ cấp nào là các nhà xuất bản hay báo chí dùng chữ của Phùng tiên sinh là phải cẩn thận?. Đất có tuần, nhân có vận nữa là vận hội của một quốc gia, một dân tộc! May mắn thay những ngày vất vưởng ấy cũng qua được?
Khoái nhất vẫn là khi nghe Phùng tiên sinh đọc thơ.Tôi lờ mờ rằng có khi thơ ông đọc hay hơn thơ ông viết? Và thơ của người khác cũng thế? Cái tạng Phùng Quán có lẽ cũng na ná như Maia bên trời Nga thì phải? Cứ là phải kiếm, phải tạo cho những tạng ấy một thứ như là quảng trường, một đám đông thì là sang sảng thì là hào sảng phải biết? Tất nhiên cái quảng trường của Phùng tiên sinh đây chỉ là một hội trường be bé, một không gian của một lớp tiểu học, hoặc đơn giản hơn là những cái chiếu đêm bệt trên sàn và quây tụ một vài người bên cạnh… Những ấn phẩm của Phùng Quán được xuất bản trong những môi trường như thế có lẽ mới hiệu ứng!
Tới chơi và quây tụ quanh Phùng tiên sinh có nhiều dạng đồng niên, lẫn vong niên. Phùng tiên sinh không kén bạn, nhưng dạng tốn nước chè và thuốc lào mà cô giáo Trâm phải biện ra có lẽ không phải ít… Nhưng ngoài thứ tạp khách ra, may ở đây lại kha khá những người tao mặc! Các nhà này khác ở Hà thành danh như cồn… Có các mệ này khách từ trong Huế ra…Có Dương Minh Long nhiếp ảnh gia Sài Gòn phủ phục hai ngày ở nhà Phùng tiên sinh đốt vài cuộn phim mong tìm được một cái chân dung như ý. Một thi sĩ Chúc Bờ sông (ông tên là Chúc, nhà ở gần bờ sông Hồng) tên bài thơ thường dài hơn nội dung thơ. Chả hạn một bài có tên là Vợ chồng nhưng cả bài thơ vỏn vẹn một từ là chữ: xong! vv…và vv…
Chủ nhân đã khoác đã buộc ngang thân giáo xanh ấy một dải lụa đỏ!
Cũng tại nhà Phùng tiên sinh, lũ chúng tôi được làm quen với một người bạn vong niên khá thân thiết của Phùng Quán là Nguyễn Hữu Đang. Không rõ Phùng tiên sinh quen biết ông Nguyễn lâu chưa nhưng thi thoảng ông Nguyễn Hữu Đang, từ mãi Thái Bình vẫn lọ mọ lên Hà thành tìm về cái Chòi ngắm sóng này. Qua chuyện Phùng tiên sinh, đại để biết loáng thoáng, ông Nguyễn tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ông đã từng được tổ chức trao một việc quan trọng, là người lo sự vụ hành chính trong buổi lễ Bác Hồ đọcTuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945. Rồi từ loáng thoáng đến chi tiết. Những chi tiết rành rẽ, rùng rợn… Cái con người nhỏ thó kia đó từng hầu tòa đó từng bị biệt giam gần hai chục năm ở mạn ngược Hà Giang! Ra tù ông về ẩn cư tại một trường tiểu học ở Thái Bình. Ông làm cái việc lao công coi trường.
Bận ấy có việc đi Thái Bình, tôi đã mò đến chỗ ông. Ấn tượng là ở cái góc trong cái chòi lụp xụp dưới một búi tre góc vườn trường, tôi đã ngó thấy ba cuốn tiểu thuyết chữ Pháp dầy cộp đã ố vàng? Thứ nữa là những cái lọ mắm! Những cái lọ trước đây đựng xà phòng kem được ông rửa sạch dùng để chế mắm. Ông thích ăn mắm? Mà mắm gỡ? Tinh những thứ ông khi thì tự đi bắt đi kiếm thứ thì mua lại của lũ học trò. Rơi, Tép, Châu chấu, Nhái, Rắn nước (mà ông gọi bằng con trùng trục?) Và cả cóc… Tôi đếm có hơn mươi lọ xà phòng ghi những chữ nắn nót mắm nhái. Mắm tép. Mắm cua vv…
Rồi một thời gian sau ông chuyển về Hà Nội được phân về khu Nghĩa Đô theo tiêu chuẩn của những cán bộ lâu năm thì phải. Ấn tượng nữa đến lúc tám mươi tuổi, ông vẫn là người độc thân theo cái nghĩa là chưa lấy vợ lần nào!? Chuyện riêng của ông thì lũ chúng tôi không dám bao giờ, kể cả những khi vui vẻ nhất đề cập đến! Ở tuổi bát tuần, ông vẫn mẫn tiệp. Đặc biệt ông chuyển ngữ tiếng Pháp ra tiếng Việt thì khá là độc đáo và uyển chuyển. Có lần tôi hỏi sao ông không bập vào công việc như những dịch giả khác thì ông chỉ cười.
Tháng mười một hay mười hai, tôi cũng chả nhớ, nhưng một ngày cuối năm 1992 ấy, mấy anh em chúng tôi được nhắn lên Chòi ngắm sóng, thì đã thấy một cái tiệc mừng sinh nhật ẩn sĩ Nguyễn Hữu Đang tám mươi tuổi đã được bày biện chu tất. Chả biết ai biện, nhưng thấy có hẳn cả một con lợn quay con con.Thi sĩ Phùng Quán trịnh trọng trong bộ áo the nâu mà hiếm khi thấy ông bận bộ đồ này đang đứng bên cạnh cây xương rồng. Xem chừng tình hình này có triệu chứng xuất bản thơ đến nơi?
Cũng nói thêm là nhà Phùng tiên sinh trồng với bày khá nhiều loại cây cảnh, có hẳn cả một khoảnh ao con bằng cái chiếu, một trong đó ông vớt súng Hồ Tây thả vào nhiều bận trổ hoa nom thích mắt lắm… Thiếu chi loại để bê vào trong nhà, nhưng chả biết cơn cớ chi mà ông rinh cái chậu xương rồng vào một cái góc lâu nay. Cây xương rồng chỉ có một thân vút thẳng lên từ miệng một cái chậu sành cao cổ hình như mấy năm nay chĩnh chiện chiếm và ngự ở một xó như thế… Thú thực tôi không khoái thứ xương rồng cho dù nó đã được nâng cấp đã được bon sai. Thảng thốt nhớ lại những năm đói đã xa lắc, có nhà quê tôi còn phải lấy những đọt xuơng rồng cho dù mập mạp nhưng chắc nặng thứ mủ độc trắng rợn đem ngâm xuống ao hằng đêm cho thải bớt cái mủ độc ấy đi. Rồi đem luộc. Tốn củi nhưng phải luộc lâu. Luộc đủ ba lần. Rồi đem nấu cháo hay làm nộm chi đó. Vào những cái miệng đang khát thèm ngọc thực thì cũng tàm tạm. Nhưng có nhà để trẻ mỏ nó làm không kỹ ăn say lử, say lả…
Có bận chạm tầm mắt cái thứ bon sai kỳ quái ấy, tôi buột ra với thi sĩ cái chuyện buồn năm xa thì ông lắc đầu quê miềng có năm cũng rứa…
Nhưng ngọn xương rồng bữa nay hình như được tắm tưới và hình thù cũng khác hệt như một ngọn giáo xanh bật vút lên … Và kìa, chủ nhân đã khoác đã buộc ngang thân giáo xanh ấy một dải lụa đỏ!
… Chất giọng khàn khàn quen thuộc đã cất lên, nhưng bữa nay nó không rè mà tròn vành rõ chữ lắm! Thi sĩ bằng một giọng hài hước nói một chút về ông bạn vong niên cứ ở vậy nuôi … chim, và nhân cái cớ thượng thọ này có sửa chén rượu nhạt mừng lão gia Nguyễn, mừng bạn bè anh em… Rồi chất giọng hài hước ấy đã đủ mọi cung bậc để dọn chỗ, để sang sảng cho một tầm cấp xuất bản thơ! Thi sĩ nói là xin ứng tác vịnh bài thơ cây xương rồng để tặng ông bạn già Nguyễn Hữu Đang…
Trong lần áo bảo hộ màu xanh quen thuộc như gồ lên lần áo len, mái đầu bạc của Nguyễn tiên sinh như rung, như rưng rưng cúi trước những âm sắc thơ đặc Huế trong buổi chiều đông thật muộn chầm chậm về bên Tây Hồ.
Người được mừng thọ bát tuần đang ngồi kia, vẻ như bình thản. Và như thảng thốt nữa? Hình như có ánh đèn vụt ra từ một chiếc máy ảnh nào đó? Ngắm Nguyễn Hữu Đang cứ bừng ra một ý nghĩ, ông như một thứ văn tự cổ chưa có điều kiện giải mã? Như một thứ chất liệu xoắn bện và chả dễ gỡ để cấu thành nên một cuốn sách tày tặn nếu ai đó lưu tâm lẫn thành tâm?
Có một ông già năm nay chín mươi ba tuổi đang một mình ở góc trời Tây Hà thành…Có một bài thơ chép tay ngay sau buổi chiều muộn ấy của tác giả tặng kẻ viết bài này mà trên thứ giấy bây giờ đã đượm một chút màu thời gian nghiệt ngã…
Hình như bây giờ tôi có nghĩ khác, chí ít cũng đơ đỡ những ám ảnh về những loại xương rồng?
(Nhân Ngày sinh Nguyễn Hữu Đang 15/8)
Theo Xuân Ba/Vanvn