Chủ đề tình yêu trong truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy

2422

Nguyễn Công Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) 1. Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy nằm trong chuỗi truyền thuyết về An Dương Vương và thành Cổ Loa (Truyền thuyết An Dương Vương, Truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Sự tích thành Cổ Loa, Sự tích nỏ thần, Truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy,…). Truyền thuyết này đã được đưa vào giảng dạy cho học sinh từ bậc phổ thông. Ở bậc Cao đẳng – Đại học (Cao đẳng, Đại học Sư phạm; Đại học Văn hóa; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn…), truyền thuyết là một chương trong học phần “Truyện dân gian”, được giảng dạy có hệ thống từ định nghĩa, nguồn gốc, nội dung ý nghĩa, giá trị văn học, giá trị lịch sử – xã hội, giá trị nghệ thuật… Riêng chuỗi truyền thuyết về An Dương Vương và thành Cổ Loa thường cho sinh viên thảo luận hoặc tổ chức seminar (một dạng hội thảo, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyên đề).

Trước đây, sách giáo khoa các bậc tiểu học, trung học hay giáo trình Đại học, khi hướng dẫn hướng phân tích Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, chỉ đề cập ba chủ đề:

Thứ nhất, ca ngợi công cuộc dựng nước và giữ nước.

Thứ hai, tố cáo chiến tranh xâm lược.

Thứ ba, bài học cảnh giác.

Trong bài thơ “Tâm sự”, Tố Hữu đã nhấn mạnh bài học cảnh giác khi phê phán Mỵ Châu đã dùng tình cảm thay cho lý trí “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” và chính sự ngây thơ, thiếu tỉnh táo ấy đã vô tình tiết lộ bí mật quốc gia, trao nỏ thần cho giặc:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…

Dạy bài này cho sinh viên Sư phạm Văn, P.Giáo sư HTT còn nhấn mạnh: Mỵ Châu không chỉ dùng tình cảm thay cho lý trí mà trong con người nàng chỉ có thứ tình cảm duy nhất là tình cảm riêng tư, tình yêu đôi lứa chứ không có tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc. Khi chúng tôi thắc mắc, câu chuyện không đề cập đến chủ đề tình yêu chung thủy, sao Trọng Thủy khi nhìn thấy xác Mỵ Châu đã “khóc oà lên, thu nhặt thi hài đem về chôn trong thành, rồi đâm đầu xuống giếng tự tử?” và “Máu Mỵ Châu chảy xuống biển, trai ăn được nên mới có ngọc châu. Lấy được ngọc trai ấy đem về rửa bằng nước giếng trong thành Cổ Loa thì ngọc lại trong sáng hơn?”. Thầy lập luận: Ngọc trai có tự bò từ biển đến giếng đâu mà do con người đem ngọc ấy đến rửa. Vả lại, rửa nước nào nhiều lần, ngọc chẳng sáng hơn.

Hồi ấy, dẫu không bằng lòng với cách lý giải của Thầy nhưng chúng tôi phần thì sợ (ý thầy là ý trời) phần chưa đủ trình độ và bản lĩnh để tranh luận. Về ký túc xá, cùng nhau luận bàn và tự đặt ra các câu hỏi: Không có ai yêu giả mà khi người yêu giả ấy bị chết oan, lại thương xót, đau đớn cùng cực, phải tìm đến cái chết? Ngọc trai sống ở biển Châu Diễn sao bò đến giếng Trọng Thủy ở Loa Thành được? Ngọc trai khi đã khai thác, trở thành đồ vật trang sức, làm sao tự bò đi được nữa?… Sau đó than thở chứ biết hỏi ai? Đọc tài liệu nào?

2. Sau đổi mới, nhà văn, nhà nghiên cứu – phê bình văn học được “cởi trói”, được “tự do sáng tác”, sách báo viết về những “vùng cấm” một thời ngày càng nhiều. Không ít thi nhân đã lấy câu chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy làm cảm hứng sáng tác. Các nhà thơ Vương Trọng, Anh Ngọc, Quang Huy, Phan Tiến,… đã có những thi phẩm ca ngợi mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy. Mở đầu bài thơ “Mỵ Châu”, Vương Trọng đã đặt ra câu hỏi chất vấn:

Khi quay lại chém con sau yên ngựa

An Dương Vương người đã nghĩ suy gì?

Sau đó, thi nhân phê phán cả vua, cả thần không sáng suốt, xử án oan uổng, thiếu minh bạch, gây nên cái chết tức tưởi cho Mỵ Châu:

Đã là vua lại có thần mách bảo

Tưởng sáng suốt hai lần và công lý gấp đôi

Mà người chết không hiểu sao mình chết

Thì hồn oan còn đập cửa muôn đời.

Bài thơ kết thúc bằng lời cầu mong người đời hãy cảm thông và đừng trách mắng Mỵ Châu vì tình yêu không có lỗi:

Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa

Yêu chân thành thật có tội gì đâu!

Từ ý tưởng này, Phan Tiến trong bài “Mỵ Châu”, nhấn mạnh đến sự vô tội và nỗi oan rơi đầu của nàng: “Tình yêu có lỗi gì đâu/ Mà sao đến nỗi rơi đầu em ơi! Ngoái xem lông ngỗng trắng trời/ Thương thay cho kẻ suốt đời ngậm oan”.

Bằng câu phủ định: “Không thể tưởng có đường gươm như thế” ngay từ đầu, nhà thơ Quang Huy trong bài “Mỵ Châu”, đã phê phán hành động chém công chúa của An Dương Vương cùng lời phán truyền của thần Kim Quy:

Không thể tưởng có đường gươm như thế

Dù lời thần mách bảo tự trời cao

Thần có lúc cũng nhầm như hạ giới

Đứa con thương tội lỗi tự khi nào?

Bài thơ kết bài là lời sám hối dưới nấm mồ của đấng quân vương về hành động sai lầm trong phút giây thiếu suy nghĩ của mình:

An Dương Vương dưới đáy mồ nghìn tuổi

Vẫn hằng đêm nức nở lưỡi gươm xưa

Mây vẫn trắng để tang trời vĩnh cửu

Mỵ Châu ơi, oan nghiệt đến bao giờ?

3. Chúng tôi đồng quan điểm với các thi nhân: Tình yêu của Mỵ Châu không có lỗi và đó là mối tình chung thủy. Hành động chém con gái của nhà vua là hành động bộc phát, trong lúc quẫn trí, cùng đường (giặc đuổi sát sau lưng). Công chúa bị chết oan và không biết mình phạm tội gì mà phải rơi đầu.

Chấp nhận hòa hiếu và lời cầu hôn cho con trai của Triệu Đà là của An Dương Vương và quần thần. Cho con trai kẻ thù sau nhiều lần mang quân sang xâm lược nước ta ở rể, tự do đi lại trong kinh thành cũng là quyết định của vua: “An Dương Vương muốn giữ mối hòa hảo, cũng bằng lòng và cho Trọng Thủy đến gửi rể trong cung điện”. Ngày xưa, phụ nữ chẳng có quyền lựa chọn, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Lễ giáo phong kiến buộc nữ nhi phải “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Như vậy, việc mất cảnh giác, để kẻ thù chui sâu vào cung đình do thám là lỗi của quân vương, của các ông quan “mũ cao áo dài” đầy chữ nghĩa!

Vua cha đã tin tưởng, quần thần đã tin tưởng, cớ gì bắt Mỵ Châu phải nghi ngờ? Nàng là phận gái phải chấp nhận sự sắp đặt của bậc sinh thành (ở đây là bậc đế vương). Vả lại, Trọng Thủy là con trai “chúa đất Nam Hải” đẹp trai, phong độ rất môn đăng hộ đối, tương xứng với nàng. Trai tài, gái sắc đã được hai gia đình, hai nước chấp nhận, yêu nhau say đắm, tin tưởng nhau tuyệt đối, thổ lộ hết mọi bí mật cũng là lẽ thường tình. Như thế mới gọi là tình yêu đích thực, tình yêu xuất phát từ sự rung động, hòa chung một nhịp đập của hai trái tim yêu.

Yêu mãnh liệt, tin tưởng tuyệt đối người yêu, Mỵ Châu không bận tâm suy nghĩ lời nói của chồng: “Bây giờ đôi ta sắp phải xa nhau, không biết đến bao giờ gặp lại! Nếu chẳng may xảy ra binh đao, tôi biết đâu mà tìm?” và chỉ cho Trọng Thủy cách tìm nàng: “Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ thiếp chạy về hướng nào thì thiếp sẽ rắc lông ngỗng dọc đường, chàng cứ chạy theo dấu lông ngỗng mà tìm” cũng không có gì đáng trách. Trong suy nghĩ của Mỵ Châu, Trọng Thủy là chồng của mình, phò mã của nước Âu Lạc có nghĩa vụ bảo vệ vợ, bảo vệ đất nước nhưng nay phải thực hiện lệnh vua cha: “Ta sắp phải đi, Phụ vương dặn phải về ngay để còn lên miền Bắc, miền Bắc xa lắm nàng ạ”.

Trong bài “Dấu hiệu oan trong vụ án Mỵ Châu – Trọng Thủy (báo Pháp luật ngày 17/10/2017), Trần Việt Thái cho rằng: “Sao mà Mỵ Châu có thể đề phòng chính Trọng Thủy? Ai hay chỉ có mình nàng là người chịu trách nhiệm khi nàng bị lừa? Vua cha anh minh với tả hữu quần thần còn không ngờ được Trọng Thủy, còn cho phép Trọng Thủy tiếp cận nàng thì sao nàng có thể nghi ngờ?”. Người đáng trách ở đây là An Dương Vương khi Trọng Thủy vừa về nước sang, sau bữa rượu ăn mừng lại xin về nước tiếp mà không suy nghĩ sao hắn vừa sang lại được vua cha gọi về ngay và cũng không kiểm tra vũ khí bí mật?

Trọng Thủy đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ gián điệp vua cha giao cho, giúp Triệu Đà thôn tính được nước Âu Lạc.

Vậy Trọng Thủy có yêu Mỵ Châu không?

Lúc đầu, Trọng Thủy thực hiện sứ mệnh của vua, của nước trong vai trò phò mã ở rể để tìm hiểu, lấy cắp nỏ thần. Nhưng khi gặp Mỵ Châu, “một thiếu nữ mày ngài, mắt phượng, nhan sắc tuyệt trần. Trọng Thuỷ đã đem lòng yêu dấu Mỵ Châu”. Sắc đẹp cùng tình yêu chân thành, trong trắng, mãnh liệt của Mỵ Châu đã đánh thức trái tim yêu của Trọng Thủy. Trong con người chàng luôn diễn ra cuộc đấu tranh dằng xé “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”.

Hơn thế, Trọng Thủy là Hoàng tử, đang thực hiện công việc vua giao nên phải đặt nhiệm vụ của đấng quân vương lên trên tình cảm cá nhân. Lễ giáo phong kiến đề ra những rường cột như Tam cương, ngũ thường; Tam tòng, tứ đức. Những mối quan hệ này được lập ra theo những nguyên tắc: quân xử thần tử, thần bất tử bất trung (vua khiến bầy tôi chết, không chết không trung); phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu (cha khiến con chết, con không chết không hiếu); phu xướng phụ tùy (chồng nói ra, vợ phải theo). Do đó, Trọng Thủy làm sao cưỡng lại lệnh vua cha! Làm sao đặt tình yêu, tình vợ chồng lên trên nhiệm vụ đất nước?

Tuy vậy, trước khi chia tay Mỵ Châu, mang theo nỏ thần đánh cắp về nước, đầu óc Trọng Thủy rối bời, hoảng loạn, “bồn chồn, hết đứng lại ngồi không yên”. Bởi thế, chàng đã hé lộ phần nào về cuộc chiến sắp xảy ra giữa hai nước: “Nếu chẳng may xảy ra binh đao, tôi biết đâu mà tìm?”. Giá như An Dương Vương đề cao cảnh giác, gạn hỏi Mỵ Châu thì cơ đồ nước Âu Lạc không “đắm biển sâu” và chúng ta không phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc?

Trong hoàn cảnh này, Trọng Thủy không thể cùng một lúc vừa làm bề tôi trung, làm đứa con ngoan; vừa làm người chồng tốt, cho nên chàng chỉ còn cách duy nhất là bằng mọi giá cứu được Mỵ Châu. Cho nên khi nghe Mỵ Châu nói: “Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ thiếp chạy về hướng nào thì thiếp sẽ rắc lông ngỗng dọc đường, chàng cứ chạy theo dấu lông ngỗng mà tìm”, Trọng Thủy đã chia tay về nước. Sau đó, tuy cùng đạo quân Triệu Đà sang xâm lược nước ta nhưng “Trọng Thủy một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng đi tìm Mỵ Châu”.

Đặc biệt khi đuổi đến Dạ Sơn gần bờ biển, thấy xác vợ nằm trên đám cỏ, Trọng Thuỷ lòng đau như cắt, khóc lóc thảm thiết. Đây là những giọt nước mắt vắt ra từ trái tim đang rỏ máu vì tình yêu nhưng bất lực. Chàng chỉ còn cách duy nhất là “thu nhặt thi hài Mỵ Châu đem về chôn trong thành, rồi đâm đầu xuống giếng trong thành mà xưa kia Mỵ Châu thường tắm” chết theo. Trọng Thủy chết vì quá thương yêu, nhớ nhung Mỵ Châu. Trọng Thủy chết trong sự ăn năn hối hận. Trọng Thủy tìm đến cái chết để chuộc lại tội lỗi của mình. Trọng Thủy chết cũng là để được sống cùng Mỵ Châu ở thế giới bên kia. Chi tiết “lấy ngọc trai ăn máu Mỵ Châu đem về rửa bằng nước giếng trong thành Cổ Loa thì ngọc trong sáng vô cùng” cuối truyện đã nói hộ cho mối tình gắn kết của họ.

Từ sự phân tích trên, chúng ta thấy trong “Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy” còn một chủ đề rất nổi bật là ca ngợi tình yêu chung thủy. Chủ đề này, trước đây chưa được đề cập đến hoặc chưa được quan tâm thấu đáo. Thiết nghĩ nhân dân đã giải oan cho nàng (biến thành ngọc trai) và để cho đôi trai tài gái sắc tha thứ cho nhau, hòa hợp với nhau thì chúng ta sao phải khắt khe quá mức đối với một thiếu nữ tuổi trăng tròn đã hiến dâng cả cuộc đời cho tình yêu.

N.C.T