Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam – Kỳ 3

966

01.8.2017-15:10

 GS.TS Huỳnh Như Phương

 

>> Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam – Kỳ 2 

>> Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam – Kỳ 1

 

Ferdinand de Saussure, Claude Lévi-Strauss

và chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam

(1954-1975)

Kỳ 3

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG 

        

NVTPHCM- Theo nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương, mặc dù còn hạn chế nhưng những thành tựu bước đầu nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 “góp phần đặt nền tảng cho quá trình tiếp thu một khuynh hướng quan trọng của tư tưởng trong khoa học xã hội và nhân văn hiện đại mà mãi đến gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, giới nghiên cứu Việt Nam mới khởi động trở lại”…

 

Những phản biện và phê phán đối với chủ nghĩa cấu trúc

       

Điều thú vị là ở miền Nam, những quan niệm nói trên không phải được tất cả các nhà khoa học chia sẻ. Trong thái độ học thuật đối với trường phái cơ cấu luận, các giáo sư ở Đại học Vạn Hạnh có cách ứng xử khác với các giáo sư ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm tháng sau số đặc biệt về Hiện tượng học (số 1, bộ mới, ngày 01-6-1969), Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh thực hiện số đặc biệt về “Những vấn đề cơ cấu luận” (số 6, bộ mới, ngày 01-11-1969)[41] do Thích Nguyên Tánh, tức Phạm Công Thiện, phụ trách. Số báo tập hợp năm tiểu luận của các giáo sư giảng dạy ở Đại học Vạn Hạnh: “Đẳng thời Lévi-Strauss” của Ngô Trọng Anh, “Sự thất bại của việc giải thích cơ cấu và con đường tư tưởng Việt Nam” của Thích Nguyên Tánh, “Sự thất bại của cơ cấu luận” của Phạm Công Thiện, “Cơ cấu ngôn ngữ của Michel Foucault” của Tuệ Sỹ, “Âu Cơ túy” của Kim Định. Ngoài ra tạp chí còn in bản dịch bài phỏng vấn Claude Lévi-Strauss do Madeleine Chapsal thực hiện trên tờ L’Express tháng 10-1960.        

         

Nếu hiện tượng học của Husserl và Heidegger được tạp chí Tư Tưởng dành cho nhiều thiện cảm, thì cơ cấu luận của Lévi-Strauss và Foucault bị tạp chí này phê phán, với ít nhiều định kiến, trên những vấn đề căn bản. Từ góc nhìn của những trí thức Phật giáo, Ngô Trọng Anh, Thích Nguyên Tánh/ Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ vạch ra những nhược điểm về học thuật của cơ cấu luận và phản bác khả năng vận dụng học thuyết này vào thực tiễn văn hóa Việt Nam.

         

Trong bài tiểu luận 66 trang “Đẳng thời Lévi-Strauss”, Ngô Trọng Anh cho rằng thuyết cơ cấu của Lévi-Strauss chỉ hoạt động mạnh trên địa bàn phương Tây duy lý, trong một tình trạng bế tắc của “một văn minh dựa trên sự suy tôn lý trí tuyệt đối trong tinh thần Descartes bị chận đứng từ lâu, ấm ức trong lòng”[42]. Ngô Trọng Anh có lý khi trách Lévi-Strauss “loại trừ phần thực dụng học (pragmatique)  hay môn học về sự hàm ngụ những chủ thể phát ngôn và từ nghĩa học (sémantique) hay môn học về tương quan giữa dấu hiệu và sự vật nhận ý nghĩa khỏi phải qua trung gian các đối thoại viên”[43]. Tuy nhiên, tác giả bài báo đã phóng đại tác động của cơ cấu luận khi viết: “Sức mạnh của cơ cấu thuyết không những ở chỗ kiến tạo mà thôi, sức mạnh của nó chính là ở chỗ phá hoại, thế mới lạ. Sức mạnh của nó là dùng phương pháp khoa học thích nghi nhất (phân tích cơ cấu) để đập tan thành trì tư tưởng nhân loại tự cổ chí kim. Có thể nói là cơ cấu thuyết hiện nay trên khắp chiến trường Âu Mỹ ở khối tự do cũng như ở khối xã hội, đều công thành danh toại, bách chiến bách thắng. Lịch sử tư tưởng nhân loại bị cơ cấu thuyết quét sạch, hay nói cho đúng, cố gắng quét sạch”[44] (?). Nhưng rồi sau đó, Ngô Trọng Anh lại nói khác đi: “Chúng ta cũng thấy rằng cái đồ sộ máy móc của cơ cấu thuyết chỉ là một thứ cọp giấy và những triết học sợ nó là vì họ cũng chỉ là mèo ngao”[45] (!). Dù sao, ông cũng tỏ ra công bằng khi thừa nhận Le Triangle culinairecủa Lévi-Strauss và Les Mots et les choses của Michel Foucault là những kiệt tác của hai nhà khoa học – nghệ sĩ thiên tài, một thứ “cơ cấu thuyết không cơ cấu”, như cách nói của Jean Piaget. Ngô Trọng Anh giải thích: “Cơ cấu thuyết mà có cơ cấu thì bắt buộc phải loại trừ phần nội dung bất khả thuyết của ngôn ngữ để giữ lại phần hình thức văn phạm mà thôi. Cơ cấu thuyết không cơ cấu là một thứ nghệ thuật có hình thức khoa học, một thứ nghệ thuật mới của văn chương vì căn bản nó là ngôn ngữ học”[46].

         

Gần gũi về lập trường với Ngô Trọng Anh, tác giả Thích Nguyên Tánh/ Phạm Công Thiện cũng phê bình Lévi-Strauss, Jacques Lacan, Jacques Derrida, Louis Althusser – xem đó như là “tinh thần chung của một thời đại, tinh thần bại hoại của đêm tối Tây phương” – để cho thấy “sự thất bại của cơ cấu luận”[47].

          

Riêng Kim Định, trong bài “Âu Cơ túy”, có những ý kiến khác với những gì ông trình bày trong cuốn Cơ cấu Việt Nho xuất bản bốn năm sau. Kim Định viết: “Từ ngày Triết Tây theo cơ cấu thuyết đi trật khỏi dòng truyền thống tâm linh thì cũng từ ấy đã đánh mất chiều kích nữ tính và trở nên đực rựa (sic). Vì thế hơn 2.000 năm lịch sử Triết Tây chỉ còn là một sờ soạng để tìm lại Âm tính. Bài ‘Âu Cơ túy’ này trích trong Việt Lý tố nguyên (sẽ ra) bàn về chiều kích đàn bà trong nền triết lý Nho Việt. Đây có thể nói là một cơ cấu thuyết không cơ cấu, linh động đầy sáng tác siêu lý”[48].

          

Việc Tạp chí Tư Tưởng phê phán chủ nghĩa cấu trúc như trên đây có hạt nhân hợp lý của nó. Hệ quả quan trọng nhất của chủ nghĩa cấu trúc là sự bác bỏ vai trò của chủ thể. Như chúng ta đều biết, toàn bộ truyền thống triết học cổ điển  phương Tây về con người đã coi cái tôi như một chủ thể có ý thức. René Descartes đã đúc kết truyền thống này trong một tuyên ngôn cô đúc: “Tôi hoài nghi, vậy là tôi tư duy. Tôi tư duy, vậy là tôi hiện hữu” (“Dobito ergo cogito. Cogito ergo sum”). Nhưng đến chủ nghĩa cấu trúc thì chủ thể có ý thức bị tước đi vai trò của nó như là nguồn tạo nghĩa. Bởi vì một khi nghĩa được giải thích từ góc độ những hệ thống quy ước nằm ngoài sự nắm bắt của chủ thể đang tư duy thì cái tôi không còn được nhận dạng với tư cách chủ thể ý thức nữa.

          

Các khoa học nhân văn, đặt nền tảng trên việc xem con người là đối tượng trung tâm của nhận thức, ngày càng đứng trước nguy cơ con người dần dần biến mất dưới phương pháp phân tích cấu trúc. Trong Tư duy hoang dã, Lévi-Strauss viết: “Mục tiêu của các khoa học nhân văn không phải là cấu thành con người mà là phân hủy con người”[49]. Còn Michel Foucault thì phát biểu cực đoan hơn trong Từ ngữ và sự vật: “Con người chỉ là một phát minh gần đây, một hình tượng có tuổi đời chưa đến hai thế kỷ, một nếp gấp đơn giản trong tri thức của chúng ta, và nó sẽ biến mất ngay khi tri thức của chúng ta tìm được một hình thức mới”[50].

          

Như Jonathan Culler nhận xét trong Thi pháp học cấu trúc: “Phép phân tích cấu trúc không chỉ từ bỏ việc tìm kiếm những tác nhân bên ngoài, nó còn từ chối làm cho chủ thể tư duy trở thành một tác nhân diễn giải. Cái tôi lâu nay vẫn là một trong những nguyên tắc chính yếu của tính khả tri nhận và tính thống nhất. Người ta có thể cho rằng một hành vi hay một văn bản là một ký hiệu mà ý nghĩa đầy đủ của nó nằm ở ý thức của chủ thể. Nhưng nếu cái tôi là một cấu trúc và một kết quả thì nó không thể đóng vai trò như một cội nguồn”[51]. Có lẽ đó cũng là lý do khiến Tam Ích “sợ cơ cấu luận sẽ vướng vào một ngõ cụt không có lối thoát”[52].

         

Hai năm sau số chủ đề “Những vấn đề cơ cấu luận” nói trên, Tạp chí Tư Tưởng đăng bốn kỳ liên tiếp bài nghiên cứu công phu của Trương Văn Chình: “Thuyết tổng hợp (Structuralisme) về ngôn ngữ học” (Tư Tưởng số 6, ngày 30-8-1971; số 7, ngày 30-9-1971; số 8, ngày 30-10-1971; số 9, ngày 30-11-1971).

         

Là tác giả của những công trình Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (đồng tác giả với Nguyễn Hiến Lê, Viện Đại học Huế xuất bản, 1963), Structure de la langue vietnamienne (Publications du Centre universitaire des langues orientales vivantes, Paris, 1970), qua tiểu luận này, Trương Văn Chình muốn minh định thái độ của mình đối với “thuyết tổng hợp”, tức chủ nghĩa cấu trúc. Tác giả trình bày và giải thích một cách sáng rõ, rành mạch những thuật ngữ mà ông dịch theo cách riêng: “langage” là “ngôn ngữ”, “langue” là “tộc ngữ”, “parole” là “lời”, “structure” là “tổ hợp”, “fonction” là “chức vụ”, “linguistique générale” là “ngôn ngữ thông luận”, “grammaire comparée” là “ngữ đối học”, “linguistique synchronique” là “ngữ định học”, “linguistique diachronique” là “ngữ biến học”, “sens de base” là “nghĩa cơ bản”, “sens contextuel” là “nghĩa trong ngữ tuyến”…

       

Trái với Trần Ngọc Ninh, Trương Văn Chình không tán thành luận điểm của F. de Saussure: “La langue est une forme et non une substance” (“Ngôn ngữ chỉ có hình chứ không có chất”, Trương Văn Chình dịch). Điều kỳ lạ là Trương Văn Chình xem Saussure như người theo chủ trương “duy niệm” (idéaliste), còn những môn đệ của Saussure chủ trương tuyệt đối hóa vai trò của hình thức (forme), những người mà ngày nay thường được quy về hình thức luận (formalisme), lại thuộc  phái “duy vật”[53]; trái lại những nhà ngôn ngữ học đứng trên góc nhìn tâm lý học (psychologie) thì thuộc phái “duy tâm”. Ông viết: “Chúng ta gọi là “duy vật” (formaliste) những nhà ngữ học chủ trương rằng ngôn ngữ hình thành chỉ do những quan hệ về hình thức, nên phân tích ngôn ngữ không cần căn cứ vào ý nghĩa; đối với phái “duy tâm” (psychologue) lại quá thiên về nội dung, ý nghĩa, về tư tưởng mà không chú ý đến hình thức cấu tạo”[54].

         

Sở dĩ Trương Văn Chình định danh như vậy vì ông cho rằng phái thứ nhất cự tuyệt vai trò của ý nghĩa, còn phái thứ hai xem nhẹ vai trò của chất liệu âm thanh. Ông muốn khắc phục sự cực đoan của hai phái ấy theo tinh thần ý kiến của Otto Jesperson trong The Philosophy of Grammar(1924) mà ông trích dẫn: “Nghiên cứu ngôn ngữ phải luôn luôn nhớ rằng âm và nghĩa, hình thức và công dụng mật thiết với nhau. Nếu chỉ chuyên về một mặt mà quên hẳn mặt kia, nghĩa là quên rằng âm và nghĩa bao giờ cũng ảnh hưởng lẫn nhau, thì có hại cho môn ngữ học”[55].

        

Theo nhận xét của Trương Văn Chình, hai nhà ngữ học Lê Văn Lý và Nguyễn Đình Hòa thoạt đầu cũng theo chủ trương “duy vật” đề cao hệ thống âm thanh và phương thức cấu tạo của ngôn ngữ mà không chú ý đến vai trò của nghĩa, nhưng về sau đã thay đổi quan niệm. Ông cho rằng “thuyết tổng hợp” chỉ mới đóng góp trong việc phê bình những hạn chế của ngữ pháp cổ điển mà chưa xây dựng được gì đáng kể. Nói theo R. L. Wagner, những môn đệ của Saussure là những du khách “biết đích xác là mình đi đâu mà chưa biết phải đi đường nào. Họ có một lá bùa hộ mệnh thật linh thiêng: ấy là quan niệm rõ ràng và xác thực về ngôn ngữ. Nhưng đứng trước một chỗ rẽ có nhiều ngả, họ không biết chọn ngả nào sẽ đưa họ đến đích, mà cái bùa kia chỉ hiệu nghiệm khi họ đi đúng đường. Dù có chọn được con đường đúng chăng nữa, cũng còn phải vất vả gian nan, chứ không dễ dàng gì mà đi đến đích”[56].

        

Trước tình hình đó, Trương Văn Chình chủ trương “lấy những điểm sở đắc [của thuyết tổng hợp, HNP] để sửa lại ngữ pháp cổ điển”, đặc biệt là trong cách phân định từ tính (nature des mots) và từ vụ (fonction des mots)[57]. Như vậy là ông ghi nhận những đóng góp của chủ nghĩa cấu trúc trong việc xây dựng bộ môn ngữ âm và chỉ ra những thiếu sót của ngữ pháp cổ điển, chứ không thừa nhận lý thuyết đó đặt nền móng vững chắc cho bộ môn ngữ pháp nói riêng, ngôn ngữ học nói chung.

 

Vận dụng chủ nghĩa cấu trúc vào nghiên cứu và phê bình văn học      

          

Trong nghiên cứu và phê bình văn học, cấu trúc luận là bước phát triển của hình thức luận. Những nhà hình thức luận người Nga đầu thế kỷ 20 đã đặt nền móng cho một quan niệm về cấu trúc có thể áp dụng trong phân tích và giải mã tác phẩm. V. Shklovski viết: “Một tác phẩm văn học là một toà kiến trúc thống nhất. Mọi thứ trong toà kiến trúc ấy đều phụ thuộc vào tổ chức của chất liệu”. Yu. Tynianov chia sẻ quan niệm đó: “Cần nhất trí với nhau rằng tác phẩm văn học là một hệ thống cũng như bản thân văn học là một hệ thống vậy. Chỉ sau khi có sự nhất trí căn bản này thì mới có thể sáng tạo ra một khoa học về văn học”. G. Vinokour nói rõ hơn: “Phạm vi nghiên cứu càng thu hẹp lại thì chúng tôi càng đi dần đến ý tưởng đơn giản rằng khoa học về văn học phải nghiên cứu chính bản thân văn học chứ không phải cái gì khác, rằng người khảo sát tác phẩm văn học phải lấy cấu trúc tác phẩm làm đối tượng chứ không phải là những nhân tố song hành với sự sáng tạo ra tác phẩm ấy trên bình diện thời gian hay tâm lý”[58].

          

J. Mukarovski, nhà cấu trúc luận Tiệp Khắc thuộc trường phái Praha chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hình thức Nga, tác giả Cấu trúc luận trong mỹ học và nghiên cứu văn học (1940), viết: “Một chỉnh thể cấu trúc xác định ý nghĩa cho những yếu tố của nó, và ngược lại, từng yếu tố trong số đó xác định ý nghĩa cho chỉnh thể cấu trúc này chứ không phải chỉnh thể cấu trúc khác”.  Mukarovski khẳng định: “Thi ca là một tổng hòa liên tục và không ngừng đổi mới của cái thẩm mỹ cấu trúc và cái thẩm mỹ phi cấu trúc”[59]

         

Cấu trúc hay hệ thống mà Shklovski, Tynianov, Vinokour và Mukarovski nói đến là cấu trúc hay hệ thống ngôn ngữ, vì vậy phải được tiếp cận bằng phương pháp ngôn ngữ học. V. Vinogradov khẳng định: “Mọi tác phẩm văn học, vốn là chất liệu từ ngữ được tổ chức, đều thuộc phạm vi thẩm quyền của nhà ngôn ngữ học”. Ý kiến của R. Jakobson cũng nằm trong tinh thần đó: “Nếu hiện nay còn có những nhà phê bình hồ nghi khả năng của ngôn ngữ học trong lĩnh vực thơ ca, thì riêng tôi, tôi nghĩ rằng họ đã tưởng nhầm rằng sự bất lực của một vài nhà ngôn ngữ học thiển cận là sự bất lực cơ bản của bản thân ngành ngôn ngữ học. Tuy vậy, mỗi chúng ta ở đây đã hiểu được dứt khoát rằng một nhà ngôn ngữ học dửng dưng đối với chức năng thi ca, cũng như một nhà văn học dửng dưng với các vấn đề ngôn ngữ và không đếm xỉa đến các phương pháp ngôn ngữ học đều là những hiện tượng lỗi thời rõ rệt”. Theo Jakobson, thi pháp học là “một bộ phận của ngôn ngữ học nghiên cứu chức năng thi ca trong mối quan hệ với các chức năng khác của ngôn ngữ”[60].

        

Hệ luận của quan niệm nói trên, theo sự giải thích của J.-Y. Tadié: “Nếu ngôn ngữ học là khoa học về các cấu trúc ngôn ngữ, thì thi pháp học là một nhánh của nó”[61].  Còn theo Roland Barthes, “Trong phiên bản chuyên biệt nhất và vì thế thoả đáng nhất của nó, cấu trúc luận là một dạng thức phân tích những sản phẩm văn hoá theo những phương pháp của ngôn ngữ học hiện đại”[62].

        

Về vấn đề này, có lẽ ở nước ta, Nguyễn Văn Trung là người đầu tiên giới thiệu sơ đồ sáu yếu tố của R. Jakobson, chỉ năm năm sau khi bản dịch tiếng Pháp bài diễn văn tổng kết Hội nghị về vấn đề phong cách ở Đại học Indiana (1960) được in trong Tiểu luận về ngôn ngữ học đại cương(Essais de linguistique générale, Ed. Minuit, Paris, 1963). Đoạn giới thiệu này nằm trong chương cuối cùng của bộ Lược khảo văn học có nhan đề “Ngôn ngữ văn chương và phê bình văn học”. Theo đó, Nguyễn Văn Trung giải thích khá sáng rõ nội hàm của sáu yếu tố mà ông dịch hơi khác cách dịch ngày nay: hoàn cảnh (le contexte), người gửi (le destinateur), sứ điệp (le message), người nhận (le destinataire), tiếp xúc (le contacte), ám hiệu (le code)[63].

        

Với tham vọng xây dựng bộ môn Triết-Văn (Philo-lettres) như một bộ môn liên ngành làm nhịp cầu kết nối giữa triết lý và văn học Việt Nam, Kim Định biên soạn cuốn Cơ cấu Việt Nho (Nxb Nguồn Sáng, Sài Gòn, 1973). Theo tác giả, bộ môn đó “vừa mở ra cho triết lý một đất dụng võ rộng hơn hầu mang ơn ích đến cho nhiều tâm hồn đang bơ vơ không biết đâu là hướng sống… vừa làm cho Việt văn trở nên sâu xa hơn và giàu thêm khả năng phát huy được những nét đặc trưng của mình”[64]. Không còn những định kiến như khi viết bài “Âu Cơ túy” bốn năm trước, trong lời nói đầu cuốn sách này, Kim Định cho biết ông căn cứ vào phương pháp cơ cấu và phân tâm học để giải nghĩa một số truyện tích có tính chất huyền sử, truyền kỳ, từ đó “suy diễn về cơ cấu của Việt Nho”.

        

Dựa vào ba công trình của Lévi-Strauss là Nhân loại học cấu trúcChủng tộc và lịch sửNhiệt đới buồn, Kim Định trình bày quan niệm về cơ cấu và chứng minh rằng cơ cấu luận có thể góp phần lý giải nhiều hiện tượng cổ văn Việt Nam là “thứ văn chương chứa triết lý hoặc là triết lý nằm sâu trong những câu truyện văn chương cho nên chúng quả là lãnh vực phong phú riêng biệt cho môn triết văn”. Theo Kim Định, “nói tổng quát thì cơ cấu là một bước đi cố gắng tổng hợp được đẩy xa hơn trước trong mọi khoa học nhân văn. Với cơ cấu chúng ta sẽ đi vào sâu hơn, mà sâu hơn cũng có nghĩa là đơn giản hơn, tế vi hơn, và từ đó may ra có thể nhận ra mối tương quan nền tảng kết hợp tất cả lại thành một toàn bộ đem lại cho các yếu tố rời rạc lẻ tẻ trước kia một sức sống động. Cơ cấu như vậy có thể sẽ giúp chúng ta quét sạch được rất nhiều ý niệm của triết học bản thể (cổ điển) tất cả đều nằm trong tĩnh trạng và thiếu mất chữ tương. Nếu hiện thực được như thế thì cơ cấu có thể mở ra một giai đoạn mới cho loài người trong việc tìm hiểu nhau hơn”[65].

        

Từ hướng nghiên cứu trên, Kim Định đã có những phát hiện thú vị khi khám phá cấu trúc của thần thoại Việt Nam qua truyện Trăm trứng, truyện Ả Chức, truyện Con tằm, truyện Thần Rắn… Tác giả đi đến một giả thuyết gây tranh cãi về Việt Nho: Việt là cội nguồn của Nho. Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp không thuộc phạm vi bàn luận trong bài viết này.

        

Việc vận dụng chủ nghĩa cấu trúc vào phân tích tác phẩm văn học cổ điển có thể nhận thấy qua một vài nỗ lực của Nguyễn Văn Trung, Bùi Hữu Sũng, Trần Ngọc Ninh… Trong cuộc đàm thoại trên tạp chí Bách Khoa năm 1972, Nguyễn Văn Trung nhìn nhận thực trạng thiếu vắng tư liệu để bảo chứng cho sự phê bình tác phẩm cổ điển dựa trên lịch sử, tâm lý học hay xã hội học, nhất là những tác phẩm khuyết danh. Trong khi đó, theo ông, “chưa có ai giải thích một cách quy mô cái hay của Nguyễn Du. Chưa ai dùng những khoa tu từ học, ngữ học v.v… để phân tích bút pháp của Nguyễn Du. Đó là một việc thật quan trọng và cần thiết mà tôi ước mong các nhà phê bình của ta sẽ làm sau này”[66]. Tác giả thật nhạy bén khi dự cảm nỗ lực của một số nhà nghiên cứu hơn mười năm sau sẽ vận dụng ngôn ngữ học, phong cách học, thi pháp học vào nghiên cứu Truyện Kiều (Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Lý Toàn Thắng…).

         

Cũng trên tạp chí Bách Khoa thời điểm này, xuất hiện bài viết đăng hai kỳ của Trần Ngọc Ninh: “Ý nghĩa và cơ cấu Truyện Kiều (Bách Khoa, không ghi số, ngày 15-11 và 30-11- 1972). Theo chúng tôi, đây là một bài viết có những phát hiện độc đáo, xuất phát từ những am hiểu sâu sắc về cấu trúc luận, cấu trúc huyền thoại và truyện cổ tích để soi vào Truyện Kiều. Tuy không nhắc đến V. Propp, Trần Ngọc Ninh làm người đọc liên tưởng đến học giả lớn người Nga này, khi ông sơ đồ hóa những “thoại đề” (schèmes mystiques), trong truyện Trầu Cau và Truyện Kiều. Trần Ngọc Ninh so sánh:

         

“Đoạn kết của Truyện Kiều giống như đoạn kết của chuyện Trầu Cau vì cả hai đều có nội dung là những sử trình biến thể. Trong chuyện Trầu Cau thì cả ba nhân vật đều biến thể để có thể tổ hợp với nhau. Sự biến thể là một sự sắp xếp lại để một đường mở thành một đường đóng: em đi trước, rồi đến anh, rồi đến vợ anh, ba người lúc trước bị ly tán nay lại tụ hội lại với nhau ở chỗ con đường tận cùng bên bờ sông vắng.

          

“Trong Truyện Kiều thì vấn đề chính theo quan niệm huyền thoại là trả lại Thúy Kiều về chỗ nguyên thủy. Sự biến thể của Kiều đã được tạo ra ba chặng, ngược lại với đoạn đầu của chuyện: bắt đầu là Kiều sống lại, rồi Kiều trở về với gia đình, và sau cùng Kiều được trả lại trinh tiết bởi người chống thực của nàng là Kim Trọng”[67].

         

Trần Ngọc Ninh kết luận: “Tất cả chuyện cô Kiều là một huyền thoại mẫu mực, có căn nguyên, xây dựng với một cơ cấu hợp truyền thống dân gian, quanh một kẻ hàm oan mà chết trong tay của triều đình”[68].

 

Vài lời tạm kết

         

Qua nghiên cứu của những học giả miền Nam, chủ nghĩa cấu trúc vừa có sức hấp dẫn, vừa bộc lộ những hạn chế của nó. Trong một thời gian ngắn ngủi chưa tới mười năm, giữa lúc ở phương Tây ảnh hưởng của chủ nghĩa cấu trúc lan rộng đến triết học, sử học, xã hội học, phê bình văn học, thậm chí được áp dụng cả trong kỹ thuật làm báo, nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật hóa trang…, việc nghiên cứu chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam chỉ mới dừng lại ở bình diện lý thuyết và chưa có nhiều thành tựu về mặt vận dụng vào thực tiễn văn học là điều dể hiểu.

        

Điều đáng ghi nhận là ở miền Nam ít có nhà nghiên cứu bộc lộ triệt để khuynh hướng thi pháp học hình thức luận hay cấu trúc luận và họ hiếm khi phủ nhận tính nội dung của hình thức. Một số công trình nghiên cứu, phê bình chú trọng tính nghệ thuật của tác phẩm văn học vẫn không xem tác phẩm là cấu trúc ngôn ngữ thuần túy, mà thường vận dụng các lý thuyết khác nhau (chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học) kết hợp với sự phân tích cấu trúc. Chẳng hạn, Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày của Lê Tuyên, Vũ trụ thơ của Đặng Tiến, Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân HươngThử phác họa một bản đồ của địa ngục theo Chế Lan Viên của Đỗ Long Vân…

        

Ngay cả một số công trình trực tiếp giới thiệu chủ nghĩa cấu trúc như được kể trên đây cũng không đưa tới những phân tích thuần túy có tính chất thi pháp học cấu trúc.

        

Có lẽ tính chất nửa vời trong việc vận dụng chủ nghĩa cấu trúc ở đây phản ánh một nghịch lý: xuất phát từ một quan niệm nhân bản về tính độc đáo và sự bình đẳng của các nền văn minh, chủ nghĩa cấu trúc lại đi đến chỗ xem nhẹ yếu tố chủ quan và tính lịch sử, phủ nhận vai trò của chức năng biểu cảm lẫn chức năng quy chiếu của thông điệp. Hình như càng phát triển theo hướng cực đoan, chủ nghĩa cấu trúc càng lìa xa tinh thần của Saussure mà Cao Xuân Hạo rút tỉa: “Cũng như những sự kiện nhân văn khác, ngôn ngữ chỉ tồn tại nhờ chủ thể của nó”[69].

        

Dù sao, những thành tựu bước đầu trên đây cũng góp phần đặt nền tảng cho quá trình tiếp thu một khuynh hướng quan trọng của tư tưởng trong khoa học xã hội và nhân văn hiện đại mà mãi đến gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, giới nghiên cứu Việt Nam mới khởi động trở lại[70].    

 

____________________________

[41] Mặc dù không thể sánh về tầm vóc, qua đây, chúng ta thấy rõ sự nhạy bén của học giới miền Nam khi biết rằng Tạp chí Les Temps Modernescũng chỉ ra số đặc biệt về “Những vấn đề của chủ nghĩa cấu trúc” ba năm trước: đó là số 246, tháng 11-1966.

[42] Ngô Trọng Anh (1969): “Đẳng thời Lévi-Strauss”, Tạp chí Tư Tưởng, số 6, bộ mới, Sài Gòn, ngày 01-11-1969, tr. 8.

[43] Ngô Trọng Anh (1969): Bđd, tr. 30.

[44] Ngô Trọng Anh (1969): Bđd, tr. 7.

[45] Ngô Trọng Anh (1969): Bđd, tr. 38.

[46] Ngô Trọng Anh (1969): Bđd, tr. 50.

[47] Phạm Công Thiện (1969): “Sự thất bại của cơ cấu luận”, Tạp chí Tư Tưởng, số 6, bộ mới, Sài Gòn, ngày 01-11-1969, tr. 84.

[48] Kim Định (1969): “Âu Cơ túy”, Tạp chí Tư Tưởng, số 6, bộ mới, Sài Gòn, ngày 01-11-1969, tr. 119.

[49] Claude Lévi-Strauss (1962): La Pensée sauvage, Plon, Paris, tr. 326.

[50] Michel Foucault (1966): Les Mots et les choses, Gallimard, Paris, tr. 15.

[51] Jonathan Culler (1925): Structuralist Poetics, Routledge & Kegan Paul, London and Henley, tr. 29.

[52] Tam Ích (1968): “Cơ cấu luận”, Tân Văn số 2, tháng 5&6, tr. 49.

[53] Mặc dù Trương Văn Chình thận trọng để từ “duy vật” trong ngoặc kép và lưu ý: “Duy vật, chúng ta dùng ở đây, không liên quan gì với thuyết duy vật trong chủ nghĩa Marx”; nhưng theo chúng tôi, nếu muốn tránh dùng từ “hình thức luận” (formalisme), ông nên dùng từ “thực chứng luận” (positivisme) thì hợp lý hơn (HNP).

[54] Trương Văn Chình (1971): “Thuyết tổng hợp (Structuralisme) trong ngôn ngữ học”, Tư Tưởng số 7, ngày 30-9-1971, tr. 90.

[55] Trương Văn Chình (1971): Bđd, Tư Tưởng số 8, ngày 30-10-1971, tr. 91.

[56] Trương Văn Chình (1971): Bđd, Tư Tưởng số 7, tr. 90.

[57] Trương Văn Chình (1971): Bđd, Tư Tưởng số 9, ngày 30-11-1971, tr. 84.

[58] Xem Huỳnh Như Phương (2007): Trường phái Hình thức Nga, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr. 23.

[59] Xem Huỳnh Như Phương (2007): Sđd, tr. 181.

[60] Roman Jakobson (1963): “Linguistique et Poétique”, trong: Essais de linguistique générale, Ed. Minuit, Paris. (Bản dịch của Cao Xuân Hạo: “Ngôn ngữ học và thi học”, Tạp chí Ngôn ngữ số 14-2001).

[61] Jean-Yves Tadié (1987): La Critique littéraire au XXe siècle, Les Dossiers Belfond, Paris, tr. 39.

[62] Roland Barthes (1967): “Science versus literature”, The Times Literary Supplement, 28-9-1967, tr. 897-898.

[63] Nguyễn Văn Trung (1968): Lược khảo văn học, tập 3, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, tr. 329 – 334.

[64] Kim Định (1973): Cơ cấu Việt Nho, Nxb Nguồn Sáng, Sài Gòn, tr. 7.

[65] Kim Định: Sđd, tr. 31.

[66] Nguyễn Văn Trung: “Phê bình cũ, phê bình mới”, Tạp chí Bách Khoa ngày 30-11-1972, tr. 15.

[67] Trần Ngọc Ninh (1972): “Ý nghĩa và cơ cấu Truyện Kiều”, Tạp chí Bách Khoa, ngày 30-11-1972, tr. 28. Bài viết này được in lại, có sửa chữa, cùng với những nghiên cứu khác của tác giả về Nguyễn Du và Truyện Kiều trong sách Trần Ngọc Ninh (2015): Tố Như và Đoạn trường tân thanh, Nxb Thế giới – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

[68] Trần Ngọc Ninh (1972): Bđd, tr. 31.

[69] F. de Saussure (2004): Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, bản dịch của Cao Xuân Hạo, Nxb Khoa  học xã hội, Hà Nội, tr. 9.

[70] Chẳng hạn các tiểu luận và công trình: Phương Lựu: “Chủ nghĩa cấu trúc” trong Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1995; in lại trong Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2001; Trịnh Bá Đĩnh: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2002.

 

TIN LIÊN QUAN:

>> Mưa đỏ – Bản giao hưởng nhân văn – Hoàng Thuỵ Anh

>> Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam (1954-1975) – Huỳnh Như Phương – Kỳ 2

>> Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam (1954-1975) – Huỳnh Như Phương – Kỳ 1

>> Những giới hạn của lí thuyết văn học nước ngoài ở Việt Nam – Trương Đăng Dung

>> Bửu Đình, nhà tiểu thuyết Nam Bộ – Lê Tiến Dũng – Hồ Khánh Vân

>> Nhà văn Hữu Mai và quan niệm văn chương

>> Phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Phạm Thị Như Thuý

>> Những câu chuyện của một người yêu sách – Huỳnh Như Phương

>> Sự trở lại của đề tài chiến tranh trên văn đàn – Bùi Việt Thắng

>> Những người mở đường của Hồ Thủy Giang – Cao Hồng

>> Lê Huy Quang và những vần thơ Phải khác – Đỗ Ngọc Yên

>> Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Văn Cao – Hà Thị Hoài Phương

>> Tổ quốc qua Bước gió truyền kỳ Phan Hoàng – Phan Thuỷ

>> Những cuốn sách của thời đại chúng ta – Nguỵ Hữu Tâm

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…