Chữ tâm người thầy, một chữ nhỏ – giá trị cao

2360

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong bất cứ ngành nghề nào, chữ “tâm” luôn có một giá trị thiêng liêng, giữ một vai trò quan trọng cuộc sống hàng ngày, được đặt một vị trí lên hàng đầu quyết định thành công trong bất cứ công việc và sự nghiệp của mỗi người, mỗi xã hội. Tâm, trí, lực – chữ “tâm” được đánh giá cao, để làm nền tảng cho chất lượng hình ảnh – sản phẩm mỗi ngành nghề mang lại.

Người đầu bếp muốn nấu một món ăn ngon để thực khách thưởng thức, với tiêu chí có lợi – tốt cho sức khỏe. Những nhà sản xuất các thiết bị công nghệ, các đồ dùng tiện ích phục vụ nhu cầu cuộc sống xã hội, cũng luôn đặt ra những yêu cầu, chỉ tiêu nhất định về giá trị chất lượng của sản phẩm, v… v… Những điều đó, được công nhận, đánh giá theo mức độ cụ thể, hài lòng của người sử dụng dịch vụ, công trình, sản phẩm, thông qua việc bình chọn, cùng với kết quả do người tiêu dùng xác định. Ví như muốn cửa hàng của mình đông khách, được sự lựa chọn cao thì chất lượng của các món ăn sẽ thể hiện rõ qua các khâu lựa chọn, chế biến thực phẩm. Từ đó, quan niệm về “chữ tâm” trong mỗi ngành nghề khác nhau, đều được hiện thực hóa thông qua những gì ngành nghề đó mang lại cho xã hội, cho con người.

Một giờ dạy văn học của giáo viên mầm non 

Đối với nghề giáo, chữ “tâm” càng được quan tâm, suy nghĩ và bàn luận nhiều. Bởi vì lý do, ngành nghề này khó để đong đếm xác định chữ “tâm” được thể hiện ra sao? Xác định mức độ ảnh hưởng của nó lên xã hội như thế nào? Một người thầy, người cô, có tư tưởng tiến bộ trong vấn đề giáo dục con người sẽ biểu hiện khác với những nhà giáo đến với nghề bằng việc xem nó như một ngành nghề để mưu sinh. Phải chăng, muốn đến với nghề giáo thì rất cần sự đào tạo, giúp giáo viên hiểu biết ý nghĩa sâu sắc  của nguồn gốc sư phạm, của nghề nghiệp trồng người này. Bên cạnh là một công việc vì cơm áo, thì nghề giáo còn truyền tải thông điệp đến người học những giá trị nhân văn nhất định, sự lĩnh hội kiến thức, tiếp thu bài giảng, sự giáo dục của mỗi học sinh khác nhau, thì rất cần sự uyển chuyển trong phương pháp, cộng với cái tâm của người thầy.

Hình ảnh người thầy trong một ngày đầu năm học 

Chưa bao giờ, trong ngành giáo dục, người lại phải tận dụng những chiếc camera để theo dõi, để cố tình bắt gặp tại trận những hành vi – vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội của nghề giáo, như trong giai đoạn này. Thật đau lòng làm sao, chúng ta chợt nghĩ đến, nghề giáo bị mất lòng tin trầm trọng. Sự lao động của nghề giáo không thể đong đếm được trong một phút một giờ, mà là cả quá trình của một đời người đứng lớp, một bài dạy muốn truyền tải đến học trò, với một số lượng học sinh đông, với nhiều hoàn cảnh gia đình, tâm lý hoàn toàn khác biệt. Cho nên, để xác định hiệu quả, kết quả đạt được chỉ là sự tương đối. Nếu, một giáo viên chỉ chú trọng việc dạy những học sinh giỏi – chăm ngoan – đạo đức tốt, gia đình có điều kiện thì vô tình  chúng ta đã quên mất chữ “tâm” của nghề. Đó là phân biệt đối xử với các em cá biệt, có xu hướng nổi loạn, hay những em có những tâm lý bất thường khi nhìn cuộc sống là những màu tiêu cực, mất lòng tin.

Vì lý do sản phẩm cùng chất lượng của nghề giáo mang đến là vô cùng quan trọng, lại khó đong đếm, nên việc quán triệt tư tưởng của nghề nghiệp này là rất cần thiết. Đặc biệt là những quan điểm giáo dục, tiến bộ và nhân văn cần phải truyền tải đến những người làm công tác giáo dục nhiều hơn. Bởi sứ mệnh của giáo dục là giúp con người ta hướng thiện, truyền cảm hứng tốt đẹp  hơn là những hình phạt nhằm vào mục đích khiến cho học sinh sợ hãi, mặc cảm. Chọn phương pháp nào là để phù hợp, để tích cực với ý nghĩa, đó chính là chữ tâm của người thầy.

Trước những vụ việc vừa xảy ra của nghề giáo, điển hình như vụ trường THCS ở quận Tân Bình – TPHCM, phạt một học sinh nam vì hành động anti fan nhóm nhạc ở Hàn Quốc, buộc học sinh này đọc bản kiểm điểm trước sân trường.

Hình ảnh cậu học sinh đọc kiểm điểm rồi bị tung lên mạng, gây ảnh hưởng biết bao cha mẹ có con trong độ tuổi này đau lòng, hoang mang. Phải chăng, những hành xử ấy đều xuất phát từ tư duy, nhận thức  phần sai lầm của các thầy cô quản lý các em. Hoặc vụ việc, khi cô giáo bắt gặp một nhóm học sinh tạo nhóm, nói xấu thầy cô trên mạng xã hội, và nhà trường ra quyết định xử phạt, với nhiều hình thức khác nhau tại Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa – cho biết nhà trường vừa quyết định kỷ luật 8 học sinh nói xấu thầy cô giáo và nhà trường trên Facebook, trong đó có đuổi học 7 em.

Rất nhiều ý kiến trong cộng đồng xã hội không bằng lòng với cách xử lý này. Và tôi cho rằng, đó là đúng. Làm nghề giáo, chúng ta dạy dỗ các em ở độ tuổi chưa nhận thức được hết tất cả các hành vi của mình, thì chúng ta cần nên tạo cho các em cơ hội để sửa đổi, hơn là cho các em nỗi mặc cảm tự ti, như một vết thương ghi nhớ suốt đời. Trong những lý do đó, tôi xin nêu một câu chuyện được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội trong những ngày qua. Đó là câu chuyện:

Trong một tiệc cưới, ở miền quê nọ. Có một thanh niên nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình.

Anh ta bước đến chào người thầy với tất cả sự kính trọng:

– Thưa Thầy, có nhớ em không ạ?

Thầy giáo nói:

– Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào.

Người học trò nói: Em đã học lớp 3 của thầy hồi đó, em đã ăn cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc là thầy nhớ chuyện đó mà. Một bạn gái trong lớp có một chiếc đồng hồ rất đẹp, vì vậy em quyết tâm lấy trộm. Bạn ấy khóc và méc với thầy có người lấy cắp đồng hồ của bạn. Thầy bảo cả lớp đứng lên để cho thầy soát túi. Em nhận ra rằng hành động của mình trước sau sẽ bị phơi bày ra trước mặt tất cả các bạn. Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi.

Thầy đã bắt chúng em đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát từng chiếc túi, và khi lấy chiếc đồng hồ từ trong túi của em, thầy tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Xong xuôi, thầy kêu chúng em mở mắt ra và thầy ngồi xuống ghế. Giây phút đó em thật sự lo sợ là thầy sẽ bêu tên em ra trước các bạn.

Thầy gợi lên chiếc đồng hồ cho cả lớp thấy và đưa trả lại cho bạn gái ấy. Thầy đã không nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ. Thầy không nói với em một lời nào và cũng không bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Suốt những năm tiểu học, không một giáo viên hay học sinh nào nói với em về chuyện ăn cắp đồng hồ. Em nghĩ Thầy đã cứu vớt cho danh dự của em ngày đó. Thầy không nhớ em sao? Sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc là thầy phải nhớ câu chuyện em đã ăn cắp chiếc đồng hồ ấy và thầy không muốn làm em xấu hổ. Đó là một câu chuyện em không thể nào quên.

Người thầy đáp:

– Thú thật với em! Thầy không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp chiếc đồng hồ ngày đó, bởi vì khi thầy soát túi các em, thầy cũng nhắm mắt!

Thầy nghĩ rằng việc lấy chiếc đồng hồ đó là một hành động nhất thời bồng bột của các em, thầy không muốn hành vi đó lưu lại trong trí nhớ của các em như một vết nhơ mà muốn đó như là một bài học để rút kinh nghiệm. Cho nên tốt nhất thầy không nên biết người đó là ai, và cũng không nên nhắc lại việc đó vì  thầy tin rằng em nào đã lấy sẽ tự biết sửa đổi để trở thành người tốt hơn.

Giáo dục là làm cho con người biết hướng thiện, giáo dục không phải là sự trừng phạt!

 (St- Internet)

Qua câu truyện, chúng ta nhận ra chữ tâm người thầy quan trọng đến như thế nào, một cách xử lý của người thầy có tầm ảnh hưởng rất lớn.

Trước thềm kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20- 11, tất cả những người làm công tác giáo dục, phải chăng rất nên nhìn lại những hành động, cư xử của mình đối với các em học sinh. Dưới mọi góc độ, mọi tình huống, mà cần lắm phải dùng chữ tâm của người thầy, nhằm thấu cảm nghề nghiệp mình đang theo đuổi với các em học sinh nhiều hơn nữa.

Làm sao cân đo đong đếm được công sức của một người thầy, người cô. Chỉ có sự tự giác, yêu thương học trò thật sự, ý thức giá trị cao đẹp của nghề giáo mà người thầy phải rèn luyện bản thân – nâng cao kiến thức tâm lý giáo dục – tu dưỡng đạo đức cá nhân, thì mới có thể là tấm gương phản chiếu trong đời thường, là một trong những tiêu chí thiết thực nhất cho bài học giáo dục công dân, dạy làm người, giúp các em lớn lên – trưởng thành là những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Và các em học sinh, cùng các phụ huynh cũng rất nên biết tôn trọng thầy cô, để chữ tâm của nghề nghiệp trồng người được phát huy. Bởi nghề nghiệp này, cần rất nhiều tình thương yêu, lòng nhiệt huyết, đam mê, và cả sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục con người. Đừng để chữ tâm của người thầy ngày càng mai một, vơi đi.

H.X.Đ

(Hội Nhà Văn TP HCM)