Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng người tài làm tướng

1046

Chọn người tài đức tham gia việc nước nói chung, chọn người tài làm tướng nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tư duy chuẩn mực trong sử dụng cán bộ.


Lễ phong hàm Đại tướng đầu tiên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp (28.5.1948). Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa) và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (phải)

Đầu tiên là con mắt nhìn ra tướng tài. Khi gặp Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên năm 1940 tại Côn Minh (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã khen ông Giáp về dung mạo. Sau này nhiều người thắc mắc, thời kỳ đó có hàng chục học viên tốt nghiệp ở Trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) được đào tạo bài bản về quân sự nhưng lại không được chọn làm người chỉ huy quân sự. Vì sao lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn giao cho một nhà giáo dạy trường tư thục Thăng Long, thuộc hàng “bạch diện thư sinh”, đảm nhiệm việc thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân?

Chỉ có một người trả lời được câu hỏi đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh! Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không trả lời được thắc mắc này. Ông nói: “Không hiểu sao Bác lại chọn tôi. Trước đó, trong quá trình hoạt động, Bác dặn tôi: Khi đi vận động tuyên truyền, chú phải để ý thêm về quân sự”.

Ngày 20.1.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL, phong cấp hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ. Võ Nguyên Giáp trở thành vị đại tướng đầu tiên của quân đội.

Sau này, nhà nghiên cứu quân sự người Anh, ông Peter McDonald, đánh giá: “Võ Nguyên Giáp trong 30 năm liền vẫn là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và trong gần 50 năm, vẫn tham dự những hội nghị chính trị ở cấp cao nhất của đất nước. Đó là hai sự kiện vô song trong lịch sử. Chúng ta khó mà so sánh ông với các tướng lĩnh khác về sự điều hành ở tầm cao của cuộc chiến tranh du kích và ở những cuộc hành binh lớn”.

Với thiếu tướng Lê Thiết Hùng, từ trên Chiến khu Cao – Bắc – Lạng còn hoạt động bí mật, khi trao nhiệm vụ Nam tiến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dặn: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự, chú Hùng phải chú trọng thêm chính trị”. Đến khi Chính phủ tổ chức Đội Tiếp phòng quân và cử ông làm thiếu tướng chỉ huy (1946), Hồ Chủ tịch dặn tiếp: “Trước đây, trên chục năm chú sống trong quân đội Tưởng đầy chông gai, cạm bẫy, “chất thép” trong con người chú đã được tôi luyện già dặn. Nay, vào cuộc chiến đấu mới, đối mặt với thực dân xâm lược Pháp, phải thêm “chất hùng” của dân tộc ta nữa. Bác đã nghĩ kỹ, chọn cho chú cái tên mới: Lê Thiết Hùng”.

Sử dụng tướng tài vào vị trí phù hợp

Một phẩm chất quan trọng của những vị tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên đó là khí chất anh hùng hảo hán. Những danh tướng này có tài năng, song cũng không phải không có những khiếm khuyết của tính cách đời thường “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu ưu điểm và cả nhược điểm của họ để sử dụng từng vị tướng vào công việc phù hợp. Đại tướng Chu Huy Mân kể lại ông từng phải đứng lò cò một chân rất lâu khi vào làm việc với Bác. Đó một bài học nhớ đời về người làm tướng phải chú trọng cả quân sự và chính trị, chứ không thể thiên lệch một bên nào. Bí danh Hai Mạnh gắn với Đại tướng Chu Huy Mân từ đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên sử dụng tướng tài vào vị trí phù hợp. Năm 1946, từ nước Pháp trở về, Người đã đồng ý để 4 nhà khoa học về cùng. Đó là những chuyên gia về luyện kim, vũ khí và y khoa mà đất nước đang cần cho cuộc kháng chiến. Còn những triết gia hay thi nhân, Hồ Chủ tịch đề nghị họ cứ ở lại Pháp, chờ có cơ hội thích hợp thì về nước. Trước mắt, họ vẫn tích cực tham gia phong trào Việt kiều yêu nước để ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc ở quê nhà.

Một trong 4 nhà khoa học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước là kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Ông được phong thiếu tướng đợt đầu tiên năm 1948. Đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đang được biệt phái sang công tác nghiên cứu khoa học. Hồ Chủ tịch nhắc nhở những người đứng đầu Ban tổ chức Trung ương và Bộ Quốc phòng: “Tôi đem chú Nghĩa về để kháng chiến. Bây giờ cuộc kháng chiến vô cùng ác liệt, chưa biết diễn biến sẽ ra sao. Chú Nghĩa đang ở Hà Nội, tại sao không mời chú ấy tham gia công tác quốc phòng”.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ định ông Trần Đại Nghĩa làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Mấy tháng sau, có ý kiến của Ban tổ chức Trung ương cho rằng ông Trần Đại Nghĩa làm 3 nhiệm vụ một lúc thì nặng quá, cho nên chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước để cử người khác thay.

Biết chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đồng ý. “Chú Nghĩa hồi kháng chiến chống Pháp làm bao nhiêu nhiệm vụ mà cũng làm được (Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Thứ trưởng Bộ Công thương). Tại sao sau mấy chục năm, chú ấy lại không làm được 3 việc?”.

Đó là sự có trước có sau của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng người tài nói chung, tướng tài nói riêng vào công việc quốc gia đại sự.

Kiều Mai Sơn/Thanh Niên