Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: ‘Không có văn hóa, nhân loại sẽ thành kẻ mù loà’

466

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc có ý nghĩa xác lập lại một lần nữa vai trò của văn hóa và chuẩn bị chiến lược xây dựng văn hóa mới để phát triển đất nước.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (giữa) nhận giải thưởng Sách Quốc gia.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lớn lên ở làng Chùa (làng Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), nơi người dân viết lên tường ngôi đình cổ kính dòng chữ: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường.” Khi trưởng thành, ông đã hiểu ra rằng “chữ” ở đây là văn hóa. Không có văn hóa, nhân loại sẽ trở thành kẻ mù lòa, không biết đường đi tới những giá trị nhân văn cao cả nhất…

Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ với phóng viên những vấn đề ông quan tâm về sự kiện trọng đại này của đất nước.

Xác lập căn cước văn hóa của dân tộc

* Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về bối cảnh diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021?

– Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hội nghị diễn ra trong thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp bách, bởi chúng ta đang triển khai hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về xây dựng con người mới, văn hóa mới của Việt Nam.

Thời đại này, chúng ta đang phải đương đầu với quá nhiều thách thức đến từ dịch bệnh, môi trường, con người và nhiều vấn đề khác. Do đó, văn hóa càng phải được xem là nền tảng để phát triển xã hội như Bác Hồ đã nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi.”

Thế giới đã bước sang một chương mới vô cùng đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Con người đã sống trong một thế giới phẳng. Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã từng ngày xóa đi nhiều khoảng cách và ranh giới. Điều đó tạo cho con người sự hiểu biết sâu sắc hơn, mối quan hệ rộng lớn hơn và sự công bằng hơn cho xã hội loài người. Nhưng nó lại chứa ẩn một nguy cơ mà con người bắt đầu cảm thấy lo sợ. Đó là nguy cơ biên giới của các nền văn hóa sẽ bị xóa nhòa, nghĩa là bản sắc riêng của một nền văn hóa sẽ lụi tàn.

Mỗi một cá nhân con người và mỗi một dân tộc chỉ có ý nghĩa khi xác lập được căn cước văn hóa của mình. Chính vì vậy mà đối với mọi quốc gia, ở bất cứ hình thái xã hội nào, thể chế chính trị nào thì văn hóa phải là nền tảng hệ trọng nhất cho sự phát triển.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc cần đề cao giáo dục về văn hóa.

Các văn kiện của Đại hội Đảng đã đặt văn hóa lên một tầm cao mới, xác lập nó như một nền tảng cho việc bảo tồn giá trị dân tộc cũng như thúc đẩy sự phát triển.

Chúng ta cần phải đặt văn hóa vào một bầu không khí để con người hít thở từng giây từng phút. Hội nghị lần này có ý nghĩa xác lập lại một lần nữa vai trò của văn hóa và chuẩn bị chiến lược xây dựng văn hóa mới để phát triển đất nước.

* Trong số những vấn đề còn tồn tại của ngành văn hóa hiện nay như Luật Điện ảnh, quy tắc ứng xử của nghệ sỹ, khó khăn của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập…, ông cho rằng điều gì là cấp thiết cần được đưa ra bàn bạc, thảo luận, tháo gỡ tại hội nghị lần này?

– Tôi nhớ mãi kỷ niệm trong một buổi trò chuyện với các bậc phụ huynh. Họ đề nghị các chuyên gia văn hóa soạn ra một bộ cẩm nang gồm những cạm bẫy có thể xảy ra với lớp trẻ để từ đó thế hệ sau rút kinh nghiệm và vượt qua những cạm bẫy đó. Tôi nghĩ rằng mình có thể chỉ ra 1.000 cạm bẫy nhưng khi một bạn trẻ bước vào cuộc đời, bạn sẽ gặp ngay cái bẫy thứ 1.001 và gục ngã.

Chỉ khi chúng ta cài đặt vào tư tưởng của đứa trẻ một chương trình thiện lương, gieo trồng trong tâm hồn chúng hạt giống của cái đẹp, của nhân tính và khát vọng, thì lớp trẻ mới xác lập được đâu là thiện, đâu là ác. Đó là thế hệ có thể đi qua tất cả những thách thức, cạm bẫy trong cuộc đời.

Vậy nên tôi nghĩ hội nghị cần phải giải quyết hai vấn đề. Một là đề cao giáo dục về văn hóa. Ngành giáo dục lâu nay nghiêng về tri thức mà thiếu đi việc truyền bá, xây dựng cốt cách tâm hồn.

Hai là hoàn thiện thể chế luật pháp, chuẩn mực hóa hành vi ứng xử của con người ở tất cả các cấp bậc xã hội thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề ở các khía cạnh văn hóa. Chúng ta chưa đầu tư tương xứng cho các hoạt động văn hóa. Bên cạnh việc đầu tư cho phong trào mang tính thời điểm, thì cần tập trung cho những dự án mang tính căn cốt, bền vững, lâu dài.

“Thành trì” bảo vệ quốc gia

* Cá nhân ông là một tác giả lớn trong lĩnh vực văn chương và hội họa, ngoài ra ông còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tham gia phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ông có hiến kế gì để giải quyết những “mảng tối” của ngành?

– Văn học đang phản ánh hiện thực đời sống đầy khắc nghiệt và cũng tham gia tích cực vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng, nhưng văn học cần phải làm được việc lớn hơn là khắc họa vẻ đẹp cuộc sống, mở rộng giấc mơ, khát vọng của con người.

Tôi từng làm một cuộc khảo sát xem giữa Quan Vân Trường và Quang Trung thì các em học sinh thích ai hơn. Kết quả khiến tôi rất buồn là các em thích Quan Vân Trường hơn. Tôi nghĩ nguyên nhân không chỉ do giáo dục lịch sử mà văn học cũng phải chịu trách nhiệm. Các nhà văn đã thiếu sức mạnh để làm cho lịch sử của dân tộc trở nên gần gũi với con người Việt Nam.


Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã từng ngày xóa đi nhiều khoảng cách và ranh giới.

Văn học có vai trò quan trọng là xác lập giá trị đời sống. Các nhà quản lý chưa thấy hết sứ mệnh của văn chương và nhà văn cũng chưa thấy hết sứ mệnh của bản thân mình.

Trong bối cảnh giao thoa văn hóa như hiện nay, bản sắc văn hóa truyền thống phải trở nên rõ ràng, sâu sắc và phù hợp với đời sống thì mới có thể dựng lên một thành trì bền vững, bảo vệ những giá trị Việt trước một xu thế hòa nhập không thể cưỡng lại được của thế giới.

* Việt Nam là một đất nước có bề dày văn hóa, song Hội nghị Văn hóa toàn quốc nay mới được tổ chức lần thứ ba. Liệu chúng ta có đang kỳ vọng quá nhiều rằng sự kiện này sẽ giải quyết được các tồn tại bấy lâu?

– Hội nghị mang ý nghĩa khẳng định vị thế của văn hóa đối với sự sống còn của một quốc gia. Hội nghị chỉ là một “tiếng cồng” hiệu triệu, sau đó tất cả các thông điệp phải được cụ thể hóa bằng luật pháp, thể chế và hành động, thường xuyên như cơm ăn nước uống, như hơi thở trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi làng quê… Chỉ khi làm được điều đó thì văn hóa mới trở thành tinh thần thống lĩnh dẫn dắt hành vi con người.

Tất nhiên, tôi cũng mong mỏi rằng những hội nghị như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện những “vết nứt ở chân đê” trước khi cơn lũ ập tới.

Văn hóa truyền thống không phải là yếu tố bất động mà ngược lại, luôn chuyển động, tích lũy thêm những vẻ đẹp mới trong đời sống để trở nên phong phú hơn.

Theo Minh Thu/Vietnam+