Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nói gì về sách bị tố ‘đạo văn’?

614

Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Bùi Nhật Quang nói, Viện không có thẩm quyền giải quyết việc này.

Liên quan tới việc cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS. Vũ Thị Trang bị TS. Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tố vi phạm quyền tác giả, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lần đầu lên tiếng.


Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Bùi Nhật Quang.

“Viện Hàn lâm không phải quan tòa”

Trao đổi với Báo Giao thông qua điện thoại, ông Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chính thức lên tiếng về vụ việc. Theo ông Quang, đây là công việc của các đơn vị liên quan, cụ thể là hai Viện trực thuộc, Viện Hàn lâm không phán xử được.

“Qua báo chí, tôi được biết Hội Nhà văn đã tạm thu hồi giải thưởng dành cho cuốn sách này. Nhưng Viện Hàn lâm chỉ là đơn vị nghiên cứu khoa học, không phải tòa án, không có chức năng phán quyết những vụ việc này mà chỉ tư vấn cho các đơn vị liên quan. Đây là vấn đề tranh chấp bản quyền cá nhân, phải ra cơ quan có thẩm quyền phân xử theo pháp luật”, ông Quang chia sẻ.

Trong khi đó, là đơn vị xuất bản cuốn sách, ông Phạm Minh Phúc – Giám đốc NXB Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm KHXHVN) lại cho hay, Viện Hàn lâm đang thụ lý các việc có liên quan.

“Chúng tôi làm xuất bản, chỉ thực hiện các quy trình thủ tục có liên quan phần của nhà xuất bản. Những gì thuộc về trách nhiệm của chúng tôi, đơn vị sẽ làm như báo cáo, cung cấp hồ sơ có liên quan cho cơ quan chủ quản. Đây là sách nội bộ của Viện Hàn lâm, không phải sách liên kết bên ngoài”, ông Phúc khẳng định.

Viện Hàn lâm cũng cần phối hợp

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phan Law, Điều 200 Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc về các cơ quan như Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp. Do đó, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam không có thẩm quyền phán quyết đúng sai trong vụ việc này.

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm và chủ nhiệm đề tài Vũ Thị Trang cùng TS. Đỗ Hải Ninh đã có ký kết Hợp đồng thuê khoán chuyên môn số 05/HĐ-HVKHXH ngày 03/08/2017 nhằm thực hiện đề tài cấp Bộ “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 nhìn từ Phê bình phân tâm học”.


Theo Học viện KHXH, Viện Hàn lâm và chủ nhiệm đề tài Vũ Thị Trang cùng TS Đỗ Hải Ninh đã có ký kết Hợp đồng thuê khoán chuyên môn.

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào khác trong Hợp đồng thuê khoán chuyên môn, theo quy định, Viện Hàn lâm sẽ được xem là chủ sở hữu quyền tác giả với đề tài cấp Bộ này.

Cụ thể, Điều 39 Luật Sở hữu Trí tuệ quy định tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả được xem là chủ sở hữu quyền tác giả, sẽ có các quyền tài sản và nhân thân quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

“Vì nội dung đề tài này có xuất hiện trong cuốn sách, nên Viện Hàn lâm cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, đánh giá tính chất vụ việc, tham gia đối thoại giữa các bên để đảm bảo làm sáng tỏ vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả trong vụ việc này”, luật sư Tuấn phân tích.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả luôn có quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn là “Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng”.

Trên nguyên tắc khi xuất bản sách, phải ghi rõ và đầy đủ tên của các tác giả (nếu có), theo điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Xuất bản 2012 “Trên xuất bản phẩm dưới dạng sách phải ghi các thông tin: tên sách, tên tác giả hoặc người biên soạn, người chủ biên (nếu có)”.

“Nhưng hiện chưa có thông tin kết luận từ cơ quan có thẩm quyền về việc có hành vi xâm phạm quyền tác giả trong vụ việc này hay không, nên chưa thể đưa ra khẳng định cuối cùng. Chỉ có thể khẳng định về nguyên tắc, sử dụng tác phẩm của người khác để đưa vào tác phẩm của mình luôn phải để tên tác giả tác phẩm gốc, kể cả việc đó được phán quyết là “trích dẫn hợp lý” theo quy định tại Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ”, Giám đốc Phan Law nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Trang từng khẳng định cuốn sách “được in bằng một luận án tiến sĩ cộng với phần chị Trang viết trong đề tài cấp Bộ”.

Luật sư Tuấn cho rằng, nếu khẳng định trên là đúng thì cuốn sách và công trình cấp Bộ được xem là hai tác phẩm độc lập, trong đó bà Trang là tác giả duy nhất với cuốn sách.

Trường hợp này, việc bà Trang đứng tên riêng trên cuốn sách hay được nhận giải thưởng riêng là phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng đây chỉ là giả định, trong trường hợp tác phẩm của tác giả Trang không chứa đựng các nội dung được sáng tạo bởi người khác.

Nhà xuất bản có trách nhiệm ra sao?

Luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định trong trường hợp có hành vi xâm phạm quyền tác giả, NXB cũng có thể sẽ phải chịu một phần trách nhiệm với tác giả thật sự do đã xuất bản tác phẩm khi chưa có văn bản chấp thuận của tác giả, theo Điều 21 Luật Xuất bản 2012.

Tuy nhiên, NXB cũng có thể yêu cầu người đã cung cấp thông tin sai sự thật cho mình, dẫn đến sai sót trong công tác xuất bản, bồi thường thiệt hại cho các tổn thất. Mặt khác, dựa trên yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, NXB Khoa học Xã hội cũng sẽ có các trách nhiệm khác nhau với vụ việc này, theo điểm l khoản 1 Điều 18 Luật Xuất bản 2012.

Trước câu hỏi về việc thu hồi cuốn sách khi đang vướng lùm xùm, Giám đốc Phan Law nhận định, khi một cuốn sách được xuất bản và bán ra thị trường, có nghĩa đã phải trải qua nhiều giai đoạn với sự tham gia của nhiều bên như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành… Đồng nghĩa, có nhiều mối quan hệ pháp luật đã phát sinh và nhiều hợp đồng được ký kết.

“Ngoài ra, khi chưa có bất kỳ kết luận vi phạm nào thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vẫn được xem là những người ngay tình.

Do đó, nếu nhà xuất bản hay Viện Hàn lâm tự ý quyết định việc thu hồi sách trong trường hợp này, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của rất nhiều bên khác nhau, thậm chí có thể làm phát sinh nhiều tranh chấp khác”, anh nói.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Xuất bản 2012 thì “Xuất bản phẩm có vi phạm thì bị đình chỉ phát hành có thời hạn và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải sửa chữa mới được phát hành hoặc bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy”. Do đó về nguyên tắc, việc thu hồi phải dựa trên yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Hồ An/Báo Giao thông