Chùm thơ của Andrey Kostinsky (Ukraina)

531

Mai Văn Phấn dịch từ tiếng Nga

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Andrey Kostinsky (Ukraina) vừa gửi tôi chùm thơ viết bằng tiếng Nga từ thành phố Kharkov, nơi đang bị quân đội Nga bao vây. Ngược với dòng người di tản khỏi Ukraina lúc này, Andrey đã tình nguyện ở lại chiến đấu bảo vệ thành phố quê hương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc chùm thơ của Andrey Kostinsky để hình dung thêm đời sống tinh thần, ý chí quật cường của con người Ukraina.


Nhà thơ Andrey Kostinsky (Ukraina)

Andrey Kostinsky sinh năm 1969 tại Kharkov, Cộng hòa Nhân dân Ukraina. Ông là nhà thơ, biên tập viên tạp chí Lava (Kharkov). Tốt nghiệp Đại học Luật và Khoa Triết học thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Kharkov. Thơ Andrey Kostinsky được xuất bản trên tạp chí và các tuyển tập: “Артикуляция” (tạm dịch: “Khớp nối”). “Дети Ра” (tạm dịch: “Những đứa con của Thần Mặt trời”), “Топос” (tạm dịch: “Ước định”), “Березіль” (tên địa danh ở Kharkov), “Графит” (tạm dịch: “Than chì”), “Южное сияние” (tạm dịch: “Hào quang phương nam”), và trên website “Полутона” (tạm dịch: “Bán âm”). Ông là giả các cuốn sách Аритмия” (tạm dịch: “Sự loạn nhịp”, 2009), “Іоголь” (“Yogol” là tên riêng ở Ukraina, 2012), “Репетиция рассвета” (tạm dịch: “Cuộc diễn tập bình minh”, 2019), “Ll” (tạm dịch: “chân trái”, 2022)…

Oanh tạc Kharkov

Kharkov chìm trong khói lửa…
Những kẻ ném bom…
Những kẻ lặng im…
Sẽ bị trừng phạt…
Sớm thôi!

Chúng san phẳng chúng tôi với đất,
nhưng chúng tôi bình đẳng với bầu trời.
Loài bò kia không thể hiểu được đâu.

Những chú chó thời chiến

Những chú chó thời chiến không biết chiến tranh.
Đâu tiếng hú trăng – trăng chẳng bao giờ biết hú

Các thiên thần lượn lờ bằng xe ga trên trời,
nhìn đàn chó đáng thương thoát khỏi bom đạn.

Khi chủ nhân dắt chúng ra khỏi sân chơi,
mong giải cứu và đưa đến nơi yên tĩnh,
Chúng đâu biết, luôn tin con người là bạn.
Tiếng súng khắp nơi mang nỗi sợ vang rền.

Nhà cửa không còn – điều đó còn hơn sự khủng khiếp,
nơi hoang vắng không chiến tranh hoặc lúc chiến tranh.

Nữ y tá không bỏ rơi Kharkov

Cô ấy thường làm thơ không hay
Không được các nhà thơ nổi tiếng cảm nhận.
Nhưng cô đã ở lại quê hương Kharkov
làm y tá trên xe cứu thương
“Thành phố của tôi đang chảy máu. Sao tôi có thể rời xa?…”
Lời nói cô chính là im lặng, chỉ đôi mắt của cô đã viết.
Cô lớn lên trong phố, như một phần của hệ tuần hoàn.
Nơi nhiều nhà thơ nổi tiếng đã ra đi,
Từng người họ thầm cảm ơn Chúa
bởi đã ở cách xa chiến trường
giờ họ có thể đọc thơ cho nhau nghe,
thưởng thức cà phê, điện sáng ấm áp,
và kể chuyện từng trong hầm tránh bom.

Và có những người đã ở rất xa,
nhưng cuống nhau vẫn dính liền từng cơn đau đớn:
trong mỗi ngụm cà phê thay vì vị ngọt của đường –
là mảnh thủy tinh bị nghiền nát bởi tiếng nổ,
mỗi watt của chiếc bóng đèn nhỏ –
như bị sốc qua miếng bông gòn ướt trên cổ tay
trên chiếc ghế điện,
mỗi ca-lo nhiệt lượng –
như xé da của chiếc ghế sưởi và trao thân cho Chúa –
một trong những người nhận lời nguyện cầu:

“May chiếc áo choàng thắm đỏ, che bầu trời đạn bom,
và cô y tá làm thơ còn vụng,
sau thời gian làm nhiệm vụ trên xe cứu thương
đã đọc câu thơ hay nhất:
được chờ đợi từ lâu
IM LẶNG…”

Đối thoại của người mẹ với đứa con đang mang thai trong hầm trú ẩn

– Mẹ ơi, mẹ…
Nếu con không đạp mạnh?
Họ sẽ không nghe thấy chúng ta?
– Gì vậy, con yêu?
Con ở với mẹ dưới hầm sâu.
Chúng ta đang trong lòng đất.
– Mẹ ơi, chúng ta chết rồi sao?
Mẹ cũng thấy tối tăm, cũng giống con sao?
– Không. Ở đây có rất nhiều người.
Thậm chí có cả ánh sáng,
Mỏng manh –
Như có thể nhìn thấy mặt trời
Thông qua ánh trăng.
– Mẹ ơi…
con mơ thấy chiến tranh…
Con sợ…
Rằng đó không phải là giấc mơ sao?
– Chà, còn đây nữa!
Khi con được sinh ra
rồi con sẽ thấy
thế giới này tươi đẹp nhường nào
nơi mọi người mỉm cười với nhau
Và không chiến tranh, không có tiếng súng.
– Vậy tất cả chỉ là một giấc mơ à mẹ?
– Con hãy ngủ đi, đừng nói chuyện nữa.
Chỉ đạp chân… và đạp…

Chiến tranh với ngôi làng của tôi

Tám giờ tối.
Thật yên tĩnh, như trước bình minh.
Thậm chí có thể nghe thấy nhịp đập trái tim.
Những ngôi sao như đang nở trong làn nước tối,
và mặt trăng giống như nước đóng băng trong một cái xô.

Những chiếc xe tăng sau ngôi làng chúng tôi.
Và trong làng, bảy ngôi nhà đã bị phá hủy.
Nhà hàng xóm Sanka của tôi
có ông nội từ Thế chiến thứ hai
đã nói một câu “bitte[ Tiếng Đức – Xin làm ơn!]” bằng tiếng Đức.

Và khi cháu trai của tôi hỏi tôi:
“Ông hãy nói điều gì bằng ngôn ngữ kẻ thù!”
Tôi trả lời:
“Các ngôn ngữ của chúng ta bắt nguồn từ một ngôn ngữ…
Vì vậy, họ cũng giống như…
Ông chỉ có thể cau mày, cũng giống như họ…”

Dấu ba chấm

ba cửa sổ màu đen:
bên phải là cửa sổ con trai,
ở giữa là cửa sổ con gái,
bên trái là cửa sổ nhà bếp dành cho chú mèo.

trong số ấy, Nhiu-sha đã không sống sót –
con mèo duy nhất dành cho tất cả chúng ta
nó chết đêm đó
những muội than đen
trên bức tường bên ngoài
và dường như,
trải rộng trước mắt
như linh hồn của chú mèo
Tất cả không tin vào cái chết như vậy,
khi nó cố gắng thoát ra
khỏi địa ngục này.

bom bi
để lại một cái phễu trong sân
ở nơi đó
bọn trẻ được dắt
tới sân chơi,
từ các cửa hàng có tiếng cằn nhằn:
“Phải mặc ấm hơn cho bọn trẻ.
Kẻo bị cảm lạnh vì gió”.

bây giờ gió lạnh đầu xuân
hát một bài hát ru
cho ngôi nhà đã chết,
nơi tất cả các album ảnh
và mọi thế hệ đã bị đốt cháy.

sau này các con tôi có cháu chắt
yêu cầu chỉ cho chúng
ảnh của ông tôi
đã chiến thắng bọn Phát-xít năm 1945,
thì chúng sẽ nghe thấy:
không có bức ảnh của cụ tổ,
các bức ảnh đã bị Đức quốc xã thiêu rụi.

Tiếng gáo thét

Tôi dán tâm hồn lên cây thập giá
không phải từ đạn bom
dội lên những bức tường
Thử nghiệm độ bền,
Để tâm hồn đến cùng không bị xé nát
Những điều không thể hiểu được
và những thứ không thể chạm vào
sẽ không thể bị đóng sầm lại
trong hộp Pandora

… cứu rỗi tâm hồn khỏi những tiếng thét gào
Những tiếng thét gào trước đó

mỗi con đường – một nửa cây thập giá.

Cho những người chạy nạn và những người ở lại thành phố bị bao vây

Tôi rất vui vì tất cả những người đã thoát –
con gái, con trai, mẹ, cha, em gái,
bạn học, hàng xóm, học sinh, sinh viên.

Chúa cứu rỗi từng người trong số họ
đã thêm tâm hồn vào tâm hồn của họ,
nhưng ở nơi đó, Chúa đã lấy bớt đi
để dành cho những người ở lại.

Và như vậy với mỗi người ở lại
Tâm hồn của họ đã được nhân lên
tâm hồn của những người đã khuất
đầu tiên là một
Sau đó là hai,
sau đó là ba
sau đó…
Tất cả những người ở lại
bây giờ đã dường như bất tử.

Và những người bây giờ
đã ra đi mãi mãi
đến nơi mà Chúa đã sinh ra
để nhân đôi tâm hồn rất chi hào phóng,
đã xây dựng một Kharkov mới trên trời
đại lộ tia sáng giữa những đám mây,
Rửa sạch mặt trời
để có ánh sáng bình minh vĩnh cửu,
trên thiên đường Sumskaya[ Sumskaya – phố trung tâm của Kharkov.
]
đốt cháy bầu trời đầy sao
và tại Đại học Karazin mới[ Karazin là trường đại học lâu đời nhất trong khu vực.
]
đã mở thêm một Khoa
Sự xá tội của Cain [Theo Kinh Thánh, Ca-in là một trong hai anh em, con trai của A-đam, người đàn ông đầu tiên. Cain đã giết Abel, anh trai của mình vì ghen tị].