Chùm thơ của nhà thơ Tào Thùy (Trung Quốc)

411

Nguyễn Bá Giáp dịch từ tiếng Anh

(Vanchuongphuonnam.vn) – Tào Thùy (曹 谁 – Cao Shui, còn gọi Shawn Cao), sinh ngày 5/6/1982. Ông là nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà biên kịch và dịch giả Trung Quốc. Là một trong những nhân vật tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc. 


Chân dung nhà thơ Tào Thùy.

Hoàng tử báo tuyết

Đuôi dài cuộn trên đầu,

Hoa văn vàng và trắng

Tựa đỉnh tuyết trắng phau.

Móng vuốt sắc nhọn lấp lánh ánh sao,

tiếng gầm tựa cơn lốc trong gió lướt.

Tôi chợt nghĩ về những tháng năm nào,

Từng nằm trong đôi mắt xanh của nó:

Tựa ánh đèn chiếu sáng không gian và thời gian.

Là vua các loài thú, hãy nhìn vào vương quốc mình:

Bò tây hoang dã là vị tướng dũng cảm, trung thành,

linh dương Tây Tạng biết nhìn miên viễn,

lừa hoang Tây Tạng là ẩn sĩ thánh thiện,

hươu môi trắng là hiện thân của các nhà sư

có thể nhìn xuyên qua tầng tầng bụi đỏ.

sói có khả năng tổ chức những đội quân,

cú là kẻ giết người ban đêm không ngại ngần,

hạc cổ đen cũng là người tình chung thủy.

Gấu nâu là bậc thầy về khả năng ngụy trang,

chim ưng bay cao kiểm soát bầu trời,

gà tuyết là loài gia cầm của Chúa.

Tôi từng băng qua hẻm núi sông Dương Tử,

bốn mắt chúng tôi từng chăm chú nhìn nhau.

Sau này, tôi vẫn nhớ lúc hồi hộp gặp gỡ.

Tại sao nước mắt tôi cứ mãi chảy tràn?

Vì tôi là tù nhân của thời gian và không gian

và bạn là vua của vương quốc tự do mãi mãi.

Xứ tuyết

Tuyết phủ dầy chắn ngang đường đèo.

Chúng tôi cưỡi ngựa giữa Trời và Đất.

Tiếng cười trên lưng ngựa bay trong gió lốc.

Đôi môi của bạn đỏ tựa hoa hồng,

Tóc tôi hung đen như khói.

Ta gặp nhau ở hai bờ sông,

Đang nhìn qua hai thế giới.

Nhìn vào bên trong và bên ngoài lâu đài,

Ta đang nhìn qua hai thế giới.

Bất chợt thấy chóng mặt,

Trải nghiệm yêu ghét trong nháy mắt,

Tận hưởng vui buồn trong nháy mắt.

Hai ta đồng thời mở rộng bàn tay,

Băng tuyết có trái tim đang đập.

Đó là cách chúng ta cùng nhau

Và dành một ngày ở Xứ Tuyết.

Từ bình minh đến hoàng hôn.

Nó sẽ kết thúc khi ta thức dậy,

Và hôm nay sẽ là cả cuộc đời.

Nàng tiên cá

Tôi đi bộ mang theo con cá bị thương.

Chiếc nồi này chỉ vừa một con cá.

Làm thế nào mà con cá bị thương?

Câu trả lời ra sao tôi cũng muốn biết.

Chỉ có cuộc thăm dò mới tiết lộ sự thật.

Những dãy núi, những vùng nước tôi qua,

Du hành qua nhiều thế kỷ, hàng thiên niên kỷ.

Những con sông lớn cắt ngang thung lũng sâu.

Một đêm tôi rơi vào vùng nước lũ.

Con cá nhảy ra khỏi chiếc lọ.

Tôi chỉ có thể nhìn lâu khi cô ấy rời đi.

Mọi người nói rằng tôi luôn niềm nở.

Con cá bây giờ đã thành nàng tiên cá

Ở bên cô vô số những nàng hầu.

Một vầng trăng tàn ngự trên đầu.

Bay lên mặt trăng một nàng tiên cá.

Và rơi xuống từng giọt sương thơm.

Tôi đưa tay nhẹ nhàng đón lấy

và đột nhiên hiểu rằng cuộc sống đã qua,

cuộc sống mới rồi thế nào cũng đến.

Người bảo vệ cổng Thiên An Môn

Vô số người mỉm cười với bạn,

Vô số người đang chụp ảnh bạn.

Bạn đối mặt với yếu nhân mỗi ngày,

Họ đều mừng vui quanh bạn xum vầy,

Nhưng chẳng bao giờ thấy bạn.

 

Cả cuộc đời bạn được an bài

Trước cổng Thiên An Môn,

Bạn mang khuôn mặt vô cảm.

Cái nhìn lạnh lùng hoặc ấm áp

Bên đài tưởng niệm các anh hùng

Dưới chân dung của Mao chủ tịch.

 

Người bảo vệ cổng Thiên An Môn

Có khi nào bạn nhìn ra thế giới:

biết bao đàn ông đi lại rộn ràng,

hướng tới niềm vui hay nỗi buồn;

biết bao phụ nữ cũng luôn tất bật,

họ đi theo yêu thương hay hờn giận;

vô số người quan trọng vội vàng,

đức hạnh, khờ dại, trung thủy, phũ phàng.

Tất cả như đang trên một sân khấu lớn

của chính quảng trường Thiên An Môn.

Người gác cổng Thiên An Môn, đang nghĩ:

“Tôi lặng lẽ quan sát cả thế giới này

trong gió thổi và dưới những đám mây.”

Thiên nga trắng hai đầu

Chú thiên nga trắng hai đầu

Ban đêm đến từ hai ngả.

 

Nó dừng lại trên đầu tôi giữa Âu và Á.

Hoàng hôn phía Tây, bình minh phía Đông.

Nó nói: “Châu Á bên trái, châu Âu bên phải.”

Chúng tôi thịnh vượng giữa hai dòng sông.

 

Thiên nga trắng hai đầu đêm đen tầm nã.

Tôi nhắm mắt cho nó bay vào trong cơ thể.

Từ hôm ấy nó luôn bay từ hai ngả vào tôi.

Tôi ngỡ mẹ mình như cô gái mười hai tuổi

Mẹ đến Bắc Kinh để gặp cháu trai Cao Eurofrasia,

Tôi đưa mẹ đi thăm Tiền Môn và Thiên An Môn,

Đến những ngôi chùa ven hồ, vãn cảnh.

Mẹ đi bên tôi và luôn im lặng.

Khi ghé qua cửa hàng áo quần,

Mẹ tôi luôn giữ cái nhìn ý tứ.

Cũng giống như tất cả phụ nữ:

Mẹ cũng thích mặc đẹp và sang.

Nhưng tôi như không hề biết.

Tôi như thể đã nhìn thấy mẹ

Trông giống cô bé mới tuổi mười hai.

Chạy lên đỉnh đồi đón mùa xuân mới

Và vui mừng trong chiếc váy mới mua.

Từ khi bà nội tôi ra đi năm đó;

Mẹ chẳng dám mơ áo quần mới nữa.

Mẹ đã nuôi dưỡng người chú nhỏ của tôi,

Và nuôi dậy Cao Xi và Cao Shui,

Cho ăn học, dành tiền mua quần áo.

Cao Xi đã trở thành bác sĩ

Tại Học viện Khoa học quốc gia;

Cao Shui cũng lấy bằng thạc sĩ

Tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Cuối cùng thì mẹ cũng thấy nhẹ tênh.

Mẹ đang chọn cho mình chiếc váy

Tôi bật khóc, nước mắt tôi tuôn chảy

Tôi ngỡ mẹ mình như cô bé mười hai.

Giấc mơ giữa vực sâu của đền Mây Xanh

Thả mình vào vòng tay của Đồi Thơm trong mây,

Đền Mây Xanh ẩn trong sương khói

Và chúng tôi như ẩn mật sâu hơn.

Đi vào bên trong qua cánh cổng núi,

Những khoảng sân mở ra tiếp nối.

Tương lai bên trái, quá khứ bên phải.

Chúng tôi băng qua hành lang thời gian.

Dòng thời gian biền biệt vô vàn,

Hướng đến trung tâm ngôi chùa Năm Hướng.

Chúng tôi như ngồi trên những đám mây

Nghe chuông leng keng thanh tịnh dâng đầy

Và thành kính tụng kinh trong vô định.

Chúng tôi đi sâu vào bên trong Mandala,

Rồi ngủ lại qua đêm ở ngay gian giữa.

Đường chân trời nhìn thế giới ta bà.

Giấc mơ nối tương lai với quá khứ

Khi thức dậy chúng tôi thấy mọi thứ.

Một giấc mơ hơn trăm ngàn sự sống

Mọi người đến từ mọi hướng

Tựa dòng sông chảy về đất cao,

Tựa linh hồn bay tới các vì sao.

Từ Trung Quốc, Ba Tư, Ấn Độ,

Hy Lạp, Ai Cập, Judea,

Jerusalem và Varanasi.

Chúng tôi cũng bình tĩnh đi đến.

Từ Dunhuang đến Babylon và Samarkand.

Chúng tôi đã đến đỉnh tròn của mái vòm.

Những cột đá tận trời xanh sừng sững.

Chúng tôi đi vào qua sáu cánh cửa,

Chúng tôi đi xuống từ phía mái vòm.

Người Trung Quốc nói về Hoàng đế bằng tiếng Trung;

Người Hy Lạp nói về thần Zeus bằng tiếng Hy Lạp;

Người Ấn độ nói về thần Indra bằng tiếng Hin-đi;

Người Do Thái nói về Đức Giê-hô-va bằng tiếng Do Thái;

Người Ai Cập nói về Thần Ra, Thần Mặt trời, bằng tiếng Ai Cập;

Người Ba Tư nói về Marduk bằng tiếng Ba Tư.

Họ khẳng định và không ngừng tranh cãi.

Chúng tôi không thể hiểu ngôn ngữ của nhau,

Nhưng chúng tôi biết điều gì họ nói.

Chúng tôi đọc những dòng chữ trên Tháp Babel:

Chống lại mọi người từ khắp nơi trên trái đất.

Tất cả mọi người bị sốc

Dưới mặt trăng và mặt trời.

Người Sumer đón nhận người Akkadia;

Bộ tộc của Huangdi khiêu vũ với bộ tộc Yandi ;

Người Crete chơi với người Mycenaeans;

Người Dravidian hát với người Aryan;

Người Etruscans nâng ly chúc mừng người Latinh.

Mọi người đã đến và bắt tay chúng tôi.

Thiên sứ trưởng Metatron tiến tới và hát:

“Lời nói của bạn hay hơn trăm ngàn cuốn sách;

Một bài thơ của bạn hay hơn trăm ngàn ngôn từ;

Một giấc mơ của bạn tốt hơn trăm ngàn sự sống.

Tôi là Mithras, tôi là Maitreya,

Tôi là Thiên sứ trưởng Metatron.”

Chúng tôi đã nhìn thấy từ mái vòm.

Các cột trụ xung quanh có hình quả trám;

Mái vòm dịu mềm của chúng tôi là âm đạo.

Thiên sứ trưởng đã vẽ khối lập phương của Metatron:

Bí mật của tất cả là trong lòng họ.

Mọi người đang chạy trên những con ngựa hai đầu

Để kể cho nhau nghe về bản thân họ.

Từ Babylon,

Từ Trường An đến Lạc Dương,

Bắc Kinh, Nam Kinh, Kyoto,

Rome, Byzantium, Moscow, Vienna, Berlin,

New York, Los Angeles,

Machu Picchu và Tenochtitlan.

Cuộc họp của chúng tôi tốt hơn trăm ngàn cuộc họp.

Mọi thứ bắt đầu từ đây,

Và mọi thứ sẽ kết thúc tại đây.

Cuối cùng sẽ gặp lại con cháu xum vầy

Sống rải rác khắp nơi trên thế giới.

(Fiori Picco dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh. Chọn từ “Flowers of Empire” (tạm dịch: Những bông hoa của đế vương), Fiori D’Asia Editrice)

Tiểu sử của Tào Thùy:

Tào Thùy dẫn đầu phong trào “Thơ ca siêu việt”. Trong “Tuyên ngôn Thơ ca siêu việt”, ông hướng tới việc tích hợp các nền văn hóa linh thiêng và thế tục, văn hóa phương Đông và phương Tây, văn hóa cổ đại và hiện đại trong văn học Trung Quốc. Năm 2008, ông nghỉ việc tại một tờ báo và đi du lịch vòng quanh Tây Tạng và Tân Cương, đây là trung tâm của Âu-Á hay của thế giới, theo quan điểm của ông. Bộ ba tiểu thuyết Secret of Heaven (tạm dịch: Bí mật của Thiên đường) của ông tổng quát lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Các tác phẩm đáng chú ý nhất của ông bao gồm Epic of Eurasia (tạm dịch: Trường ca Âu-Á), bộ ba tiểu thuyết đã được đề cập và King Peacock ((tạm dịch: Vua của loài công – phim truyền hình). Trong các tác phẩm của mình, ông tích hợp những tinh hoa của nhiều nền văn minh cổ đại của loài người, từ Babylon phía tây đến Judea, Ai Cập, Hy Lạp phía đông, đến Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc; đồng thời sử dụng các yếu tố này để tái tạo một quê hương mới của con người, được gọi Utopian, vốn luôn được mô tả như Âu Á, Đỉnh Tháp Babel hay Núi Côn Lôn (Núi Trời). Cho đến nay, Tào Thùy đã xuất bản hai mươi cuốn sách, bao gồm năm tập thơ, ba tuyển tập tiểu luận, mười tiểu thuyết, ba bản dịch và một trăm tập phim truyền hình và phim nhựa.

Ông đã đoạt hơn 50 giải thưởng văn học thế giới, trong đó, giải thưởng Nhà thơ trẻ Trung Quốc lần thứ nhất, giải thưởng kịch Tào Ngu (Cao Yu) lần thứ 4, giải thưởng Apollo Dionysus của Học viện Nghệ thuật và Thơ đương đại Ý lần thứ 8, giải thưởng Hiệp sĩ Vàng nước Nga lần thứ 12 và Mười nhân vật công chúng hàng đầu của Gala Lễ hội thơ mùa xuân Trung Quốc lần thứ 5 v.v… Các tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Ba Lan, Nga, Hungary, Croatia, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Nhật, Hàn, Hin-đi, Nepal, Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ v.v… Ông đã được mời tham gia Liên hoan thơ quốc tế Medellin lần thứ 30, Liên hoan thơ quốc tế Havana lần thứ 26, Liên hoan thơ quốc tế Kritya lần thứ 14 ở Ấn Độ và Lễ hội thơ ca quốc tế Thanh Hải lần thứ 4. Ông là thành viên của Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, Hiệp hội Điện ảnh Trung Quốc và Hiệp hội Thơ Trung Quốc. Tổng biên tập tạp chí “Thơ ca diệu kỳ”, phó tổng biên tập tạp chí “Thế giới thơ”, tổng thư ký Liên hoan thơ quốc tế Bác Ngao (thuộc tỉnh Hải Nam, TQ), và phó chủ tịch Liên hoan thơ quốc tế “Con đường tơ lụa”. Hiện tại ông sống ở Bắc Kinh, và hoạt động với tư cách là một nhà văn, nhà biên kịch chuyên nghiệp.