Nhà thơ Phạm Công Trứ
Tết này anh có về không
Đầy trời đang rắc bụi mưa
Đồng trên, đồng dưới cũng vừa cấy xong
Nhà nhà đã rửa lá dong
Đã quét tường mới, đã trồng cây nêu
Chợ phiên đã bán giâý điều
Đêm đêm đã động trống chèo làng trong…
*
Việc nhà đã tạm thong dong
Làng trên xóm dưới đang mong người về
Tết này anh chậm thăm quê
Mẹ thường vẫn hỏi:” tàu xe thế nào?”
Cha già đã cắt cành đào
Hoa nhìn em cứ nao nao cả lòng
Tết này anh có về không?
Tản mạn phút giao thừa
Trời cho thế nào thì cứ thế mà hót
Đừng có băn khoăn chỉnh giọng làm gì
Chú chiền chiện giữa đồng xanh lên thánh thót
Chẳng ganh gì hoàng yến, với hoạ mi
Trời cho thế nào thì cứ thế mà nở
Hồng, cúc, lay-dơn… đua sắc thắm trong vườn
Bập bềnh trên sông nhánh lục bình hé mở
Vệt cỏ may vệ đường không sắc cũng không hương
Giữa cao giọng đại dương cầm, vĩ cầm, clarinét
Xin được thủ thỉ canh khuya sáo trúc với đàn bầu
Đây áo chẽn, quần bò tuyệt vời thời mô-đéc
Nhưng nón trắng, áo dài có thiếu được đâu
Giữa muôn sắc, muôn hình, đa ngữ điệu
Em cứ “thanh-kưu” với lại “méc-xì”
Nhưng về làng nhớ thắp hương nơi Tiên tổ
Hết tết rồi: Lạy mẹ! Con đi…
2002 – 2003
Mùa xuân nói gì
Mùa xuân nói gì trong vườn chuối
Mà nghe lá lật gió thâu đêm?
Mùa xuân nói gì trên cành bưởi
Sáng ra hương đẫm cánh ong mềm?
Mùa xuân nói gì trên má em
Mà thẹn thùng như buổi đầu tiên?
Mắt em trong suốt thời con gái
Trời ơi, con mắt của tháng giêng!
3 – 1983
Tháng giêng
Đầu làng đang giục trống chèo
Cuối làng đang vút lên nhiều dây đu
Trai làng cờ đám, cờ vua
Già làng sửa lễ lên chùa dâng hương
Mưa xuân chẳng để ướt đường
Gió xuân vừa đủ đưa hương tóc dài
Tơ trời dăng mắc mắt nai
Đường thôn xanh đẫm một loài cỏ non…
*
Tháng giêng như gái một con
Nửa như viên mãn, nửa còn khát khao.
Hội
Mùa xuân thì trẩy hội xuân
Người ta trẩy hội nhân quần… người ta
Hội xuân là hội của hoa
Hội người hội của lụa là, phấn son
Hội xuân một tháng thì tròn
Hội người một tháng vẫn còn… người ơi!
Hội xuân hai tháng gầy vơi
Hội người hai tháng ve vôi lại hồng
Hội xuân ba tháng về không
Hội người ba tháng về “trồng cây si”
Hẹn nhau xanh cỏ bờ đê
Đỏ hoa bờ dậu, lại về hội xuân.
PCT