Chúng ta đã học gì từ người Thái?

673

10.10.2017-11:10

Chuyện buôn bán giữa nước ta với người láng giềng Thái Lan không ngừng phát triển suốt mấy chục năm qua.

 

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 541 triệu đô la Mỹ năm 1995 lên 12,54 tỉ đô la Mỹ năm 2016. Nhưng xét về cán cân thương mại, chúng ta luôn bị nhập siêu và nhập siêu ngày càng lớn, từ 3,35 tỉ đô la Mỹ năm 2009 tăng lên 5,16 tỉ đô la Mỹ năm ngoái. Trong kim ngạch song phương tám tháng đầu năm nay lên đến 9,64 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam chỉ bán được sang Thái 3,07 tỉ đô la Mỹ, nhập siêu 3,5 tỉ đô la Mỹ.

 

Vì sao chúng ta phải nhập siêu từ Thái Lan? Một nguyên nhân thường được nhắc đến là thói quen chuộng hàng Thái của người Việt. Điều này có lẽ không sai, nhưng vì sao nhiều người Việt lại mê hàng Thái? Nhớ lại sau thời gian dài Việt Nam bị cấm vận, sản phẩm Thái nhập qua ngõ Campuchia lập tức chinh phục người Việt vì chất lượng vượt trội so với hàng nội. Lúc ấy, sự chênh lệch này là dễ hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, hai thập kỷ đã trôi qua từ lúc Việt Nam mở cửa kinh tế hội nhập với thế giới, thử hỏi khoảng cách chất lượng giữa hàng Việt và hàng Thái đã rút ngắn được bao nhiêu, ở lĩnh vực nào?

 

Trong tám tháng đầu năm nay, rau quả với kim ngạch nhập khẩu lên đến 618 triệu đô la Mỹ, đứng thứ hai trong các mặt hàng khiến Việt Nam phải nhập siêu từ Thái Lan, chỉ sau sản phẩm điện gia dụng và linh kiện. Rau quả Thái bán được trên thị trường Việt Nam – vốn mạnh về sản xuất rau quả – có thể xem như lời bảo chứng cho chất lượng hàng hóa Thái.

 

Một lý do khác thường được cho là nguyên nhân thành công của hàng Thái trên đất Việt, đó là hoạt động xúc tiến thương mại rầm rộ của họ. Có người bảo Việt Nam cũng xúc tiến thương mại nhưng kinh phí thì hạn hẹp hơn nhiều. Lời biện hộ này có thể đúng nhưng không đủ. Bài học của người Thái – từ xúc tiến thương mại đến du lịch – không phải chỉ là nhiều tiền, mà còn là hiệu quả cao. Họ biết rót tiền đúng chỗ. Muốn xác quyết điều này, cứ hỏi các doanh nhân Việt đã từng thấy cách làm của người Thái. Ngược lại, câu chuyện xúc tiến của chúng ta thường buồn nhiều hơn vui.

 

Năm ngoái, báo chí Việt Nam dẫn tin từ hãng Bloomberg về việc Chính phủ Thái tài trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu – bước kế tiếp của nỗ lực mà theo bài báo bắt đầu cách đây 10 năm. Tuần trước, tại hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh việc chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa, thành tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó ông yêu cầu “dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ” (tiện thể nói thêm, người Thái chỉ làm một vụ).

 

Tuy nhiên, để làm được điều này, Chính phủ phải thực sự chuyển được tư duy quản lý từ trên xuống dưới trong cả bộ máy. Có lẽ đây cũng là điều chúng ta chưa làm được như người Thái.

 

Tại SEA Games 29, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam thua Thái Lan ba bàn không gỡ và huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng đã từ chức ngay sau thất bại. Nhưng quan chức nào ở ta làm được như ông Thắng? Trong khi đó, đáng buồn là trước ngày SEA Games 29 khai mạc, danh sách dự kiến đoàn thể thao Việt Nam có đến 10 vị phó đoàn, trong khi quy định của nước chủ nhà chỉ có hai. Nếu cứ mãi tư duy và hành xử như thế, khi nào chúng ta mới bằng được người Thái?

 

TBKTSG

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…