(Vanchuongphuongnam.vn) – Câu chuyện của Đăng và An không chỉ là câu chuyện của hai con người yêu nhau, mà còn là câu chuyện về tình người, về sự chân thành và tình cảm nồng ấm của người dân xứ Huế.
Ảnh minh họa
Làng Vỹ Dạ, một làng nhỏ bên dòng sông Hương nổi tiếng với những rặng cây xanh rì, khu vườn với đầy ắp hoa thơm cỏ lạ, những mái nhà đơn sơ mộc mạc với bầu không khí hiền hòa, tia nắng vàng vọt ôm trọn bờ tường đá. Từng con ngõ nhỏ quanh co và nụ cười dịu dàng của con người nơi đây, là nơi khởi nguồn của bao câu chuyện tình cảm nồng ấm, chan chứa tình người.
Nép mình yên bình bên dòng Hương Giang êm đềm, bầu không khí nơi thôn Vỹ Dạ luôn trong trẻo, mát lành. Vẻ đẹp bình dị của chốn làng quê cũng chính là nét đẹp của một phần con người Huế nơi đây. An – một cô gái Huế xinh xắn, thùy mị, dáng cao cao, thanh thoát, đôi môi mềm mại, yểu điệu. Đôi mắt trong như làn nước sông Hương, nhưng cũng ẩn sâu sự nhân hậu, đôi khi lại có chút “cá tính ngầm”.
Từ nhỏ, mỗi ngày đều được nghe tiếng chim hót líu lo trên ngọn cây và ngắm ánh mặt trời dịu dàng buổi sớm. An đã thấm cái sự mộc mạc và dịu dàng của mảnh đất thôn Vỹ. Gia đình cô không thuộc diện giàu có, nhưng đầy ắp tình thương yêu. Cha làm nghề buôn bán nhỏ, chất phác, mẹ là một giáo viên một trường tiểu học, dù bận bịu ở cơ quan bao nhiều thì cũng dành tất thảy thời gian rãnh rỗi còn lại để vun vén cho gia đình, cùng với người anh trai hết mực yêu chiều, bảo bọc em gái. Sống trong gia đình và mảnh đất hiền hòa, An cũng trở thành một cô gái đơn giản, chân thành và biết trân trọng những gì mình có.
Năm tháng qua đi, cô thiếu nữ thôn Vỹ bước chân vào giảng đường Đại học, nữ sinh ngành báo chí ngày nào trở thành một phóng viên xuất sắc của một tờ báo điện tử X… Cũng như bao người, ngoài công việc, nhiệm vụ, ai cũng có nhu cầu tình cảm riêng tư để cùng tìm bến bờ hạnh phúc. Có lẽ, với vẻ đẹp dịu dàng xen lẫn “cá tính ngầm” của mình, nên “người đến kẻ đi” với cô cũng là chuyện thường tình, thậm chí An đã từng đến đoạn kết viên mãn của một cuộc tình mà bao người hằng mong ước: Kết hôn!
Thế nhưng… niềm vui chẳng tày gang, mỗi người một nơi, đoạn kết buồn ấy thoảng qua không khác gì cơn gió thổi qua với An. Đây là điều mà Đăng đã biết trước khi hai người quen nhau và anh sợ rằng sự tổn thương trong tâm hồn của người con gái nét thùy mị kia sẽ khó chữa lành. Sợ rằng, kể từ đó cô sẽ đóng kín tình yêu trong “hộp gỗ”, và dẫu “dây đàn” có rung lên thì cũng khó thành tiếng, mà có thành tiếng thì cũng không còn thanh âm trong trẻo, những thổn thức như bản ngã ban đầu vốn có của nó nữa.
Cho đến một ngày An gặp Đăng trong một sự kiện chính thức, trước đó hai người đã kết nối với nhau một thời gian vì lý do công việc và anh đã tìm hiểu về cô. Đăng – một chàng trai dáng dấp hao hao, ăn mặc lịch thiệp, làm việc tại một thành phố biển ở Miền Trung trong một sự kiện gặp mặt truyền thống ngành báo chí do cơ quan Đăng tổ chức. Đăng trong vai trò là một người làm công tác truyền thông, nghiệp viết lách thì thuộc dạng không chuyên vì anh chỉ làm công tác viên cho một số báo, như Đăng thừa nhận: Tôi làm nghề “viết báo dạo”! Sự kiện này là dịp chính thức hai người gặp nhau, kết giao sau những ly rượu nhấp môi, ánh nhìn tình tứ. Ấy thế là, một chương mới trong tình yêu của hai người bỗng mở ra khi nào mà cả hai đều không hay, giống như kiểu “thiên duyên tiền định” vậy.
Đăng ấn tượng và yêu An bởi sự dung dị và chân thành. Khác hẳn với những người con gái mà anh từng gặp, An không quan tâm đến vẻ hào nhoáng hay vật chất tầm thường. Thứ mà cô quan tâm là niềm vui, là thứ tình cảm chân thành mà con người dành cho nhau. Vì thế mà An luôn giúp đỡ mọi người xung quanh, từ các cụ già cho đến những đứa trẻ nghịch ngợm trong xóm, hay những người có hoàn cảnh kém may mắn mà cô bắt gặp ngoài đường, ngoài xã hội. Chính sự tử tế và nồng hậu của cô đã khiến Đăng bị cuốn hút. Từ việc dõi theo cô qua những dòng trạng thái zalo, facebook, cho đến những buổi hò hẹn, anh cảm thấy, bên cạnh An, cuộc sống như nhẹ nhàng hơn, bớt đi bao nhiêu lo toan, bộn bề.
Sau 2 năm đằng đẵng để đợi chờ một cái gật đầu của An, bỗng một đêm Đăng nhìn thấy tấm ảnh trang điểm của An giống như ảnh cưới. Anh cảm thấy hụt hẫng, buồn bực… cả bầu trời như sụp đổ, bao hy vọng tưởng chừng tan biến, đôi mắt ngấn lệ khi nào không hay. Anh rê ngón tay bấm từng phím tin một cách nặng nề gửi cho An và cô đã đáp lại khiến Đăng sững sờ.
– Đăng: Cưới rồi!
– An: Anh phát chú rể ạ?
– Đăng: Đó kìa! Đâu đến lượt anh phát.
– An: Đâu? Anh phát chú rể để em cưới.
– Đăng: Thế anh phát anh được không?
– An: Anh dám phát là em dám nhận đó!
Từ nỗi thất vọng cùng cực, bên bờ vực thẳm của tình yêu, Đăng bỗng thấy mừng rơn, hạnh phúc tột cùng. Bao tâm tư, cảm xúc xen lẫn làm Đăng rối bời. Và sau những câu thoại trong đêm định mệnh đó họ đã tìm đến với nhau như thể đã thuộc về nhau từ kiếp trước vậy.
Khi “trái tim chín đỏ”, con tim thổn thức, thôi thúc Đăng đã bày tỏ tấm chân tình với An: “Mây Hải Vân lượn vờn đỉnh núi/Nước Sông Hàn không níu nổi bước chân anh/Lòng thênh thang khi cánh Hạc mở lối/Tim rực hồng cháy mãi đôi chim quyên”.
Nỗi nhớ nhau nhiều khi đến da diết, quặn thắt. Cả hai đều ngóng trông đến cuối tuần để gặp nhau. Họ mong đến những buổi chiều cuối tuần để cùng nắm tay nhau sải bước dưới từng con phố, cùng dạo ngắm hoàng hôn trên sông Hương, trao nhau nụ hôn đằm thắm cho thỏa nỗi nhớ nhung. Mà có vẻ dòng Hương cũng hiểu lòng người nên cũng tâm trạng đến lạ kỳ khi ‘sông thương nhớ ai mà dùng giằng không chảy’.
Để rồi, tình cảm giữa Đăng và An ngày càng lớn dần. Họ tìm thấy nhau trong từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim. Ngắm cây Hồng Anh vươn mình trong mưa, An ngân nga: “Nếu dây đàn rung lên/Tình yêu tôi chẳng còn trong hộp gỗ/Tôi có người cùng vui mừng, đau khổ/Giữa mưa đông vẫn ửng trái tim hồng”.
Vâng! Đăng đã “mắc mưa” An, hay An “mắc mưa” Đăng dường như lúc này không còn quan trọng nữa. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi mà Đăng đã thừa nhận đó là anh “mắc” cái duyên nồng nàn của Huế, của con người Huế và của riêng An trong một chiều mưa. Cơn mưa rào tưởng chừng chỉ ngang qua nhưng lại kéo dài dai dẳng, từng hạt, từng hạt rơi lã chả, lộp bộp, tiếng lao xao của gió, thi thoảng rít nhẹ, rít nhẹ từng cơn làm se sắt lòng người.
Cơn mưa đó bỗng chốc khiến Đăng nhớ đến nhà thơ trẻ Phan Hải Hạc. Trong tập “Xanh hoài không thôi”, nữ thi sĩ đã có đoạn viết sao nó giống với tình cảnh của anh và An đến từng chi tiết. Đăng thảng thốt: Ôi! Sao lạ kỳ vậy kìa?
“Chiều ấy nguyền mưa cài then
Để anh nguyện mắc mưa phen này
Mắc mưa anh mắc một lần
Trái tim hoài cảm về em suốt đời
Như là trờ se duyên thầm
Như là mưa cũng ngại ngần với tôi
Nhớ khi phượng đỏ thắp lòng
Trái tim thắp lửa từ trong mưa chiều…”
Yêu Huế tự bao giờ, giờ có thêm tình yêu với cô gái bên dòng Hương, Đăng quyết định sẽ trở lại Huế thêm nhiều lần nữa, không chỉ vì phong cảnh hữu tình, mà còn vì trái tim anh đã thuộc về nơi này. Mỗi lần gặp nhau, An lại kể cho Đăng nghe về cuộc sống ở Huế, con người Huế, về những lễ hội truyền thống, những câu chuyện văn hóa, dân gian, những bài thơ mà cô gieo vần… Cái giọng Huế nhẹ nhàng, ngọt ngào, mỗi từ như một nhịp sóng lan ra, nhịp tim rung động khiến Đăng cảm thấy ấm áp và yêu thương hơn nữa con người nơi đây.
Tình yêu giữa họ tưởng chừng đã vượt qua ranh giới của địa lý, của mọi sự giới hạn. Có ai ngờ, mẹ của An và cô bạn thân đã có những can ngăn vì cho rằng Đăng không xứng với An, hay gia đình không “muôn đăng hộ đối”. Thực tế, gia đình Đăng cũng là gia đình nông dân chính hiệu. Còn Đăng, công việc tuy ổn định nhưng khoảng cách địa lý và cũng chưa có nhà cửa gì trong này, vì thế mọi người sợ An khổ khi lấy anh.
Đăng không thấy bất ngờ vì sự cấm cản đó và cũng không trách móc ai cả, bởi anh hiểu rõ khoảng cách giữa hai thế giới của họ. Và Đăng vẫn kiên định với tình yêu chân thành mà anh dành cho cô. Cả anh và An đều biết tình yêu của hai người như một sự sắp đặt, se duyên, như thể là “có hẹn ước từ hư vô”. Họ quá đỗi thân thuộc với nhau, họ cùng “tần số” với nhau trong mọi vấn đề. Hơn nữa, Đăng là người có tính tự lập khá cao, biết lắng nghe, thấu hiểu, biết “đối nhân xử thế” và tinh thần cầu tiến. Từ khi bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc anh tự thân tự lập, cho đến khi ra trường xin việc làm cũng thế… nên những khó khăn, những va vấp, va chạm cuộc sống…dường như anh trải qua hết. Những vị cay đắng ngọt bùi của cuộc đời này Đăng nếm đủ, thậm chí vị mặn chát của nước mắt đến nay vẫn còn rơi rớt đâu đó ở góc phố hay một quán cà phê quen thuộc nào đó mà anh hay ngồi mỗi khi có thời gian nghỉ ngơi, suy ngẫm.
Năm tháng qua đi, những người từng cấm cản mối quan hệ của hai người dần dà bị chinh phục bởi nghị lực vươn lên trong cuộc sống, bởi tấm lòng tử tế, nhân hậu, yêu thương An vô điều kiện của Đăng, bởi sự thấu cảm, ủng hộ của những cư dân Vỹ Dạ nồng ấm tình người.
Một buổi chiều, khi đang ngắm hoàng hôn bên dòng Hương, mẹ của An nhận ra rằng, có lẽ chính mảnh đất dịu dàng này đã dạy cho con gái bà về giá trị của tình yêu và sự chân thành. Và…cũng chính sự chân thành xen lẫn tình yêu Huế của Đăng đã mang anh xích lại An và mảnh đất Cố Đô ngày một gần hơn, thân thương hơn. Bà chấp nhận Đăng và tình yêu của hai người cuối cùng cũng được chấp thuận.
Mùa xuân năm ấy, Đăng và An kết hôn, đám cưới của họ không xa hoa, nhưng là một lễ cưới đầy tình cảm, hạnh phúc. Cư dân thôn Vĩ, bạn bè, đồng nghiệp đến chung vui, chúc phúc cho đôi vợ chồng. Họ trao nhau lời hẹn ước “răng long đầu bạc” bên dòng Hương êm đềm, dưới những thanh âm trong trẻo, mến trìu của con người Huế.
S.H