Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) năm 2021, đây là vấn đề được đông đảo công chúng và nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ đặc biệt quan tâm. Việc xét tặng danh hiệu thể hiện sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần của Nhà nước với đội ngũ văn nghệ sĩ. Qua nhiều đợt xét duyệt đã có nhiều nghệ sĩ được vinh danh, đặc biệt trong mấy đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gần đây, có không ít những gương mặt trẻ được xét tặng. Điều này làm cho đời sống văn hoá văn nghệ nước nhà trở nên sôi động, tuy nhiên cũng có không ít những trăn trở và sự thất vọng.
Bài toán khó cho các nhà quản lý
Nếu chỉ áp dụng theo Quy định về tiêu chí đủ giải Vàng, quy đổi giải Bạc ở các kì liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc thì không ít những nghệ sĩ thuộc thế hệ trước sẽ không đủ điều kiện. Mà tiếc thay, đây là thế hệ nghệ sĩ đã làm nên một nền Điện ảnh Cách mạng, kịch trường… vô cùng rực rỡ, họ là nhân tố để tạo nên những thước phim đi vào lòng người.
NSƯT Thanh Tú trong “Sao Tháng Tám”, NSƯT Tố Uyên trong “Chim vành khuyên”… Và có không ít những gương mặt góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo nền điện ảnh và phim truyền hình trong giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước như NSƯT Thanh Quý, NSND Phương Thanh (Phương Thanh sau khi mất đã được truy tặng danh hiệu NSND)… sẽ rất thiệt thòi.
Chính vì lẽ đó, Chính phủ đã có những chính sách đặc cách cho những trường hợp đặc biệt không áp dụng quy chế, quy định lệ thuộc vào huy chương nhưng việc này vẫn chưa được triển khai triệt để. Không ít những nghệ sĩ được coi là lão làng, cây đa, cây đề của sân khấu và điện ảnh mãi chỉ giậm chân tại chỗ với danh hiệu NSƯT, trong khi đấy lứa con cháu, học trò lên danh hiệu NSND.
Trao danh hiệu NSND, NSƯT.
Có nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng danh xưng NSND, NSƯT ngày nay quá đại trà, dẫn đến việc công chúng nghe xong thấy thờ ơ. Nếu cứ áp theo tiêu chuẩn quy định thì không lâu sau chúng ta sẽ có vô cùng nhiều NSND, NSƯT, trong đấy sẽ có không ít người đạt danh hiệu NSND nhưng nhân dân không biết tên. Có một số nhận định cho rằng chỉ nên đề xuất phong tặng danh hiệu cho những nghệ sĩ có đóng góp to lớn, mang tính ảnh hưởng, mang tính biểu tượng cho từng lĩnh vực chứ bây giờ danh hiệu sao quá dễ dàng.
Có những nghệ sỹ chưa có cống hiến gì to lớn, không có tác phẩm có dấu ấn riêng, không sáng tạo ra giá trị nghệ thuật mới, không tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ tại các tỉnh, thành, cống hiến nhiều cho xã hội lại được vinh danh. Nên chăng, chúng ta cần thắt chặt việc trao tặng danh hiệu để khi nhắc đến một ai đó đạt danh hiệu NSND cao quý thì đấy không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân nghệ sĩ, mà còn là niềm tự hào của lĩnh vực nghệ thuật đấy và được đông đảo công chúng yêu mến ghi nhận.
Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch): Chặng đường còn khá gian nan
* Tính từ năm 1984 đến nay, đã qua 10 lần xét duyệt, trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nhưng cho đến bây giờ vẫn còn những trường hợp “đặc biệt” mọi người cho là xứng đáng mà chưa được xét duyệt lên NSND, hoặc NSƯT. Việc này bắt đầu từ tiêu chí phải đủ hai huy chương Vàng quốc gia, mà nhìn chung những nghệ sĩ đấy đều đã lớn tuổi, do điều kiện xã hội khi họ còn trẻ có rất ít cuộc thi quốc gia được tổ chức. Việc đặc cách đã được áp dụng trong một vài trường hợp, nhưng vẫn chưa đủ, nên có nghệ sĩ rất tâm tư, cảm thấy thiệt thòi. Vậy có giải pháp gì cho những người nghệ sĩ này không?
– Cứ sau mỗi lần xét tặng danh hiệu là cơ quan quản lý Nhà nước đều lắng nghe tất cả các chiều khác nhau từ thông tấn báo chí, của giới văn nghệ, của công chúng, thấy và lại thấy phải chỉnh cái này một tí, cái kia một tí. Quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải cầu thị chứ không hề máy móc. Tôi đã tham gia rất nhiều hội đồng xét tặng danh hiệu của Bộ.
Vậy nên không có nghị định nào mà sửa nhiều như nghị định này. Chẳng có nghị định nào thọ được đến 3 năm cả, cứ liên tục sửa để đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, và mong muốn của nghệ sĩ làm sao hợp lý nhất. Lúc thì điều chỉnh về tỉ lệ phần trăm bỏ phiếu của hội đồng xét tặng, lúc điều chỉnh về số huy chương, lúc thì điều chỉnh từ giới hạn đến năm nào thì không căn cứ vào huy chương nữa, bởi vì lúc ấy nghệ sĩ mình còn đi chiến trường, Nhà nước cũng không tổ chức đầy đủ các hội diễn liên hoan để người ta có huy chương được.
Nhưng sửa gì thì sửa, không thể nào đáp ứng, thoả mãn hay gọi là đúng mong muốn của tất cả mọi người. Cầu thị như vậy, nhưng không bao giờ có được sự trọn vẹn hết tất cả. Khó lắm. Cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội bao giờ cũng mong muốn có một sự chính xác nhất, công bằng nhất, chúng ta cố gắng vươn tới để đạt được. Chỉ có điều trong thực tế luôn luôn có những trường hợp đặc biệt hoặc dị biệt, phải là người trong cuộc mới thấy rất khó. Chặng đường này sẽ còn rất dài và khá gian nan.
* Nghệ sĩ thì cái tôi lớn lắm, bản thân họ cũng đầy lòng tự trọng, làm đơn gửi lần 1 không được, lần sau người ta sẽ nản, người ta nghĩ: “Mình cống hiến như thế mà không được ghi nhận, làm đơn không được xét duyệt, thật là mất mặt. Nên thôi, mình sẽ không làm đơn nữa…”, những trường hợp như vậy có nhiều không, thưa ông?
– Phải nói thật nghệ sĩ có một đặc điểm bao giờ cái tôi cũng rất lớn. Nghệ sĩ nào chẳng thế, nếu không thế không phải nghệ sĩ. Nghệ sĩ là người trọng danh lắm. Ngày xưa bác Hoàng Trung Thông là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên Giáo Trung ương có nói: “Tôi làm lãnh đạo toàn những người số 1 cả”. Đấy là một tâm lý có thật của giới văn nghệ.
Đúng là nhiều nghệ sĩ có tư duy: “Tôi không xin, tôi cống hiến, tôi làm việc và tôi có thành tựu xã hội, được nhân dân ghi nhận, bây giờ bảo tôi làm đơn xin thì tôi không làm”. Nhưng nếu nghệ sĩ nào có tư duy đó thì nên nhìn vấn đề nhẹ nhõm hơn, chứ nếu không sẽ đặt cơ quan Nhà nước đang làm việc xét tặng, đẩy người ta vào thế rất khó.
* Và, còn một chuyện này nữa, mấy năm trở lại đây, các nghệ sĩ công tác tại các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, hội nghề nghiệp họ được đơn vị chủ quản làm thủ tục cho việc xét tặng danh hiệu, nhưng còn nhiều nghệ sĩ đã từ lâu không còn công tác trong đơn vị nghệ thuật nào nữa, họ đã là những nghệ sĩ tự do, họ hoàn toàn không biết phải làm như thế nào để được xét tặng? Nên chăng Nhà nước thấy người nghệ sĩ đó thật sự xứng đáng thì cho vào danh sách để người nghệ sĩ đỡ bị thiệt thòi?
– Thực tế những năm gần đây, người ta cũng đã có cách để giải quyết những trường hợp tương tự như thế rồi. Ví dụ cơ quan, nhà hát, đoàn thể, xưởng phim, hãng phim hoặc các hội nghề nghiệp, Hội Điện ảnh, Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu… thay mặt cho nghệ sĩ làm hồ sơ đề nghị. Nếu như cơ quan hoặc hội nghề nghiệp đứng ra làm cho thì tốt, nhưng mà cũng có trường hợp vì một lý do nào đấy cơ quan hoặc Hội người ta không làm mà nghệ sĩ cũng bảo tôi không làm, tôi không việc gì phải làm đơn cả thì cũng từng có trường hợp xảy ra. Khi không có đơn đề nghị chính thức của cá nhân người nghệ sĩ ấy. Ở đây phải nói là đơn đề nghị chứ không nói là đơn xin. Thực tế có những trường hợp đã từng xảy ra, nghệ sĩ không làm đơn, vẫn được hội đồng xét tặng và người đó được danh hiệu, được bằng nhưng người nghệ sĩ đấy không đến nhận. Họ bảo: “Không, tôi có cần đâu, tôi có đề nghị đâu mà các anh xét tôi làm gì”. Tôi nói thẳng là có những trường hợp bộ hồ sơ và bằng, danh hiệu cứ nằm ở trên Vụ Thi đua của Bộ mãi rồi đấy.
* Có ý kiến cho rằng danh hiệu NSƯT thì để Nhà nước xét duyệt, còn danh hiệu NSND thì nên để cho nhân dân, công chúng khán giả bầu chọn mới đúng và có ý nghĩa?
– Nó cũng có phần đúng nhưng không phải đúng hoàn toàn. Hội đồng là những người đại diện cho nhân dân, đại diện cho giới chuyên môn. Họ vừa là khán giả, vừa là người có chuyên môn, mình cũng phải tin vào đánh giá của người ta chứ. Ở lĩnh vực nào thì cũng phải coi đánh giá của giới chuyên môn là cần thiết, và cũng đỡ phức tạp, chẳng nhẽ chúng ta lại tổ chức ra cái gọi là bầu chọn toàn dân. Nếu làm theo kiểu nhân dân bầu thì rất khó, không thực tế.
Vấn đề ở đây, nhiệm vụ này không phải là các cấp xét danh hiệu đâu, mà quan trọng nhất chính là hội đồng ban giám khảo ngồi chấm điểm ở các liên hoan sân khấu, kịch, cải lương, chèo, ca múa nhạc, phim, âm nhạc, mỹ thuật… Chính hội đồng ban giám khảo ấy rất quan trọng trong việc quyết định danh hiệu cho nghệ sĩ. Vì khi chúng ta lấy tiêu chí phải đạt đủ số lượng huy chương thì việc đánh giá của hội đồng ấy phải thực sự chất lượng, thực sự chuyên môn, công tâm, khách quan để trao huy chương cho đúng người, tránh việc chạy huy chương hay nể nang.
Danh hài Xuân Hinh (Nhà hát Chèo Hà Nội): Hạnh phúc nhất là được nhân dân ghi nhận
* Cống hiến cho nghệ thuật truyền thống đã nhiều năm từ chèo, xẩm, ca trù… đặc biệt là diễn hài làm vui cho đời, nhưng đến giờ anh vẫn chỉ dừng chân ở NSƯT chứ chưa lên NSND, anh có buồn không?
– Nói không buồn là không đúng. Cũng chạnh lòng chứ, vì thấy đồng nghiệp, đàn em đạt danh hiệu NSND cả rồi. Nhưng có những cái tôi không hiểu nếu căn cứ vào huy chương, giải vàng ở các kì liên hoan, hội diễn để làm gì, vì có phải người nghệ sĩ nào cũng có điều kiện để đi thi đâu?! Đơn cử như mỗi lần Liên hoan sân khấu toàn quốc sẽ diễn ra tình trạng nhốn nháo ở các đoàn nghệ thuật. Diễn viên nào cũng muốn có vai vì biết rằng phải có vai diễn thì may ra được giải Vàng, có đủ giải Vàng thì mới có tấm vé đạt danh hiệu. Đất chật người đông, vai diễn thì ít, diễn viên thì nhiều. Nghệ sĩ lớn tuổi không thể tranh vai với các em, các cháu. Vì lòng tự trọng nên có nhiều nghệ sĩ nhường vai.
Đấy là các đơn vị nghệ thuật Nhà nước được sự trợ cấp kinh phí của Nhà nước nên họ đi thi, còn với những đơn vị nghệ thuật xã hội hoá, mỗi lần đi thi tốn kém vô cùng, không ai tài trợ cả, họ phải tự cung tự cấp, họ không có kinh phí để đi liên hoan nên chịu nhiều thiệt thòi. Mà rõ ràng nghệ sĩ cống hiến cho xã hội ở các đơn vị nghệ thuật là như nhau. Tôi cũng không hiểu có nhiều vở làm ra để đi thi, lấy giải Vàng cho diễn viên rồi sau kì liên hoan, hội diễn thì không biểu diễn được nữa, vở diễn đấy chạy thẳng vào kho, tốn kém, lãng phí tiền của.
Nên với tôi, một nghệ sĩ làm nghề thì cái sâu xa nhất là được xã hội, được nhân dân ghi nhận, giới chuyên môn đánh giá tốt, đấy là cái thực sự, thực chất, chứ tôi không căn cứ tài năng nghệ sĩ vào giải này giải kia, huy chương này, huy chương kia.
NSND Phạm Nhuệ Giang: Danh hiệu dần dần mất giá
* Là người có mặt ở một số hội đồng xét tặng giải thưởng, chị có đánh giá gì khi một số nghệ sĩ được công chúng khán giả cho là rất xứng đáng nhưng chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT, hay NSND?
– Từ lâu chúng ta đã có quy chế, nghị định cho từng khung danh hiệu để đạt chuẩn NSND, NSƯT. Tất cả đều có tiêu chí, ai đủ nộp lên và có đầy đủ trong tiêu chí của Nhà nước đề ra thì họ sẽ được thôi, chả phải chạy chọt làm gì cả. Vì đã nằm trong tiêu chí đấy. Còn có những trường hợp nói là người nghệ sĩ ấy có một vai diễn rất nổi tiếng mà không được danh hiệu NSND. Lúc làm hồ sơ ưu tú thì đã lấy nhân vật đấy ra để hội đồng xét tặng rồi. Người nghệ sĩ đã chứng minh nhân vật ấy nổi tiếng thì mới được ưu tú, còn sau đấy bao nhiêu năm họ không đóng thêm vai nào nữa, hoặc có đóng cũng không có được một giải thưởng nào cả, thế xong lại thắc mắc.
Mọi người hay tư duy theo kiểu chủ quan, bản năng: “Ơ cô ấy (anh ấy) nổi tiếng thế mà không được danh hiệu”. Nổi tiếng thì phải có chứng thực bằng giải thưởng. Nhà nước mình đã cho quá nhiều trường hợp ngoại lệ thì thành mất giá, vì cuối cùng ai cũng vào được. Theo thời gian năm tháng, sống lâu lên lão làng. Vấn đề người xét duyệt phải đúng nguyên tắc chứ không thể nào cứ thấy dư luận ồn ào là lại cả nể cho tên người nghệ sĩ ấy vào.
* Gia đình chị nhiều người đạt danh hiệu NSND, như bố đẻ là NSND Phạm Văn Khoa, bố chồng là NSND Hải Ninh, từ những ngày đầu của việc xét tặng danh hiệu, tiếp đến chồng chị là NSND Thanh Vân, bản thân chị từ lâu cũng đã đạt danh hiệu NSND. Trước đây nói đến danh xưng NSND thì mọi người trầm trồ thán phục lắm, nó được định danh trong ngành nghề ấy, là cây cao bóng cả. Còn ngày nay, danh hiệu NSND khá đại trà, điều đấy cũng ít nhiều làm mất “thiêng” danh hiệu cao quý…
– Có những người đạt danh hiệu NSND, NSƯT, trong ngành người ta cũng ngạc nhiên chứ đừng nói người ngoài. Trong ngành người ta cũng không phục nhau, không thấy chị ấy được danh hiệu NSND là xứng đáng. Cho nên danh hiệu dần dần thật sự mất giá. Mất giá là do chính người xét duyệt… Còn thật sự nghiêm thì cứ đúng mà làm. Ở nước mình rơi vào trường hợp bị lấp lửng, cứ theo cái đà: Thôi cô ấy (anh ấy) nổi tiếng thì cho cô ấy được vào, nhưng cứ quá nhiều cô (anh) kiểu như thế thì thành ra danh hiệu bị mất giá dần đi. Tại vì có những trường hợp không đúng vẫn len lỏi vào, vì lại tị nạnh là ở cô kia (anh kia) cũng không có giải gì mà còn được, thế rồi tôi cũng cứ làm đơn như mấy anh chị kia, đủ thứ rồi lại xét duyệt, đâm ra nó khó lắm.
Danh hiệu phải có giá trị về giải thưởng, như bên điện ảnh thì diễn viên phải được giải xuất sắc của phim nào đó, nếu không thì chỉ là người đóng nhiều thôi. Ở nước mình người nổi tiếng theo đúng nghĩa thực sự thì ít, cứ lên truyền hình nhiều, rất nhiều lần xuất hiện thì thành nổi tiếng, chứ không phải người ta có tài. Vậy nên vẫn rất cần trông vào quy định.
* Hiện nay danh hiệu NSƯT, NSND là điều mà nhiều nghệ sĩ hướng đến, nên sẽ có sự so sánh giữa các lĩnh vực trong ngành nghệ thuật…
– Đúng, chỉ so sánh giữa 2 bộ môn nghệ thuật là sân khấu và điện ảnh. Một diễn viên để được huy chương Vàng bên điện ảnh là rất khó. Như Liên hoan phim Việt Nam (2 năm 1 lần), trong những ngày vừa qua được tổ chức ở Huế, 17 phim đi thi thì chỉ có duy nhất 1 huy chương Vàng cho diễn viên nữ chính thôi, 1 giải Vàng cho nam chính xuất sắc.
Trong đó sân khấu (kịch, chèo, cải lương) cứ mỗi 1 vở lại 1 vàng. Nó khác hẳn đi, sân khấu 17 vở thì tận những 17 huy chương Vàng, còn ở điện ảnh 17 phim thì chỉ có 1 người được huy chương Vàng. Và bao nhiêu năm thì vô tình mới đóng được một bộ phim. Mà phải là vai hay, phim đấy đạo diễn phải giỏi, nhân vật hay mà phim cứ lủng củng loảng quảng không có nổi lên được thì chưa chắc diễn viên đã được giải Vàng. Bao giờ người ta cứ phải chọn vai hay cho một cái phim tốt, để tương đối chứ không có phim nào quá là tồi tệ mà tự nhiên người ta cho có giải diễn viên ấy giải Vàng. Thường là diễn viên cùng đi với cả đạo diễn nên càng khó.
Theo Trần Mỹ Hiền/VNCA