Chuyện bên dòng Rạch Gầm – Truyện ngắn của Nhật Hồng

997

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi lớn lên bốn bề sông nước, vừa biết đi biết chạy là biết bơi, ban đầu bơi trong mương ao, rồi kinh, rạch. Tuổi thơ quen với dòng dòng sông ngày hai buổi đến trường.

Sông Rạch Gầm

Khi qua sông bằng xuồng, khi không có thì cởi áo quần quấn tập sách giơ lên một tay lội qua sông, lên bờ mặc vô đi học. Khi biết mắc cỡ thì lội khúc vắng lên lùm cây mặc quần áo vô! Mắt quen với những mùa nước nổi lênh láng ngập xóm làng, mùa Giêng, Hai cạn trơ bờ bãi, bọn tôi thụt lịch, bắt thòi lòi chơi chạy chuồi trên bãi bùn. Trò chơi này thích thú với đám con trai chúng tôi. Bọn tôi lợi dụng bãi sông nước kém ròng có độ dốc nghiêng cởi truồng ngồi xếp chân thả cho chuồi xuống sông, có đứa bị ve chai gạch chảy máu mà không biết sợ. Tuổi thơ của tôi mở mắt ra là thấy sông nước, sông nước gần như gắn liền với đời sống hàng ngày.

Tuổi thơ tôi bồng bềnh giữa hai nhánh sông, bên nội là sông Hậu, bên ngoại là sông Tiền. Ngàn xưa, khi hình thành vùng đất phù sa hạ lưu vùng Cửu Long, sông MeKong trước tiên chảy vào tỉnh An Giang nơi đây chia làm hai nhánh, hữu ngạn là sông Hậu, tả ngạn sông Tiền, sông Tiền  chảy qua tỉnh Đồng Tháp một lần nữa chia đôi chảy vào 2 tỉnh: Tiền Giang và Bến Tre, rồi tỏa ra các cửa Cung Hầu, Ba Lai, Hàm Luông góp thành chín cửa sông Cửu Long.

Tôi nghe người lớn kể lại, mối tinh của ba mẹ tôi cũng rất hy hữu, bắt nguồn từ những bến ghe thương hồ. Nội tôi là dân thương hồ chở khóm từ Cầu Đúc qua Sa Đéc rồi chở hàng Sa Đéc, Tiền Giang về Cà Mau. Một lần đậu ghe nghỉ ở Ngả Bảy- Phụng Hiệp, giữa đêm trăng thanh gió mát bỗng cất lên giọng hò thanh thoát trên sông:

“ Hò…hơ…Nón nỉ quay tơ cặp nách, cuốn sách anh cầm tay/Tiếng đồn anh Hai nọ có tài, xinh anh hát thử/ Hò… hơ…một vài bài nghe chơi.”

Rồi có giọng nam cất lên: “ Hò…hơ… Miệng anh đọc cửu chương tay nương bàn toán xin hỏi thăm nàng/Hò…hơ…quê quán ở nơi đâu”.

Thế là cuộc hò hát bắt đầu trên bến sông, khi giọng nữ hò xong, bên nam ai đối được thì cất tiếng chung vui. Luật chơi này ai cũng biết, nên khi bên nữ cất giọng lên thì bên nam ai đó  thủ  sẵn câu đối.

Giọng nữ cất lên:

“Hò… ơ…Thò tay ngắt cọng bông trang, bông búp bướm đậu bông tàn bướm bay/Sợ mai kia bóng xế trăng lay, dung nhan em tàn tạ/Hò…hơ biết anh có còn thương không.

Ba tôi lúc ấy còn thanh niên nghe ta hò hát cũng nổi máu văn nghệ nhảy vào cuộc chơi.

“Hò…hơ…quả năm ngăn trong lòng sơn đỏ, mấy lời to nhỏ bỏ bạn sao đành/Chừng nào xáng nọ bung vành/Hò…hơ…tàu Tây kia liệt máy anh mới đành phụ em.

Buổi hò hát kéo dài đến con nước lớn, ai nấy lui ghe theo công việc của mình. Buổi hò hát không hẹn, bất chợt thành rồi cũng bất chợt tan theo con nước.

Buổi sáng sớm ông nội tôi định nhổ neo lui ghe, thì người đàn ông đứng trước mũi ghe neo đậu kế bên, cất giọng thân thiện:

-Mời anh sang qua ghe tôi uống nước trà rồi hễ chia đi.

Dân thương hồ nghe bạn mời như thế không từ chối được, nói với ba tôi:

-Con coi chừng ghe ba qua ghe bên này chơi chút.

Khi nội tôi qua thì có cô gái bưng mâm trà cũng vừa để xuống, rồi cúi đầu chào nội tôi. Chủ ghe giới thiệu đó là con gái tôi, nội tôi gật đầu chào lại. Những câu chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện mua bán được đem ra bàn tình cảm thân thiện như đời nào! Lối dân thương hồ làm quen trên sống nước như thế rất đổi bình thường, có khi qua mặt nhau “quát cạy” để tránh khi qua cua doi vịnh. Rồi cười làm quen nhau, thế mà khi gặp lại tay bắt mặt mừng. Còn nội tôi từ buổi ấy, gá nghĩa thông gia với với bạn thương hồ bằng ngụm trà sáng.

Rồi đám cưới ba mẹ tôi tiến hành, rước dâu bằng những chiếc ghe thương hồ trên sông nước. Mẹ tôi thi thoảng tôi kể lại:

-Ba tụi bây ngày xưa hò hát hay lắm, cất giọng lên bốn bề im phăng phắc, dân thương hồ nghe mê lắm! Trước khi ưng cha con, mẹ bắt ông ấy hứa một điều: “Không được hò hát”, phải bỏ nghề tức khắc nếu không mẹ từ chối không ưng. Cha vì thương mẹ nên hứa, mà cứ mỗi lần nghe ta hò hát ba con lồm cồm ngồi dậy ngứa ngáy trong mình, mẹ kéo ba con nằm xuống không cho ngồi dậy. Cũng may, phong trào hò hát trên sông cũng dần biến mất qua những năm giặc giả. Có những khi đoàn ghe đi qua hai bên bờ khói bom còn nghi ngút, ông nội và ngoại thấy nguy hiểm nên giải nghệ kiếp thương hồ. Từ bỏ cuộc sống rày đây mai đó trên sông, hai ông cùng lên bờ  làm vườn.

Ngoại tôi, gốc gác ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, một địa chỉ mà sau này khi tôi lớn lên mới biết là nơi diễn ra cuộc chiến thắng oanh liệt đánh bại năm vạn quân Xiêm xâm lược năm 1785.

Một hôm tôi thắc mắc hỏi cậu Út về trận đánh quân Xiêm, cậu trả lời: “Cậu không rành, con hỏi cậu Hai, ông ngoại thường kể cho cậu Hai nghe. Tính hiếu kỳ tôi hỏi cậu Hai. Cậu nói:

-Trăm nghe không bằng mắt thấy, bữa nào con lấy vỏ lãi chở câu đi trên sông Rạch Gần Xoài Mút coi chơi, sẵn ghé vườn sa-pô-chê của anh con cho biết.

Khi vỏ lãi ra giữa đoạn sông Rạch Gầm, cậu kêu thả trôi theo dòng nước, tay cậu chỉ lên bờ:

-Kìa vàm Rạch Gầm, chỗ kia là Vàm Xoài Mút, đoạn sông này dài 7km rộng có chỗ rộng 1km có chỗ 2km, kia là cù lao Thới Sơn.

Tôi nhìn lên bờ thấy cây lá um tùm xanh miết, cậu nói:

-Cây đặc sản không đó con, bà con nơi đây sống nhờ cây trái, vườn tược, anh con nuôi cả nhà cho con ăn học cũng bằng nguồn thu nhập cây trái.

Tôi hỏi cậu về địa dang rạch Gầm:

Cậu giải thích:

-Rạch Gầm được các nhà nghiên cứu cho biết trên mấy cơ sở: Cơ sở một, xưa nơi đây rừng rậm hoang dã nhiều cọp gầm, cơ sở hai: Có lẽ đây là tên của một loài cây gầm. Cơ sở ba có thể tên một người nào đó tên Gầm khai phá vùng đất này!

Còn tên Xoài Mút, dựa theo các tư liệu trên các nhà nghiên cứu cho biết, nơi đây khi xưa hoang dã có nhiều xoài rừng mà giống xoài này hột to sơ nhiều ăn phải cầm mút.

Tóm lại, các tên đất, tên sông rạch, tên sông đều dựa theo sự lao động phát triển của con người mà thành, có khi truyền miệng lâu đời người ta đọc trại theo âm ngữ địa phương của dân tộc khai phá.

Chuyện xưa ba tôi về làm rể, một hôm có đám kỵ cơm trong gia đình bên vợ, bà con trong thân tộc tề tựu lại đông, biết ba tôi là dân Cần Thơ  biết hò đối đáp hay nên có người thử:

-Nè! Nghe chú em mày biết hò đối đáp, xứ này có câu ca dao như vầy, chú em đáp không được thì bắt vợ lại đó:

“Gái Rạch Gầm mày tằm mắt phụng

Giặc đến nhà không vụng huơ đao”. (ca dao)    

Ba tôi đọc lại hai câu ca dao rồi ứng đọc theo:

-“Trai Cần Thơ dồi dào sức khỏe

Đánh giặc làm vườn sử dụng thông minh.”

Ngoại tôi sợ thằng rể bị các cụ trong thân tộc hỏi lắc léo thêm chuyện không hay, nên đứng ra vỗ tay khen hay và kêu đi phụ làm gà vịt.

Bên cạnh những chuyện xưa cậu còn kể về trận đánh bên dòng Rạch Gầm:

-Năm 1781, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy xuống đây, quân lính chết gần hết, nên cử tướng Châu Văn Tiếp qua Xiêm cầu viện binh. Năm 1784 Vua Xiêm được cớ mang 5 vạn quân, 3 vạn thủy binh, 2 vạn bộ binh đổ bộ lên Rạch Giá lúc này Rạch Giá thuộc Đạo Kiên Giang, Trấn Giang Cần Thơ, từ đây quân Xiêm đưa quân xuống Ba Thắc (Srok Pra-Sak), Trà Ôn, Sa Đéc, Mân Thít rồi cho quân chiếm giữ các nơi ấy. Quân Xiêm đi đến đâu cướp bóc hà hiếp dân lành đến đó làm cho lòng dân than oán. Tướng Tây Sơn Trương Văn Đa ngay lập tức đem binh từ thành Gia Định xuống Long Hồ (Vĩnh Long) ngăn cản. Ngày 30/1/1784  quân Nguyễn Ánh do Đại đô đốc Châu văn Tiếp đen quân vào Mân Thít, bị Chương Tiền Bảo vây đánh và giết chết, mất đại tướng, Chúa Nguyễn Ánh liền cho quân vào cứu hộ chém chết Chương tiền Bảo cùng nhiều quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn cử Văn Quan làm  đại tướng và cho quân tiến đánh lũy Ba Lai (Bến Tre) và Trà Tân (Định Tường) nhưng thất bại.

Tháng giêng năm 1985, trên 3 thiếc thuyền nhẹ lướt êm đềm trên khúc sông Mỹ Tho, thuyền qua cù lao Thới Sơn rồi thả trôi trên sông xem xét địa hình. Qua khỏi đoạn sông dài khoảng 7km ba chiếc thuyền quay lại qua cù lao Thới Sơn, Bãi Tôn, Cồn Bà Kiểu, Rừng dừa và các nhánh sông được những người trên chiếc thuyền xem xét tỉ mĩ. Trong ba chiếc thuyền đó là có Nguyễn Huệ đi để thị sát vị trí sông ngòi, vì có sự việc làm cho ông không an tâm khi có mặt của quân Xiêm ở đây. Nguyễn Huệ được nghe báo cáo tường tận sự việc và sau thời gian xem xét địa hình Nguyễn Huệ lên họp khẩn chư tướng, nói:

“Quân Xiêm mới vào lại cướp bóc mọi nơi, nhân dân căm phẩn giặc và Ngyễn Ánh, nhân dịp này ta mai phục dụ cho chiến thuyền của Xiêm vào mai phục rồi đánh úp, chắc chắc sẽ thành công.”. Các tướng bẩm báo ý kiến: “Nếu mai phục đánh quân Xiêm không gì bằng đoạn sông Rạch Gầm Xoài Mút, đoạn sông này chừng bảy ngàn mét hai bên toàn bụi rậm, lại có cù lao Thới Sơn che chắn, nếu ta chọn khúc sông này mà án binh chắc chắn sẽ thành công”. Sau khi Nguyễn Huệ xem lại bản vẽ, đoạn sông khá rộng đủ để chứa hàng trăm chiến thuyền của giặc khi họ bị dồn vào đây.

Nguyễn Huệ nhìn mặt sông thủy triều vừa dâng lên nói với các tướng: “Đoạn sông này hai bên bờ cây cối rậm rạp, có cù Lao Thới Sơn che chắn rất thuận lợi cho việc mai phục quân thủy bộ bất ngờ đánh úp, chắc chắn quân ta sẽ chiến thắng tại đây!

Nguyễn Huệ phân công giao nhiệm vụ từng viên tướng bố trí mai phục các nơi trọng yếu dọc theo tuyến sông, và với tinh thần quyết tâm thắng giặc. Sau khi bày binh bố trận xong xuôi, Nguyễn Huệ cho chiến thuyền nhỏ nhẹ khiêu khích trên sông để gây tiếng vang. Ngày 18/01/1785 Tướng Xiêm là Chiêu Tăng giao Sa Uyển giữ bản doanh rồi cùng Chiêu Sương dẫn hàng trăm chiến thuyền xuống Mỹ Tho nơi bản doanh của quân Tây Sơn. Chiều hôm đó, 2 đạo quân thủy bộ của Xiêm đồng loạt đánh vào doanh trại Tây Sơn, khoảng đầu canh năm ngày 19/01/1785, khi đoàn chiến thuyền của quân Xiêm lọt vào vòng mai phục của Tây Sơn. Nguyễn Huệ bắn pháo lệnh phản công. Đồng loạt các chiến thuyền mai mục của Tây Sơn xông ra đánh thốc vào mạn xườn của quân Xiêm, các hỏa hổ và thần công cũng khai hỏa, cú đánh bất thần chia cắt quân Xiêm ra từng cụm. Đồng thời Nguyễn Huệ cho thuyền nhỏ chất đầy rơm, củi khô xông thẳng vào chiến thuyền của giặc, quân Xiêm rối loạn hàng ngũ làm thuyền chìm quân lính nhào xuống sông lớp bị giết bớp bị chết chìm. Trời vừa sáng trận chiến đã kết thúc 300 chuyến thuyền và 2 vạn quân Xiêm cùng số quân của Nguyễn Ánh tan tác, Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy qua Sa Đéc gom tàn quân chạy trốn về nước. Tháng 3/1785 quân Nguyễn Huệ truy đuổi theo Nguyễn Ánh thoát chết ra biển Tây rồi trốn qua Xiêm.

Cậu Hai chậm rải nói:

-Chuyện là như thế, con cũng đã thấy ở Nhà tưởng niệm di tích Rạch Gầm Xoài Mút ở Châu Thành rồi đó! Các nhà viết sử đã ghi đầy đủ thế trận, cách bố trí và nguyên nhân thắng lợi lịch sử chống giặc ngoại xăm. Trong đó cậu nghĩ yếu tố then chốt là “lòng dân”, lòng dân căm thù giặc nên việc mai phục không bị lộ, yếu tố thứ hai là địa hình sông rạch chằng chịt, cây cối um tùm làm cho giặc không thể nhận ra nơi bố trí bộ binh, tàu chiến và súng thần công, yếu tố bất ngờ cũng quan trọng góp phần cho sự thành công của vị anh hùng áo vải Tây Sơn.

Cậu Hai, nói thêm:

-Cách đây ba trăm năm mà vị anh hùng Nguyễn Huệ đã biết dùng mưu đánh  giặc bằng trái dừa khô góp phần cho chiến thắng đánh chìm tàu  giặc.

Cậu nói:

-Khi sáp trận quân Tây Sơn cho thả những cái dừa khô vẽ như đầu người, hàng ngàn trái dừa lắc lư  trên mặt nước, như thủy binh bơi lội áp sát mạn thuyền, trong số trái dừa đó có thủy quân Tây Sơn thật làm cho quân Xiêm không biết đâu phòng bị chống trả, thuyền chiến lớp bị đại bác, hỏa công, lớp bị quân cảm tử phóng hỏa, lớp bị đặc công nước đục lủng thuyền lập úp, quân giặc chết đầy sông cả tháng trời qua đây còn mùi tanh máu giặc.

Tôi nghe cậu Hai kể lòng cảm thấy tự hào phấn khởi những bậc tiền nhân xưa đầy mưu lược đánh giặc ngoại xâm bảo về bờ cõi.

Cậu Hai vò đầu tôi, nói:

-Những chiến tích lẫy lừng của trận thủy chiến đánh quân Xiêm đáng khen ngợi, nhưng đáng khen ngợi hơn là cuộc chiến đấu thống nhất đất nước của nhân dân Tiền Giang cùng với cả nước, cụ thể tại Rạch Gầm Xoài Mút này.

Cậu Hai, giải thích:

-Năm 1960 khi tỉnh Bến Tre làm cuộc Đồng Khởi, mở đầu cho đồng bằng sông Cửu Long vùng dậy diệt ác phá kềm. Lúc bấy giờ ở tại đây Ngô Đình Diệm lê máy chém sùng sụt khắp nơi chém giết bắt bớ giam cầm, rồi cuộc chiến leo thang quân Mỹ đổ bộ vào đây cũng bằng hai đường thủy và bộ, về thủy binh Mỹ đã xây dựng căn cứ Đồng Tâm để khống chế các ngả đường sông, ngày ngày hàng trăm tàu chiến tuần tra trên các ngõ ngách hệ thống sông ngòi, lô cốt dày đặt. Sau khi Mỹ rút quân chuyển giao căn cứ Đồng Tâm  Sư đoàn 7 (Sài Gòn), cứ 5 phút giặc đánh bộc phá dưới đáy sông để ngăn chặn đặc công người nhái của cách mạng, ấy thế mà căn cứ vẫn bị đánh  bằng chất nổ.

Cậu Hai và cậu Ba đi thoát ly gia đình theo cách mạng từ buổi ấy! Ngoại tôi đêm đêm chong đèn ngồi chờ các con về. Chiếc đèn bảo treo đóng đáy báo hiệu cho ghe tàu biết tránh, mà cũng là đèn ám hiệu của ngoại tôi cho bộ độ cách mạng. Đêm nào yên ổn không có lính tuần tra thì đèn bên bờ sông màu vàng, đêm nào bất ổn thì màu đỏ. Đèn bão là loại đèn làm bằng vỏ chai cắt ở cổ và phần đích, đèn dầu đốt bên trong, bên trên có chụp che kín gió, mưa bão lớn cỡ nào không bao giờ tắt. Địa chỉ của ngoại tôi là nơi dự trữ lương thực cho bộ đội, và cũng vừa làm ám hiệu cho con về.

Một đêm tình hình bất ổn giặc cứ tuần tra và bắn vu vơ, ngoại tôi trằn trọc ngủ không được, bỗng có tiếng gọi khẽ, nghe tiếng gọi ngoại biết là các con về, ngoại hết hồn hết vía vì lính vừa mới đi qua. Ngoại nói:

-Chời ơi, tụi bây về bất tử vậy, lính  mới đi qua đó!

-Tụi con đói lắm má nấu cơm cho mười người, có gì ăn cũng được! Chút nữa con lấy!

Đêm đó căn cứ Đồng Tâm bị tấn công, trực thăng phản kích bắn phá khắp nơi, máy bay ném bom những khu vực tình nghi có quân cách mạng. Điều ngoại tôi lo lắng đã thành sự thật, cậu Ba đã hy sinh trong trận này. Cậu Hai nghe tin em mình hy sinh, xin với lãnh đạo cho cậu đi đánh căn cứ bằng chất nổ trả thù cho em, cấp trên không cho. Những tinh thần dũng cảm khi xưa của tiên nhân đã trổi dậy trong lòng thế hệ trẻ, từng lớp người hồ hởi chiến đấu giành thắng lợi này đến thắng khác, đến thắng cuối cùng 30.4.1975.

Khi nước nhà đã thống nhất bà con nông dân Rạch Gầm Xoài Mút lao vào thế trận mới. Thế trận đói nghèo.  Dòng sông, thế đất cộng với tấm lòng cần cù lao động quyết tìm tòi học hỏi, nông dân ở đây đã thành công trên thế trận mới. Đó là thế trận phát triển vườn cây ăn trái, phát triển xóm làng, ngày một tươi đẹp và phồn vinh.

Cậu Hai hạ giọng nói:

-Nói thì rất dễ, nhưng lãnh vực phát triển vườn cây ăn trái không dễ đâu, con thử nghĩ, dù bà con nông dân ở đây sẵn có tấm lòng, có nhiệt tình, nhiệt quyết, chịu học hỏi, nhưng người làm vườn luôn rủi may với sâu bệnh,  với giá cả thị trường.

Cậu Hai nghỉ hưu, thấy sức lực đã yếu nên đầu tư cho các con bằng cách cho các học lên đại học nông nghiệp và nghiên cứu sâu về cây ăn trái. Cậu nói:

-Đất địa này rất linh thiêng không phụ người nghèo khó có ý chí lập nghiệp! Các con nên nghiên cứu sâu về thổ nhưỡng, về cây ăn trái vì ở đây được thiên nhiên ưu đãi, dòng sông bến nước cũng là điểm thuận lơi cho việc phát triển vượt qua đói nghèo.

Với sức trẻ của các con cậu Hai và được tiếp thu khoa học kỹ thuật nên càng lúc kinh tế gia đình cậu Hai phất lên. Lớp trẻ đã giựt dậy sức sống mới của xã Kim Sơn huyện Châu Thành, Tiền Giang. Biết rằng con đường phát triển luôn gặp bắt trắc như khí hậu, sâu bệnh, giá cả… Nhưng bà con làm vườn nhanh chóng khắc phục theo hướng thuận lợi, như cây vú sữ Lò rèn đang bán có giá thì bị nước mặn lấn vào làm cây héo chết. Có những vườn đang thu hoạch, có vườn vừa cho cây ra hoa đành nhìn cảnh thất bát. Trong cái khó ló cái khôn, con cậu Hai nghiệm ra cây Sa-pô-chê giống Mehico năng xuất rất cao, cây chịu đựng được độ mặn. Độ mặn xâm nhập cây cành xanh lá, thấy thế con cậu Hai phát động trồng cây Sa-pô-chê, bà con Kim Sơn thay đổi giống cây và ổn định được cuộc sống. Bà con nói:

-Thị trường sa-pô-chê giá 6 ngàn đồng trên ký là có lãi rồi, nhưng thực tế giá thị trường vẫn ổn định trên dưới mười ngàn đồng ký, cây không bị chết héo vì độ mặn nước biển xâm nhập, cây rất thích hợp với vùng đất bên bờ Rạch Gầm Xoài mút.

Cậu Hai năm nay hơn 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn không lẫn lộn, có những chuyện từ còn tấm bé ông nhắc lại rành rọt. Chuyện ông thường kể là cuộc chiến đánh bại 5 vạn quân Xiêm trên dòng sông khi xưa cho con cháu nghe trong nhưng ngày giỗ quảy.

Tôi đứng trước ngôi nhà xi măng cốt thép xây dựng theo lối mới rất hoành tráng trên phần vườn cậu Hai. Anh Ba làm chủ nhiệm Câu lạc bộ làm vườn, rất có uy tín trong việc truyền đạt kinh nghiệm trồng cây ăn trái, anh đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân giỏ cấp tỉnh, và được đi dự ở Trung Ương. Bên cạnh đó anh Ba còn nắm bắt giá cả các loại trái cây, loại nào xuất khẩu được ưa chuộng và được giá, truyền đạt cho bà con những kinh nghiệm quý báu nghề làm vườn.

Tôi bắt tay với anh Ba, mà cảm nhận sự thông minh nhạy bén của anh đã có sẵn trong máu, trong đất địa của người dân bên bờ Rạch Gầm Xoài Mút hàng trăm năm trước.

Mặt sông Rạch Gầm mênh mông sóng nước, nước vẫn xuôi dòng vô tư lự, nhưng bên dưới dòng nước là sự chuyển hóa đào thải làm thanh lịch dòng sông, và làm chứng nhân cho sự thăng trầm của dòng lịch sử một vùng đất nước. Tôi thấy mình tự hào được sinh ra và lớn lên giữa hai nhánh sông lớn nhất ở đồng bằng sông cửu Long./.

N.H