Chuyện của Phù Vân và quan niệm về văn xuôi của Vũ Khắc Tĩnh

612

Nguyễn Tấn Ái

(Về tập truyện Chuyện của Phù Vân, tác giả Vũ Khắc Tĩnh. NXB Hội Nhà Văn 2020)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không chọn cách kiến tạo cuộc đời từ một vị trí xã hội, anh chọn giải pháp áo cơm, và trôi dạt. Trải nghiệm bất đắc dĩ ấy đã trở thành vốn sống để mười mấy năm qua hơn mười đầu sách ra đời. Và rất lạ, vết xước cuộc đời lại không mấy khi để lại dấu tích trên trang viết, Vũ Khắc Tĩnh của văn chương vẫn mộng mơ yêu đời như thuở đôi mươi còn lơ ngơ dưới mái trường trung học Trần Cao Vân. Một tâm hồn thánh thiện. Chuyện của Phù Vân là những trang viết rất lành như thế.

Nhà văn Vũ Khắc Tĩnh

Người đọc thường gặp nhau ở điểm: Đọc thơ để hiểu tác giả, đọc văn để hiểu cuộc đời.

Với một cuộc đời không ít biến động và thật nhiều dao động như nhà văn Vũ Khắc Tĩnh thật có nhiều chất liệu để thành văn. Và Chuyện của Phù Vân là những dao động đi về giữa hai miền Trung – Nam, cũng là hai quê xứ ăn vào máu thịt của Vũ Khắc Tĩnh.

Sinh ra lớn lên ở miền Trung gió bão, và cơn bão thời cuộc 1975 đã quạt vào cuộc đời của thế hệ anh một dấu ấn khó phai: giã từ tuổi học sinh trung học với nhiều mộng tưởng lơ ngơ, đối diện với cơm áo nhọc nhằn. Dẫu thời đại rất hào hùng nhưng thế hệ anh có một phần lạc nhịp với cuộc sống, anh thuộc vào số đó. Không chọn cách kiến tạo cuộc đời từ một vị trí xã hội, anh chọn giải pháp áo cơm, và trôi dạt. Trải nghiệm bất đắc dĩ ấy đã trở thành vốn sống để mười mấy năm qua hơn mười đầu sách ra đời. Và rất lạ, vết xước cuộc đời lại không mấy khi để lại dấu tích trên trang viết, Vũ Khắc Tĩnh của văn chương vẫn mộng mơ yêu đời như thuở đôi mươi còn lơ ngơ dưới mái trường trung học Trần Cao Vân. Một tâm hồn thánh thiện. Chuyện của Phù Vân là những trang viết rất lành như thế.

Có lẽ tiêu biểu nhất cho thiên hướng trữ tình trong những trang viết của Vũ Khắc Tĩnh là thiên truyện Người thiếu nữ ở quê và sân ga. Đông là chàng trai ở miền Trung lên Sài Gòn lập nghiệp, phía quê nhà mơ hồ một tình yêu có tên Kim. Truyện cứ mơ hồ một nét mờ nhòe giữa có và không. Hằn lên từ tâm hồn Đông là dòng suy nghĩ: Đời người lang bạt chẳng có trong tay một cái nghề nào cho ra hồn, nên không muốn làm hao mòn đời thanh xuân của bất cứ cô gái nào, mà con gái trong làng này thì lại càng không nên. Toàn truyện cứ như là những trang nhật ký, ngay cả khi nhân vật chính tên Đông xuất hiện truyện vẫn chưa thành truyện, rồi truyện tan loãng vào không gian quê khi nhân vật chính trò chuyện với Thủy, bạn mình, về nụ hôn đến muộn. Truyện hé lộ một quan niệm truyện ngắn của tác giả: là những ghi chép đời thường. Quan niệm này cơ hồ mất đi từ buổi Thạch Lam bỏ chúng ta đi. Và nó đã về với một thế hệ văn chương lớp anh, như một hồi cố.

Biển ở quê xoay quanh chuyện tình của Ba và Thúy. Một câu chuyện tình trên nguồn dưới biển dễ thương và cảm động, cái tình quê kiểu mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên là bảo chứng đáng tin cậy nhất của tình yêu. Truyện là một hoài niệm xưa, là khát vọng êm đềm khi mà ngày nay mọi giá trị đổi thay nhiều quá! Không cốt truyện, không kịch tính mà bận bịu một tấm lòng là đặc điểm truyện của Vũ Khắc Tĩnh.

Thời gian đi mãi là một bài thơ dài bất tận về quê hương, con người. Thiên truyện có lẽ dành tặng những ai muốn tìm lại thời gian đã mất. Truyện giàu nữ tính, lặng lẽ, tâm tư. Nó cũng giống như phần lớn truyện của anh vốn không giành cho bạn đọc hiếu sự.

Với những thiên truyện như thế, Vũ Khắc Tĩnh đã có duyên khi dặt vào không khí truyện những dòng thơ văn xuôi lặng lẽ làm chuyện đã mềm lại thêm mượt mà: Về lại quê cảm thấy tâm hồn bình yên, bước chân nhẹ nhàng như một dải mây trắng bay trên bầu trời (Người thiếu nữ ở quê và sân ga); Quê nhà tôi là một miền hoang dã./ Không có một con sông nào./ Ao hồ thì rất nhiều và chỗ nào cũng có./ (Thời gian đi mãi).

Mảng chủ đề này phù hợp với qua niệm văn xuôi của Vũ Khắc Tĩnh: Khi viết, tôi không nhìn thấy sự khác biệt giữa truyện ngắn và thơ. Thật vậy, cảm xúc tuôn chảy đã xóa nhòa “ranh giới” của hai loại hình nghệ thuật (Lời tự bạch của tác giả).

Nếu như với phần lớn các nhà văn, truyện ngắn là lát cắt của cuộc sống, là khe cửa hẹp để nhìn ra hiểu ra toàn bộ cục diện thế giới thì quan niệm truyện ngắn của Vũ Khắc Tĩnh không thế. Truyện của anh là những mảng đời thường thảng hoặc đan xen vài điều đáng nhớ, đôi khi nó thành truyện chỉ vì vướng vất một chút thơ. Với Vũ Khắc Tĩnh, viết văn là da diết thêm lần nữa với quá khứ, một đặc trưng mỹ cảm thường thấy ở những con người xa quê. Và tôi trân trọng mỹ cảm văn chương ấy. Có thể khảo sát quan niệm ấy qua Chuyện của Phù Vân, thiên truyện được dùng làm nhan đề cho tập truyện. Nhân vật chính là Phù, cốt truyện là chuyện tình của Phù với Vân, chất truyện là những băn khoăn của nhân vật về tình duyên. Truyện có cái kết bỏ ngõ khi mí mắt của Phù cụp xuống, không theo nốt nổi chuyện mình. Mà dù kết hay không kết cũng thế, ta biết họ sẽ nên vợ nên chồng, sẽ rất bình yên khi được bọc bởi không khí làng quê. Cái làng quê điển hình của những năm tám mươi về trước. Và phỏng đoán này còn đến bởi mô-típ kết của Vũ Khắc Tĩnh, dù không gian truyện có biến động thì truyện của Vũ Khắc Tĩnh bao giờ cũng có một cái kết có hậu. Nó đến từ mong ước của tác giả hơn là từ đời sống. Cõ lẽ Vũ Khắc Tĩnh đã chọn ứng xử văn chương như thế. Cũng vì thế, nhịp điệu cuộc sống trong truyện Vũ Khắc Tĩnh có phần lệch pha với nhịp điệu cuộc sống, và cũng khó có tương tác toàn vẹn giữa tác giả và bạn đọc khi mà cuộc sống hiện tại ở quê đâu chỉ có những yêu thương mà còn hằn lên bon chen, đố kỵ, biển lận, tham lam vốn là chất liệu của những phiên tòa, những trang thời sự.

Mà không sao, trong các cuộc chơi, cũng cần có những cuộc thầm lặng như Vũ Khắc Tĩnh đã thiết kế!

Phong cách là cái riêng, là vệt cảm hứng đậm nét trong đời cầm bút của tác giả. Vậy thì có thể nói với Vũ Khắc Tĩnh đời mải miết là những trang thơ, bất kể giông tố sóng ngầm!

Một tình yêu đời đáng quý xiết bao!

Quê nhà tháng 8 năm 2020

                                                                                    N.T.A