Chuyện đời sóng gió của nữ nhà văn Pháp từng đạt giải Nobel Văn học

215

Annie Ernaux đưa vào các tác phẩm những trải nghiệm rất riêng, những hồi ức kìm nén về góc khuất của cuộc đời mình.

Nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux sinh năm 1940, được trao Giải thưởng Nobel Văn học năm 2022. Đáng nói hơn, bà là người phụ nữ Pháp đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học.


Viện hàn lâm Thụy Điển ca ngợi về “sự can đảm và nhạy bén” trong các tác phẩm của bà

Annie Ernaux lớn lên tại thị trấn nhỏ Yvetot ở Normandy, trong một gia đình cả cha mẹ làm nghề buôn bán. Năm 12 tuổi, bà từng chứng kiến cảnh bố muốn sát hại mẹ mình. Trong cuốn “Shame” (Nỗi hổ thẹn), bà chia sẻ: “Cha tôi đã cố giết mẹ tôi vào một ngày chủ nhật tháng 6, đầu giờ chiều”.

Trong thời gian đó, bà học tại một trường trung học công giáo tư thục ở Yvetot. Ở trường, bà được tiếp xúc với những bạn nữ khác có xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Điều này khiến bà xấu hổ vì bố mẹ bà đều xuất thân từ tầng lớp thấp kém hơn.

Bà bắt đầu có những ký ức “tiêu cực” năm 18 tuổi. Trong dịp ở cùng một nhóm người trong một trại hè, bà đã có trải nghiệm về lần quan hệ tình dục đầu tiên trong đời. Sau đó, bà phát hiện mình mang thai ngoài ý muốn.

Sự giằng xé trong quyết định bỏ hay giữ đứa bé trong bụng và đối diện với trách nhiệm làm mẹ là một cú sốc lớn đối với Annie Ernaux tại thời điểm đó. Tất cả những giới hạn cảm xúc ấy đã được bà thể hiện trong cuốn A Girl Story (Hồi ức thiếu nữ), từng bán chạy tại Việt Nam một thời gian.


Cuốn hồi ký “A Girl Story” (Hồi ức thiếu nữ) được Nhã Nam phát hành vào đầu năm 2021

Theo The Observer, năm 1964, bà kết hôn với người đàn ông có tên Phillipe Briot và họ đã chung sống với nhau tới năm 1981. Cuộc hôn nhân này kết thúc chỉ vài năm trước khi ông Phillipe qua đời vào năm 1985. Nguyên nhân cái chết của chồng bà đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Sau 17 năm chung sống, cả hai đã có 2 người con trai là David và Eric.

Hành trình trở thành nữ nhà văn của bà khá gian truân và thử thách. Ngay từ khi còn là sinh viên đại học, các tác phẩm bà viết đều bị từ chối với lý do “quá tham vọng”. Bà đã gần như từ bỏ sự nghiệp của mình cho đến năm 30 tuổi, khi đảm nhiệm vai trò vừa là mẹ vừa là cô giáo dạy tiếng Pháp.

Theo The Guardian, cuốn Cleaned Out là tác phẩm đầu tay của bà sau thời gian quay trở lại nghề viết lách. Vì người chồng luôn luôn xem thường khả năng của bà nên cuốn tiểu thuyết được hoàn thành một cách lén lút.

Sau khi biết tin bà bán quyển này cho nhà xuất bản Gallimard, ông chồng đã nổi cơn thịnh nộ. Không dừng lại ở đó, bà tiếp tục với tác phẩm mới A Frozen Women (Những người đàn bà hóa đá) vào năm 1981 khi cuộc hôn nhân của bà đã hoàn toàn hết hi vọng. Bà khẳng định không bao giờ tái hôn và vui vẻ với cuộc sống tự do của mình.

Getting Lost (Đi lạc) là bút ký nguyên bản mà bà đã viết trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 1990. Trong đó, bà tiết lộ về cuộc tình vụng trộm với một nhà ngoại giao ở Paris. Mối tình này kéo dài 18 tháng. Khi đó, bà 48 tuổi, đã ly hôn và có hai con trai trong khi người đàn ông trẻ hơn bà 12 tuổi và đã kết hôn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ ngoài luồng này là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi ai là phụ nữ cũng đều khao khát hạnh phúc lứa đôi. Việc có được những trải nghiệm yêu đương không chỉ giúp bà thỏa mãn cảm xúc cá nhân mà còn tạo ra hai tác phẩm để đời cho nền văn học Pháp. Sau cuốn Getting Lost, bà tiếp tục ra đầu sách Simple Passion (Đam mê giản đơn) khắc họa chuỗi ngày tháng quen nhau giữa bà và người tình kém tuổi.

Xuyên suốt các tác phẩm của bà là những hồi ức riêng tư kết hợp với yếu tố chính trị. Bà đã dùng ngòi bút văn chương để thể hiện sự bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt đối với phái nữ. Bằng việc mổ xẻ tất cả những góc khuất của cuộc đời mình, bà đã góp phần tạo nên tiếng nói chung cho phụ nữ Pháp và phụ nữ trên thế giới về những vấn đề nổi cộm những năm 1990.

Theo Đàm Yến/Báo Dân Trí