Chuyện năm xưa: Tập kết 1954 – Cuộc di dân lịch sử

589

Nguyễn Tấn Thành

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiến thắng Điện Biên thắm thoát đã 60 năm qua nhưng ý nghĩa lịch sử của nó vẫn không thể nào quên với nhân dân Việt Nam. Dấu ấn thời sự đậm nét trong cuộc đấu tranh giải phóng chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam là cuộc tập kết năm 1954 sau cột mốc thời gian chiến thắng lừng danh đó.

Nhìn tổng thể, đây là cuộc chuyển quân có kế hoạch trong cuộc đấu tranh giữa một dân tộc nhỏ bé còn bị nô lệ trước một kẻ thù xâm lược to mạnh hơn nhiều lần về vũ khí và đạn dược. Cuộc tập kết hoành tráng và hào hùng này được coi là hệ quả tất yếu của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động hoàn cầu, làm nên thiên sử vàng Việt Nam chói lọi.

Sau thông báo của đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội, đài Phát thanh Sài Gòn và các nhật báo Thần Chung, Tiếng Chuông… về Chiến Thắng Điện Biên Phủ ngày 7/05/1954 là không khí xuống đường chào mừng vỡ òa trong cả nước. Nhân dân ta từ Nam tới Bắc, từ thành thị đến nông thôn, tai không lúc nào rời khỏi thông tin từ các đài phát thanh để theo dõi diễn biến trong từng giây phút của thời điểm lịch sử.

Ngày ấy, tôi đang học lớp Đệ Lục (lớp 7 bây giờ) tại trường Trung học Phan Thanh Giản – Cần Thơ, với lòng mong mỏi đất nước được hòa bình, đầu óc không lúc nào rời xa những tin tức thời sự nóng hổi từ các cuộc chiến đấu trong nước mà hiện tại cao điểm là mặt trận Điện Biên Phủ ở miền Bắc. Sau khi tiếp nhận vui chiến thắng lớn của dân tộc, chúng tôi hồ hởi vui mừng với hy vọng được sống độc lập tự do sau gần 100 năm bị thực dân Pháp cai trị. Lòng phơi phới như mở cờ, ngay lúc chuông nhà trường báo giờ tan học, vừa ra khỏi cổng, đám học sinh chúng tôi náo nức đổ nhanh về hướng ngả ba lộ Hòa Bình – Tự Đức (ngả ba Hòa Bình – Lý Tự Trọng hiện nay).

Đây là nơi hội tụ nhiều đoàn mít-tinh chào mừng chiến thắng lớn của dân tộc Việt Nam do quần chúng tự nông thôn rầm rộ kéo về với mặt mày rạng rở và cờ đỏ sao vàng phấp phới trên tay. Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm/Hoan hô chiến thắng Điện Biên… với khí thế mãnh liệt tràn ngập vẻ tự hào giữa những con đường hai bên quần chúng đứng xem dày đặc. Bỗng có tiếng nổ chát chúa, hóa ra đó là tiếng súng thị oai muốn cản trở đoàn người mít tinh của mấy tên lính bộ phận giáo phái của Đại đội Hai (1) thân Pháp đóng quân ở Xóm Chài ngang bến Ninh Kiều (nay là phường Hưng Phú) làm giật mình đám học sinh chúng tôi đang háo hức tò mò đứng xem.

Hai tháng sau thất trận nặng nề của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, hiệp định Genève được ký kết giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp tại Thụy Sĩ. Hai bên bắt đầu tiến hành thực hiện từng bước các điều khoản qui định để vào năm 1956 tức là hai năm sau sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Theo đó, Pháp bắt đầu rút quân hết khỏi Việt Nam và quân đội Việt Minh củng thực hiện cuộc tập kết tức là cuộc di chuyển hết quân đội, cán bộ Việt Minh và bộ phận liên quan từ miền Nam ra miền Bắc; hai bên lấy vĩ tuyến 17 cụ thể bằng con sông Bến Hải làm ranh giới. Từ bấy giờ, nước Việt Nam tạm chia thành hai miền: miền Bắc theo chính thể Dân chủ Cộng hòa bắt đầu tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam theo chế độ Cộng hòa với sự bắt đầu can thiệp của Mỹ (với con bài Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về) âm thầm thay thế Pháp (với Bảo Đại bù nhìn trước đây) trên đấu trường chính trị quốc tế.

Ở miền Nam, cuộc động quân tập trung vào các địa điểm: Xuyên Mộc (miền Đông), Cao Lãnh, Chắc Băng (miền Tây), Hàm Tân (miền Trung)… Thành phần tập kết là cán bộ, bộ đội, con em cán bộ, bộ đội, các thiếu nhi mù chữ theo cha mẹ ra Bắc học tập (chủ yếu thiếu nhi được tuyển mộ vào dân quân chánh, tình báo – Thành phần này, sau giải phóng tại Cần Thơ có: Sáu Lễ (Văn hóa Thông tin) chồng của Phùng Anh (Viện Bảo tàng), Ba Đức (Sở Công nghiệp), Hoàng (Điện lực), Công (Sở Xây dựng), Sáu Mẫn (đài Phát thanh), Tô Dự (Hội Mỹ thuật), Huỳnh Thế Phương (đài Phát thanh Truyền hình). Hiện nay có đồng chí Trần Phương – Biên tập viên đài Phát thanh Truyền hình TP Cần Thơ, đang phụ trách mục Đọc truyện Đêm khuya, trước đây anh cũng đảm nhiệm mục này ở đài Tiếng Nói Việt Nam tại Hà Nội trong thời chống Mỹ.

Dân quân tập kết xuống tàu di chuyển ra Bắc, tập trung ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa rồi từ đó được đưa đi các nơi khác. Cảm động nhất là cảnh tiễn đưa giữa người ra đi và kẻ ở lại trong hoàn cảnh là vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè hoặc người yêu… Xúc động nhìn nhau trong hoàn cảnh đau lòng tạm chia tay, tràn ngập luyến lưu và bịn rịn, họ đưa lên hai ngón tay thành hình chữ V ngụ ý hẹn ngày về trong chiến thắng (Victory/Victoire) hoặc mong sẽ tái ngộ 2 năm sau. Thật là một cuộc tiễn đưa lịch sử đầy nước mắt.

Ở miền Bắc, quần chúng đi ở cũng tự do. Ai muốn đi, tự do xuống tàu vào Nam. Bọn tuyên truyền phản động lén nhỏ nước vào mắt tượng Đức Mẹ ngụ ý đã rơi lệ khi nhìn các con chiên vào Nam. Tôi còn nhớ, vào năm 1954, ở Sài Gòn lúc bấy giờ có phim Chúng tôi muốn sống do hãng phim Mỹ Vân sản xuất, do hai minh tinh Liên Hương, Hoàng Vĩnh Lộc đóng vai chính, mang nội dung tuyên truyền, cổ vũ cho phong trào di cư của đồng bào từ Bắc vào Nam với những cảnh quay rất sống sượng và giả tạo. Từ đó, bộ phim không những vô tác dụng mà còn phản tuyên truyền cho chính quyền Ngô Đình Diệm.

Sau khi cuộc tập kết ổn định ở Bắc, cán bộ từ miền Nam ra được học theo ngành nghề. Học sinh miền Nam tập trung học ở Hà Đông, Đông Triều, Hải Phòng… Họa sĩ Tô Dự lúc đó theo học ở trường Mỹ thuật tại Liên Xô, về dạy Mỹ thuật tại Hà Nội, sau làm báo Nhân Dân rồi vượt Trường Sơn về Nam vào năm 1973.

Nhìn chung, tâm trạng chung của cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ở Bắc là nỗ lực học tập cho có nghề để sau này về miền Nam phục vụ với lòng mong mỏi tới ngày Tổng tuyển cử thống nhất hai miền vào năm 1956. Nhưng do sắp đặt của Mỹ nên không có cuộc Tổng tuyển cử, nên một số cán bộ miền Nam thắc mắc… có người yêu cầu được giải thích.

Nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ đưa tới hiệp định Genève và sự kiện tập kết lịch sử cũng vào năm 1954, dân tộc Việt Nam có được nửa nước. Thời gian hai năm chờ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, trên mặt trận đấu tranh chống đế quốc Mỹ lúc bấy giờ, ta còn có hai người anh lớn là Liên Xô và Trung Quốc tích cực hỗ trợ chiến đấu dẫn tới hiệp định Paris (năm 1972) thắng lợi nghiêng về Việt Nam để ba năm sau (1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, ta được trọn vẹn cả một giải non sông gấm vóc từ Bắc tới Nam.

 

Tóm lại, sự kiện tập kết năm 1954 có thể coi là một cuộc di dân lịch sử có tổ chức, thi hành theo hiệp định Genève sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ có người trong cuộc mới biết rõ hơn là đã tốn bao nhiêu nước mắt, máu xương mà cũng rất đổi tự hào trong hoàn cảnh ngày Bắc đêm Nam hoặc ngược lại, kéo dài dăng dẳng suốt hai mươi mốt năm khói lửa. Nhưng thành tựu sau xa của sự kiện chính trị này đích thực là cực kỳ lớn lao vì tác động đến các nước

Lào và Cam-pu-chia. Nó lần lượt xóa hẳn hình bóng bọn lính viễn chinh Pháp trên bán đảo Đông Dương (khi đó gọi là bán đảo Ấn Trung- Indochine) gồm ba nước Việt Nam – Lào -Campuchia. Trước đây, trên bản đồ thế giới ít ai để ý tới một đất nước mang tên hai tiếng VIỆT NAM khi ta chưa độc lập mà chỉ gọi tên ba miền là: Tonkin (Bắc Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Cochinchine (Nam Kỳ).

Điều này cho ta thấy chỉ trong 50 năm so với quá trình hơn 4 nghìn năm lao động dựng nước và đấu tranh giữ nước, dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành quả thần kỳ. Đó là sự khai sinh ra một nước độc lập, tự do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chiến thắng Điện Biên Phủ nức tiếng trên địa cầu và một Đại thắng mùa Xuân oanh liệt, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ ba miền trong đó sự kiện Tập kết năm 1954 là cột mốc lịch sử không thể nào quên.

N.T.T

(1) Đại đội trưởng Đại đội Hai giáo phái thân Pháp có thói quen cho thuộc hạ tra khảo phạm nhân của ông ta bằng chày vồ giả gạo, nên người ta thường gọi ông là Hai Chày Vồ.