Chuyện nghe kể vào đêm trước ngày lấy chồng – Truyện ngắn Lê Ngọc Minh

675

Ngày mai tôi về nhà chồng. Chồng tôi là con trai cả của một gia đình gốc Hà Nội nhiều đời làm nhà giáo, họ hàng nội ngoại đông đúc. Tôi lo lắng đã hàng tháng nay. Cứ rỗi lúc nào tôi lại hỏi kinh nghiệm của mẹ. Mẹ dặn đủ thứ nhưng trước mỗi lần kết thúc, mẹ lại bảo: “Chờ bà nội ra, bà nội sẽ chỉ bảo kỹ lưỡng cho”.

Bà nội ở quê ra dự đám cưới đứa cháu gái ruột là tôi đã bốn hôm rồi. Bà tôi năm tám tuổi, còn khỏe mạnh nhanh nhẹn, duy mái tóc dài và dầy của bà đã muối tiêu quá nửa. Bà có nụ cười rất tươi. Trên đôi má đã nổi đốm mồi của người đang đi xuống phía bên kia cuộc đời vẫn còn dấu vết của đôi lúm đồng tiền duyên dáng. Bà tôi có giọng nói thủ thỉ và trong dìu dịu. Điều đặc biệt là từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bắt gặp bà có biểu hiện giận dỗi ai ra mặt bao giờ. Nội tôi là cựu hiệu trưởng một trường cấp III ở quê, mới nghỉ hưu hồi tháng sáu năm rồi.


Nhà văn Lê Ngọc Minh.

Lâu lâu mới được rúc đầu vào ngực nội mà nằm, tôi cảm thấy người bà ấm lạ lùng. Nội vuốt tóc tôi, khen nó đen và dầy như tóc của bố tôi. Tôi đột ngột nũng nịu hỏi bà nội:

– Bà ơi! Ngày xưa bà yêu thế nào ạ?

Bà nội ôm chặt lấy vai tôi, áp má vào tóc tôi và nói:

– Bố mày, sao tự nhiên lại khảo bà chuyện xửa xưa ấy?

Tôi đáp:

– Dạ! Vì con muốn biết ông nội con yêu bà nội thế nào mà bà nội gắn bó với gia đình ông nội đến thế. Ông nội có yêu bà nội nhiều không?

Bà nội:

– Nhiều! Dù nói nhiều cũng không thể hết được! Đến lúc chết, ông nội con vẫn luôn bên bà. Người đâu mà chu đáo thế chứ!

– Bà ơi! Tôi vẫn nũng nịu tiếp với bà – Ngày mai, con về nhà chồng rồi. Con biết chồng con rất yêu con. Nhưng con vẫn muốn biết thêm cách thức làm vợ, làm dâu thế nào ạ. Bên nhà chồng con đông người lắm, tứ đại đồng đường bà ạ.

Bà nội đáp:

– Thế là có phúc đấy! Ngày trước, bà về làm dâu họ Lê Văn nhà mình cũng tứ đại đồng đường, đấy con.

– Vâng! Con nghe bố con kể, ngày cưới của ông bà không có ông nội đi rước dâu. Bố con nói thật hay là nói đùa, bà nội? – Tôi hỏi bà nội rồi kèm theo lời bình luận – Tính bố con hay đùa lắm. Ngày nào, bố con cũng có một vài câu nói đùa làm cho cả nhà vui.

Bà nội:

– Chuyện này thì bố con không đùa đâu? Ai lại đi đùa một việc hệ trọng như vậy?

Tôi lặng đi giây lát rồi nói bằng giọng xúc động:

– Bà nội ơi, ngày mai con về nhà chồng rồi. Con nghĩ cuộc đời bà là một tấm gương làm người, làm vợ, làm dâu, làm mẹ xuất sắc. Bà goá bụa khi chưa đầy hai mươi tuổi, bà gây dựng cho bố con nên người, bà thành đạt trong sự nghiệp, hai tám tuổi đã là hiệu trưởng một trường cấp III; bốn lăm tuổi đã trở thành nhà giáo ưu tú. Bà nội ơi, ý chí ở đâu, sức lực ở đâu mà giúp bà làm được nhiều việc thế?

Bà nội lại áp má vào tóc tôi, thủ thỉ nói:

– Bởi vì, bởi vì …ông nội con yêu thương bà nhiều lắm…

Nội tôi là con gái một người đàn bà ngụ cư ở làng Hòa Yên của họ Lê Văn, một họ lớn nhất làng tôi. Một buổi sáng, sương mù còn mờ mịt, những người đi đổ đó bên mấy con ngòi chảy ra sông Cá, nhìn thấy một người đàn bà có mang, mình bê bết bùn nằm ngất bên bờ sông. Họ cứu được bà. Bà khai bà là du kích từ vùng tề điệp ngoài Ninh Bình bị địch săn lùng, hai đồng đội nam, trong đó có chồng đã đính hôn của bà chạy rẽ theo hướng khác đánh lạc dấu vết để cứu mẹ con bà. Bà phải chạy suốt đêm và ngất lịm ở đây, bên bờ sông Cá.

Người ta không tin lời bà nhưng rồi cũng cho bà dựng một túp lều gần xóm thuyền chài lấy chỗ trú thân và chờ ngày sinh nở.

Là dân ngụ cư lại bị nghi ngờ là quân trốn chúa lộn chồng nên cuộc đời người đàn bà cơ nhỡ này vô cùng nan giải. Nhất là khi cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra. Bà bị theo dõi như một phần tử đen. Có lúc chính quyền xã định trục xuất bà đi nơi khác. Nhưng trục xuất đi đâu? Cuối cùng thì họ vẫn phải cho bà ở lại nhưng đưa vào trong xóm , gần ngã ba đầu làng để dễ bề kiểm soát, theo dõi.

Nếu người đàn bà ấy không có tay nghề bốc thuốc nam y, không chịu thương chịu khó lam làm và hay giúp đỡ người khác thì dù có vào ở trong xóm rồi cũng không thể sống nổi.

Có lúc ông xã đội trưởng định tống khứ bà theo các gia đình đi khai hoang trên tận gần biên giới Việt Lào nhưng cũng là lúc vợ ông ta bị đẻ ngược, thai không ra được. Người đàn bà ngụ cư đã mát tay, đỡ cho vợ ông, mẹ tròn con vuông, đứa con trai hiếm muộn, nặng ba cân tư được khóc chào đời, tiếng khóc to như xé vải. Thế là bà được ở lại làng. Những năm khó khăn giặc giã, ở cái làng Hòa Yên xa lắc xa lơ tỉnh lỵ, huyện lỵ, người đàn bà ngụ cư ấy nghiễm nhiên trở thành bác sỹ của cả vùng. Tuy nhiên, địa vị ngụ cư thì vẫn là ngụ cư thôi. Bà vẫn bị theo dõi bằng cách, nếu lên huyện thì phải báo cáo cho đội trưởng sản xuất biết, nếu lên tỉnh thì phải được xã đội cấp giấy thông hành có thời hạn.

Đứa con gái bà sinh ra được cái lớn nhanh và chẳng tật bệnh gì. Đã thế cô bé lại xinh xắn, hai cái lúm đồng tiền khi nói khi cười khiến ai cũng phải dịu con mắt nhìn. Cô lại khá thông minh, học ở lớp nào cũng thường đứng đầu lớp.

Đến năm vào học cấp III thì cô lớn vổng lên, cao hơn các bạn nữ trong lớp đến gần nửa cái đầu. Cô vào đoàn rất khó vì lý lịch không rõ ràng. Nhưng rồi cô cũng vào được, vì cô học giỏi, công tác gì cũng đi đầu tầu lại biết thu hút bạn bè xúm tay cùng làm, lại không có biểu hiện gì liên quan đến địch. Vào đoàn cuối năm thì giữa năm sau cô được các đoàn viên trong chi đoàn bầu làm bí thư đoàn lớp.

Trong lớp có cậu Chính, lớp trưởng học với cô từ hồi cấp II, là bạn trai thân nhất. Cụ nội của Chính, người có hiểu biết về nhân dạng, cụ luôn khen cô bạn tên Xuân của Chính có tướng thiện nhân và nhiều phúc phận. Cụ cũng mừng vì cậu Chính tuy còn trẻ tuổi nhưng biết quý trọng những người cơ nhỡ, cảm thông với những số phận éo le, bất hạnh trong làng xã mà mẹ con cô bé Xuân đang phải gánh chịu là người khốn khổ nhất. Tất cả những chuyện đó, Chính để kể cho Xuân nghe. Xuân rất cảm động, nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Đến trước tết, năm học cuối cấp, một buổi tối hai người đi học nhóm về , Chính cởi phăng cái áo đang mặc áo dúi vào tay Xuân cùng mấy chữ viết nắn nót: “Chính yêu Xuân lắm! Chúng mình mãi mãi bên nhau nhé”. Xuân khóc ròng cả đêm. Mừng lắm! Lo lắm! Hy vọng lắm! Không mừng, không lo, không hy vọng sao được khi cô đang bị mang tiếng là đứa con hoang của người đàn bàn ngụ cư, mà được một trai làng học giỏi, đẹp trai con nhà gia giáo tỏ tình.

Nhưng ngay sau đó là rắc rối. Từ cụ nội đến ông nội đến bố của Chính đều phản đối quyết liệt chuyện của hai người. Theo họ, cậu Chính có thể cảm thông chia sẻ, có thể giúp đỡ cô Xuân bất cứ việc gì nhưng không thể yêu, không thể cưới Xuân làm vợ được. Không môn đăng hộ đối! Dứt khoát không! Nhà Chính có ông tổ là người khai mở ra cái làng Hòa Yên này. Hiện cụ được thờ là Đức Thành hoàng của làng. Hai mươi đời người hơn bốn trăm năm, đời nào họ Lê Văn cũng có người đỗ đạt, danh tiếng. Hiện tại, tính từ ông nội, bố mẹ Chính, đến các cô các chú trong nhà có cả thảy mười hai đảng viên, tám kỹ sư và người tốt nghiệp đại học. Ông chú sát với bố của Chính đang làm đến chức tỉnh đội phó. Một gia đình danh giá bậc nhất của làng Hòa Yên và có tiếng trong huyện không thể thông gia với một người đàn bà ngụ cư, lai lịch không rõ ràng, không thể cưới một cô gái không có bố cho đứa cháu đích tông, học giỏi thông minh có tiếng, khỏe mạnh đẹp trai, tư chất con nhà nòi như Lê Văn Chính được.

Cả hai gia đình đều bế tắc. Kẻ lo mình thiếu lượng bao dung, người tủi cho thân phận lênh đênh bèo bọt, ngụ cư trôi dạt.

Chàng trai và cô gái đang yêu nhau, cởi áo tặng nhau như Chính đã làm cũng bế tắc cùng cực, đau khổ cùng cực.

Tắc cùng sinh biến. Dù ông bố canh phòng, cấm đoán, đêm đêm sau khi học bài xong, chàng trai vẫn hò hẹn gặp được cô gái cho dù ban ngày họ đã mấy lần trông thấy nhau ở lớp.

Anh có mẹo trốn nhà đi gặp người yêu thật quỷ quái. Anh mắc chiếc võng bộ đội ở ngoài hiên, mắc màn sẵn, nói là học bài xong thì ra đó ngủ luôn cho mát. Thế rồi học bài xong, quan sát thấy người trong nhà đã đi ngủ cả, anh lẹ làng bê hòn đá lăn đặt vào đó. Đôi dép thì để nghiêm chỉnh bên dưới. Cứ thế, đêm đêm anh biến khỏi nhà một tiếng đi gặp cô Xuân. Nhưng rồi cái trò quái quỷ ấy cũng bị lộ. Ông bố nổi giận xung thiên lật địa. Ông bắt anh vác hòn đá lăn ra công Cái, ném. Ông chặt vụn cái võng và chiếc màn bộ đội đi. Ông nhắc lại với đứa con trai duy nhất, đứa cháu đích tông của dòng họ Lê Văn: “Không thể lấy cái Xuân làm vợ được! Không môn đăng hộ đối! Dứt khoát không!”. Cả khi, chàng trai đi bộ đội vào những ngày bom đạn tơi bời tháng 5/1972, gia đình họ Lê Văn cũng không đồng ý cho anh yêu thuơng đính ước gì với cô Xuân, con gái người đàn bà ngụ cư không rõ lai lịch.

Rất nhọc nhằn khó khăn về chuyện lý lịch không rõ ràng nhưng rồi cô Xuân cũng thi đỗ vào trường đại học Sư phạm Vinh, khoa Văn. Có kỳ nghỉ học kỳ I năm thứ nhất gần nửa tháng, cô quyết định đi thăm Chính. Cô không biết cụ thể anh đang ở đâu, chỉ dò theo địa chỉ hòm thư đoán chừng là anh đang ở địa phận tỉnh Quảng Bình. Năm trăm cây số đường chim bay mà cô phải vượt, một cái địa chỉ mà cô sẽ phải hỏi thăm khắp nơi ở tỉnh Quảng Bình trong thời chiến. Hành trang của cô chỉ có hai bộ quần áo, tấm thẻ sinh viên và ba chục bạc bà mẹ ở quê mới gửi cho.

Mất năm ngày, hết nhờ xe quân sự, đi tàu hỏa, đến đi thuyền, đi bộ, đi xe đạp lai. Cô đã tìm được địa chỉ đóng quân của anh ở một thôn tại huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Khỏi nói là anh Chính mừng đến mức nào, cả tiểu đội anh và hai tiểu đội trong trung đội mừng cho anh đến chừng nào. Bà mẹ Quảng Bình tên Hon cứ trầm trồ khen cô giáo trẻ, đẹp chi đẹp rứa. Bà sai bộ đội xuống ao đánh cá, bà thịt hai con gà sắp nhảy ổ thết cô Xuân và ba tiểu đội lính. Mẹ Hon là mẹ liệt sỹ, con dâu mẹ đang đi dân công hỏa tuyến, ở nhà với mẹ chỉ có đứa cháu trai kháu khỉnh năm tuổi.

Bữa liên hoan chưa kịp kết thúc thì đơn vị có báo động hành quân dã ngoại. Những người lính vội địu sọt gạch ba lăm cân cùng sống ống đạn dược dời khỏi nhà. Mẹ Hon kể với cô Xuân, mẹ có được đứa cháu trai này là một lần mẹ gặp may,mẹ đưa người con dâu đi thăm con trai mẹ đang đóng quân ở một nơi xa. Mẹ không hỏi chuyện tình yêu của cô Xuân đối với Chính mà mẹ nhìn cô đâu đáu, bảo:” Đêm nay hai đứa bay phải ở với nhau. Giặc giã đạn bom như sung rụng thế ni, không biết rồi ra răng, phải có người để còn đánh thằng Mỹ lâu dài chứ!!! Nhìn bay, mẹ biết là làm vợ làm chồng với nhau được rồi!”

Cô gái đỏ mặt từ chối. Khi các anh bộ đội đi hành quân dã ngoại về, không biết mẹ Hon nói lúc nào mà các chàng lính trẻ trong nhà mẹ sơ tán hết còn mỗi anh Chính ở lại. Mẹ lại nói với Chính câu mẹ đã nói với cô Xuân. Cả hai lại đỏ mặt ngần ngừ, từ chối. Mẹ Hon dỗi. Dỗi rồi mẹ bế đứa cháu trai, nói với hai người, mẹ phải đưa cháu mẹ về bên ngoại thăm ông ngoại cháu mới bị thương ở chiến trường ra.

Đêm đó, trời còn chưa sáng, anh Chính đã phải hành quân vào tuyến trong. Anh và đơn vị đi bí mật đến nỗi lúc cô Xuân sực tỉnh, chỉ còn thấy một trang giấy với dòng chữ đầy yêu thương và hy vọng được viết rất vội của anh Chính để lại.

Bà mẹ Quảng Bình tiễn Xuân ra đến tận quê cô. Bà bảo, dù sống chết khó khăn thế nào bà cũng phải đi. Bà là người tác thành, là chứng nhân của lứa đôi Chính Xuân. Bà là người từ tuyến lửa ra. Lời bà nói sẽ có trọng lượng như bom tấn.

Bà mẹ Quảng Bình đã nói đúng. Có bà đưa cô Xuân về, từ cụ nội đến ông nội, đến bố mẹ và các cô chú dì dượng của anh Chính đều thương cô Xuân, coi cô Xuân là dâu con trong nhà. Cơi trầu, be rượu và mâm xôi gà đầy đặn được bố mẹ Chính đội sang bên nhà bà mẹ cô Xuân để chạm ngõ ngay sau đó.

Bà mẹ Hon Quảng Bình ở chơi cho đến khi xong xuôi đám cưới, một đám cưới không có chàng rể rồi mới trở về quê Quảng Bình. Khi cô Xuân sinh con trai, cô và đại diện họ Lê Văn viết thư vào Quảng Bình xin với mẹ Hon, cho con trai cô nhận mẹ làm bà nội thứ hai.

Nhà họ Lê Văn ăn mừng đầy tháng cho đứa chắt đích tông được 1 tuần thì có giấy báo tử anh Chính hy sinh từ mặt trận Trị Thiên gửi về. Đau thương tác tóc, tiếc thương vô bờ nhưng may còn niềm hy vọng, đó là đứa con trai giống anh Chính như lột.

Chiến tranh kết thúc, trong lúc cô Xuân đang vào mặt trận Trị Thiên để tìm di hài chồng thì ở làng Hòa Yên diễn ra một cuộc tương ngộ lạ kỳ. Một vị đại tá ở chiến trường về, tìm đến nhà bà mẹ của cô Xuân. Ông đại tá dẫn bà đi tìm mộ chồng bà mà hồi năm 1953 ông đã chôn cất kỹ và đánh dấu kỹ. Ông đại tá làm xong việc này thì xin nghỉ hưu. Có đôi quân hàm đại tá, ông tặng người vợ hai mươi ba năm chờ ông ở quê một bên, còn một bên, ông tặng bà mẹ cô Xuân, người chiến sỹ của ông, người vợ liệt sỹ cũng đã hai mươi ba năm chịu bao đau khổ nhớ thương, oan uổng và không nguôi hy vọng.

Cô Xuân đã tìm được mộ chồng trong suốt hơn hai tháng lặn lội tìm kiếm ở miền tây tỉnh Quảng Trị. Trường cấp III của huyện, nơi cô và chồng cô là anh Chính học trước đây được mở rộng thêm. Tại làng Hòa Yên, trường được phép cắm đất để mở phân hiệu, tiền thân của trường cấp III/2. Cô Xuân được điều về đó phụ trách phân hiệu với hai lớp 8 đầu tiên (hệ phổ thông 10 năm trước đây).

Vùng đất nghèo nhưng hiếu học đó chỉ qua sáu năm sau đó đã có mười hai lớp học sinh cấp III, mỗi khối ba lớp, đủ điều kiện để nâng cấp thành trường cấp III/2. Cô Xuân được cử làm hiệu trưởng trường này khi cô mới hai tám tuổi…

Bà nội vừa dừng câu chuyện, tôi đã vội thốt lên:

– Còn hơn cả chuyện cổ tích, bà nhỉ!

Bà nội ấm áp nhìn tôi nói:

– Không đâu con, không phải là chuyện cổ tích. Hồi ấy nhiều người yêu thương nhau còn vất vả gian nan hơn bà với ông nội của con ấy chứ. Càng gian khổ chia ly như thế, càng thấy nhớ thương, càng thấy có thêm hy vọng để biết chờ đợi nhau hơn, đấy con.

– Bà nội ơi! – Tôi hơi ngần ngại rồi hỏi bà – Ông bà yêu nhau đến thế, từ ngày ông nội hy sinh, bà nội có mơ gặp được ông lần nào nữa không?

Bà nội:

– Ông nội con về thường xuyên thăm bà đấy chứ! Nhất là mỗi khi sắp gặp việc hệ trọng, ông đều muốn báo trước cho bà biết.

– Ông thiêng vậy ạ? – Tôi hỏi?

Bà nội đáp:

– Bà nghĩ là ông vẫn luôn bên cạnh bà. Bà không phải là người dị đoan đâu nhưng bà tin, có những người vừa có thể phách, vừa có tinh anh. Những người đặc biệt này Thác là thể phách, còn là tinh anh như cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều. Bà tin, ông nội con là một người như thế. Bà kể con nghe, ông về thăm bà nội nhiều lần và có ba lần ông đã chỉ vẽ cho bà bằng trách nhiệm của người ruột thịt, bằng tinh anh của một người liệt sỹ lúc còn sống đầy đặn nhân hậu, hết lòng yêu thương bà, lúc hy sinh thì dũng cảm can trường – Giọng bà nội như nghẹn lại giây lát rồi bà kể tiếp – Hồi bảy lăm (1975) bà đi tìm di thể ông nội con trong Quảng Trị. Tìm mãi không thấy, bà đã nản, đã ngồi thụp xuống nền rừng, lả đi như một kẻ vô hồn. Trong thoáng chốc đang mơ mơ màng màng tuyệt vọng ấy, chợt hiện lên trước mắt bà một anh bộ đội trẻ măng từ dưới suối đi lên, lời anh bộ đội thoang thoảng như tiếng gió: “Em ơi, anh ở đằng này!”. Bà choàng tỉnh ngay và thật kỳ lạ, buổi chiều hôm đó, bà và những người đi theo giúp đỡ đã tìm được di thể của ông nội con cách bờ suối chỉ khoảng bốn, năm mét, dưới một gốc cây lớn. Trong hài cốt của ông nội con vẫn còn cái lọ pinicilin đựng mảnh giấy ghi rõ họ tên, quê quán.

Bà nội lặng tiếp đi một lúc rồi mới kể thêm:

– Cái hồi ở xã mình xây trường cấp III/2, đêm trước ngày động thổ, bà cảm thấy bứt rứt khó ngủ, mãi đến gần sáng mới chợp mắt được. Ông nội con về. Ông nói với bà: “Xuân ơi, chỗ xây trường, ngày trước là trận địa pháo đấy. Em cẩn thận nha”. Sáng ra, bà không cho đào móng ngay dù bà con trong làng đã kéo đến rất đông, cán bộ huyện xã cũng đã đến rất đông. Bà cho người đi mời huyện đội về rà xem có còn bom đạn sót lại không. Ôi trời, ngay ở hàng móng chính phía trước, người của huyện đội phát hiện ra ba quả bom bi chưa nổ, con ạ! Ông nội con đã báo ứng, cứu được bao người!

Lần thứ ba là hồi hè vừa rồi, mấy bận ông con về, cứ giục bà đi thăm bà cụ Hon trong Quảng Bình. Bà vội thu xếp vào thăm cụ Hon ngay. Cụ Hon thượng thọ chín mươi tuổi. Bà vào thăm cụ, cụ vui lắm. Thế rồi hôm sau, cụ thanh thản mà đi. Đấy, con thấy ông nội con có tinh anh hay không?

Tôi đáp vâng vâng lia lịa rồi rúc đầu sâu hơn vào ngực ấm áp của bà nội. Tôi nhỏ nhẹ hỏi:

– Bà ơi! Đám cưới của con, ông nội có về dặn bà điều gì không ạ?

Bà vỗ nhẹ vào lưng tôi, mắng yêu:

– Bố mày! Chỉ có nói dại. Có trắc trở khó khăn gì thì ông nội mới phải về chỉ vẽ cho, chứ các con đang yêu thương, hạnh phúc như bát nước đầy thì ông còn phải về làm gì? Thôi, con ngủ đi! Ngày mai nhiều việc lắm đấy! Ngủ đi, ngủ đi con!

Bà nội vừa nói lời nói nhẹ nhàng như ru, vừa luôn tay vuốt nhẹ vai và lưng tôi. Tôi chìm vào giấc ngủ dịu êm nhẹ nhàng như chưa từng có từ khi tôi bước vào tuổi thiếu nữ.

Lê Ngọc Minh/VHSG