Chuyện nhà thơ Phùng Quán (Kỳ 2)

1475

Ngô Minh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ năm 1958 đến 1988, vì không được phép in sách ký tên mình, nên Phùng Quán phải viết văn rồi tìm cách “in chui” để lấy tiền nuôi con. Hồi đó không có “lái” sách, “nậu” sách như bây giờ. Muốn in được sách ở nhà xuất bản của nhà nước phải bí mật mượn tên người khác làm tên tác giả. 

Nhà thơ Phùng Quán (ảnh internet)

  1. Mượn tên để in văn

Từ năm 1958 đến 1988, vì không được phép in sách ký tên mình, nên Phùng Quán phải viết văn rồi tìm cách “in chui” để lấy tiền nuôi con. Hồi đó không có “lái” sách, “nậu” sách như bây giờ. Muốn in được sách ở nhà xuất bản của nhà nước phải bí mật mượn tên người khác làm tên tác giả. Những người nhà văn đã mượn tên là Vũ Quang Khải, em ruột của vợ là chị Vũ Bội Trâm, lúc đó anh Khải đang làm công nhân ở Nghệ An, trong truyện “Như con cò vàng trong cổ tích”, và nhiều truyện ngắn in báo Văn Nghệ. Nhà văn Phùng Quán kể rằng, khi truyện “ Như con cò vàng trong cổ tích” ký tên Vũ Quang Khải gửi đi dự thi cuộc vận động sáng tác viết về Lenin được Hãng thông tấn Novosti (Liên Xô) trao giải thưởng trong cuộc dự thi viết về Lenin, anh Khải là cán bộ một nông trường ở Nghệ An, nhận được giấy mời của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội để lĩnh giải thưởng thì sợ lắm. Nhưng cơ quan vẫn sắm cho một bộ com-lê rất oách để ra nhận giải. Hai anh em xe đạp đèo nhau đến cổng Đại sứ quán Liên Xô, anh Khải vào nhận giải, còn Phùng Quán thì sang ngồi quán nước chè bên kia đường hồi hộp chờ đợi. Lo sợ nhất là bị phát hiện ra người viết là Phùng Quán không cho nhận giải thưởng nữa thì gay. Khi anh Khải ra cổng, nhìn vẻ mặt buồn, Phùng Quán càng lo thêm. May sao, anh Khải cho biết là cô thủ kho đi vắng, họ hẹn ngày mai! Ngày hôm sau, hai anh em lại dắt nhau đến. Lần này thì nhận được. Giải thưởng là một tấm bằng, một chiếc xe đạp Liên Xô mà người Hà Nội quen gọi là “xe trâu” và một bộ com-lê. Hai anh em về nhà câu trộm cá Hồ Tây nấu cháo để khao nhau! Phùng Quán còn nhiều lần viết truyện ngắn ký tên Vũ Quang Khải, rồi Nguyễn Huy, Đào Phương, v.v… Người cho Phùng Quán mượn tên nhiều nhất là nhà thơ Thanh Tịnh, bạn vong niên, đồng hương Huế ở Tạp chí Văn nghệ Quân Đội. Hơn 10 tập truyện tranh ở Nhà xuất bản Văn hóa, tập viết về nghệ thuật viết và trình diễn tấu đều ký tên Thanh Tịnh. Chị Hương Quân, biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa (đã nghỉ hưu), một người rất thân thiết với Phùng Quán kể rằng, có lần giám đốc nhà xuất bản đã gửi giấy mời nhà thơ Thanh Tịnh ở số 4 Lý Nam Đế, “một cộng tác viên viết truyện tranh “tích cực” đến để ký hợp đồng mới. Nhà thơ Thanh Tịnh cao tuổi, mệt nhọc thế cũng phải đi xích lô đến để ký hợp đồng, “nhằm giúp thằng Phùng Quán có cái tên mà in sách”. Anh Phùng Quán kể, nhà thơ Thanh Tịnh là người duy nhất cho mượn tên mà không lấy một đồng “tiền tên” nào. Mỗi lần như thế, Phùng Quán đều câu trộm một con cá chép Hồ Tây, mang đến số 4 Lý Nam Đế, nấu cháo mời nhà văn Thanh Tịnh cùng ăn! Còn thường phải chi 30%, thậm chí 50%, mà đi lại khốn khổ nhiều lần mới đòi được phần của mình, vì tiền nhuận bút các nhà xuất bản đều trả cho người có chứng minh thư. Theo chị Hương Quân, ngoài sách ký tên Thanh Tịnh, Phùng Quán đã viết và in ở Nhà xuất bản Văn hóa và Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc trên 60 cuốn truyện tranh mang nhiều tên khác nhau, nhưng không phải mượn, tức là tên do anh nghĩ ra. Tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội (tập I) năm 1983, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã in với tên tác giả là Đào Phương. Mãi đến năm 1988, sau khi được phục hồi Hội tịch Hội Nhà văn, mới xuất bản 3 tập với tên Phùng Quán. Cuốn Dũng sĩ chép còm, in ở Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đầu cũng lấy tên tác giả là Trần Vỹ Dạ. Điều đáng khâm phục là Phùng Quán chỉ mượn tên để “in chui” văn xuôi, chứ thơ thì anh không bao giờ mượn tên ai cả! Vì với anh,“Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ đứng dậy…”  Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi. Thơ linh thiêng như thế nên anh không mượn tên người khác là phải! Đó chính là bản lĩnh người cầm bút!

Từ năm 1988, sau khi được phục hồi Hội tịch Hội Nhà văn, thơ Phùng Quán mới xuất hiện trở lại. Thời kỳ này, anh còn in nhiều tác phẩm nổi tiếng ký tên mình là Tuổi thơ dữ dộiDũng sĩ chép còm, Thơ Phùng Quán, tập tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung, v.v… Trong đó, tiểu thuyết ba tập Tuổi thơ dữ dội đã được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, được dựng thành phim cùng tên, và phim này ngay lập tức giành Huy chương bạc tại Liên hoan điện ảnh Việt Nam. Cuốn sách cũng được các nhà xuất bản trong nước tái bản nhiều lần. Cuối năm 2003, chị Vũ Bội Trâm, vợ nhà văn, đã dùng số tiền mấy lần tái bản cuốn Tuổi thơ dữ dội của anh Quán để đầu tư tái bản cuốn Thơ Phùng Quán, trong đó bổ sung rất đầy đủ thơ của chồng với số lượng in 2000 cuốn. Bạn bè trong Nam, ngoài Bắc, ở miền Trung, do yêu thương Phùng Quán mà xúm tay mỗi người phát hành một ít! Người viết bài này và nhà giáo Lê Gia Ninh cũng mang Thơ Phùng Quán đến từng trường học, cơ quan ở Huế, bán được gần trăm cuốn ngay trước Tết Giáp Thân. Tính ra Phùng Quán đã in hơn 80 tác phẩm, trong đó gần 70 tác phẩm “in chui”. Nói là “in chui”, nhưng toàn văn cách mạng thứ thiệt cả. Mới hay, bất kỳ hoàn cảnh ngặt nghèo nào cũng không làm cho Phùng Quán buông bút.

  1. Phùng Quán lấy vợ

Điều này sinh thời nhà văn không bao giờ kể. Chỉ có bạn bè rất thân thiết mới biết. Anh Phùng Quán và chị Vũ Thị Bội Trâm yêu nhau sau thời kỳ “nhân văn”. Vì lẽ đó, gia đình chị Trâm rất lo cho con gái, nhiều lần khuyên giải, phản đối con nhưng không được. Còn Trường cấp 3 Chu Văn An, nơi chị Trâm là giáo viên dạy văn, thì nhiều lần góp ý nặng nhẹ. Nhưng chị Trâm vẫn một mực cho rằng: “Tôi yêu anh ấy và nhất định lấy anh ấy làm chồng. Anh ấy là người tốt. Thời gian sẽ trả lời!”. Năm 1962, hai anh chị không làm đám cưới được mà chỉ đăng ký kết hôn, rồi làm một bữa cơm đạm bạc để “liên hoan” tại nhà bà mẹ nuôi Tưởng Dơi ở Nghi Tàm. Bữa tiệc ấy chỉ có 4 người bạn thân và hai vợ chồng, không có ai đại diện hai gia đình hay cơ quan cả. Huế là đất kinh đô nên tiệc cưới nào cũng rất sang trọng, tốn kém. Nhưng anh Quán “tứ cố vô thân” ở Hà Nội, hai bàn tay trắng, chỉ một tháng được Hội nhà văn trợ cấp 27 đồng, chỉ đủ ăn cơm “đầu ghế” (cơm bụi) được một tuần, nên làm gì có tiền mà cưới vợ. Tiệc cưới ấy anh chị chị mời bốn người là nhà thơ Tạ Vũ, chị Nguyễn Thị Điều, lúc đó là người yêu Tạ Vũ, nhà báo Xuân Đài và một người bạn tên là Xuân Trung. Phùng Quán đi mua hai chú gà về để giết thịt, nhưng một con bị chết. Chị Bội Trâm kể, mọi người uống rượu nói chuyện vui vẻ đến tận khuya. Tạ Vũ say nên chị Điều và Tạ Vũ phải ngủ lại. Nhà bà Tưởng Dơi chỉ có hai cái gường kê sát nhau chen chân không lọt. Thế là đêm tân hôn hai vợ chồng phải ngủ hai giường.

Thành vợ chồng rồi nhưng không có nhà để ở chung. Chị Vũ Thị Bội Trâm ở nhà bố mẹ ở số 3 Hàng Cân. Từ năm 1962-1981, chị đẻ và nuôi hai đứa con Phùng Thị Quyên và Phùng Quân tại nhà bố mẹ. Anh thì phải đi lao động cải tạo khắp các nông trường, công trường ở Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì, v.v…, khi về thì ở nhà bà mẹ nuôi Tưởng Dơi ở làng Nghi Tàm. Nhà văn hàng ngày giúp bà mẹ nuôi gánh hàng lên đê Yên Phụ bán, rồi về viết văn. Đêm thì đi câu cá trộm ở Hồ Tây. Tiền bán cá, tiền “văn chui” phần lớn Phùng Quán dành đưa cho vợ nuôi con ở nhà mẹ vợ, còn mình thì ăn cơm bụi và uống rượu nợ với bạn bè. Năm 1981, chị Vũ Bội Trâm mới được Sở giáo dục Hà Nội và Trường Chu Văn An phân cho một góc xép, nguyên là cái xưởng của trường phía Hồ Tây làm nhà ở cho gia đình. Nghĩa là sau 20 năm lấy vợ, nhà văn Phùng Quán mới có một căn “xép” để vợ chồng ở chung. Chính ở góc xép Trường Chu Văn An đó, Phùng Quán đã tự tay đục đẽo dựng một cái chòi bằng gỗ, lợp lá gồi, gọi là “Chòi ngắm sóng” (Mời bác Ba Vì xích lại đây / Ta cùng túy lúy ngắm sóng say…). Trên cái “Chòi ngắm sóng” đó treo đầy tranh, thơ. Có tranh của họa sĩ Văn Cao ký họa Phùng Quán, tranh, tượng của nhiều nhà điêu khắc, họa sĩ Việt Nam vẽ Phùng Quán, bút tích thơ chữ Hán của Hoàng Trung Thông, Tào Mạt, thơ của các nhà thơ trong và ngoài nước viết tặng Phùng Quán có thể in thành cả tập thơ dày. Cái chòi ngắm sóng đó suốt ngày khách, suốt ngày rượu, suốt ngày thơ. Phùng Quán đã tọa lạc trên “chòi ngắm sóng” này hơn mười năm ròng. Bây giờ thì “chòi ngắm sóng” nổi tiếng một thời ấy không còn nữa. Nó đã bị cơn sóng thị trường, con sóng đô thị hóa nhấn chìm vào dĩ vãng, vì khu tập thể phải giải tỏa để Thành phố làm gì đó không biết. Tháng 6-2003, chị Bội Trâm mới được mua căn hộ ở Khu chung cư Vĩnh Phúc rất đàng hoàng. Mua bằng tiền đền bù giải tỏa, cũng đủ trả và có thừa ra đôi chút để sửa chữa và mua sắm bàn ghế và sắm cái bàn thờ anh Quán. Nhưng khi đã có nhà đàng hoàng thì anh Quán đã “đi xa” gần 10 năm rồi.

  1. Cỏ hoa Phùng Quán

Phùng Quán trọn cuộc đời (1931-1995) là một chiến sĩ Vệ Quốc đoàn xông xáo và nhiệt huyết. Những tác phẩm thơ, văn xuôi của anh bây giờ đọc lại vẫn hừng hực lửa chiến đấu. Có lẽ vì thế mà anh rất ít thời giờ để làm thơ thưởng hoa vịnh nguyệt. Tôi đọc trong số hàng trăm bài thơ anh để lại, chỉ đếm được có hơn chục bài viết về hoa lá, cây, cỏ, quả, như các bài “Cây vạn niên thanh”, “Cây xương rồng”, “Cây dứa”, “Hoa sen”, “Cây mận ở Vînh Linh”, “Hoa cứt lợn”, v.v… Phùng Quán ngắm hoa lá cỏ cây theo cách riêng của mình. Anh không ca ngợi vẻ đẹp, màu sắc, hương thơm quyến rũ của cỏ hoa như trước một giai nhân đơn thuần, mà chủ yếu anh phát hiện và xưng tụng sự hữu ích, sự hi sinh, lòng nghĩa khí lớn lao của cây cỏ. Với anh, nhiều loại cây lá có phẩm chất của một chiến sĩ. Bởi vậy, nhà thơ coi những cây vạn niên thanh, cây xương rồng, cây dứa… là những bậc thầy của mình về bản lĩnh sống, nên phải xưng bằng “Anh”, bằng “Người” – “Cả một đời tôi chỉ khiếp phục anh”, bởi vì: “Anh uống độc khí trời/ Anh xơi độc nước lã/ Anh vẫn tràn trề sức lực tươi xanh/ Vẫn tặng cho đời chất thơ của sắc lá!” (Cây vạn niên thanh) hay: “Xương rồng ơi xương rồng!/ Anh có thật xương rồng?/ Hay xương người nghĩa khí/ Ngã xuống rồi hóa thân?…”  (Cây xương rồng); Dứa ơi !/ Người hãy dạy tôi/ Cách chắt lọc từ khô cằn sỏi đá/ Chất mật mát lành dịu nắng lửa trăm cơn”  (Cây dứa); “Cây cọ mọc trên đồi/ Trổ lá cho người lợp nhà/ Che cho mình dăm tàu lá nhỏ/ Che cho đời nghìn tán lá xanh…”  (Cây cọ)… Phùng Quán tìm thấy trong cây cỏ hoa lá bao điều tâm đắc, ước nguyện của mình về thơ. Cái chất thơ trong cỏ hoa ấy là chất Phùng Quán, “Với tôi thơ mới là tất cả. Thơ là lý lịch là mạng sống đời tôi”…

Gây ấn tượng nhất đối với tôi là câu chuyện về bài thơ “Trường ca cây cà”. Sinh thời, mỗi lần “vi hành” vào Huế, nhà thơ Phùng Quán thường tá túc tại nhà tôi, nhà anh Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Bến Ngự hoặc nhà thầy giáo Lê Gia Ninh ở bên Cống Lương Y. Mỗi sáng, anh dậy sớm, xỏ chân vào đôi dép dày cộp, nặng như cùm tự anh cắt đục từ lốp ô tô cũ, mặc chiếc áo chàm cũ, đeo chiếc bị cói và dắt chiếc xe trâu Liên Xô cao lêu nghêu ra đường, bắt đầu một ngày đi đọc thơ “phục vụ nhân dân” như anh thường nói. Đến tận khuya, anh mới ngất ngưởng về. Lần ấy, cả một tuần liền anh không về ngủ. Thì ra anh vào Đà Nẵng, Quảng Nam đọc thơ tít mù từ phố xuống huyện, xã. Đúng ngày Đại hội văn nghệ Bình Trị Thiên (cũ) lần thứ ba, anh xuất hiện ở Huế, nét mặt rạng rỡ, khệ nệ bưng một chồng báo Quảng Nam-Đà Nẵng cuối tuần  có in bài thơ “Trường ca cây cà” ký tặng bạn bè. Đó là mùa đông năm 1987, lần đầu tiên sau 30 năm anh lại được báo in bài thơ tâm huyết. Anh lấy nhuận bút bằng mấy trăm tờ báo để tặng! Gặp lại tôi, anh cao hứng đọc: “Chính cây cà quê mùa lao lực/ Đã dạy anh dũng khí bền gan”. Tôi mừng cho anh và đọc đến thuộc “Trường ca cây cà”. Bài thơ gọi là trường ca có tới 6 chương, nhưng chỉ 56 câu thơ. Có chương chỉ có hai câu, năm câu. Bài thơ súc tích, chặt chẽ với những ý tưởng lớn và rất cảm động. Cây cà Việt Nam “Thân lao lực màu quê … Mặc cho sâu róm đầy cành/ Rễ còn bám đất/ Còn khôn nguôi tím nguôi xanh”.” Bạc tóc trồng cà/ Tôi mới hiểu ra/ vì sao Gióng/ Trước khi lên ngựa sắt/ Vung roi trừ giặc/ Chỉ ăn cơm cà..”. Người Nghệ “Muối một vại cà/ Ăn một năm/ Sử kháng chiến ngàn trang/ Người Nghệ ưa vắn tắt: – Đánh Pháp hết chín vại cà/ Đánh Mỹ hết hai chục vại..”. Bài thơ cuốn hút bởi hình tượng sinh động và hàm chứa, đầy sức thuyết phục về sức mạnh Việt Nam, lại dân dã dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ.

Người Huế ai cũng thích ngắm hoa sen, mua hoa sen về thờ hoặc cắm trên bàn. Nhưng ngắm sen như Phùng Quán thì chỉ một! Anh đọc và phát hiện ra trong câu ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”  một sự vô lý, khó hiểu và khó chịu. Anh cho rằng câu ca dao trên không phải do nhân dân làm ra mà do một số bọn phản trắc,… “Vốn con cái của giai cấp cùng khổ/ Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ chúng xấu hổ…”  nên chúng cho rằng, chúng gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn! Tất cả là trong cái chữ gần. Tôi cho rằng sự phát hiện đó là có lý, xuất phát từ sự nhạy cảm, trực cảm của một người lính rất ghét thói hãnh tiến, vô ơn. Và những điều nhà thơ nghĩ ngợi về chuyện sen – bùn mới là chân lý sâu sắc, thấm thía. Mỗi lần anh đọc bài thơ này trước đông người, anh vung tay giận dữ, rồi giọng trầm xuống run run như nén lại, như nguyện cầu:

Bùn với sen đâu phải chuyện gần? 

Chính là sen mọc lên từ trong đó 

Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen… 

Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng 

Cũng là xương thịt của bùn tanh! 

Như nhân dân 

Gian truân, thầm lặng, vô danh 

Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…

Phùng Quán nhiều đêm kể cho tôi nghe rằng anh đã từng sống một mình trong cái lán lợp lá mía ở trại tăng gia bên bờ con suối có tên là Linh Nham, vùng núi Thái Nguyên suốt ba năm ròng. Mùa mưa lũ, không ai dám vượt suối nên anh như Robinson Crusoe trên hoang đảo. Quanh lán mọc đầy cỏ dại và cây trinh nữ. Bàn ghế là rễ cây khô ghép lại. Giường nằm là cây cổ thụ bị bão xô gật gốc lũ cuốn về, lấy rìu vạt bằng phía trên, rồi đục lõm xuống như cái áo quan. Anh sống với một con chó, một con heo, một bầy gà. Người với vật cùng ăn sắn, bắp, rau lang, ốc suối và cá tôm tự đánh bắt lấy. Anh đã tự đào một cái huyệt ngay trước mặt lán, dài hai mét, rộng một mét, sâu mét rưỡi, để phòng khi kiệt sức, bên mình không có ai! Một lần anh mắc phải chứng dị ứng lở loét toàn thân, tưởng không sống nổi. May mắn được một vị sư nữ già chùa Tăng Cấu cứu khởi bệnh nhờ mấy nắm lá tên là lá khổ sâm mọc trên đồi. Ơn cây, ơn người cứu mạng, sau đó anh làm bài thơ “Lá khổ sâm”. Bài thơ buồn đau như một vết cắt. Phải trải nghiệm và yêu cuộc đời lắm mới viết được những câu thơ da diết cõi lòng:

Tôi phải lên rừng 

Hái lá khổ sâm 

Tự mình cất lấy ly rượu sống 

Ôi rượu khổ sâm đắng lắm 

Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian…

Bạn hữu thân thiết ơi! 

Xin đừng trách cứ tôi 

Sao trong câu thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng… 

Cỏ cây hoa lá trong thơ Phùng Quán đều là những biểu tượng của cuộc sống tâm trạng, tâm linh anh muốn gửi đến và chia sẻ với độc giả của mình.

Ngay cả trong tình yêu, Phùng Quán cũng có cách thể hiện thơ khác người đời. Sinh nhật người yêu không phải năm bông hồng, mà anh tặng quả bí xanh! Bài thơ “Quả bí xanh” là một bài thơ tình với nhiều sự tích thú vị. Năm 1984, sau ba mươi năm, anh lại được vào Huế quê nội. Anh mồ côi cha từ năm lên hai. Lớn lên, năm tuổi đã giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ ở làng Thủy Dương xứ Huế. Suốt ngày người đen nhẻm và nồng mùi bùn đất. 13 tuổi, anh trốn mẹ đi theo Vệ Quốc Đoàn đánh Pháp. Cho nên anh nhớ và yêu quê hương tha thiết. Những ngày ấy, anh bị “tiếng sét tình yêu” của một thiếu phụ Huế đài các và từng trải hớp hồn. Nàng thì áo dài tím thướt tha. Còn anh thì áo chàm sờn, dép cao su, bị cói như một nông dân miền ngược. Biết thế nhưng anh vẫn luôn ghé thăm nàng như một niềm si mê đơn độc. Ngày sinh nhật nàng, anh rủ tôi đạp xe xuống Thủy Dương quê anh, thỉnh một trái bí to, da căng mọng màu ngọc bích. Rồi anh cặm cụi đề thơ lên da bí. Xong, chúng tôi lấy bao tải, quần áo cũ bọc trái bí cẩn thận, anh ôm bí ngồi xích lô lên Huế. Trưa hôm ấy, hàng trăm người ngạc nhiên trước món quà tặng quá bất ngờ của thi sĩ Phùng Quán: Đó là một quả bí xanh lớn có bài thơ đề trên da bí mà anh gọi là khối thiên thần màu ngọc bích! Anh nâng tặng vật nặng trĩu trên tay, nói trong tiếng thở gấp: “Tặng vật tôi mang từ quê nội tặng sinh nhật em đây!”. Nàng thơ bước vội sau tấm màn gió, cầm ra chiếc gối còn dính vài sợi tóc của nàng để làm gối cho anh đặt “trái bí thơ”: “Trên da bí/ Màu men ngọc lý/ Tôi tạc câu thơ/ Buồn như lửa/ Hỏa táng trái tim…”. Quà sinh nhật tặng người tình như thế tôi thưa thấy bao giờ. Nó vừa ngộ nghĩnh, xa xót, vừa bản chất như chính sự hồn nhiên chứa chan của cuộc sống.

Cho đến những ngày bị bệnh nặng sắp từ giã cõi đời, viết thư cho bè bạn anh vẫn kể chuyện về cây cỏ: “Nếu chết, anh sẽ hóa thành một cây cỏ dại, cùng cỏ cây xanh tốt đất này.” Anh bảo, đời anh từ nhỏ cho đến khi đã thành nhà văn rồi vẫn chỉ là ngọn cỏ. Bao đêm viết “văn chui”, rồi vén cỏ ra bờ Hồ Tây ngồi câu trộm cá để nuôi con, để sống qua những ngày gian khó. Bao đêm lót lá rừng mơ giấc mơ chiến sĩ. Cỏ hoa trong thơ Phùng Quán không phải là thứ trang sức, mà là biểu tượng của phẩm giá mọc lên từ niềm tâm tưởng một đời người…

(Còn tiếp)