Chuyện nhà thơ Xuân Diệu trao “chìa khóa” cho nhà thơ Phạm Tiến Duật

327

Vào cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ XX, gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật ở nhà số 9 ngõ Yên Thế, còn nhà thơ Xuân Diệu ở 24 Điện Biên Phủ. Mỗi lần đi bơi về, Xuân Diệu thường ghé qua nhà Phạm Tiến Duật chơi. Có bài thơ mới nào Xuân Diệu cũng đọc cho Phạm Tiến Duật nghe, đôi khi lại chép tặng. Xuân Diệu luôn dặn Phạm Tiến Duật phải chịu khó học và bày cho cách thức tiếp cận thơ cổ điển.

Một lần Phạm Tiến Duật sang nhà Xuân Diệu, Xuân Diệu thâm trầm: “Mình già rồi, không giúp gì cho cậu được nữa. Hôm nay, mình sẽ trao cho cậu chiếc chìa khóa về phê bình thơ”. Phạm Tiến Duật ngỡ ngàng hỏi: “Thế chiếc chìa khóa đó anh để ở đâu?”. Xuân Diệu bảo: “Ở trong két sắt trên gác nhà Huy Cận”. Két sắt mở ra là quyển “Mái Tây” của Vương Thực Phủ do Thánh Thán bình và Nhượng Tống dịch. Xuân Diệu vừa cầm quyển sách vừa nói: “Bao nhiêu bí mật phê bình của Xuân Diệu đều lấy từ quyển này mà ra, giờ mình trao lại cho cậu”.

Phạm Tiến Duật mới đầu còn hoài nghi câu nói đó, nhưng sau khi đọc xong “Mái Tây” ông mới tin là Xuân Diệu nói thật. Theo Phạm Tiến Duật, Xuân Diệu vừa là nhà thơ lớn, vừa là nhà phê bình khổng lồ. Xuân Diệu rất chăm chút đến lớp trẻ chứ không phải là “dì ghẻ” hay “mẹ góa” khó tính như người ta đồn đại.

Có dạo bài thơ “Chim lạc bay” của Phạm Tiến Duật in trên Báo Nhân Dân: “Năm công nguyên thứ nhất là cái trục xoay/ Một chín bảy ba năm sau là năm chúng ta đang sống/ Một chín bảy ba năm trước là niên đại Hùng Vương/ Dân tộc ta là con chim lạc ấy/ Hai cánh thời gian đập sáng một con đường”. Xuân Diệu đọc xong nói ngay: “Bài thơ chỉ được cái thông minh chứ không hay. Vâng! Thơ luôn luôn là sáng kiến. Nhưng phải là sáng kiến của trái tim”. Câu nói này Phạm Tiến Duật vẫn nhớ từng chữ, từng giai điệu. Ông quay sang dặn: “Nếu bạn hay một ai đó muốn tìm hiểu về Xuân Diệu cũng nên dùng sự minh mẫn của chính mình, nhưng là minh mẫn của trái tim chứ không phải minh mẫn của khối óc”.

Nói đến đây, Phạm Tiến Duật chuyển sang kể chuyện sinh hoạt đời thường. Ông bảo, có một lần được Xuân Diệu mời sang ăn cơm (cùng với một vài người nữa). Thấy Xuân Diệu bỏ con gà vào cái ca Liên Xô, sau lại cho cái ca vào nồi mới luộc. Phạm Tiến Duật hỏi: “Sao anh không bỏ gà vào nồi luộc luôn có hơn không?”. Xuân Diệu cười: “Bỏ vào ca, khi lấy gà ra mỡ nó bám vào thành còn trộn cơm được, chứ bỏ luôn vào nồi luộc thì trộn sao được”. Thật ra người ta chê bai Xuân Diệu tằn tiện cũng phải nhưng như thế không có nghĩa Xuân Diệu không rộng lòng. Bởi một lần, Xuân Diệu nói: “Em ơi! Anh rất giàu có. Anh sẽ là ngân hàng của em, khi nào cần em cứ bảo anh. Nhưng nhớ khi cần quá hãy bảo nhé”. Dù vậy, nhưng chưa bao giờ Phạm Tiến Duật bảo với Xuân Diệu cái điều cần ấy cả.

Sau này nhà thơ Phạm Tiến Duật đã là Tổng biên tập tờ tạp chí Diễn đàn văn nghệ. Thơ gửi tặng Phạm Tiến Duật và gửi đăng tạp chí nhiều lắm, đôi khi không đọc xuể. Có người đến xin gặp chỉ mong được Phạm Tiến Duật góp ý cho thơ của mình. Quả là ông phê bình thơ vừa có lý vừa có tình, nên không ít người mong được ông hạ bút. Thơ ấy của một người không tên tuổi trong giới văn chương, Phạm Tiến Duật cũng không hề quen biết nên bèn ghi lại địa chỉ của tác giả vào cuốn sổ tay của mình.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật nghĩ bây giờ có rất nhiều sách có giá trị cho việc bình thơ, song “Mái Tây” vẫn là cuốn mà các bạn trẻ nên tìm đọc, chiếc chìa khóa ấy xin trao lại cho các thế hệ sau.

Đúng là Xuân Diệu trao “Mái Tây” là trao chìa khóa thơ cho nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Theo Lê Hồng Thiện/ Báo Văn nghệ Công an