Chuyện ở vườn nho – Truyện trinh thám của Võ Chí Nhất

472

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Nếu ông chủ không ra đón thì Tuyết không biết phải làm thế nào để vượt qua những chàng lính “ngự lâm” này để vào trang trại vườn nho nữa. Cô xách cái va li to đùng len theo gót người đàn ông có cái mũi đỏ chóe như một chú hề vào trang trại.

Cô sinh ra ở Hóc Môn nhưng muốn được dọn đến ở hẳn trong một trang trại nào đó ở đất Thép, nơi mà những trang trại đã trở thành thương hiệu trăm năm qua. Trang trại vườn nho và những người chủ đầu tiên dựng nên nó đã bám trụ ở đất này từ thời người Pháp nện gót giày lên vùng đất Thép và hành quân trong đêm. Người ta sẽ nhắc đến những trận càn đẫm máu tươi và cả những tiếng động cơ trực thăng bắn phá khi nói về thời đó. Mà lúc này trước mắt cô là những cánh đồng lúa vàng rơi dưới khoảng trời bình yên, những bữa ăn nhẹ ngoài trời, cơ hội việc làm và những âu lo, toan tính được xếp lại ngay ngắn cho vào một cái hộp vuông vắn mà cô đang nghĩ cho nó một cái tên.

Chốn này đã từng là một trang trại đẹp nức tiếng vùng ngoại ô, nơi cung cấp rượu nho số một cho thành phố. An toàn, thích hợp cho những chuyến nghỉ dưỡng dài ngày khi hè về. Nhưng đó đã là câu chuyện của nửa thập kỷ trước. Và cho dù có biện hộ cho bản thân như thế nào đi nữa thì cô vẫn sắp sửa trở thành một người giúp việc, nhưng trong một trang trại bề thế như thế này thì cũng đã là một niềm an ủi lớn lao.

– Bầy chó dữ quá!

Ông mũi đỏ giẫm chân, xua lũ chó:

– Nếu đã xác định làm việc trong trang trại này thì cô phải tập làm quen với chúng đi thôi. Đây là phòng của cô, chìa khóa đây. Có một chìa thôi, giữ cho kỹ đấy! – Ông mũi đỏ đứng đối diện với Tuyết trước cửa căn nhà gỗ cạnh vườn nho. Rồi ông ngó về phía người đàn ông quấn khăn quanh cổ có khuôn mặt đỏ như Quan Công đứng cách đó không xa – Tôi phải nói thêm cho cô được rõ chuyên gia pha chế rượu tôi mời về là một người tốt tính nhưng có tật nói sốc, cô lựa lời mà nghe đấy. Nếu cô buồn hoặc vòi thêm lương vì những lời nói đó thì tôi không chịu trách nhiệm đâu. Thằng con tôi thì không khó để phục vụ, cứ chiều theo ý nó là được. Cô có thể an tâm. Còn nữa, trang trại này bất kỳ chỗ nào cô cũng có thể tới, riêng chỉ có hai căn phòng, một là phòng điều chế của tôi và ông chuyên gia, hai là căn nhà gỗ lớn ngoài vườn nho là cô không được vào. Tôi cấm.

– Nhớ rồi, thưa ông chủ.

Ông ta gật:

– Cô có thể nghỉ ngơi một chút rồi bắt tay chuẩn bị bữa tối. Nhà tôi dùng bữa vào lúc 6 giờ rưỡi chiều. Vẫn còn ít đồ tươi trong tủ lạnh, hôm nay cô khỏi phải đi chợ. Lương của cô sẽ được tính từ lúc đặt chân vào trang trại này. Vậy đi.

– Dạ.

Rồi ông mũi đỏ bỏ đi. Chờ khi ông ta đi khỏi, Tuyết mới quét sơ qua căn phòng của mình. Trông nó như một căn phòng bị bỏ phế nhưng cô cũng không nghĩ là mình sẽ ở đây lâu. Trong phòng thoảng mùi cũ, bụi bặm và mùi thóc. Và trong phút chốc, cô mường tượng ra một cánh đồng lúa vàng rực bên những vườn nho xanh um trĩu quả ngoài kia. Cô chưa bao giờ chăm sóc nho và cũng chưa hái nho bao giờ. Đây sẽ là cơ hội cho cô trải nghiệm. Cô dọn dẹp xong mới mở va li ra, treo đồ lên giá và tranh thủ ngả lưng một chút.


Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất.

Sớm biết trang trại vườn nho có những chàng lính “ngự lâm” rất khá nên Tuyết đã chuẩn bị một phần Royal Canin để tránh những ồn ào không cần thiết. Chỉ trừ có chàng lính gác trước phòng pha chế ngoài vườn nho mà ông mũi đỏ cấm cô lại gần là không được thưởng thức món phụ trội này. Rồi Tuyết bắt tay vào bếp xem bữa trưa gia chủ đã dùng gì, khẩu vị ra sao để còn biết đường chuẩn bị bữa tối.

Cô chuẩn bị sẵn một phần cơm nóng nhanh chân len theo luồng sáng chiếu qua khe hở giữa các tấm ván gỗ phòng khách đến phòng Duy.

– Chị đến rồi à? – Tuyết đặt chân lên tấm thảm trải sàn mòn vẹt ngả màu vàng ruộm chạy dài ra tận cửa thì nghe thấy tiếng thằng Duy. Nếu nó không lên tiếng thì cô cũng không dám mạnh tay đẩy cửa bước vào. Nó ngồi bó gối trong bóng tối trông ra như một con báo đen. Thấy Tuyết bước vào, nó đẩy kính lên, nhìn thật kỹ – Chị cũng không khác với những gì em hình dung là mấy. Đôi mắt sáng, nước da màu mật khỏe mạnh mà vào vai người giúp việc thì chẳng ai nhận ra đâu…

Duy kéo hộc bàn ra, thảy tấm chân dung của Tuyết vào đó rồi rướn tới góc tường được trang trí bằng mấy bông hoa kỳ cục có cái cuống dài ngẳng trước mặt bật công tắc đèn rồi kéo cái ghế đẩu dưới bàn mời Tuyết ngồi. Rồi như là nó muốn nhảy đến ôm chầm lấy cô vậy.

– Chắc em là Duy, người mà chị được giới thiệu phải không? Em bị mất trộm gì mà mời chị tới đây vậy?

Duy vỗ cái bộp vào trán, hai mắt tròn xoe:

– Trời trời… Tụi bạn em chưa nói cho chị biết à? Ờ, mà em cũng chỉ nhờ tụi nó liên hệ với chị chớ hổng nói cụ thể việc gì… Thức ăn chị để ở trên bàn giùm em. Em chưa thấy đói.

Rồi nó chỉ cái bàn gỗ mun được chế tạo thổ tả đến nỗi được ghép lại từ những thanh gỗ vụn từ thời Bảo Đại còn ngồi trên ngai. Ánh sáng lèn qua khe hở rọi xuống sàn như ánh đèn sân khấu. Thằng Duy ngồi trên cái ghế đẩu sơn nâu thò chân xuống bàn, chà qua chà lại như có điều muốn nói.

– Em bị mất chiếc nhẫn gia bảo. Nghĩ nát óc vẫn không rõ ai làm…

Rồi Duy tặc lưỡi. Còn Tuyết thì lóng ngóng:

– Chị… Chị sẽ gắng hết sức, mà em tìm được nó ở đâu vậy? Sao nó lại quan trọng với em đến thế chớ?

– Không giấu gì chị – Duy đưa tay xoa mặt – chiếc nhẫn đó do mẹ em để lại, vì thiết kế đặc biệt nên em nhìn là nhận ra ngay. Em cất nó trong hộc bàn này, tối hôm kia, đi câu về thì không thấy đâu nữa trong khi cửa ra vào phòng em khóa chặt mà chỉ có em có chìa khóa. Chị nghĩ xem có phải ai đó trong trang trại này đã lấy nó đi mất không?

2.

 Bầu trời vẫn còn đắm chìm trong màn sương, giống như một tấm lưới mỏng tang sắp sửa bị đốt cháy bởi ánh mặt trời đang nhấp nhô bên kia buồng chuối. Tuyết dậy sớm, ra vườn để chọn vài quả trứng gà và ít trái cây tươi làm bữa sáng. Đang dự định không biết phải làm món gì thì cô bắt gặp một quài chuối bòn bon chín bói trên cây nên dừng lại.

– Món tráng miệng cho bữa sáng đây rồi!

Thân cây quằn xuống vì phải gánh quài chuối quá to so với thân hình của nó. Lá điểm những đốm trắng li ti trông như cứt chim, chỗ rìa lá còn bị sâu cuốn kèn. Tuyết chỉ muốn lấy sào đập nó mấy phát mà cô thì chả bao giờ rỗi rãi để làm những việc đó. Bởi những người đàn ông trong trang trại này chưa bao giờ rời mắt khỏi cô.

Nắng lèn qua chòm lá hắt xuống đất những hình thù kỳ dị. Chim chóc vút bay, thoắt ẩn thoắt hiện rồi lại như muốn lao thẳng vào phòng cô qua cái cửa sổ để mở gần đó. Căn phòng tách biệt với trang trại, được dựng từ gỗ loại 2 từ hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, thích hợp để làm phòng cách ly hoặc trưng bày hơn là để ở.

– Để đó.

Tuyết rứt một trái, lột vỏ nhai nhóp nhép thì ông Quyền xách rựa đi tới. Cô nhác thấy một miếng trám răng bằng vàng khi ông ta nhếch mép cười.

– Cô tranh thủ vào bếp làm bữa sáng xong thì ra vườn hái nho cho sớm. Tôi có quen thân một bà ngoài chợ, chỗ hiệu cắt tóc Chi’s, cô ghé đó biếu bà ấy ba ký nho loại 1 giùm. Nhớ là phải để trong thùng xốp cho lịch sự đấy!

– Dạ, hiệu cắt tóc Chi à, con nhớ rồi. Con làm ngay.

– Nghe nói cô hay vào phòng thằng Duy lắm?

– Con mang cơm cho cậu Duy chứ có làm gì đâu.

Ông mũi đỏ cố thăm dò nét mặt Tuyết nhưng cô thì không biết ông ta làm thế nhằm mục đích gì. Trong chính ánh mắt ông cũng chẳng biểu hiện gì nhưng điều đó cũng dễ hiểu vì chúng đen và sâu thẳm. Mà trong những trường hợp như thế này thì tốt nhất là nên nhún nhường thì hơn.

– Ừ. Tôi biết cô muốn nói gì mà. Chuyện gì cũng có chừng mực, không nên vượt quá. Cô nói tôi xem nửa đêm cô lẻn vô phòng nó làm gì? Làm gì hả?

– À, tối qua hả? Cậu Duy nói đói quá nên con nấu cho gói mì lót dạ thôi. Chứ ông nói cậu kêu con vào làm gì?

– Muốn người ta không biết thì tốt nhất là mình đừng làm. Nhớ chưa? Nhìn kỹ cũng được gái đó, nhưng trang điểm gì mà xấu như cứt hà!

Sau khi bị một trận tả tơi, trưa hôm ấy Tuyết lại mang cơm sang phòng Duy.

– Chuyện gì vậy chị? Cha em lại… – Duy nhận lấy khay cơm đặt trên bàn.

– Ông chủ mới dằn chị xong. Tức chết được… – Tuyết im như thóc trên cái ghế đẩu quen thuộc được một lúc rồi lấy cái gương trong tạp dề ra soi – Cũng đâu xấu lắm đâu? So sánh gì mà kỳ cục.

– Ai so sánh gì chứ? Cha lại nói gì chị hả? – Rồi nó ré lên – Chắc là lo người chuyên gia pha chế đó mách lẻo. Từ khi ông ta tới đây cha em đổi tính hẳn.

– Em nói người đàn ông có khuôn mặt đỏ lúc nào cũng quấn khăn trên cổ hả?

– Đúng rồi. Ổng dị lắm. Tới đây hai tuần rồi mà em chưa nói chuyện với ổng quá hai câu, hồi nào cũng ru rú trong phòng pha chế. Đã vậy còn tập quấn khăn choàng cổ kiểu Jackal. Không biết tới đây ổng còn lăng xê mốt nào nữa…

– Chị không quan tâm ông ta mấy…

– Chị có manh mối gì về chiếc nhẫn của em chưa? – Duy bất ngờ hỏi nhưng trông vẻ mặt nó cứ như biết trước Tuyết sẽ không nói được gì ra hồn.

– Rồi. Hôm qua quét dọn phòng em chị có xem qua cái bàn, thấy có nhiều vết cạy chỗ ổ khóa nhưng chưa nghĩ ra phải làm sao để lấy chiếc nhẫn đó mà không cần mở cửa ra vào. Trên tường chỉ có cái lỗ nhỏ cho ống đồng máy lạnh đi qua, nhưng nhỏ xíu vậy thì ai mà chui cho lọt chứ? Hẳn là có một màn kịch hoàn hảo nào đó đã được dựng nên mà nhân vật chính ắt có liên quan đến nhà pha chế mặt đỏ như Quan Công kia. Mà ổng quấn khăn từ khi nào vậy?

– Mới hai hôm nay thôi!

3.

Duy ngồi trên ván, im lặng, trầm ngâm như vẫn còn điều gì làm nó bận tâm hơn là việc tìm người lấy trộm chiếc nhẫn. Cũng có khả năng người lấy đi chiếc nhẫn làm nó phải suy nghĩ nhiều thêm. Nó nhận thấy sự bất an như một con nhện độc di chuyển chầm chậm trên cổ áo…

Tuyết đóng cửa cái xoạch rồi đi ra vườn hái nho vì thấy mình trở nên thừa thãi. Ngang qua căn phòng pha chế đến lần thứ n nhưng máu tò mò của cô nàng vẫn chưa dứt. Sẽ không ai bắt gặp đâu, cô tự nhủ vì hiện tại hai nhà pha chế đi vắng… Và như vậy coi như họ đã vô tình trao cho nàng một cơ hội.

Điểm khác biệt nhất giữa căn phòng pha chế này và các phòng khác ở trang trại là có một con chó dữ canh cửa. Con chó Vàng hàng ngày ông mũi đỏ tự tay cho nó ăn, cho nó uống, tắm táp và trò chuyện với nó như một đứa trẻ. Nhưng Tuyết có cách của mình và đã thành công ngoài mong đợi, nhưng cái miệng của nó cứ như một cái nhà kho.

Tuyết mở hé cửa, đủ để cô có thể vào rồi chốt lại, bật đèn pin. Trước mắt nàng là một cái kệ to tướng bằng gỗ tốt chất đầy rượu, các mẫu rượu nho được dán nhãn mác cẩn thận, một căn phòng ngủ ấm cúng bên trái dành cho nhà pha chế, bên phải là một gian phòng kín rộng rãi để làm việc… tất cả được quét dọn sạch sẽ. Nhưng thường khi Tuyết vẫn không thấy ai làm việc đó ở đây cả. Trên bàn có một tấm ảnh chân dung ông và vợ thời trẻ, cô trông thấy một miếng trám răng bằng vàng khi ông mỉm cười. Có nhiều đêm Tuyết thấy ông Quyền đứng trước cửa phòng, hai mắt đỏ ké, hóa ra là nhớ người vợ cũ.

– Chị tìm gì ở đây?

– Há!

– Em Duy đây! Nhát như cáy mà học đòi làm thám tử. Chị vào đây làm gì?

– Chị… chị muốn biết căn phòng này có gì thôi.

– Thì phòng của cha em mà, cha em nấu rượu thì có gì ngoài rượu đâu? Thôi chết – nó lên giọng – Đi… đi nhanh, cha em và ông pha chế về tới rồi. – Nó nói nhanh rồi ngó về phía cửa, có tiếng bước chân nặng trịch bước lên thềm, tiếng con Vàng ăng ẳng.

– Ối… làm sao bây giờ? – Cô thốt lên. Nỗi sợ đã râm ran khắp người.

Duy giật lấy cây đèn pin tắt ngóm rồi nắm bàn tay nhẫy mồ hôi lạnh của Tuyết chạy nhanh về phía gian phòng ngủ bên trái, đẩy cái tủ quần áo sang một bên rồi dồn sức kéo bung một cánh cửa bí mật. Khi ông mũi đỏ đẩy cửa vào thì họ đã an toàn trong đường hầm.

– May quá!

– May khỉ gì. Toàn gây phiền phức. Việc em nói hôm qua chị làm tới đâu rồi? Chắc em lại phải nhờ người khác nữa thôi… – Nó xuống giọng.

Về tới phòng của Duy, Tuyết rót liền hai chung nước tu ực ực. Qua sự việc này, cô đã ngộ ra rằng cái gì người ta cấm thì tốt nhất là đừng làm.

– Để chị hoàn hồn đã… Chị tìm được cái này trong phòng pha chế, mà nhà này thì làm gì có trẻ con?

– Gì vậy? Một chiếc xe đồ chơi à? Của ai vậy?

– Trang trại này có bốn người và một đám lính ngự lâm canh giữ, chị không nghĩ có kẻ trộm nào đột nhập vào mà không bị phát hiện. Ngoài hai ta ra thì còn ông chủ và nhà pha chế. Vậy theo em thì chiếc xe này là của ai?

– Tụi bây làm gì trong này? – Ông mũi đỏ xô cửa ập vào với một cái roi trên tay. Chưa bao giờ Tuyết thấy ông giận đến như vậy.

– Làm gì thì chú thấy rồi đó! – Tuyết vặc lại – Có lẽ từ khi thím mất tới giờ thì chú chưa bao giờ dọn dẹp phòng pha chế?

– Cô… cô dám vào đó à? Quá lắm. Cô bị đuổi! – Ông mũi đỏ gào lên.

– Tôi xong việc ở đây rồi, nên sẽ đi ngay thôi! – Tuyết cười đắc ý – Nhưng mà phải sau khi nhà này xong bữa tối. Chú nhớ tập hợp đủ mọi người nhé. Sẽ có một người nữa đi với tôi đó.

4.

Khi Tuyết có mặt ở sảnh thì những người đàn ông của trang trại vườn nho đã đợi từ lúc nào rồi. Họ chờ đợi bữa tối, mà khi chờ đợi thì người ta chẳng vui vẻ gì. Chỉ có Duy là tươi tỉnh, vì nó không phải thử chút rượu nào. Ông chuyên gia mặt đỏ sửa sang cái khăn quấn trên cổ rồi mới vê râu khi thấy Tuyết mang đồ nhắm và rượu vào.

– Tới đây tới đây… Mời cả nhà dùng bữa…

Tuyết rót rượu cho ông mũi đỏ và nhà pha chế. Đây là lần đầu tiên cô vinh dự phục vụ trực tiếp cho ông ấy, một nhà pha chế tài ba mà cô được biết. Còn Duy thì chọn một ly soda chanh như mọi bữa.

– Ông tìm đâu ra một cô bé giúp việc dễ thương vậy ông Quyền? – Ông ta lại vê hàm râu vương giả của mình một cách vui sướng rồi phá lên cười.

– Là thằng con trai tôi tìm đấy chứ. Phải vậy không Duy? – Ông mũi đỏ quạu quọ, không buồn nâng ly rượu của mình lên.

Khi nhà pha chế đặt ly rượu xuống bàn thì Duy cũng thả cái ly soda xuống rồi rót thêm ít nữa. Nhưng ông ta không điềm đạm như thằng Duy mà rít lên dữ dội, suýt chút nữa là ném ly rượu vô tường.

– Trời ơi… cô cho tôi uống thứ gì vậy? Ah…

Người giúp việc có cái môi đỏ chót tiếp:

– Thì rượu nho. Tôi chỉ cho thêm chút ớt xay, một chút… nữa thôi… Nhà pha chế không nghiệm ra được mình nuốt thứ gì à?

– Con đần này, một chút gì nữa? Mày nói nhanh? Định thuốc chết tao hả?

Duy xô ghế đứng dậy:

– Chết thì không chết được đâu. Ông có mà chết trong tù thôi chứ chút ít thuốc đó có là gì. Ông khôn hồn nhả chiếc nhẫn ra đây, không thì tôi báo công an đó.

– Chiếc nhẫn nào? – Ông mũi đỏ thét lên, con ngươi ông lóe lên một tia chớp.

– Ông chủ khoan hãy nóng đã. Nghe tôi nói cho hết đi. Ông định xem nhà pha chế ông mời về diễn màn kịch dối trá ấy cho đến khi nào đây? – Tuyết đưa mắt nhìn ông mũi đỏ đang mím chặt môi bên cạnh – Các bà ngoài chợ nói chả có xị rượu nho nào được trại mình bán ra trong vòng hai năm nay cả nên ông mới ru rú trong phòng pha chế cả ngày để tìm ra công thức bà nhà đã từng làm, và thấy không khả quan nên mời người này về làm việc. Nhưng ông có biết hắn là ai không, hắn đã làm những gì? Hắn đi trốn dịch, muốn được cung phụng đàng hoàng nên tìm đến với ông thôi… ông mắc lừa hắn rồi!

– Cô… cô được lắm. Cô là ai? Sự thật cô là ai?

Thấy lời của Tuyết sắc sảo khác thường, người pha chế nhổm dậy, dợm bước đi nhưng hắn lảo đảo muốn té dù chỉ nhấp chút rượu pha với ớt. Rồi hắn được Tuyết đỡ lên ghế ngồi. Cô nheo mắt một cách láu lỉnh rồi chầm chậm rê ghế đẩu lại gần hắn, cẩn thận lột hàm râu giả ra trước cặp mắt to tròn của ông mũi đỏ.

– Mày… Mày làm gì vậy Tuyết? Kia là… kìa là…

– Chị nói cho cha em nghe đi, kẻo ông lại không tin.

Cô lấy ra một cái ô tô đồ chơi trong tạp dề cầm trên tay:

– Tôi nhặt được cái này ngoài hàng rào nhà mình, một cái nữa trong phòng pha chế mà nhà này thì làm gì có trẻ con. Thật lâu sau tôi mới hiểu là người đó làm cách nào để lấy chiếc nhẫn trong phòng thằng Duy. Một vụ trộm trong phòng kín. Thật khó nghĩ nhưng cũng thật đơn giản khi ai đó sành công nghệ. Để tôi mách ông chủ nghe, này nhé, người đó dùng một sợi cáp xoắn, có hai sợi kim loại điều khiển lưỡi dao và một sợi gắn đầu dò kiểu camera BV rồi gắn đầu sợi cáp xoắn lên mui chiếc ô tô đồ chơi điều khiển từ xa chạy từ vòng rào đến chân tường, dừng lại dưới lỗ thoát ống đồng của máy lạnh, dùng tay quay để đẩy. Tới đây, người đó mới mở đầu dò camera đầu cuộn cáp xoắn có dây hữu tuyến và tiếp tục đẩy cho sợi cáp đi lên, vào lỗ truyền ống đồng để vào phòng của Duy.

– Khó hình dung quá… – Duy gãi gãi đầu và minh họa bằng nụ cười dài dại của một học sinh không hiểu bài còn ông mũi đỏ thì chau mày như đã nghiệm ra điều gì.

– Cũng không khó lắm đâu. Lát nữa tôi sẽ thực nghiệm cho xem. Tiếp theo, cho cáp bò tới ngăn kéo chứa chiếc nhẫn, điều khiển hai lưỡi dao xòe ra, một lưỡi đâm thẳng vào ổ khóa, một lưỡi chèn vào mép trên ngăn kéo. Lấy kính lúp soi sẽ thấy rõ dấu vết lưỡi dao để lại. Lưỡi dao sẽ dính trong ổ khóa và xoay 45 độ theo ý người điều khiển, ngăn kéo bị lưỡi dao chèn mép trên sẽ trôi ra. Lại cho sợi cáp vào đó để đầu dò camera quan sát tìm chiếc nhẫn. Tìm xong, lưỡi dao còn lại (vì lưỡi dao phá khóa sẽ bị vẹo) lòn vào chiếc nhẫn, gập lại để nhẫn được tròng vào sợi cáp xoắn và được lưỡi dao còn lại giữ. Giờ thì cuốn dây cáp xoắn từ bên ngoài.

– Vậy chiếc nhẫn hiện đang cất trong phòng ổng hả chị? Để em đi tìm… – Duy hỏi ngay khi cô vừa kết thúc phần suy luận.

– Không phải đi đâu mất công. Một vật giá trị như vậy mà để lại trong phòng thì ai mà an tâm cho được. Xem ta có gì đây này… – Rồi cô rút cái khăn quấn trên cổ gã “chuyên gia”, tháo chiếc nhẫn được đính nơi mặt trong chiếc khăn đó – Thật khôn ngoan khi giấu chiếc nhẫn ở đây. Nhưng ở xứ này mà quấn khăn choàng cổ thì chỉ làm người ta sinh nghi thôi người ơi.

– Rốt cuộc cô là ai? Có cần tôi gọi cảnh sát không?

– Không cần đâu. Tôi chính là cảnh sát đây – nàng tháo tạp dề – Hà “ớt” đây. Ông có cần kiểm tra sơ qua thẻ ngành của tôi không hả?

Nàng tháo tóc giả rồi lấy khăn lau lớp son đỏ trên môi. Ông Quyền ngã ngồi trên ván lấy tay xoa mặt, thở dài.

– Vậy giờ cô tính đi? Bao nhiêu tiền chúng tôi trả?

– Không cần đâu. Hà “ớt” này đến đây cũng vì công việc, và vì thế tôi sẽ không nhận đồng thù lao nào từ nhà mình đâu. – Cô vừa nói vừa bập còng vào tay tên trộm.

– Vậy ra cô…

– Tôi có điều này muốn nói với chú, lúc vào phòng điều chế, tôi thấy tấm bảng ghi “Mua giấy lọc” do thím viết nhưng mà lại không thấy một tờ giấy lọc nào trong phòng điều chế lẫn trang trại. Tôi đoán là từ khi thím mất, không ai dọn phòng điều chế cũng như đọc những dòng mà thím ghi. Rượu nho không được lọc tinh thể sẽ tạo ra cặn hữu cơ làm chua khi lên men. Đó là lý do rượu của chú điều chế không đạt chất lượng…

– Trời! Thì ra là vậy… – Ông mũi đỏ chết sững, chỉ thốt được mấy lời trong khi Hà “ớt” với Duy lôi gã “chuyên gia” ra cổng.

V.C.N