Chuyện phong thủy làng – Truyện ngắn của Ngô Văn Cư

721

Ngô Văn Cư

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hào Phú là một làng quê như bao làng quê khác nhưng có cái tên thật mỉa mai. Bởi cả vùng chỉ có những ngôi nhà cấp bốn mái ngói cũ kỹ khuất trong những vườn um tùm cây trái, duy nhất có nhà mái bằng của lão Mới nhờ những đứa con làm ăn trên thành phố góp tiền xây nhà cho cha. Tên làng chỉ vận riêng vào nhà của lão Mới. Cũng lạ. Lão Mới có cả thảy năm đứa con, một trai bốn gái. Cũng vì muốn một đứa con trai nối dõi mà mấy cô con gái cứ dành ra trước nên lão phải đợi thằng Rốt ra đời lão mới dừng lại.

Nhà văn Ngô Văn Cư

Ai cũng cười bảo lão thằng Rốt mà con gái thì gia đình lão có ngũ long công chúa rồi. Có người cũng nói vui bốn con gái cùng với người mẹ nữa là đủ năm”. Nói thì vui thế nhưng ai cũng ái ngại với gia đình bảy miệng ăn mà chỉ có một lao động chính là lão Mới và ba sào ruộng. Lão phải làm đủ nghề để có cái đưa vào miệng đội tàu há mồm. Đến khi đứa con gái lớn phổng phao đủ cho những chàng trai làng buông lời chòng ghẹo thì gia đình lão Mới đã kiệt quệ lắm rồi còn lão thì ốm yếu triền miên. Không có dấu chân chàng trai nào ở sân nhà lão Mới làm lão nhìn những đứa con mà lòng chua xót. Nhưng trời không phụ công của lão. Đứa con gái lớn theo người quen lên thành phố phụ việc, xem ra cũng sống được và có tiền gởi về phụ giúp gia đình. Những đứa em lần lượt theo dấu chân chị cả. Chúng là những đứa con hiếu thảo nên sau mấy năm làm ăn xứ người đã xây được nhà mái bằng duy nhất ở làng Hào Phú này. Lão Mới bây giờ mãn nguyện lắm rồi. Hàng xóm cũng vỡ ra một điều “trai mà chi, gái mà chi; con nào có ngãi có nghì là hơn”. Chỉ có một điều mà nhiều người thắc mắc là những cô con gái yếu ớt kia làm gì mà tiền nhiều thế!

Ai cũng nói Hào Phú chỉ là mơ ước của các bậc tiền hiền khai khẩn đất này vì khi nhìn cuộc đất với con suối cắt ngang làng, đất không thể vượng. Thế mà có người làm lớn ở xứ người mới lạ. Đó là cô Mén. Mén là tên gọi ở làng. Khi Mén vừa đủ lớn thì cuộc chiến tranh chống Mỹ đang đến hồi quyết liệt. Cô cũng như nhiều thanh niên trong làng lên đường tham gia vào cuộc chiến. Mỗi người một hoàn cảnh, một lí do khác nhau… nhưng đều giống nhau ở lòng yêu nước, căm thù giặc. Điều này thì khỏi cần nói. Riêng Mén thì sau khi xem một đêm văn công của huyện biểu diễn thì thích mê mệt anh chơi đàn của đoàn… và xin đi theo… Nhưng sau đó lại không thể đi theo đoàn văn công vì được cử đi học khóa y tá cấp tốc rồi đi khắp chiến trường đến khi toàn quốc giải phóng.

Mén không có dịp nào gặp lại người chơi đàn trong suốt cuộc chiến tranh nên tình yêu đã nảy nở với một thương binh trong một trận càn của giặc. Tên Mén đã thêm dấu mũ thành Mến trong ngày cưới. Sau giải phóng Mến đã sống ở quê chồng huyện bên. Với cái mác kháng chiến và chồng thương binh Mến và chồng tiếp tục công tác và thăng tiến. Ngày về hưu, Mến đã là một cán bộ có tầm cỡ cấp huyện. Những đứa con của Mến tiếp tục sự nghiệp của mẹ và vượt cả mẹ cha nhờ vào học vấn, nay đang giữ chức vụ trọng yếu của tỉnh nhà. Dân làng Hào Phú thường nhắc đến mẹ con Mến với niềm tự hào, nể phục và thường lấy đó làm gương cho con cháu phấn đấu, nhưng đến bây giờ, làng Hào Phú vẫn chưa có ai có chức vụ cao trong chính quyền như mẹ con của Mến. Mấy cụ già thường tiếc rẻ giá mà không có con suối chảy cắt ngang qua làng thì làng đã phát ở phía đàn ông.

Con suối có thuận lợi trong nông nghiệp nhưng cuộc đất như thế, một cuộc đất quá nặng về âm, âm thịnh, thì làm sao chẳng phát về phía con gái, đàn bà được. Để khẳng định thế đất nặng về âm đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, lão Hoạt, một lão nông kỳ cựu của làng, đưa ra nhiều hoàn cảnh để chứng minh cho luận điểm của mình.

– Đấy! Thằng Hoàn, thằng Cận, thằng Nguyên… không giỏi à? Nhưng sao không thể làm giàu; không làm được ông này, ông nọ…? Ai giải thích được, nào? Nếu không phải do cuộc đất hãm tài của chúng? Hã?

Có người bắt bẻ:

– Thằng Hoàn do bị tai nạn mà!

– Ừ thì tai nạn! Nhưng sao những người khác không bị tai nạn như nó? Lại nhằm vào cái thằng đầy triển vọng như thế? Hã?

– Thì ông giải thích đi.

– Này nhé! Làng ta từ trước đến giờ chỉ có thằng Hoàn là học giỏi nhất, phải không nào? Lúc nhỏ học đứng đầu lớp, lên lớp trên được cả tỉnh tuyên dương là học sinh giỏi. Đúng không nào? Với cái đà như thế nó có tiến sĩ, giáo sư trong tay như chơi, dễ chừng nó được phong chức ở trên tỉnh nữa chứ…

– Ông nói dễ nghe nhể!

– Sao lại không? Biết bao vị khi đã có chức tước rồi mới đi học để thành tài sau đó sao? Còn nó, nếu đã học giỏi rồi thì giao chức vụ cho nó thì đúng quá đi chứ. Tôi nói có phải không?

– Thì nó cũng tốt nghiệp đại học loại khá đấy. Rồi một năm đi tìm không ra việc làm… đến nỗi…

– Đấy, cái cuộc đất nó hãm tài như thế đấy! Nếu không bị cái thế âm thịnh của làng thì các cơ quan, tổ chức đã nhận ra tài năng mà nhận nó làm việc. Nó đâu phải chạy đôn chạy đáo khắp thành phố lớn nhỏ xin việc đến nỗi bị tai nạn giao thông. Bây giờ, sống dở chết dở lang thang như người mất trí… phí cả nhân tài!

– Ông nói thế chứ tài năng phải đi chung với tiền bạc nhưng tiền đi trước, tài mới được phát huy. Ông không thấy người ta xếp thứ tự khi nói tiền tài à? Không tiền lót tay, dễ gì người ta nhận nó vào làm việc.

Lão Hoạt thở dài:

– Thì phí cả nhân tài…

Dù nhiều lần nghe lão Hoạt giải thích về cuộc đất vận vào đời sống con người nhưng vẫn có người muốn ông nói lại những điều đã được nghe cả trăm lần. Họ hỏi ông:

– Ông Hoạt ơi! Ông giải thích thử xem cuộc đời thằng Lanh với thế đất làng có gì liên quan?

Lão vẫn vui vẻ:

– Cái thằng Lanh không biết dừng đúng lúc phải dừng lại. Đất này đâu thể phất lên bằng may mắn như nó. Đã nói, ở làng này, sống làng nhàng thì được. Khi có tài hoặc có tiền quá mức dễ bị quật ngã như chơi!

– So với làng bên, thằng Lanh có thấm vào đâu!

– Sao lại so với Hội Phú làng bên được. Con đường liên huyện được mở ngang qua làng. Nhiều gia đình sau một đêm ngủ dậy đã thấy mình giàu sang, nhà hướng ra mặt đường lớn, giá đất tăng vùn vụt từng ngày, cả làng cùng giàu. Nhà nào không ở trục lộ chính vẫn ăn theo sự giàu có bằng những dịch vụ khác nhau… Còn thằng Lanh, nó ở rìa làng Hào Phú ta nhưng lại giáp ranh với Hội Phú, cũng chớp thời cơ ăn theo mà có của ăn của để, rồi trở thành sân sau của nhiều nhà đầu tư mới phất ở Hội Phú. Nếu biết tính toán theo phong thủy thì chừng ấy là đủ, nó lại quá tham muốn được nhiều hơn nhưng biết đâu “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” có nghĩa là thuận theo trời thì tồn tại, nghịch lại trời thì tiêu vong. Đất Hào Phú không phải là đất dành cho đàn ông, hiểu chưa?

– Chưa!

– Thế này nhé! Cái gì dễ dàng có được cũng dễ dàng mất đi, nhất là của phi nghĩa, lừa lọc… chứ không phải bằng sức lao động chính đáng. Thằng vừa thoát nghèo lại thấy nhiều tiền thì tối mắt lao vào như con thiêu thân. Cứ ngỡ mình đang lừa người ta, đâu ngờ chính mình bị lừa mà không biết!

– Thế thì có gì liên quan đến bọn đàn ông?

– À, cái thằng đàn ông lạ lắm. Làm hùng hục để kiếm ra tiền thì được. Nhưng tính toán để làm việc ít mà hiệu quả cao thì khó lắm! Như thằng Lanh đấy! Nó chỉ gặp một mụ đàn bà là trắng tay và thân tàn ma dại ngay.

– Vậy là nó bị thất bại là do đàn bà chứ dính dáng gì đến thế đất!

Lão Hoạt vẫn kiên nhẫn:

– Đã nói là đất âm thịnh mà. Người đàn bà làm chủ… Nè, cứ xem đàn bà đất này rồi biết. Ngay cô giáo Huyền dạy học tưởng chừng như mẫu mực, đoan chính lắm lại cùng với xếp lên huyện mướn phòng ngủ làm lùm xùm một thời gian, thằng xếp bị mất chức ngay. Con Thuần cũng vậy, không dẫn thằng mua heo ra chuồng lại dẫn lên giường để thằng chồng bắt được đánh một trận thừa sống thiếu chết khiến thằng mua heo phải bán xới mãnh đất này. Còn mấy đứa con gái lão Mới…

– Thôi, chuyện trai gái có tốt đẹp gì đâu mà kể!

– Thì cũng để thấy trong cuộc đất âm thịnh thì người đàn bà sẽ mạnh trong mọi lĩnh vực…

Không một việc nào, sự kiện lớn nhỏ nào của làng, lão Hoạt lại không gắn với phong thủy làng mà giải thích. Mà cách giải thích của lão cũng lạ, cứ đổ hết cho con suối chảy ngang qua giữa làng, con suối dài thuộc thủy, thủy thuộc âm; vừa chia làng thành hai vùng tách bạch vừa tạo thế mất cân đối giữa âm dương, ngẫm ra cũng có lý. Sự thành bại từng cá nhân của làng đều gắn với hình bóng của người đàn bà. Gần đây, anh Thạnh, vừa được biên chế vào cán bộ cấp xã chưa kịp ấm ghế thì đã vướng vào vụ gạ tình một nạ dòng. Không biết là anh gạ tình hay bị bẫy gài sẵn mà việc cứ lồ lộ ra trước mắt mọi người khiến anh không thể ngồi nán trên chiếc ghế chưa ấm hơi của anh.

Đối thủ về phong thủy làng của lão Hoạt là lão Tĩnh. Lão đã lớn tuổi nhưng còn khỏe, minh mẫn và tính cũng thích hài hước. Nghe đâu hồi nhỏ đã từng đi bộ lên tỉnh gần trăm cây số để thi yếu lược, tương đương với lớp ba bây giờ, nhưng hồi đó oách lắm; được làng xóm trọng vọng là người có chữ nghĩa. Lão lại giải thích việc làng không có người giỏi giang và âm vượng theo cách ngược lại lão Hoạt. Không phải vì con suối mà vì cái ngọn đồi Mả Vôi ở đầu làng. Cứ động đến việc đàn bà phơi phới tình tiền, đàn ông lầm lủi qua ngày thì lão Tĩnh trợn mắt:

– Làng ta bị yểm rồi! Nè! Xem nhé! Địa phương ta núi không cao, nước không sâu. Chỉ có con suối nhỏ chảy ngang qua, không nói; còn cái đồi Mả Vôi trọc lóc chỉ có sim, mua, cỏ mọc mà trên đỉnh đồi lại chình ình một cái mả to đùng trấn yểm! Núi đồi là hiện thân của người đàn ông, thuộc dương. Vậy mà trên đỉnh đồi bị đè xuống một cái mả đá ong xù xì, cũ kỹ, nặng nề; làm sao người đàn ông ngóc… lên được!

– Sao không phá bỏ nó đi?

– Không được đâu! Chúng ta đâu đủ phép lực… phải đành chấp nhận thôi.

– Khó tin quá…

– Không tin cũng phải tin. Này nhé, dưới chân đồi có bốn gia đình thì cả bốn người phụ nữ phải chịu cảnh góa bụa… Dương trầm thì âm bổng, không có gì lạ!

– Âm bổng là sao?

– Là vượng, thu hút dương về. Đấy! Người đàn ông trụ cột gia đình đã mất nhưng thỉnh thoảng trong từng gia đình vẫn có bóng dáng đàn ông khác nhưng không thể sống chung lâu được…Rồi phải tuyển mới, thay mới thôi! Hê hê hê…

Lão Tĩnh thường kết luận:

– Hào Phú là chỉ dành cho đàn bà ở làng này thôi. Tình tiền đều quy về nhờ người đàn bà như dòng suối qua làng, dù không nhiều nhưng vẫn trường lưu. Đàn ông làm sao mà phất lên được chứ! Chỉ có một cái đồi nhỏ xíu biểu tượng cho người đàn ông thì bị cái mả vôi đặt lù lù trên đó; cái của quý đã bị mọc nhọt nên yếu xìu là đúng rồi… Hê hê hê.

Cứ thế, chuyện làng, chuyện đời, chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng đầu chẳng đuôi mà nghe qua thấy lòng thêm trắc ẩn. Không chuyện nào vắng bóng người đàn bà. Lão Hoạt có cái lý của lão, lão Tĩnh có cái từng trải của lão. Nhưng xét cho cùng, thử hỏi thằng đàn ông nào thấy gái chẳng mềm lòng, rồi trắng tay tất cả?

N.V.C