(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhắc đến Nguyễn Ngọc Hạnh, người ta thường nhắc đến những bài thơ viết về làng quê chân chất, hồn hậu, mang mang một nỗi buồn, một kí ức không thể quên. Nhưng mảng thơ tình của anh cũng đọng lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu xa về một tâm hồn thơ say đắm, nồng nàn. Tôi đi tìm em, một phức cảm đa chiều giữa tình yêu sâu đậm và tình quê nồng đượm, thiết tha.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh
Nhân Đọc bài thơ “Tôi đi tìm em” của Nguyễn Ngọc Hạnh in trong tập thơ “Khi xa mặt đất”, xuất bản năm 1997.
Tìm em tôi đi tìm em
Chưa kịp nhớ đã quên đường rồi
Mía dày như bắp làng tôi
Nghe gió thổi, đi rồi lại quên
Em lối dưới, tôi lối trên
Em đi xuống, tôi lại lên cuối hàng
Đi dọc rồi lại rẽ ngang
Tìm đâu ra giữa làng mía xanh
Chiều lên làng mía mông mênh
Tìm em, nhớ với quên dập dồn
Nhớ trong nỗi nhớ bồn chồn
Lại quên giữa vô cùng tôi quên.
Lục bát từ lâu đời vốn là thể thơ bắt rễ sâu nhất vào cơ tầng văn hoá Việt. Được nuôi dưỡng từ dòng sữa mát lành của lục bát ca dao năm xưa, lục bát hiện đại chất chứa cả một cuốn bách khoa ngàn tâm trạng, nhưng đó là những cung bậc tình cảm mang đậm nét hồn làng, hồn quê. Với dụng ý nghệ thuật cùng nhu cầu bày tỏ những vi tế của tâm hồn, các nhà thơ hiện thời khi đến với thể thơ quen thuộc này, đã thổi một luồng gió mới ở việc sáng tạọ cách ngắt nhịp, vắt dòng, co giãn số lượng âm tiết trong câu 6 hoặc câu 8…Dù phá vỡ khuôn hình nhưng âm luật, cách gieo vần của thể truyền thống vẫn được giữ nguyên. Chứng tỏ, người thi sĩ dù đã từng đi tới bao chân trời xa lắc, tâm hồn họ vẫn không quên những căn cốt, cội nguồn mang linh hồn dân tộc. Tôi đi tìm em của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh gây ấn tượng với người đọc bởi nét độc, lạ nhưng vẫn không đánh mất đi nét “hương đồng gió nội” trong thi ca hiện đại Việt Nam.
Nhắc đến Nguyễn Ngọc Hạnh, người ta thường nhắc đến những bài thơ viết về làng quê chân chất, hồn hậu, mang mang một nỗi buồn, một kí ức không thể nào quên. Nhưng mảng thơ tình của anh cũng đọng lại trong lòng người đọc những ấn tượng sắc nét về một tâm hồn thơ say đắm, nồng nàn. Tôi đi tìm em, là một biến thể tài tình của thơ lục bát giảm tiếng, có độ lùi hơn 40 năm, gợi những cảm thức về một vùng đất vốn nổi tiếng với nghề trồng mía nấu đường ở Điện Hồng (Điện Bàn), cùng câu chuyện tình ý nhị thời trai trẻ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.
Tình yêu là một món quà của Tạo hóa song cũng là một trò chơi trốn tìm trong cuộc đời mỗi con người bởi khát vọng tình yêu vô cùng, khó có điểm dừng: Tìm em tôi đi tìm em/ Chưa kịp nhớ đã quên đường rồi/ Mía dày như bắp làng tôi/ Nghe gió thổi, đi rồi lại quên. Nói chuyện tình yêu, thi sĩ thường hay mở đầu theo thể hứng, dẫn dắt vòng vo rồi mới vào câu chuyện. Riêng Nguyễn Ngọc Hạnh, anh vào đề trực tiếp: Tìm em tôi đi tìm em, câu thơ 6 chữ mà đến hai lần: Tìm em diễn giải mục đích của chàng trai, tìm em chứ không tìm ai cả, bởi em là đích đến của cuộc đi tìm ở anh. Nếu câu đầu dứt khoát khẳng định, thì câu tiếp “lửng lơ con cá vàng”: Chưa kịp nhớ đã quên đường rồi. Thì ra, tâm trí nghĩ một đường nhưng đôi chân dẫn dắt chàng trai ấy lạc vào cái mông mênh của ruộng mía: Mía dày như bắp làng tôi/ Nghe gió thổi, đi rồi lại quên. Nghe cái xạc xào của gió, của lá, chàng trai tưởng như mình đang đứng giữa những bãi bắp xanh dày, trĩu hạt dọc theo dòng Vu gia đã từng tắm mát tuổi thơ anh. Chính vì, chân bước mà hồn nơi đâu nên làng mía vốn là nơi anh từng đến, từng có một mối tình khắc cốt ghi tâm bây giờ bỗng lạ, đi rồi lại quên. Cái quen-lạ, nhớ-quên cứ quấn quýt, vấn vương vào nhau như chuyện tình của cô thôn nữ làng mía Điện Bàn với chàng trai xứ bắp Đại Lộc đem lại bao xuyến xao cho người đọc và phải chăng với chàng trai đó Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương(CLV)?
Bài thơ Tôi đi tìm em trong tập Khi xa mặt đất của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh
Có về với những biền mía bên bờ sông Thu Bồn của Điện Thọ, Điện Hồng trong câu hát Thái Nghĩa: Mía Điện Bàn/ thơm ngát mùi đường non; mới thấu hết cuộc kiếm tìm của chàng trai giữa không gian xanh bất tận ấy: Em lối dưới, tôi lối trên/ Em đi xuống tôi lại lên cuối hàng…Hàng loạt đại từ chỉ phương hướng: dưới-trên, lên-xuống, ngang-dọc gợi tả những lối đi chằng chịt trong ruộng mía mà người trồng cố ý tạo ra để chống úng. Lạc vào giữa ruộng mía, như lạc vào mê hồn trận, vì thế, dù đã xác định cái đích đến của cuộc đi mà chàng trai vẫn rơi vào thế trận giăng giăng của mía. Sự thay đổi nhịp ngắt 3/3 ở câu lục: Em lối dưới, tôi lối trên cùng câu hỏi tu từ Tìm đâu ra giữa làng mía xanh như cuộc kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc của đôi trẻ.Tình yêu muôn đời nay vốn là ẩn số, có người suốt đời đi tìm, thậm chí phải rượt đuổi mà vẫn trắng tay. Câu thơ như bước chân hẫng hụt của chàng trai giữa cái mênh mông, cái vô cùng của ruộng mía hay đó cũng là của tâm trạng chới với của mỗi con người giữa cái đuổi-bắt-mất-được của tình yêu.
Cuộc đi thăm làng mía trở nên thú vị hơn bởi trong nhân vật trữ tình đan xen bao cảm xúc phức tạp: Chiều lên làng mía mông mênh/Tìm em, nhớ với quên dập dồn/Nhớ trong nỗi nhớ bồn chồn/Lại quên giữa vô cùng tôi quên. Đó là nỗi nhớ bồn chồn, thao thức trong tình yêu vốn dĩ nhiên; nhưng cái sự lạ ở đây là cái nỗi quên: Lại quên giữa vô cùng tôi quên. Đứng giữa cái vô cùng của trời đất, chàng trai như đắm chìm trong suy ngẫm, lãng quên đi thực tại. Và tình yêu cũng vậy, đôi khi người ta rơi vào những trạng thái phức tạp, mâu thuẫn không hề lí giải được. Tâm trạng ngẩn ngơ của nhân vật trữ tình trong câu chuyện tình kể bằng thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh khiến ta liên tưởng đến ý thơ của Tế Hanh: Ta đi thơ thẩn, đường quê vắng/ Mía, mía bao vây, mía khắp miền (Mía).
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong buổi giới thiệu tập thơ Khi xa mặt đất
Tôi đi tìm em của Nguyễn Ngọc Hạnh là bài thơ được viết theo thể 6-7, một biến thể của lục bát thuộc loại hiếm gặp. Nhà thơ cố tình co bớt một âm tiết ở câu bát để diễn tả đậm nét tâm trạng hụt hẫng của nhân vật trữ tình trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc; nhưng người đọc vẫn cảm thấy sự tròn đầy trong ý, trong tình. Cách gieo vần bằng nhuần nhuyễn mềm mại y như một bài lục bát đúng thể. Nhịp thơ ngắn , câu thơ giàu thanh âm bởi cái lao xao của ruộng mía mỗi cơn gió về. Câu chữ giản dị nhưng xô đẩy, đuổi bắt nhau như một cuộc tìm kiếm tình yêu của đôi nam nữ giữa cái mênh mông, vô cùng. Thi phẩm hay không chỉ ở nét độc lạ về hình thức nghệ thuật mà còn quyến dụ người đọc từ phức cảm đa chiều giữa những suy ngẫm về hạnh phúc và tình quê nồng đượm, thiết tha.
Hạ 2020 – Nguyên Thu