“Chuyện tình của thằng Mót” – Truyện ngắn Nguyễn Hữu Diên

604

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chú Lãng lấy vợ từ năm hai mươi tuổi, vợ chú sinh một lèo sáu ả “thiên nga”. Mãi đến năm chú bốn mươi tuổi. Thím mới sinh cho chú được thằng cu. Chú mừng hơn bắt được vàng. Nên làm thịt con heo mời bà con nội thân hai bên đến ăn mừng, mặc dù lúc bấy giờ gia đình chú đang còn nhiều khó khăn, cực khổ. Rồi chú đặt tên cho nó là thằng Mót. Thằng Mót vừa tròn hai tuổi thì thím Lãng mất vì căn bệnh ung thư quái ác.

Chú ở vậy nuôi các con khôn lớn. Năm tháng đi qua, sáu đứa con gái lần lượt lấy chồng giờ đã con đàn cháu đống. Riêng chỉ còn mỗi thằng Mót là vẫn trung thành với “chủ nghĩa độc thân”.

Mấy năm trước ra quê. Mỗi lần ghé thăm chú Lãng, tôi hay nghe chú than thở hoài vẫn là “điệp khúc” Thằng Mót ế vợ. Nghe mà thương cho chú bởi cái tuổi gần đất xa trời, được mỗi thằng con trai tuổi đã ngấp nghé tứ tuần rồi mà vẫn chưa tìm đâu ra người sớm hôm “má kề tay ấp”. Cái ý thức sâu xa hơn là chú cũng muốn lo cho xong trách nhiệm dựng vợ gả chồng đối với con cái. Sau nữa cũng muốn có người nối dõi tông đường trước khi chú nhắm mắt xuôi tay. Công bằng mà nói thì thằng Mót cũng cao ráo, mặt mũi thì đâu đến nỗi nào. Tính tình hiền lành, siêng năng trong công việc. Chỉ tội cái tính nhát gái. Mỗi khi tiếp xúc với chị em nó cứ ấp a ấp úng làm như gà mắc tóc. Bởi thực tế đã chứng minh, trước đây thằng Mót từng hẹn hò đi chơi với vài đứa con gái trong cái làng cát này. Cũng ra bãi biển ngóng chờ trăng lên, coi bộ tình tứ, lãng mạn lắm. Nhưng chẳng biết nó nói với con người ta chuyện gì mà bữa sau con người ta không thèm đi chơi với nó nữa. Thậm chí có đứa con gái còn mạnh miệng nói rằng:

– Đi chơi với anh Mót chán ơi là chán! Anh chẳng biết… chi cả…

Đã vậy mà thằng Mót lại không chịu “rút kinh nghiệm sâu sắc” cho bản thân thì lấy mô ra vợ? Ông bà xưa có câu “Trâu bò thì lấy dây mà dắt, con gái thì lấy… mà lôi” … (lấy chi mà lôi tôi quên mất rồi) hơ hơ…

Cách đây hai năm. Nghe tin tôi vừa về đến nhà, chú Lãng vội chạy qua:

– Cháu mới về hả?

– Dạ. Chú khỏe không chú?

– Ờ. Chú vẫn khỏe. Mà thôi đi luôn qua bên chú, thằng Mót mới đi biển vô cá, mực luộc chín cả rồi.

Tôi theo chân chú Lãng về nhà chú. Ngôi nhà cấp bốn được xây cất đã mấy năm nay có phần bề bộn vì không có bàn tay phụ nữ. Thằng Mót trải chiếc chiếu ra nền nhà rồi xuống bếp bưng mâm lên. Một dĩa đầy mấy con cá chuồn to và một dĩa Mực lá đã luộc sẵn, chén nước mắm gừng và mấy trái ớt tươi, đặt ngay ngắn giữa nhà. Rồi hắn với tay bê hũ rượu ngâm gốc đinh lăng đã nhạt màu giọng liến thoắng:

– Hôm nay có anh Diên ra quê, sẵn có mồi ngon, chú cháu, anh em mình giải quyết xong cái thẩu rượu mới được nghỉ nghe.

– Thôi. Em còn sức khỏe uống được nhiều chớ anh ngồi cho có phong trào thôi. Chắc chỉ mấy ly là xin rút lui.

– Mô có được. Lâu lâu anh mới về quê, sẵn mồi sẵn rượu đây không say không về. Nào. Nâng ly lên mần luôn một trăm nghe.

Những ly rượu hết vơi lại đầy cùng bao nhiêu câu chuyện đang nở như Bắp rang thì Cu Tèo hớt hải chạy sang:

– Chú Diên ơi! Đi về, có chú Sơn bạn lính ngày xưa của chú đang chờ ở nhà đó.

– Anh Sơn ở Vĩnh Trung phải không anh? – Thằng Mót hỏi.

– Phải rồi em.

– Em biết anh Sơn mà. Anh cứ ngồi đó đi, em qua mời anh Sơn sang đậy mần mấy ly luôn nghe anh?

– Ừ. Rứa cũng được…

Vậy là thằng Mót đã mời được thằng Sơn qua nhậu. Thôi thì chỉ thêm cái chén, đôi đũa thêm người càng vui. Rượu vào ý chừng đã đủ nóng hai bên tai, chú Lãng lên tiếng.

– Thôi hôm ni sẵn dịp có hai đứa bay đây chú nói luôn. Chú thì gần đất xa trời rồi, sống không được mấy nữa. Mà tình hình thằng Mót chú không yên tâm nếu như lỡ có nhắm mắt xuôi tay. Hai đứa bay coi thử có đám mô giúp cho em với, chớ hắn chỉ biết ăn mần, mần ăn thôi chớ ba chuyện “cưa kéo” hắn có biết chi mô mà nói.

– Ba thì lúc mô uống rượu vô cũng nói chuyện nớ. Việc con, con tự lo.

– Để cho mi tự lo chừ mới ra rứa đó…

– Thôi mà chú. Cái chi đến rồi hắn sẽ đến chú ơi! Từ Từ mô sẽ vô đó hết chú.

Nãy giờ thằng Sơn ngồi uống rượu vừa lắng nghe câu chuyện rồi hắn tủm tỉm cười. Chờ mọi người im lặng hắn mới nhẹ nhàng lên tiếng

– Cháu đã nghe câu chuyện của em Mót rồi. Hiện tại trên nhà cháu cũng còn có đứa em gái út năm nay cũng ngoài ba mươi rồi mà cũng chưa chồng con chi. Trước mắt là Diên đưa em Mót lên nhà Sơn chơi. Tới mô ta tính tiếp.

– Cháu nói thiệt hả Sơn?

– Dạ. Cháu không dám nói bậy với người lớn mô chú.

– Thôi đã rứa thì uống đi. Nào, chú mời tất cả nâng ly lên chạm, rồi mần cạn cái coi…

Thế rồi tôi hẹn Sơn là chủ nhật anh em tôi sẽ lên nhà Sơn chơi. Nhưng thằng Mót cứ lần lữa nửa muốn đi nửa lại sợ không biết lên đó ăn nói răng đây, rồi lại mần xấu lây mặt tôi. Thuyết phục mãi cuối cùng hắn cũng miễn cưỡng theo tôi vượt ra khỏi lũy tre làng một chuyến…

Sau cái bữa “mang Chuông đi đánh đất người” trở về chẳng hiểu có đạt được thành tích chi không mà tôi thấy thằng Mót thay đổi một trăm tám mươi độ. Hắn hay soi gương và chải lại mái tóc tổ quạ rồi tủm tỉm cười một mình. Nhất là lúc mô cũng say sưa với với chiếc điện thoại chắc là đang gửi tin nhắn cho ai. Tôi đã đoán ra sự thay đổi của thằng Mót, nhưng cũng ý tứ không hỏi vì sợ thằng Mót mắc cỡ, tính tình hắn xưa nay vẫn rứa. Chỉ tội nghiệp chú Lãng cứ hỏi dò hoài mà tôi cũng chưa tìm ra câu thích hợp nhất để trả lời cho chú…

Ba ngày sau, Trang xuống làng Cát tìm tôi, Trang nhỏ nhẹ.

– Anh Sơn nói là ngày mai anh vô Bình Phước rồi mà chẳng có chi làm quà, nên kêu em mang ít Tiêu khô gửi anh mang vô gọi là một chút “cây nhà, lá vườn”…

– Trước hết cho anh cảm ơn tấm lòng của gia đình em. Nhưng anh sẽ gửi lại chứ không mang củi về rừng mô em. Anh ở trong đó Tiêu còn nhiều hơn trên em nữa đó. Hay là em mang qua biếu cho chú Lãng nghe.

– Dạ. Chắc là không được mô anh. Em ngại lắm anh ơi!

– Có chi mô. Anh đi cùng em mà.

– Dạ. Nếu như rứa thì được…

Tôi trở vô Bình Phước chưa đầy ba tháng sau thì chú Lãng gọi điện kêu vợ chồng tôi về quê gấp để lo chuyện cho thằng Mót. Vì điều kiện, hoàn cảnh gia đình của chú như vậy nên bên nhà gái họ cũng nhất trí hỏi, cưới làm luôn một thể.

Rứa là thằng Mót đã bị “khai trừ” ra khỏi “chủ nghĩa độc thân” nên ai ai cũng mừng cho nó. Mà có lẽ người vui nhất vẫn là chú Lãng…

Năm nay tôi lại ra quê và ghé thăm nhà chú Lãng. Vẫn ngôi nhà ấy mà bây giò sạch sẽ, tươm tất. Chú Lãng vẫn khỏe mạnh. Da dẻ hồng hào ngồi đưa võng ru thằng cháu đích tôn mà đôi mắt chú như chứa cả mùa xuân gọi ngàn hoa khoe sắc. Chú cười nói rổn rảng, hết lời khen ngợi Trang, đứa con dâu hiếu thảo…

Thấy chú đang vui vẻ, tôi chọc chú:

– Rứa chừ chết đã nhắm mắt được chưa chú?

Chú cười khà khà rồi nói:

– Chừ chú chưa thể chết được mô cháu ơi! Chú mà chết đi thì ai ru Thằng Bắp ni cho ba mẹ hắn mần việc…

Tôi Đang tính xin phép chú ra về thì xe máy của Trang đã chạy vào sân:

– Bác ở lại đó đi, ba thằng Bắp mới đi biển vô, bữa ni Cá, Mực nhiều lắm. Em luộc một ít để anh em uống rượu đã bác ơi!…

N.H.D