Ngũ Lang
Félix Arvers
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Sonnet d’Arvers
Một chiều xuân khoảng năm 1830, một chàng thanh niên đẹp trai, trạc tuổi hăm, dáng hào hoa phong nhã theo chân Victor Hugo đến khách thinh của Charles Nodier. Thuở ấy, ở Pháp, phong trào khách thinh (salon littéraire) – một hình thức câu lạc bộ văn nghệ đang thịnh hành.
Victor Hugo bảo gã thanh niên: “Này Félix, chuẩn bị tinh thần nhé, cái tao đàn mà tôi đưa cậu đến đây, chẳng những nổi tiếng vì… văn nghệ, mà còn nức danh vì… Mà thôi, chẳng nói trước mất hứng thú. Để cậu vào đấy rồi sẽ biết”.
Dù nhà văn Victor Hugo không có lời giới thiệu nồng nhiệt và ưu ái, nhà thơ Félix Arvers(1) cũng đã biết tiếng tao đàn của ông Charles Nodier, qua những khuôn mặt văn học tài danh thường lui tới như Victor Hugo(2), Lamartine, Alfred de Musset… Có điều chàng chưa hân hạnh đặt gót đến nơi đó lần nào, nên còn chưa rõ bên trong có điều gì gọi là nức tiếng, như lời úp mở của Victor Hugo vừa bảo. Chàng bồn chồn, háo hức.
Charles Nodier, chủ nhân tao đàn vốn là nhân vật tiếng tăm trong Hàn lâm viện Pháp. Hôm ấy, ông đi vắng. Con gái ông là Marie Nodier ở độ rực rỡ của tuổi trăng tròn, hân hoan chào đón Victor và người bạn mới.
Sau lời giới thiệu của Victor Hugo cho đôi bên hiểu biết nhau, Félix đã sớm trải qua những giờ phút bàng hoàng, vì lắng nghe giọng oanh tao nhã bàn luận văn chương của Marie Nodier. Nhất là được nghe nàng ngồi đánh dương cầm, nhìn dáng người mảnh mai thanh tú và những ngón tay tiên thoăn thoắt trên phím ngà, chàng thi sĩ bị ngay tiếng sét ái tình làm ngây ngất như kẻ mất hồn.
Cuối buổi hôm ấy, Félix ra về miên man tư lự, trong lòng tràn ngập nỗi trầm tư. Chàng hiểu tại sao Victor Hugo đã úp mở bảo khéo mình hãy chuẩn bị tinh thần trước khi bước chân vào tao đàn… Félix đã yêu nàng ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ. Sau đó, chàng còn lân la đến nơi ấy đôi ba bận nữa nhưng vẫn câm lặng với mối tình chôn chặt trong lòng.
Kể về gia thế, Félix mặc cảm chàng thuộc gia đình người hàng rượu, há dám táo bạo tỏ tình với trang lá ngọc cành vàng? Bởi lẽ về sự nghiệp, chàng chỉ mới xuất thân tập sự với luật sư Guyet Desfontaines với vai trò quản lý văn khế. Bấy nhiêu đó có đủ cho giai nhân để mắt xanh đến chàng chăng? Biết người biết mình, Félix đành ôm mối tình đơn phương câm lặng, tự hứa với lòng sẽ cố tạo cho mình một thanh danh đã. Và lòng tự nhủ hãy tạm dừng chân, không lui tới nhà Marie nữa. Chàng để cho lòng thanh thản nuôi thêm ý chí phấn đấu trên đường lập thân. Félix miệt mài làm thơ, viết kịch, vừa để kiếm tiền vừa gây tiếng thơm trên văn đàn. Cho đến một ngày kia, nhìn lại sự nghiệp vun bồi, chàng cảm thấy đã có thể ngỏ lời với nàng, với thân sinh nàng. Chàng trở lại chốn xưa với tấc lòng bồi hồi.
Nhưng chàng phải thảng thốt nhận lấy một tiếng sét nữa trong cuộc tình đầu đời: Marie Nodier vừa kết hôn với Mennessier! Viên ngọc báu đã về tay người khác. Nghẹn ngào, tuyệt vọng! Tâm hồn chàng vừa lắng dịu sau cơn địa chấn thì một bài thơ tình được hình thành trong óc tim rỉ máu!
Một buổi chiều, buồn da diết, không nén được lòng sầu khổ, Félix Arvers lại lững thững đến khách thinh. Đến không mục đích! Chàng biết dù có đến nữa cũng chỉ để lịm hồn mình trong thất vọng đau thương. Nhưng đã bao lần không muốn trở lại mà tâm tưởng, gót chân chàng vẫn cứ như có một sức mạnh vô hình dìu chàng về nơi ấy…
Marie Nodier nay đã là bà Mennessier nhưng vẫn tỏ ra thiện cảm với chàng. Một bữa, nàng niềm nở trao Félix một tập lưu bút xinh xắn và trang trọng:
– Xin ông ghi cho đôi dòng kỷ niệm. Các bạn văn thơ của chúng ta đều đã góp mặt trong tập này. Chỉ còn mình ông thôi.
Khổ đau mà không thể chối từ, chàng khẽ run tay cầm bút, suy tư. Viết gì đây, Félix cảm thấy khơi động ở lòng mình một tình cảm mông lung vô vọng, bất giác chàng hạ bút ghi lại bài thơ đã thai nghén từ dạo hay tin nàng có chồng. Chàng viết một mạch như để trấn áp những xúc động bùng vỡ thêm ở lòng mình:
Tình tuyệt vọng
Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ôi! người đó ta đây
Để ta thui thủi đêm ngày chiếc thân.
Sao ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng chẳng dễ một lần hé môi,
Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người chưa quen.
Đường đời ta trót giẫm lên
Ngờ đâu chân đạp lên trên mối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẻ hỏi lòng,
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây.
Khái Hưng dịch
Viết xong, chàng đăm chiêu suy nghĩ: nàng đã có chồng, dù thế nào ta cũng không có quyền làm vẩn đục hạnh phúc của gia đình nàng. Yêu nàng, nay dù mộng đẹp vỡ tan, ta càng phải giữ cho tình cảm tốt đẹp. Rồi ý nhị, chàng tinh tế ghi thêm mấy lời dưới chữ ký tên: Bắt chước một bài thơ Ý (“Imité de l’ltalien”).
Để tâm hồn lắng đọng sự bình tĩnh, Félix xếp tập “Lưu bút” trao lại cho nàng và cáo từ lui gót. Và từ đó, chàng cố tình lẩn tránh nàng. Đôi khi chạm mặt nhau ngoài phố hay trong những cuộc hội họp, chàng luôn giữ cho tình ý nghiêm trang giữa hai người.
Sau khi đọc qua bài thơ của chàng ghi trong tập “Lưu bút”, nàng tuyệt nhiên suốt đời chẳng biểu lộ một thái độ nào để cho ai có thể vin vào đấy mà đoán được tâm trạng nàng. Nàng vẫn lạnh lùng đúng như lời thơ chàng từng ca tụng: Một niềm tiết liệt đoan trinh. Nhưng có ai dám khẳng định, tự sâu thẳm tâm hồn, Marie Nodier thực sự không mảy may cảm động trước mối chân tình của chàng. Phải chăng định mệnh nghiệt ngã đã khiến cho thi sĩ – giai nhân cam chôn chặt tâm tình thầm kín mãi trong lòng. Tuy nhiên khi bài thơ được loan truyền, ai đọc qua không khỏi xúc động, cảm thấy lòng bồi hồi chạnh tưởng đến giấc mộng tình đi qua trong một thời hoa bướm. Hầu hết khách văn chương với tâm hồn giàu cảm lụy, đều tấm tắc khen thầm bài thơ hay với ý tình nên thơ, cảm động. Và họ cũng tha hồ phỏng đoán coi người phụ nữ ấy là ai?
Ba năm sau (khoảng năm 1833), Félix cho xuất bản tập thơ: “Những giờ nhàn rỗi của tôi” (Mes heures perdues) trong đó có bài thơ nằm trong tập Lưu bút của Marie Nodier. Nhà phê bình nổi tiếng thời bấy giờ là Jules Janin đã viết về bài thơ của Arvers: Hãy ngâm lên những lời thơ diễm tuyệt ấy… Tiếng nói ấy là tiếng nói thần diệu, tình ấy là tình chân thật, thiết tha”. Félix Arvers làm bài thơ ấy khi chàng 25 tuổi. Và đúng như lời dự đoán của Janin, sự nghiệp văn chương của Arvers chỉ cô đọng vào một bài thơ ấy. Cả thi phẩm của Félix, chỉ riêng bài thơ ấy là còn sống mãi đến bây giờ. Người sau dựa vào bài Sonnet của Arvers, thông cảm với tác giả, đã họa lại hoặc phỏng theo mà sáng tác, tính ra có đến 120 bài trong đó, những tác phẩm của phái nữ như bà Gay, bà Lelouard… được khen nhiều hơn. Hầu hết các bài thơ ấy đã được các nhà giáo, nhà văn nước ta dịch ra tiếng Việt: Khái Hưng, Nguyễn Vỹ, Bình Nguyên Lộc, Hồ Văn Hảo, Nguyễn Tri Hựu, Nguyễn Thị Giang… Trong đó, bài thơ dịch theo thể lục bát Tình tuyệt vọng của Khái Hưng là giàu giai điệu và gợi cảm xúc hơn nên được nhiều người yêu thơ yêu thích thuộc lòng.
Bài thơ “Tình tuyệt vọng” của Félix Arvers chỉ cô đọng trong 16 câu nhưng chứa đựng một không gian tình cảm thâm thúy vô bờ. Nó ấn tượng tuyệt vời vì người đẹp Marie Nodier vẫn cảm nhận được tấm lòng nhà thơ cũng như nhà thơ đã yêu nàng say đắm thiết tha như một thần tượng của đời mình. Hai người hiểu sâu sắc và yêu nhau mà vẫn thầm lặng, thờ ơ và cư xử với nhau như người dưng. Cuộc tương ngộ giữa “Tài tử – giai nhân” trên lãnh vực văn chương đã để lại cho người đời một bài thơ tình cảm động và một chuyện tình hiếm thấy, đẹp như mùa xuân. Bài thơ “Tình tuyệt vọng” của Félix Arvers chắc mãi mãi sẽ là bức tranh hiện thực lãng đãng sương khói yêu đương, minh họa cho những mối tình nên thơ lãng mạn giữa thi sĩ và giai nhân: “Thơ viết không xong, thuyền trôi chớ đỗ/ Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa” (Hồ Dzếnh).
N.L
(1) Félix Arvers (1806-1850)
(2) Victor Hugo, Lamartine, Alfred de Musset, Charles Nodier: đều là nhà văn, nhà thơ Pháp nổi tiếng sống vào khoảng cuối thế kỷ 18 – thế kỷ 19.