(Vanchuongphuongnam.vn) – “…Tút…. Tú..t … t….ú..t….ú…..t! / Đây là tiếng nói Việt Nam/ phát thanh từ Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam …….t..o…a..n..g….. t..o…n…g…”
Tác giả Trọng Bình
Ngày nào cũng vậy đúng 6 giờ sáng, âm thanh đó đã trở nên quá quen thuộc với tôi. Giọng của nữ MC gì đó, đệm một đoạn nhạc, giọng của nam MC khác lặp lại, rồi mới vào nội dung chính của chương trình.
Chiếc la – vô (radio) cũ được bao bởi một lớp da bò sần sùi, nó loang lổ bạc phếch do màu của thời gian đem lạ, riêng cái hiệu TATUNG thì vẫn sáng sủa nổi lên bóng loáng. Bố để nó nằm ngay ngắn và trang trọng trên đầu tủ sách, trang trọng cũng phải, vì nó trở về cùng bố từ chiến trường, bạn đồng hành của bố đấy, gạo có thể không có, nhưng phải có hai cục pin để nó ‘nói’ cho cả nhà nghe.
– Hà Nội ở đâu vậy bố? Tôi quay sang hỏi.
– Ở xa lắm, là Thủ đô… tít nơi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập.
– Tuyên ngôn độc lập là Hà Nội hả bố?
– Không! … sau này lớn lên bố cho đi học rồi con tìm hiểu thêm nhé!
– Vâng ạ! Nhưng Bố có đến Hà Nội chưa?
– Rồi, nhưng chỉ ghé qua mua một que kem mút rồi đi ngay thôi, đó là năm bố đi thồ sắn trên Tuyên Quang về cứu đói cho gia đình mình. Lớn lên học cho tốt để tìm hiểu về đất nước mình nhé, Hà Nội linh thiêng và tự hào lắm con ạ.
– Thế mẹ có đến Hà Nội chưa ? Tôi chạy đến hỏi mẹ.
– Cha bố anh, cả cuộc đời đói khổ lam lũ làm gì tôi được đi mà anh hỏi.
– Thế mẹ có muốn đi không ?
– Muốn chứ, lớn nhanh lên học giỏi rồi thành tài, có tiền đưa mẹ đi nhé. Xưa ông ngoại kể với mẹ Hà Nội đẹp lắm. Mẹ đáp lời tôi.
***
Cuộc trò chuyện đó cách đây hơn 30 năm, lúc ấy tôi mới 10 tuổi nên thường hỏi cho tận tường, chi tiết. Ý thức của một đứa trẻ thôi mà, nhưng lắng đọng trong tôi điệu nhạc dạo ấy cứ văng vẳng mãi những năm tuổi thơ.
Khi nồi cơm sáng của mẹ bốc khói thơm phức là lúc điệu nhạc quen thuộc ấy lại vang lên, xoong cá kho thơm lừng thì điệu nhạc ấy cũng lại vang lên, cơn mưa chút muốn sập mái nhà điệu nhạc ấy cũng vang lên, cái rét tê tái lòng thì điệu nhạc ấy cũng vang lên, niềm vui nỗi buồn … thì điệu nhạc ấy cũng lại vang lên…. nó gắn liền với khúc ruột mà.
Hà Nội từ đó cứ quanh quẩn trong tôi với nhiều câu tự hỏi chưa lời giải đáp.
***
Năm 2000, khi đang học ở Sài Gòn, tôi cùng Hà và Tấn Anh đi ra Hà Nội, lý do thăm thằng bạn Khánh từ trong Nam ra học Bách Khoa Hà Nội, nhưng ý trí trong tôi là muốn đến Thủ đô một lần cho thỏa mong ước. Xem cái que kem mút năm xưa bố mua chỗ nào? Quan trọng nhất là muốn “hứng từng giọt” nhạc Đây là tiếng nói Việt Nam…….phát thanh từ Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… giữa lòng Hà Nội cho thỏa cơn thèm khát.
Ba đứa ra Hà Nội mà trong túi không có một xu. Tan trường, chúng tôi cùng nhau chờ tại trạm 2 Thủ Đức, bất cứ chuyến xe bus nào từ trong làng Đại học ra chúng tôi đều nhìn thật kỹ xem có bạn quen trên đó không, để mong có thêm chút gì đó làm hành trang.
– Ê Thắng! Mày cón tiền không? Hà gọi
– Cón mấy nghìn à!
– Kệ, đưa tao đi.
– Làm gì vậy?
– Tao có việc. Cảm ơn nhé!
Cũng mấy chuyến như vậy cho đến khi tời nhá nhem tối. Hà không nói rõ với tụi bạn là nó mượn tiền làm gì và đi đâu? Nhưng thấy quen là mượn, nó mượn ai cũng cho, không nề hà trả giá. Sinh viên là vậy, thích thật.
– Hà hay quá mày. Tấn Anh thì thào vào tai tôi.
– Ừ, nó mà. Vậy nên tên là Hà. haahaa
– Chiều đến giờ nó mượn được hơn 10 thằng rồi đấy. Hahaha. Nó dẻo thật, chắc mấy đứa con gái lớp Hóa 99 Trường Khoa học Tự nhiên của nó chì nhìn thôi cũng ‘ói tiền ra’ cho anh Hà đi Hà Nội mày nhỉ ? hihi.
– Hai thằng mày lẩm bẩm gì đấy? Không lo mà bắt xe đi. Hà nhìn tôi và Tấn Anh cười cười rồi nói.
– Theo tao biết mình nên bắt chiếc xe biển số Hà Nội, hoặc xe có sơn chữ Hà Nội dính luôn vào mặt kính á, chứ xe biển số khác hoặc nó chỉ có chữ Hà Nội ghi trên tấm bảng là xe dù hết. Tấn Anh ý kiến.
– OK, tao cũng nghe nó vậy. Tập trung nhìn xe đi. Hà đáp.
***
Sau 2 ngày 3 đêm vượt hơn 2000km, chúng tôi đã có mặt tại Thủ đô với bao năm ấp ủ trong lòng, cả 3 nếm trải đủ mọi “tốt đẹp nhất” của nhà xe đường dài. Hiển nhiên là cả nạn “cơm tù” theo chiều dài dải đất hình chữ S nữa chứ.
Hà Nội đây rồi! Hà Nội đây thật rồi, Hoàng thành Thăng Long nữa ơi! Phố cổ nữa, Quốc Tử Giám, Lăng Bác Hồ tọa lạc ở đâu nhỉ? … đường Thanh niên, Bắc bộ phủ ngày ấy… còn bao nhiêu địa danh oai hùng nữa, đang trong lòng Hà Nội đây mà, ta mất bao lâu mới đến thăm hết được đây? Trong tôi bắt đầu ngổn ngang với ‘mối tình’ này/
Từ bền xe Giáp Bát chúng tôi bắt xe bus đến phố Tạ Quang Bửu, ngồi trên xe mà mắt cứ dáo dác nhìn ra ngoài, cố tìm kiếm một cá gì đó rất riêng của Hà Nội, 36 phố phường chăng? nhưng chưa thấy gì đâu? tại quá yêu Hà Nội nên mới vậy, chứ có biết Hà Nội như thế nào đâu?
Tiết trời Hà Nội se se lạnh đón chúng tôi, lần đầu đến đây, cảm nhận được không khí Thăng Long sắp ngàn năm tuổi thật nhiều cung bậc cảm xúc, ấm áp nồng nàn, đầy tình cảm và chân chất hồn dân tộc. Tôi cố đi tìm đến chốn có “… phát thanh từ Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” nhưng âm hưởng đó chẳng biết đang ở đâu lúc này!?
Âm thanh ấy cứ réo rắt theo tôi những tháng năm tuổi thơ, nó ăn vào gốc rễ tri thức và nhận thức của tôi về một Hà Nội. Tôi đến đây để tìm ký ức tuổi thơ chỉ được nghe chưa bao giờ được hiện diện. Một Hà Nội không thể có những lột tả hết thành lời.
Ngày nay vẫn thế, dù bao nhiêu năm nữa cũng vậy, âm thanh phát ra từ Đài tiếng nói Việt Nam không bao giờ phôi pha trong tôi, âm thanh duy nhất của một người con xa xứ cảm nhận về Hà Nội.
Giờ đây tôi vẫ mãi đi tìm thứ âm thanh trong trẻo chất chứa hồn dân tộc ấy, cũng đơn giản vì nó là ký ức không thể thay thế về một vùng đất địa linh nhân kiệt mà tôi được biết qua trang báo, truyền hình, câu chuyện kể và nghe ngóng mong chờ từng giây từng phút để được đến Hà Thành một lần thôi.
Mong mỏi thắt chặt trong tim, đeo bán mãi không bao giờ quên trong đời. Hà nội trong tôi là thế, chỉ một âm hưởng duy nhất, có lẽ ngàn năm sau không bao giờ phôi pha.
Còn mong mỏi của mẹ thì tôi vẫn không thể nào làm được, đó là đưa mẹ đến Hà Nội một lần. Câu nói đùa năm xưa của mẹ vẫn văng vẳng như “tiếng nói Việt Nam” mà tôi từng đi tìm. Đó là tiếng nói của lòng mẹ, mong muốn một lần được đến đất Hà Thành oai linh./.
T.B