Chuyện về nội – Truyện ngắn Trương Quang Nhân

792

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những giọt nước mắt theo nhau lăn trượt dài hai bên má rồi rơi liên tiếp xuống ngực áo của tôi – Vô cùng thương nhớ nội, chiều nay tôi lại khóc.

Tác giả Trương Quang Nhân 

 

Thật giả không rành bụng cứ lo

(Tố Hữu)

Các con đều lập gia đình, đã ở riêng. Bà mất sớm, nội vào ra một mình…

Ba và chú của tôi nhiều lần mời nội về chung sống cùng gia đình của mình nhưng nội nhất định chối từ – “Nhà là nơi thờ tự, chẳng lẽ lại đóng cửa hay bán đi; Với lại ba đã quá quen với cách sống dân dã nơi thôn quê, không chịu nổi cái cảnh chen chúc, xô bồ nơi phố chợ… Ở với các con, chẳng phải làm gì ­- Nội cười – mà làm gì các con có việc để ba làm, chỉ ăn không ngồi rồi, chân tay thừa thãi… ba chịu chẳng được!”. Rồi, để các con được vui, nội thường tiếp: “Nhân sinh quý thích chí, mà! Các con cứ để ba ở một mình, đến khi nào thật già và yếu hẳn, hẵng hay!”. Ba và chú đành phải chiều ý nội.

Để nội được vui, những ngày lễ hoặc các kỳ nghỉ hè ba thường cùng tôi hoặc cho tôi về thăm và ở chơi với nội năm – bảy hôm. Chú và các em ở gần nên thường xuyên tới lui thăm nom và cơm nước giúp nội.

Lúc bấy giờ tuy đã học cấp hai nhưng với nội, tôi vẫn là một đứa cháu nhỏ.

Giờ tôi đã lớn, chắc đủ để nội không còn coi như một đứa trẻ con, đủ để có thể hiểu được phần nào những động thái đầy cá tính của nội, thì tiếc thay, nội đã chẳng còn.

Vốn rất yêu quý, tôn kính nội nên càng khó nguôi thương nhớ nội; Cứ hễ rỗi ra là tôi lại chạy về quê để viếng mộ và đốt hương cho nội.

Lần này, khi thấy người bù nhìn dang tay trên một thửa ruộng cao dưới chân đồi gần chỗ nội an nghỉ, tôi nhớ nội đến cháy lòng và câu chuyện năm nào về cách đuổi chim của nội lại cứ như vừa mới xảy ra…

… Xong, nội phủi tay, cuộn thuốc. Vừa hút, nội vừa ngắm nghía để thỉnh thoảng, chữa lại hoặc thêm vào một vài “phụ kiện”.

Tôi yên lặng dõi nhìn.

Quần bù nhìn là chiếc áo mưa dơi đã hỏng; Áo, là chiếc áo rách của nội mà trong lần về thăm nội trước đây, tôi thấy nội còn mặc. Chiếc nón cời chiều qua nội còn đội để vắt rơm, giờ nội đang chụp lên phần trên của đầu cọc để làm đầu cho bù nhìn. Nội cố định nón bằng ba nuột lạt: ở đỉnh đầu, vào cọc và ở hai bên chân nón vào vai áo bù nhìn…

“Quyền trọng ra oai trấn cõi bờ…”

Nhớ đến bài thơ khẩu khí của  vua Lê Thánh Tông, lại đang tận mắt mục kích việc nội “chửa đẻ” người bù nhìn, tôi nghĩ chẳng đâu vào đâu: “Xài đồ bành của nội mà nom người bù nhìn lại chẳng giống nội tí nào?!”, rồi chợt mỉm cười: “Hóa ra quần áo rách đến độ không xài được nữa vẫn… còn có ích chán!”

– Xong!… Nhìn gì? Về kẻo nắng, cháu! – Vừa gọi, nội vừa đi. Tôi giật mình bật “Dạ”, chân bước vội theo. Đi đường, tôi hỏi nội:

– Liệu chim có sợ bù nhìn không, nội?

– Sợ chứ! Ít nhất cũng được năm –  bảy hôm, cho đến khi… chúng đã biết tỏng “cái thằng người” kia là “đồ dỏm” thì…

Hóa ra nội của tôi cũng biết dùng tiếng lóng. Tôi bật cười, cắt ngang:

– Chim mà cũng “biết” thế à, nội!?

– Chớ sao! Bộ mình cháu biết à! Ngốc ơi, con nhà thành phố ơi!… Về kẻo nắng, cháu!

 

Đúng như nội bảo: Vắng bóng đâu vài ba ngày, chim lại bắt đầu lượn quanh thửa ruộng – chắc là để thăm dò – bởi cái vòng cua mà chúng lượn quanh cứ thu hẹp dần, tốc độ bay cũng dần chậm lại, rồi chúng thản nhiên như chẳng có ai, lần lượt hạ cánh. Mới đầu ít, sau thành bầy đàn. Có con còn cả gan đậu lên tay, lên đầu người bù nhìn, bình yên tỉa lông hoặc chí chéo gọi nhau như những lời thách đố.

Chiều ấy, tôi phải đuổi chim giúp nội. Nội làm về, tôi mách:

– Chim hết sợ rồi, nội ơi!

– Để đấy nội, cháu đừng lo! –  Rồi nội vừa gật gù, vừa ngâm nga:

    Quyền trọng ra oai… được mấy giờ

    Bù nhìn… đúng nghĩa… hoá bơ phờ

    Một làn gió nhẹ… thân nghiêng ngả

    Mấy… hạt mưa rào… phận xác xơ…

Óc khôi hài, trào phúng và giọng ngâm khàn khàn độc đáo của nội làm tôi cảm thấy thật bất ngờ. Nội có cái gì đó hơi khó hiểu (!) và những hiểu biết của tôi về nội trước đây thật còn quá ít.

 

… Mờ sáng hôm sau nội lui cui làm gì ở góc vườn một chặp lâu rồi đi ra cổng, tay xách theo một chiếc bì nhỏ trông có vẻ nặng. Nội đi về phía ruộng, lội thẳng tới chỗ người bù nhìn và ngồi xuống, mất dạng.

Trời cũng vừa tang tảng sáng.

Tiếng chim ríu rít kêu vang từ xa như một tấu khúc vui đón chào ngày mới. Đàn chim rõ dần, rõ dần và hướng thẳng tới thửa ruộng của nội. Gần đến, chúng đột ngột chuyển hướng, lượn quanh nhiều vòng rồi sà xuống chỗ nội đang nấp.

Nội bỗng đứng bật dậy, tay liên tục cầm đá ném với theo, đồng thời miệng đuổi lớn: “Ô, hụi! Ô! hụi, hụi!… H…ụ…i…”. Đàn chim khiếp vía, chí choé kêu la, bay bổng. Nội lại ngồi xuống, chui vào trong chiếc áo mưa dơi, tiếp tục “mai phục” trong lòng người bù nhìn.

Chiều lại và cả ngày hôm sau nội cũng làm như vậy, rồi thôi hẳn. Chỉ thảng hoặc nội mới đánh mắt ra ruộng để kiểm tra.

Nhiều lần tôi định hỏi nội về cái cách đuổi chim “lạ đời” này, nhưng lại thôi, bởi cứ sợ nội chê: “Ngốc ơi! Con nhà thành phố ơi!”…

 

– Mai cháu phải về. Cháu sợ ba trông, tiếc quá!

– Ờ, về để còn lo ôn tập trong hè!… Mà cháu tiếc cái gì?

– Ở quê vui hơn, với lại… cháu muốn xem cái cách-đuổi-chim-mới của nội có hiệu quả trong bao lâu?!

– A…à…à! Tưởng gì? Chắc là được mươi – lăm hôm… Lúc ấy chắc là lúa đã cúi – Thấy tôi ngơ ngác, nội giải thích: “cúi” là lúc lúa đã vô gạo, đã đầy hạt,… đã nặng bông,… là… là… là lúc lúa sắp chín ấy mà.

Thấy nội vui vẻ, tôi bạo dạn:

– Sao nội không ngồi ở ngoài để đuổi mà… lại phải nấp cho vất vả?

Nội bật cười, không thành tiếng, cái nhìn sáng trưng:

– Bởi không nấp… thì chim chỉ sợ khi nội đang đứng ở đấy mà thôi, còn lại thì… – Nội lại cười, mổ mổ ngón tay trỏ của mình vào vùng không gian trước mặt, tiếp: Mà cháu biết đấy, ai hơi đâu lại bỏ ra cả tháng công đi giữ một sào lúa làm trái vụ để “ăn dặm”.

– … Thế, nội…

– Không cho chúng phân biệt thật, giả! – Nội cười hóm hỉnh.

Tôi tròn xoe mắt, cố để mà hiểu. Nội ngửa mặt cười vang, tiếng cười giòn tan pha chút giễu cợt:

– Ngốc ơi, ai lại đi sợ “cái của dỏm” đó! Lũ chim chỉ nhầm cái thằng người giả kia chứ chẳng phải sợ nó đâu!

Tuy chưa thật hiểu gì nhưng nghe nội cười thật sảng khoái và xoa đầu tôi một cách vui vẻ, “thằng ngốc tôi” vui lây, cúi đầu “dạ” khẽ, tay sờ sờ vào túm râu trắng nuốt của nội đang cọ nhẹ vào một bên má của mình.

*

Dăm chú chim đang bình thản tỉa lông trên vai áo bù nhìn, chợt giật mình bay bổng – Một làn gió mạnh xô đến; Mấy mảnh bì ni lông rung lên phần phật, chiếc mâm thau hỏng xập xọa kêu rên, âm sắc khản đặc. Người bù nhìn gật gù, nghiêng ngả.

Bỗng, như âm vọng đâu đây tiếng của nội tôi: “Nó đang cười khẩy đấy, cháu à!… Cười cho sự bất lực của chính nó,… của chính nó ấy mà!”. Rồi, nghe mắt mình cay cay, tôi lờ mờ nghe thấy chòm râu trắng nuốt của nội đang rung nhẹ bởi nụ cười không thành tiếng, thật hiền lành và đầy ẩn ý.

Những giọt nước mắt theo nhau lăn trượt dài hai bên má rồi rơi liên tiếp xuống ngực áo của tôi – Vô cùng thương nhớ nội, chiều nay tôi lại khóc.

Tam Phước, tiết Lập hạ – Canh dần                                                                                           T.Q.N