Chuyện vui kháng chiến dưới ngòi bút Sơn Nam

598

08.4.2018-21:20

 Tập sách Hồi ký Sơn Nam, NXB Trẻ

 

Chuyện vui thời kháng chiến

dưới ngòi bút Sơn Nam

 

LÊ TIÊN LONG

 

NVTPHCM- Trong hồi ký, Sơn Nam kể câu chuyện: Chỉ vì nghe không rõ mệnh lệnh chuẩn bị “lương khô” để trường kỳ kháng chiến, một cán bộ trẻ đã huy động nhân dân làm nhiều khô… lươn.

 

Câu chuyện được Sơn Nam viết trong hồi ký như sau: Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, một anh bạn trẻ quê ở vùng U Minh, tả ngạn sông Cái Lớn, được phân công thiết lập vài kho “lương khô”.

 

Ở Nam Bộ, sự phát âm không rõ rệt. Anh bạn nọ về quê, vận động đồng bào bắt con lươn, loại lươn um sả hoặc nấu lẩu để muối với sả ớt, rồi đem phơi phô, mỗi con khô treo lủng lẳng trong cái trại lá nhỏ, gần ven rừng.

 

Sau này anh mới hiểu rằng “lương khô” bao gồm những loài lương thực, gồm lúa gạo, cơm sấy phơi khô, hoặc các loại cá khô, thịt heo phơi khô.

 

Qua hồi ký của nhà văn, độc giả cùng biết từ thời những năm đầu chống Pháp ở miền Tây, anh chị em dân quân thường hay hát điệu “hò lờ”, nghe đồn là loan truyền từ Bến Tre đến, với những câu hát:

 

– Khoai lang chấm muối ăn bùi

Lấy chồng Vệ quốc, thơm mùi ka ki.

 

 – Thanh niên sức mạnh như trời,

Mỗi lần đắp cản, phải mời từng ông.

 

 – Thương em chẳng biết để đâu

Để trong cái túi, lâu lâu bóp cò.

 

Theo ông: “Loại dân ca này khá vui nhộn, tạo được nụ cười tập thể, nhưng không sống dai, lần hồi bị lãng quên”.

 

Sơn Nam cũng tìm những nét độc đáo nhìn thấy trên đường kháng chiến, như tên một nhà in được giới thiệu một cách hài hước là “Nhà in Bẹt Nốp”, tức là nói lái của nhà in bột nếp.

 

Ông giải thích vì người ta lấy bột nếp trộn với nước cho nhão, nện cho bằng phẳng, trở thành miếng xu xoa (thạch), áp lên đó bản gốc của văn bản, viết với mực đậm, rồi đặt giấy trắng lên, mực sẽ hút vào. Cách in này có thể dùng đất sét trắng nhồi cho nhão, thay cho bột nếp.

 

Hồi ký của Sơn Nam cũng cho biết trong những năm tháng đó, khi đi công tác về, ông có hai mặt hàng “thời thượng” tặng anh em cán bộ trong rừng U Minh.

 

“Một là thuốc nhỏ con mắt Rohto, hay tuyệt diệu, không cần sử dụng cái ống nhỏ giọt, cứ để sát mí mắt là thuốc tự chảy ra. Hai là loại bột ngọt Ajinomoto, thiên hạ bảo đó là kết tinh của vài trăm kí lô cá và thịt, bột này to hột. Rõ ràng là ngày nay loại bột ngọt nầy đã sản xuất đại trà, hột mịn màng hơn, sản phẩm ấy đã trải qua mấy mươi năm điều chỉnh mới được ổn định, pha chế từ khoai mì (?) chớ nào phải có thịt cá nào trong đó”.

 

Hồi ký Sơn Nam gồm 4 tập, từ năm 2000 đến 2005 đã được in riêng lẻ, mang tên lần lượt là Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình an. Năm 2009, NXB Trẻ gộp 4 tập này in thành một bản.

 

Phần đầu, Sơn Nam kể câu chuyện của ông từ lúc sinh trưởng ở rừng U Minh Hạ, lớn lên đi học ở Gò Quao, Rạch Giá, rồi học trung học ở Cần Thơ. Phần Ở chiến khu 9, Sơn Nam ghi lại rất nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống của cán bộ, nhân dân miền Nam trong kháng chiến.

 

Có những điều nhà văn thấy lạ, như ở U Minh “điều khó giải thích là dường như chẳng ai uống rượu chỉ giành nhau uống trà. Trà uống kiểu cà phê, kiểu rẻ tiền. Gọi là uống U.T.Q. tức là uống trà quạu, quạu quọ, đậm đắng”.

 

Sơn Nam kể lại mối giao tình với nhà thơ Nguyễn Bính – ông chủ hiệu sách tư nhân đầu tiên trong vùng tự do. Thấy thi sĩ tổ chức thi thả thơ, tức treo một bài thơ khuyết câu cuối để mọi người tự sáng tác thêm, ai có câu thơ hay nhất sẽ được giải là “Nụ cười sảng khoái của Nguyễn Bính là phần thưởng quý nhất. Ai muốn xin thêm thì cứ cho một quyển sách đang bày bán, sẽ giảm giá vài chục phần trăm”.

 

Ở phần 20 năm giữa lòng đô thị, Sơn Nam kể lại những câu chuyện về đời viết văn, làm báo tại Sài Gòn, với 2 lần bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Ông kể những câu chuyện thú vị về các nhà văn nhà báo Dương Tử Giang, Bình Nguyên Lộc, nhà văn hóa Vương Hồng Sển… Tác giả cũng nhắc đến những chuyện đặc biệt mà ông ấn tượng trong làng báo Sài Gòn.

 

Đó là chuyện một nhà văn viết về chuyện đồng quê quái đản, khó tin nhưng có thể xảy ra, đã sáng tác đăng báo chuyện “Khỉ ở Cà Mau đã đẻ ra người” gây xôn xao dư luận.

 

Chuyện đăng báo, cứ kéo dài nhiều kỳ thì báo cứ bán chạy. Độc giả nhiều người đến tòa soạn phản đối, rốt cuộc đành tìm cách giải thích dông dài. Hỏi kỹ lại thì anh bạn ký giả quen biết kia lại cứ kéo dài câu chuyện để rồi chịu đuối lý”.

 

“Rằng chuyện ấy do anh nghe trong đám giỗ miền quê, đâu như ở Cao Lãnh, người kể là ông X. nào đó. Anh ký giả vờ như tiếp tục theo dõi ông X. thì ông ta nói nghe người bà con bê vợ của người thông gia ở Long Xuyên kể lại. Rồi đi Long Xuyên mới hay rằng người nọ đã đi xa ở phía đồng vằng, vân vân, để rồi thành thật xin lỗi độc giả rằng mình đã cao hứng, không chịu kiểm tra từ buổi đầu”.

 

Sơn Nam bình luận: “Chuyện ấy nếu bịa ra ở dãy Trường Sơn thì khó xác minh, nhưng ở Cà Mau, trong đất liền thì làm sao có hang đá như tác giả đã kể ở phần dẫn nhập câu chuyện”.

 

Bộ Hồi ký là tác phẩm khép lại hành trình 60 năm sáng tác của Sơn Nam, một nhà văn được tôn vinh là nhà Nam Bộ học uy tín, trước khi ông qua đời cách đây 10 năm (13/8/2008).

 

Sơn Nam (1926 – 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Sau năm 1945, ông tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.

 

Năm 1955, ông tham gia cộng tác với nhiều tờ báo. Năm 1960 – 1961, Sơn Nam bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

 

Với nhiều tác phẩm viết về Nam Bộ, sinh thời, Sơn Nam được mệnh danh là “ông già Nam Bộ”, “pho từ điển sống về Nam Bộ”, “nhà Nam Bộ học”.

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…