‘Cinema Paradiso’: Kiệt tác về tình yêu điện ảnh vĩnh cửu

759

Bằng tình cảm thuần thành với môn nghệ thuật thứ bảy, đạo diễn Giuseppe Tornatore tạo ra một tác phẩm mãi mãi có chỗ đứng trong lòng người yêu phim.

Ra mắt vào năm 1988, bộ phim của Giuseppe Tornatore có tuổi đời kém hơn nhiều tác phẩm vĩ đại của điện ảnh thế giới. Song, nội dung giàu cảm xúc, tinh thần hoài niệm và đặc biệt là tình yêu điện ảnh dạt dào đã biến Cinema Paradiso thành kinh điển. Tác phẩm thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc ở Oscar lần thứ 62 và thường xuyên vào top các phim hay nhất mọi thời đại.

Câu chuyện mở đầu vào năm 1988 với cảnh vị đạo diễn nổi tiếng Salvatore Di Vita (Jacques Perrin) nhận được tin một người đàn ông tên Alfredo (Philippe Noiret) vừa qua đời. Salvatore bồi hồi nhớ về cố nhân – một con người đã gắn chặt với thời thơ ấu của ông nhiều thập niên trước ở Sicily (Ý).

Thế chiến thứ hai vừa kết thúc vài năm, cậu bé Salvatore (Salvatore Cascio) sống trong cảnh khốn khó cùng mẹ. Cha cậu là quân nhân đã qua đời trong đại chiến. Là nước bại trận, Ý trải qua những ngày tháng ảm đạm và gia đình cậu bé không phải ngoại lệ.


Nội dung giàu cảm xúc, tinh thần hoài niệm và tình yêu điện ảnh dạt dào đã biến bộ phim Cinema Paradiso thành kinh điển

Salvatore, biệt danh Toto, khi đó mới sáu tuổi nhưng đã tỏ ra lanh lợi hơn bạn cùng lứa. Cậu bắt đầu thích thú với điện ảnh từ khi tới rạp chiếu bóng Paradiso của ông Alfredo. Trong mắt cậu bé, phim ảnh là một thế giới diệu kỳ. Salvatore “bám dính” ông chú Alfredo để hỏi han, tìm hiểu về máy móc và các cuộn phim.

Dù ban đầu không ưa cậu bé, Alfredo dần xem Salvatore như người thân. Thời gian thấm thoát thoi đưa, cậu bé ngày nào giờ đã trở thành một thanh niên, vẫn đam mê chiếu bóng nhưng không thể mãi ngây thơ mà phải đối mặt với những ngã rẽ lớn của cuộc đời…

Tình yêu điện ảnh bất diệt

Đúng như tên gọi Cinema Paradiso (Rạp chiếu bóng thiên đường), tác phẩm được đạo diễn Giuseppe Tornatore xem như lá thư tình gửi đến môn nghệ thuật thứ bảy. Tình yêu điện ảnh bàng bạc trong suốt câu chuyện, hiển lộ qua những tình huống lớn nhỏ chỉ có thể là kết quả của một người có óc quan sát và trái tim yêu chân thành.


Cinema Paradiso có nhiều bản phim với thời lượng khác nhau

Hậu chiến tranh, nhiều người dân ở đất nước hình chiếc ủng tìm đến phim ảnh như cách giải trí hàng đầu trong cuộc sống cơ cực. Nhưng thời đó, điện ảnh vẫn là loại hình bị giám sát khắt khe, nhất là trong mắt các chức sắc tôn giáo. Vị cha xứ yêu cầu Alfredo cắt bỏ hết những cảnh âu yếm trong phim vì e ngại ảnh hưởng xấu đến cư dân.

Loạt cảnh Alfredo lụi cụi cắt bỏ các đoạn phim bằng tay hay ánh mắt nghiêm khắc của vị cha xứ trước cảnh “nóng” dễ khiến nhiều khán giả phì cười. Đó là một yếu tố lịch sử có thật vào giữa thế kỷ XX, khi kiểm duyệt vẫn còn rất khắt khe, nhất là ở những vùng quê như trong phim.

Nhan đề kết hợp hai từ “rạp chiếu bóng” và “thiên đường” là cách nâng tầm tình yêu điện ảnh lên một điều gì đó thần thánh. Trong phim, cậu bé Salvatore được sắm vai trợ tế cho vị cha xứ nhưng lại hứng thú hơn với những buổi cùng ông đi duyệt phim. Từ đó, hấp lực với nghệ thuật thứ bảy của cậu nảy nở, trở thành một sợi dây thiêng liêng kéo dài suốt cả đời. Dưới mắt Salvatore, khoảnh khắc máy chiếu phóng hình ảnh lên màn hình mang vẻ đẹp huyền ảo như một phép màu.

Giuseppe Tornatore mô tả tình yêu điện ảnh theo nhiều cung bậc khác nhau. Không chỉ dừng lại ở nhân vật chính, nó còn nằm ở cảnh người dân tụ tập để thưởng thức một bộ phim hay, xem đó như niềm hạnh phúc lớn nhất trong ngày. Những gương mặt chăm chú, xúc động, sảng khoái theo từng cảnh phim, có lúc lại hậm hực, la ó vì một cảnh bị cắt mất. Tất cả những cảm xúc đó được Tornatore lưu giữ vào từng khung hình đẹp đẽ. Chúng càng thêm ý nghĩa vào thời điểm hiện tại, khi internet lên ngôi và trải nghiệm xem phim ngày càng khác trước.

Sự tinh tế của bộ phim không dừng lại ở việc mô tả khán giả, mà đi sâu vào cả hậu trường. Nhân vật chính Salvatore đã tìm thấy sự hân hoan khi ngắm nhìn một nhân viên làm việc với máy chiếu. Cậu mê phim tới mức tìm đủ cách để có được những mẩu phim vụn, dù điều đó khiến ông Alfredo nổi đóa. Từ chỗ lăng xăng hậu trường, Salvatore trở thành người phụ máy, quay phim và về sau là một đạo diễn danh tiếng.

Tình yêu điện ảnh được vun đắp suốt bộ phim để rồi bùng nổ ở cảnh cuối, một trường đoạn đã biến tác phẩm thành kiệt tác. Những cảm xúc và tình tiết được dồn nén trước đó được hồi đáp thỏa đáng để tôn vinh sức sống vượt thời gian của điện ảnh.

Hoài niệm và sự trưởng thành

Cinema Paradiso còn mang đến những thước phim tuyệt vời ghi dấu thời thơ ấu của nhân vật chính. Giuseppe Tornatore khắc họa vẻ đẹp giản dị của làng quê Ý qua những con đường hẹp, các ngôi nhà cổ hay nhà thờ cũng là rạp chiếu phim. Nửa đầu của bộ phim như dòng ký ức êm đềm, chậm rãi cuốn chặt người xem vào những ngày bất tận dưới ánh nắng Sicily.

Phần lớn thời lượng phim lại dành cho mối tình của chàng thiếu niên Salvatore (Marco Leonardi) và nàng Elena (Agnese Nano) xuất thân giàu có. Tình yêu này trải qua đủ cung bậc, từ hồi hộp lúc chớm yêu, nghi hoặc, nồng nàn bên nhau, đến nỗi buồn lúc phải chia xa. Nó được pha trộn cùng những trắc trở của Salvatore ở tuổi mấp mé trưởng thành. Liệu anh sẽ mãi náu thân trong “mùa hè bất tận” ở quê nhà hay dứt áo ra đi để có được thành công xứng đáng với tài năng của mình?

Một điều thú vị là Cinema Paradiso có nhiều bản phim với thời lượng khác nhau. Bản chiếu rạp ở Ý dài đến 155 phút và đại bại phòng vé. Đạo diễn phải thực hiện việc ít người mong muốn là cắt xén đứa con tinh thần để có một bản ngắn hơn. Phiên bản dài 124 phút của phim đã thành công tột bậc ở nước ngoài với giải Grand Prix ở liên hoan phim Cannes năm 1989 và giải Oscar phim nước ngoài cùng năm.

Thế nhưng, đạo diễn Giuseppe Tornatore vẫn mong mỏi cho ra đời một phiên bản khác theo đúng ý ông. Điều đó thành hiện thực vào năm 2002 với một bản dài đến 173 phút, có thêm một chuỗi sự kiện quan trọng khi nhân vật Salvatore gặp lại người tình xưa ở tuổi xế chiều. Bản phim này còn cho thấy một số góc khuất của Alfredo, người hầu như chỉ mang đến thiện cảm ở phiên bản trước đó.

Alfredo ở bản này có một số hành vi mang tính kiểm soát cuộc đời và lựa chọn của nhân vật chính. Ông muốn Salvatore phải phát tiết cái tôi sáng tạo của người nghệ sĩ hơn là mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc thông thường. Một trái tim luôn cảm thấy thiếu thốn và có chút gì đó tổn thương được ngụ ý là điều cần thiết để đạt thành công nghệ thuật. Sự so sánh, yêu – ghét giữa các bản vẫn là chủ đề bàn luận sôi nổi đến ngày nay. Có người thích bản ngắn bởi nó cô đọng vào sự kỳ diệu của phim ảnh nhưng có người thích bản dài vì câu chuyện tình có kết cục rõ ràng hơn.

Vậy nhưng dù ở bản nào, Alfredo vẫn là một nhân vật đáng nhớ. Tài tử Philippe Noiret đã mang đến một màn trình diễn với đủ hỉ nộ ái ố cho nhân vật này. Alfredo là “con chiên ngoan đạo” của điện ảnh và cũng là người truyền đam mê cho nhân vật chính. Hình ảnh một ông già thông thái, hài hước, am hiểu sự đời lẫn ý nghĩa đằng sau những bộ phim hẳn sẽ để lại ấn tượng khó phai. Nhân vật này được lấy cảm hứng từ Mimmo Pintacuda – một người điều khiển máy chiếu kiêm nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của đạo diễn Giuseppe Tornatore.

Cinema Paradiso được nhiều khán giả giới thiệu cho nhau nếu muốn tìm một bộ phim về tình yêu điện ảnh. Chủ đề này đã được kết tinh trong một tác phẩm có tầm vóc lịch sử, đồng thời xuất sắc từ câu chuyện, diễn xuất, hình ảnh đến phần nhạc phim của bậc thầy Ennio Morricone.

Theo Ân Nguyễn/PNO