Có ai không? – Truyện ngắn của Nguyễn Trí

1210

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bà Năm rỉ rả cho chồng nghe và yêu cầu không được nói lại với ai. Vì sao? Vì chuyện động trời động đất chứ không ít. Người khác biết được là tiêu vong danh dự cả một gia đình và người chết sẽ bị tróc khỏi mồ nghe thế gian xỉ vả. Năm nghe  ớn lạnh toàn thân bèn đưa tay lên trời thề, hớ môi là răng rụng không còn một chiếc. Chứ chuyện chi mà dữ vậy kìa?

Nhà văn Nguyễn Trí

Con trai út của Năm Lựu Đạn có thể gọi là một nam nhi tài tuấn chứ không phải chơi. Nó tên Hoàng. Vì sao chỉ có thể mà không là? Bởi ông con không đẹp trai lắm, không to con lắm, không cao ráo lắm… mọi cái chỉ vào trung bình khá. Nhưng liệt vô tài tuấn bởi cũng có cái xuất sắc. Đã không thì thôi chứ làm thì việc nào ông con rõ nét việc đó. Chưa xong lớp năm đã nghỉ học nhưng các loại thợ ông rành. Thợ hàn, thợ hồ, thợ sơn nước. Về cơ khí ông tháo banh một hai bánh các loại rồi ráp lại như con nít ráp đồ chơi… Đích thân ông tậu máy hàn xách tay, máy đánh bột trét tường, bộ đồ nghề sửa xe hai bánh không thiếu một món chi. Vậy nên ông con làm ra tiền vào loại xịn. Thời buổi đầu đường đại học vá xe cuối đường cao đẳng bán chè đậu đen thì lớp năm không tốt nghiệp như ông là trên cả tuyệt vời.

Bồ của ông con tên Hoàng này là số một khoản nhan sắc.

Con nhỏ tên Thúy. Ních nem chơi phây xờ búc là Yến Nhi. Chả là nhỏ nầy khoái ba cái phim tình cảm lãng mạn Đài Loan lắm. Nó ghiền ngôn tình Trung Quốc vào loại chúa. Thằng lớp năm mê vôi vữa sắt thép và con đại học mê sách ráp thành một cặp kể cũng hay. Thoạt tiên Năm Lựu Đạn tưởng cả hai bồ bịch cho có tụ với người ta chứ dễ chi… vậy mà chúng dính như sam từ năm con nhỏ mới lớp mười cho đến khi xong đại học. Cả hai yêu nhau kỹ đến độ Năm Lựu Đạn nói với bà xã rằng:

– Tụi nó chỉ còn có nước đẻ nữa thôi chứ cưới hỏi chi nữa.

Bà già bỉu môi:

– Ông nói chơi hay thiệt vậy? Sao không cưới? Thằng Hoàng với con Thúy tính mua xe hơi rồi mới cưới đó ông. Ba má con Thúy nói cưới xong họ cho cái nhà nhưng thằng Hoàng mình không chịu.

– Sao vậy?

– Tại nhà trên đất của người ta. Ở vậy chả khác nào ở rể. Nó nói thà ở xó chuồng heo hơn theo quê vợ.

Chả là Hoàng từng chạy thuê xe tải. Taxi nó cũng ôm cả năm chứ không ít.

Cặp Hoàng Thúy chơi rất thân với cặp Lợi Hằng. Lợi là con trai thứ của Ba Gà. Lợi giống cha khoản to con cao ráo và đẹp trai. Lợi và Hoàng là thành viên của câu lạc bộ thể hình nên cả hai ngực nở eo thon sô bành như mang rắn hổ. Lợi và Hằng yêu nhau chả biết có kỹ như Hoàng và Thúy hay không chả biết nhưng Ba Gà – cha của Lợi – nói với bạn thân là Năm Lựu Đạn rằng:

– Bữa ăn nhà tao mà thiếu con Hằng là ăn không ngon Lựu Đạn ơi.

Cả thiên hạ dưới vòm trời đất X ngưỡng mộ hai cặp trời sanh nầy lắm. Lắm lắm. Sao mà không ngưỡng khi tiên nương và tài tuấn chung một con đường. Mỗi khi cặp  Lợi Hằng ghé cà phê cóc nhà mình Lựu Đạn hỏi:

– Chừng nào đám cưới con tụi mày nhờ mời tao nghe.

Ý của lão gia là không mơ chi đám cưới của cặp trẻ nầy.

Đang yên đang lành thì có giấy mời hai thằng trẻ đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Ái chà… trẻ trung khỏe như vâm thế nầy thì hết sẩy rồi. Hai tiên nương nghe qua là nước mắt lưng tròng. Rồi mần sao hả anh? Hai anh trả lời lo làm chi cho già em ơi. Ba cái vặt này để đó anh lo. Lo làm sao hả anh? Hai nàng hỏi.

Vậy rồi cũng khám tuyển mà thiên hạ lên đường bảo vệ biên cương tổ quốc. Ốm o như Tiến Ròm còn đi mà hai thằng khỏe mạnh vẫn chiều chiều sáng sáng đến phòng tập GIM mới là vô lý. Hai thằng cả cười:

–  Sao vô lý? Tụi mày biết cái đếch gì mà vô lý? Chỉ tiêu trên đưa xuống là một chục. Bên dưới mời hai chục. Ai biết chung thì ở nhà tập GYM. Thằng nào không tiền thì lên đường.

Hai anh thiệt là giỏi quá. Giỏi vậy có bồ đẹp là phải rồi. Với lại – thiên hạ trời X nghĩ thầm – hai thằng mày mà đi thì hai con còn khuya mới hát câu người trông chồng vẫn đứng ôm con trong bài “Hòn vọng phu” của Lê Thương. Đàn bà con gái kỷ hăm mốt chứ không phải dân cổ điễn để mà bên tiêu tương kìa ai đứng đợi chồng về. Bây đi nó ngu sao chờ? Gái phải hơi trai dăm bảy năm chứ đâu phải ít mà nhịn được. Đúng không? Hai anh chắc cũng nghĩ vậy nên bi nhiêu thi bi cũng phải binh để ở nhà với tình cho nó đẹp. Với hai anh dăm bảy cho đến chục triệu nào có nghĩa địa gì. Đằng nầy chỉ một nửa của một chục thì khỏe re như con bò kéo xe lên dốc thị nghè…

Sáu tháng sau, ở cái đợt khám tuyển lần thứ hai thằng Lợi không chạy chọt mà lên đường. Thiên hạ trời X không ngạc nhiên một tí ti ông cụ nào mà còn nói phải quá, nó đi phải quá. Không đi mới lạ chứ đi thì quá xá là hợp lý.

Năm Lựu Đạn cũng thấy vậy.

Vậy là vậy làm sao?

Chả là không hiểu ra làm sao đôi uyên ương Lợi Hằng gãy cánh sau bảy năm yêu nhau. Mẹ ơi… bảy năm biết bao nhiêu tình mà con nhỏ lấy chồng cái một. Chồng nó thua Lợi trăm bề. Đã xấu trai còn cục mịch… thoạt tiên thiên hạ trố mắt ngạc nhiên. Cuối cùng họ thấy rằng Lợi lên đường đi hành quân diệt thù là phải quá. Ở nhà thấy bồ ruột dung dăng dung dẻ với chồng thì buồn có mà chết bỏ luôn.

                                                                ***

Sau hai năm binh nghiệp Lợi trở về với nghề cơ khí trong tay. Thời bình, thao trường đổ mồ hôi thì có chứ chiến trường đâu mà đổ máu? Nó kể với chủ xưởng cơ khí là Hoàng rằng sau thao luyện là học nghề. Ai muốn chi học nấy. Lợi khoái cờ lê mỏ lết nên giờ đây – a lê hấp – từ hai bánh đến mười tám bánh nó chả sợ cái máy nào. Hoàng thì tấn tần nên duyên với Thúy. Nhà Thúy có ăn có để nên cho con rể tí chút và cả hai lập nên một xưởng sửa chữa các loại xe. Đời mà. Con người ta từ quan quyền cho đến thứ dân ai cũng phải có một nghề để kiếm sống.  Vậy thôi. Và có vậy ta mới có tương lai. Đúng không?

Chiều chiều Lợi và Hoàng ghé “dê núi Ninh Bình” làm vài chai bia đấu láo cho vui. Bạn bè vui đó mà kình lộn cũng đó luôn:

– Mày với con Hằng sao mà đường ai nấy đi? – Hoàng hỏi

– Thì không hợp chứ sao?

– Mày với nó bằng nhau với tao và vợ tao suốt thời gian cặp kè. Nó ở nhà mày còn hơn ở nhà nó mà không hợp? Vì sao vậy nói tao nghe với. Thề với mày tao nín như thóc trong bồ không kể lại với ai.

– Đơn giãn là không hợp.

– Mày biết con Hằng giờ ra sao không?

– Tao quên lâu rồi. Giờ ra sao kệ nó chớ.

Hoàng nổi đóa:

– Đù… kịnh… mày có chút tình đẹp đếch biết giữ mà trăm năm… hôm qua con Hằng nách con ghé cà phê cóc ông già tao… nó khóc lóc than thở rằng lấy trúng thằng thô văn kệch nó đánh cho mềm như bún thiu. Giờ đang chuẩn bị chia tay.

– Kệ nó chứ mắc chi đến tao. Mày đếch hiểu chi hết, tao cũng không hiểu luôn. Con Hằng đi lấy chồng tao còn không biết tại vì sao.

Lạ thực. Yêu nhau. Sống như vợ chồng những vài năm mà nàng đi lấy chồng chàng không biết nguyên nhân. Nếu sống thử cho biết người, biết tình thì đôi ba tháng, sự thật về nhau thòi ra liền chứ lâu lắc chi. Phải có chi lớn lắm nàng mới anh đường anh tôi đường tôi cái rẹt. Vậy cái chi chi đó là sao?

Hoàng nói với vợ:

-Con Hằng và chồng nó chuẩn bị ly dị rồi em.

– Em cũng nghe nó nói.

Rồi không đợi chồng hỏi cô nói luôn:

– Con Hằng ngó thông mình mà ngu ơi là ngu. Ông Lợi vậy mà bỏ. Tưởng lấy ai ngon hơn, ngờ đâu lấy trúng thằng cục súc, nó đánh như con không đẻ. Ly dị phải quá.

Vậy ra vợ Thúy cũng không biết vì sao Hằng bỏ Lợi.

Giang hồ lão luyện cơm chưa sôi đã nhớ nhà, nhìn ngươi biết ruột gan như Năm Lựu Đạn còn bó tay nói chi thiên hạ. Nghe tin Hằng bỏ tình lên xe hoa ông ta trố thiếu điều tét cắp mắt mí lót rồi ồ lên mà rằng:

– Bà nội mẹ tui ơi… thiệt bó tay với bầy trẻ bây giờ.

Lợi lên đường đi bộ đội Hằng vẫn thương ghé quán Năm Già nghe khuyên răn mày về nhà chồng phải kính phải răn chớ trái lời chồng. Nhân tiện ông hỏi luôn vì sao hai đứa bây đôi đường ly biệt? Con nhỏ trả lời tại không hợp bác Năm ơi:

– Vậy thằng này hợp với mày hả?

– Dạ…

– Hợp cái bà nội cha mày… chưa được một tháng mà hợp với hạc.

– Nhưng anh ấy theo con lâu rồi. Thà lấy người thương mình hơn lấy người mình thương phải không bác?

– Nghĩa là mày còn thương thằng Lợi?

– Hết lâu rồi. Giờ con thương chồng thôi.

Vậy rồi lâu lâu con nhỏ na cái mặt không sưng trán cũng bầm mắt đến quán. Hỏi. Nó trả lời bị té vô cạnh tủ. Sư cha mày – Năm lại chửi – nhìn qua tao biết bị bạt tai vô mặt. Mày làm gì để bị đánh nói tao nghe? Con nhỏ nói té thiệt mà bác Năm. Tiên tổ thằng chồng mày – Năm chửi tiếp – mày mà con tao, tao biểu bỏ tức khắc.

Gã chồng lâu lâu cũng ghé quán cóc làm xị rượu. Sáng hôm ấy nó đến và bị Năm Lựu Đạn phủ đầu:

– Ê… Lộc… mày là cái con gì mà đánh đập con vợ đang bụng mang dạ chửa? Hên cho mày là con Hằng không phải con tao… sao đánh nói tao nghe coi.

Gã chồng tên Lộc nâng chai. Không rót ra ly mà tu luôn một hơi mới là đáng sợ. Đặt chai xuống rồi lại nâng lên làm hơi nữa. Thật là kinh khủng khiếp. Lựu Đạn còn “rót” nói chi phàm nhân:

– Buồn quá bác Năm. – Gã than thở.

– Buồn sao nói tao nghe.

– Dạ… khó nói lắm.

Năm là kẻ sỏi đời. Ông ta rót rượu ra ly tạc thù cùng thằng nhỏ, hy vọng rượu vào lời ra. Phải có chi đó nó mới đánh vợ chứ đâu có thằng nào điên mà thượng tay hạ chân với nhan sắc. Y như rằng:

– Con Hằng không thương con bác ơi.

– Không thương sao nó lấy mày làm chồng?

– Con cũng không biết. Nhưng trăm trăm phần trăm con không có trong tim nó.

– Bác biết không… ngủ bên con mà khi mơ nó kêu tên thằng Lợi. Có khi đang ân ái với nhau mà cũng Lợi nó kêu… như bác, bác có điên lên không?

Trời đất ơi… Già Năm kêu thầm. Nằm bên mình mà kêu tên bồ cũ thì thánh còn nổi khùng huống chi cục súc. Sao vậy kìa? Thật là vô lý quá. Còn thương còn yêu mà bỏ đi lấy chồng. Bộ cha má thằng Lợi không chịu? Làm chi có chuyện đó. Năm Già chơi thân với Ba Gà nên biết rõ:

– Nhắm ở không được thì chia tay chứ mày đánh riết nó đổ khùng lên đâm lại là chết a con.

– Giờ chửa rồi biết làm sao hả bác?

– Hy vọng có con nó sẽ quên tất cả.

– Dạ… con cũng mong vậy.

Nhưng cuối cùng Hằng tay bế con cùng chồng ra tòa ly dị.

                                                                  ***

Chiều nào Hằng cũng đưa con đến nhà Năm Lựu Đạn chơi với bà Năm cho vui. Tòa cho phép cô nuôi con và Lộc có bổn phận chu cấp. Thiệt ra cái sự vụ nuôi nấng con chung là do Lộc tự nguyện. Lộc mà giành nuôi là không ổn với Hằng liền. Đàn bà con gái đầy cá tính như nó thì chả biết ngã nào mà lần khi bị trái ý. Nhưng tại sao cô đến chơi với bà Năm mà không một nơi nào khác? Thiên hạ bảo rằng con Hằng đến quán của già Năm bởi còn thương thằng Lợi. Nó thấy tình cũ thường tạc thù cà phê cà pháo ở đó nên mong nối lại tình xưa. Nghe thiên hạ bàn mà buồn cười. Con người ta với hôn nhân là hệ trọng, khi đội khăn cưới theo tình về bến trăm năm đâu phải chuyện chơi – và – chuyện con cái hệ trọng biết bao lần mà kể. Người ta sẵn sằng hy sinh tất cả miễn con cái họ hạnh phúc. Nghĩ sao mà bảo con Hằng còn thương thằng Lợi? Mà giả dụ vậy thì có sao mà các người bàn? Thằng Lợi thì đẹp như Mã Siêu đời Tam Quốc bên tàu, cả chục con như tiên sa mong nâng khăn sửa túi còn không được nói chi đã bội tình còn nách một con? Ủa… mà sao vợ chồng thằng Hoàng hai con mà thằng Lợi không lấy vợ vậy kìa? Dám nó còn thương con Hằng lắm đa nghe. Thế gian nầy lắm cái dị kỳ, đặc biệt nhất là khoản yêu đương, xin chớ phê phán nhăng nhít nầy nọ mà tội nghiệp cho tình. Không có em bầu trời như không có nắng. Em ở đây là một nửa đích thực của anh. Một nửa ấy là trái tim là khối óc là linh hồn mà không một nhan sắc nào trên trần gian này bì được. Ừ… Lợi ta không lấy vợ bởi còn yêu em Hằng là chắc trăm phần trăm:

– Sao mày không lấy vợ đi Lợi? – Già Năm hỏi.

– Lo gì bác Năm. Con đẹp trai lấy lúc nào chả được.

– Xạo… mày không lấy là bởi đến giờ phút nầy trong lòng không đứa nào thay thế được con Hằng. Tao đi guốc trong ruột mày con ơi. Nếu còn thương thì ráp lại.

– Bác Năm nói như Hoài Linh diễn hài.

– Cái hài nào cũng từ thực tế cuộc sống mà ra cả mày ơi.

Lợi ta ngừng câu chuyện bằng cách trả tiền cà phê và bước. Năm Lựu Đạn nói với vợ:

– Thằng này còn thương con Hằng chắc luôn. Mà tui biết con Hằng cũng còn thương nó. Bà mẹ nó… thương nhau vậy mà sao lại…

– Để tui nói ông nghe…

– Sao?

– Con Hằng nói với tui rằng thì là Ba Gà cha thằng Lợi…

Cũng nên nói một chút về nhân thân Ba Gà.

                                                                    ***

Ba Gà chết vì tự tử. Thằng Lợi tham gia nghĩa vụ quân sự được hai tháng thì sự cố xẩy ra. Nửa đêm con Diễm – em thằng Lợi – mở của phòng đi toilet ngang qua phòng cha và má thì trợt chân té cái uỵch. Nghe động anh thằng Lợi là Thắng tỉnh giấc bật điện lên thì hoảng kinh hồn vía khi phát giác ra con Diễm đạp trúng vũng máu nên trợt chân. Nó tông cửa phòng nhào vô thì Ba Gà đã chết. Ông ta dùng dao cạo cắt nát bét tĩnh mạch tay. Không có bà Ba Gà ở nhà vì chiều hôm ấy bà về ngoại của bầy trẻ chăm sóc bà má bị bệnh.

Thiên hạ không ngạc nhiên lắm về cái chết nầy. Vì sao? Người ta cho rằng Ba tự xử là bởi di truyền cái máu điên. Em trai Ba Gà đã dùng búa đập suýt chết một ông anh khác. Sau đó gia đình phải đưa thằng em vào trại tâm thần. Điên có di truyền, người ta bảo vậy. Nhưng Năm Lựa Đạn thì không:

– Điên cái con khỉ. Thằng em Ba Gà xỉn rượu quậy quọ lung tung bị thằng anh chửi nên nổi cơn khùng cầm búa chơi lại. Gia đình phải khai nó bị điên và tống vô trại sau đó bỏ tiền ra chạy luôn cái giấy xác nhận tâm thần để xù tội. Bọn nó khôn trời sợ chứ điên cái mẹ gì. Còn thằng Ba Gà tự tử là bởi nó chán sống chứ chả điên chi ráo.

– Vì sao chán sống nói nghe coi ông Năm?

– Mày kêu nó dậy mà hỏi.

– Con Hằng nói với bà sao?

Bà Năm rỉ rả cho chồng nghe và yêu cầu không được nói lại với ai. Vì sao? Vì chuyện động trời động đất chứ không ít. Người khác biết được là tiêu vong danh dự cả một gia đình và người chết sẽ bị tróc khỏi mồ nghe thế gian xỉ vả. Năm nghe  ớn lạnh toàn thân bèn đưa tay lên trời thề, hớ môi là răng rụng không còn một chiếc. Chứ chuyện chi mà dữ vậy kìa?

Rằng thì là tối hôm ấy Vợ Ba Gà cùng thằng Thắng và con Diễm về ngoại. Lợi và Hằng đi sinh nhựt bạn. Thời a móc ngoéo nầy bầy trẻ chơi đến quắc cần câu rượu ngoại xách tay chứ bia bọt là đồ bỏ. Thầy bồ Hằng bị xỉn Lợi bèn đưa về nhà, vô phòng thẩy lên giường bật máy quạt rồi quay lại bàn nhậu. Cái thứ rượu tiếng nhập lậu nhưng, thiệt tình là hồng kông bên hông chợ lớn. Khi cồn pha nước lạnh thêm chút hương liệu đã thấm thì chả ai còn biết trời trăng chi nữa. Cỡ bợm nhậu sáng say chiều xỉn như Ba Gà còn ngã nói chi đàn bà con gái như Hằng.

Ba Gà chén chú chén anh cùng chiến hữu đến mười một giờ đêm mới về nhà. Rượu tràn cung mây nên quên mất vợ về nhà thăm ngoại. Hắn ta kêu một hồi không nghe trả lời bèn đi tìm. Xô phòng con trai, Ba Gà ngỡ là vợ bèn nằm xuống ngủ chung cho vui. Và cái thứ đàn ông khi ngà ngà hơi men bên một ngồn ngộn tuổi trẻ đương thì, các ngươi sẽ làm chi hỡi binh sĩ? Làm chi cũng chẳng làm chi, dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao, làm sao cũng chẳng làm sao, dẫu có làm gì cúng chẳng làm chi. Tay Ba Gà đang thám hiểm vào khu vực tam giác quỷ – vùng bí hiểm mà thế giới gọi là lỗ đen – tàu bè máy bay qua đây là bị lực hút vô hình cho bay vào vô tận…

Đúng lúc đó Hằng giật mình thức giấc. Đàn bà con gái hơn đàn ông ở khoản nhạy cảm về mùi. Ca dao có câu lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi. Tuy xỉn rượu nhưng khứu giác Hằng bắt được mùi khác lạ. Chả là Ba Gà bị hôi nách. Xô thằng người đang miệng cắn – con quỷ xỉn rượu cắn phát nào ra phát đó – tay chu du trên thân thể mình, Hằng bật người ngồi dậy. Mẹ cha ơi… cái nầy đúng là bốn mắt nhìn nhau trào máu họng, trào cả vũng chứ không ít hơn.

– Đó… vậy đó. Con Hằng kể với tui vậy đó.

Năm Lựu Đạn gật gật:

– Hèn chi con nhỏ lấy chồng chả một lời tạm biệt. Và vì ân hận vì xấu hổ nhục nhã quá nên Ba Gà tự sát. Thiệt là tình… nhưng mà nếu chỉ mới chừng đó tui nghĩ rằng.

– Nghĩ sao nói nghe coi.

– Hai đứa này ráp lại cũng còn kịp.

– Kịp sao mà kịp được ông? Con trai nheo nhẻo như thằng Lợi lấy người tưởng là vợ, nay có con với người khác ngó sao được? Má thằng Lợi còn khuya mới đồng ý. Thiên hạ sẽ cười cho thúi mũi… nếu yêu quá mà bất chấp để đến với nhau thì con con Hằng sẽ ra sao? Ở với cha hay với mẹ? Liệu con Hằng có chịu giao con cho cha nó? Còn ở với nó thì thằng Lợi là người chứ đâu phải thánh mà không nhức con mắt bên trái đỏ con mắt bên phải. Tui nói ông nghe kịp không?

– Kịp rồi. Nhưng ba cái chuyện bà nói – theo tui – chả có nhằm nhè gì. Thằng Lợi nó lấy ăn mày hay đui què mẻ sứt gì kệ nó.Vợ Ba Gà cản sao được. Còn thiên hạ hả? Chả ai khóc ba tháng chả ai rãnh để cười ba năm. Con cái thì… chả có chuyện chi trên cõi đời này không giải quyết được nếu ta biết. Sống là phải hy sinh cái riêng của mình để phục vụ cho cái chung và trên hết là hạnh phúc của chính mình. Quan trọng là cái đêm định mệnh đó thằng Ba Gà có đi xa hơn những cái bà kể không. Nếu chỉ chừng đó thì cái chết của Ba Gà dư đủ để hai đứa nó lại từ đầu.

Cái sự vụ làm lại – Năm Lựu Đạn tiếp tục – cũng khó lắm. Lợi và Hằng phải đã thông được những cái đã qua. Những cái đã làm cho tuổi trẻ cả hai điêu đứng. Bây giờ ngồi chung lại một bàn để nói chuyện là đã khó nói chi những chuyện khác.

Có ai giúp Lợi và Hằng đối diện với nhau không?

Có ai không?

Nguyễn Trí