Có ai từ Nam sang – Truyện ngắn Trương Thị Thanh Hiền

570

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đêm đó trăng lại rọi sáng vào cửa số nhà ông. Đêm đó Trần Việt Nhân lại đến. Chàng thấy ông hì hụt khắc một tấm bia. Chàng ngồi trên chiếc giường xem ông làm. Ông ngừng tay lại, mang đến cho chàng một chén trà. Chàng uống trà. Chàng nhìn ông qua làn khói bốc lên từ chén trà… Ông đã bình thản. Tấm lòng ông đã bình thản.

Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền 

Trần Thái y quỳ dưới điện, người run rẩy tái mét. Bên cạnh là Trần Việt Nhân, con trai của ngài. Sau lưng là các quan thái y đang phủ phục, tái mét và run rẩy không kém. Trên điện, vua Minh vừa đau đớn vừa tức giận:

– Tất cả các khanh là một lũ vô dụng. Thử hỏi, bao nhiêu ân sủng Trẫm đã dành cho các khanh mà rốt cùng tất cả đều bó tay để Vương phi ra đi hay sao, để hoàng tử mất mẹ, để Trẫm phải cô đơn trên cõi đời sao.

Nói đến hai chữ cô đơn, bất giác vua lại xúc động run rẩy, ông phẩy tay cho tất cả lui ra rồi lật bật đi vào trong với vương phi.

Ông là vua, có cả tam cung lục viện, lại nói là sẽ cô đơn khi Tống vương phi ra đi. Điều đó có vẻ như vô lý, nhưng thật ra chỉ có riêng ông hiểu không vô lý tí nào. Không phải chỉ vì Tống vương phi đẹp, sắc đẹp nào rồi cũng sẽ phôi phai, chẳng phải hậu cung của ông toàn người đẹp đó sao, mà nàng lại là người có tài, cầm kỳ thi hoạ đều giỏi. Thử hỏi các phi khác kể cả Hoàng hậu có ai có thể cùng ngắm trăng, cùng ông làm thơ liên cú, ai có thể đàn giỏi múa hay như nàng, ai có thể ngâm những vần thơ của vị Tiên tửu Lý Bạch bằng giọng ngâm trong vắt và mượt mà. Huống chi nàng mới sinh cho ông một vị hoàng tử. Niềm vui chưa trọn vẹn thì nàng lâm bệnh nặng, các quan thái y đều bó tay và nói rằng nàng chỉ còn cầm cự được vài ngày.

Đó là những điều Trần thái y nói. Ông là quan ngự y đứng đầu Thái y viện nên mọi người gọi ông là Trần thái y. Ông đang cùng con trai ủ rủ về Y phòng trong Thái y viện. Trần Việt Nhân là một chàng trai hết sức đam mê y thuật như cha. Trần thái y đã đặt kỳ vọng lớn vào chàng nên khi mới sinh chàng ra đã đặt tên chàng là Trần Việt Nhân, theo tên của Tần Việt Nhân là một danh y thời Chiến quốc (1). Chàng cũng không phụ lòng mong mỏi của cha, mới hơn hai mươi tuổi đã nổi danh trong thiên hạ và cũng đã được vua vời vào làm cùng cha chàng trong Thái y viện. Chàng lặng lẽ nhìn cha đi tới đi lui và thở dài thậm thượt trong y phòng. Trần Việt Nhân lẳng lặng đi ra ngoài, nhưng cha chàng đã gọi giật lại:

– Con đi đâu?

– …- Chàng lúng túng

– Lại đến tìm cái gã man di nước Đại Việt đấy nữa à? – Ông nhìn xoáy vào mắt chàng. Chàng cúi đầu im lặng không đáp. Mỗi khi có vấn đề nào nan giải, dù chỉ là những bất ổn trong lòng, không hiểu sao có một niềm thôi thúc mãnh liệt nào đó khiến chàng cứ đến chỗ “gã man di Đại Việt” như cha chàng nói. Dù ông nhà sư phương Nam đó không làm gì cả, cũng không tài giỏi như thiên hạ đồn đại, nhưng chàng cảm thấy dễ chịu khi nhìn thấy vẻ thư thái của ông, nghe ông nói vài câu mà câu nào chàng cũng cảm thấy có những ẩn ý sâu xa. Trần Thái y nói:

– Ta không cấm con đến đó. Con muốn giao du với ai là chuyện của riêng con. Nhưng ta không cảm thấy có ích lợi gì với gã nhà sư đó. Huống chi nhà vua cũng đã có chiếu chỉ cho hắn ta về nước. Con xem, ngày trước theo lời đồn đại phương Nam có một vị thần y có thể chữa bách bệnh bằng cây cỏ phương Nam, vượt qua cả những phương thuốc phương Bắc, lại còn ngăn chặn cả một đại dịch như có phép thần thông. Nhà vua đã bằng mọi cách để vua Đại Việt tiến cống hắn về đây. Thế mà hắn có tỏ ra là một vị thần y gì. Y lý đối đáp ngô nghê, còn thua cả những thầy thuốc mới vào nghề, thậm chí khi bị cảm mạo hắn cũng không tự mình chữa khỏi, phải nhờ đến con chữa mới khỏi, con quên rồi sao? Bây giờ sinh mệnh của Vương phi như ngàn cân treo sợi tóc, con không ở đây với cha tìm cách cứu chữa, lại đi đến đó làm gì.

– Con đi đến đó một chút rồi con về. Lúc này đầu óc con mụ mẫm quá, cha cho con đi một chút cho thư giãn.

– Cũng được. Nhưng con nhớ về sớm đó.

Nhờ ánh trăng dẫn đường, Trần Việt Nhân đã đến chỗ ở của nhà sư Tuệ Tĩnh. Ông cũng không ngủ như hai cha con chàng, nhưng với lý do khác, ngày mai ông được trở về Đại Việt. Đồ đạc ông đã chuẩn bị xong, không có gì nhiều, chỉ là vài ba bộ đồ và những quyển kinh sách. Ông ngẩn lên khi Trần Việt Nhân bước vào. Chàng ngồi phịch xuống chiếc giường của ông, vẻ mệt mỏi chán nản. Từ khi ông sang đây, chàng là người hay tới lui với ông, có tình cảm đặc biệt với ông, và ông cũng vậy, có tình cảm đặc biệt với chàng. Cái tên Việt Nhân gợi ông nhớ về quê hương của ông, phong thái đỉnh đạc ngời sáng của chàng làm ông nhớ đến những học trò của mình.

Như mọi khi, ông mang cho chàng một chén trà nóng. Như mọi khi, chàng đón nhận chén trà nghi ngút khói và đón cả vẻ an nhàn tĩnh tại của ông. Nhưng cũng như mọi khi, trong lòng chàng vấn vương một câu hỏi lớn, rằng vẻ an nhàn kia là có thật không, sự bất tài biếng nhác của ông là có thật không? Từ khi ông cùng mười chín nhà sư khác bị vua Đại Việt tiến cống sang đây, ông luôn làm cho vua Minh thất vọng. Vua Minh mong chờ gì ở cuộc tiến cống này? Đó là vị thần y Tuệ Tĩnh vang danh cả Đại Việt. Nhà vua muốn có vị thần y đó cho riêng mình, muốn trường sinh bất tử không phải là chuyện hão huyền. Nhưng thần y Tuệ Tĩnh thật ra chỉ là một “gã man di Đại Việt” với bệnh cảm xoàng cũng không chữa khỏi. Vua Minh quá chán chường đã ra chiếu chỉ trả hắn về Đại Việt. Và giờ đây, khi uống chén trà nóng ông mang đến tận tay chàng, Trần Việt Nhân cảm thấy ánh mắt ông lấp lánh hơn ngày thường. Cứ như mặt hồ phẳng lặng bị một viên đá ai ném xuống làm xôn xao dậy sóng. Chàng nhìn xoáy vào ông:

– Con muốn hỏi tiền bối một điều.

– Ta cũng muốn hỏi con một điều.

– Vậy thì tiền bối hỏi trước đi.

– Không, con hãy hỏi trước đi.

– Vì sao hôm nay tiền bối vui vẻ hơn mọi ngày?

– Vì sao ư? – Ông đứng lên đi về phía cửa sổ nhìn ra bầu trời vằng vặc một màu trăng. Giọng ông nhẹ nhàng như cơn gió thổi từ cửa sổ vào với chàng – Con có thấy trăng đêm nay rất đẹp không? Ta nghĩ vầng trăng ở Đại Việt lúc này cũng đẹp như thế. Ta lớn lên ở chùa Hải Triều từ năm lên sáu tuổi. Cha mẹ mất sớm, các nhà sư đã nuôi ta ăn học. Mấy mươi năm qua, con hãy thử tính xem ta đã bao lần nhìn thấy vầng trăng đẹp như thế này? Rất nhiều, cả ta cũng không nhớ nổi. Nhưng ta chỉ nhớ một điều là phương Bắc rộng lớn biết nhường nào, đất của Thiên Triều bao la vô tận, bầu trời của Thiên Triều cũng bao la vô tận, nhưng từ khi sang đây, ta chưa khi nào được ngắm vầng trăng đẹp như ở quê nhà. Có phải vầng trăng ở phương Nam khác với vầng trăng phương Bắc không? Trăng ở đâu cũng như nhau, chỉ có lòng người không như nhau. Người phương Nam đứng ở đất Bắc không thể thấy vầng trăng đẹp như khi đứng ở phương Nam, vì vậy chim Việt nhất quyết đậu cành Nam, ngựa Hồ nhất quyết hí về phương Bắc.

Trần Việt Nhân cảm thấy một ý nghĩ lóe lên trong đầu chàng. Chàng cảm thấy như mình giác ngộ như ngày xưa Phật giác ngộ. Lời tâm sự của người phương Nam kia làm chàng vỡ lẽ ra nhiều điều, một câu hỏi lớn đã được giải đáp. Chàng đứng bật dậy, bất thần xúc động và chỉ tay vào người Tuệ Tĩnh:

– Thì ra… thì ra… – Chàng lắp bắp, không thốt được lời nào.

– Thì ra làm sao? – Tuệ Tĩnh quay lại cười lớn – Coi con kìa, sao run rẩy thế?

– Thì ra… – Chàng khó nhọc nói – Tiền bối đã lừa cả Thiên triều. Tuệ Tĩnh tái mặt chạy lại lấy tay bụm miệng chàng.

– Con đừng nói thế sẽ làm bất lợi cho ta. Trần Việt Nhân, ta biết vì sao con hay lui tới với ta, vì con là người thông minh đĩnh ngộ, có nhiều nghi vấn ở trong lòng. Đêm nay ta vui quá không giấu được tâm sự mình với con.

– Từ lâu con đã nghi ngờ, một người có phong cách như tiền bối sao có thể là kẻ bất tài vô dụng được. Nhưng con không nghĩ ra được, vì cái gì tiền bối lại tự giấu che mình. Với tài năng của mình, tiền bối có thể có quyền cao chức trọng, vang danh ở phương Bắc chẳng khác gì phương Nam. Hôm nay con mới rõ, chỉ vì tiền bối là con chim Việt luôn hướng về đất Việt. Tiền bối muốn nhà vua tin rằng tiền bối chỉ là kẻ bất tài để được trở về Đại Việt.

– Nếu con phải làm người vong quốc con sẽ hiểu được tâm sự của ta.

– Con hiểu chứ. Và con cũng rất phục lòng kiên trì và ý chí của tiền bối. Con hứa với tiền bối sẽ không để lộ chuyện này. Ngày mai con sẽ tiễn tiền bối ra đến cổng thành. Về Phương Nam, mong tiền bối nhớ đến con.

– Ta nhớ đến con chứ. Con là một thầy thuốc giỏi, có hoài bão và có lương tâm. Ta sẽ về nói với các học trò ta rằng, dù người phương Nam khác người phương Bắc, nhưng ở đâu cũng có những người thầy thuốc hành sự vì sinh mệnh của người khác.

Nghe ông nhắc đến sinh mệnh, đột nhiên Trần Việt Nhân  trở nên ủ rủ. Chàng nhớ đến sinh mệnh của Tống vương phi đang lay lắt từng giờ từng khắc trong cung. Thấy chàng buồn, Tuệ Tĩnh hỏi:

– Con sao vậy? Hồi nãy ta muốn hỏi con sao hôm nay con có vẻ mệt mỏi u buồn.

– Ngày mai là ngày vui của tiền bối nhưng chắc cũng là ngày buồn cho cả hoàng cung này.

– Sao vậy?

– Tống vương phi chắc chắn sẽ qua đời trong nay mai.

– Vương phi bị bệnh gì?

– Bị bệnh sản hậu, là bệnh Kính, một trong những bệnh chết người. Tiền bối cũng biết, bệnh này cả mười người đều chết cả mười. Vương phi không thể nào sống nổi.

Tuệ Tĩnh trầm ngâm một hồi rồi nói:

– Không phải mười người chết cả mười, mà có thể mười người chỉ chết chín người.

– Tiền bối nói như vậy là sao? Cha vãn bối nói, cả đời cha hành nghề, chưa có ai sống khi mắc bệnh này cả.

– Còn ta thì khác, trong cuộc đời hành nghề của ta, không phải ai bệnh này cũng chết cả.

Trần Việt Nhân lắp bắp:

– Tiền bối nói như vậy là tiền bối có thể chữa được sao?

– Không – Tuệ Tĩnh đáp vội vã và tránh nhìn vào mắt chàng – Ý ta không phải vậy. Ta muốn nói là ta đã từng thấy một người không chết nhưng hoàn toàn là do may mắn. Đúng, cha con nói đúng, bệnh này không ai qua khỏi cả. Tội nghiệp cho vương phi. Con hãy mau về đi, kẻo hoàng thượng lại gọi.

Trần Việt Nhân ngạc nhiên khi thấy trái với bình thường, Tuệ Tĩnh gần như muốn xua đuổi chàng đi. Sợ cha đợi lâu, chàng cũng mau ra đi. Bất chợt, Tuệ Tĩnh gọi giật lại:

– Trần thái y đã cho vương phi uống thuốc gì?

– Thì còn thuốc gì nữa, là Sinh hóa thang. Phương thuốc đó trị được nhiều bệnh sản hậu. Với bệnh Kính, cha vẫn hay dùng, cầu may thôi chứ biết chắc không thể nào chữa khỏi.

– Thôi, con về đi. Nếu này mai bận quá thì khỏi đến từ giã ta. Coi như hôm nay ta đã từ giã nhau rồi.

Trần Việt Nhân đi rồi, Tuệ Tĩnh vẫn đứng bần thần bên cửa sổ. Trăng vẫn hồn nhiên chiếu sáng lên nguời ông. Sao đêm nay trăng đẹp như vậy, có phải ông đang nhìn thấy vầng trăng của quê nhà. Bứng mình ra khỏi gốc rễ quê hương, đau đớn như thế nào ông là người hiểu rõ. Danh vọng phương Bắc cũng không thể nào nguôi ngoai nỗi buồn của kẻ ly hương. Ông nhớ vầng trăng vằng vặc trước sân chùa. Cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh lên sáu tuổi ôm tay nải theo sư ông bước vào chùa nước mắt vẫn còn hoen trên má. Những đêm trăng sáng nhà sư trẻ ôm sách ra sân, nào Kinh thư, nào sách thuốc, nào kinh Phật. Nhà sư hai mươi hai tuổi đã đỗ khoa thi tiến sĩ, nhưng chàng không ra làm quan mà trở về chùa bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Dân là dân Nam. Thuốc là thuốc của người phương Bắc. Không có tiền, dân Nam phải chịu chết vì thuốc phương Bắc đâu phải dành cho những kẻ nghèo hèn. Tuệ Tĩnh tự nghĩ: lẽ đâu chỉ có thuốc Bắc mới chữa khỏi bệnh. Băng rừng lội suối trèo non, nếm thử bao nhiêu loại cây cỏ đắng cay chua ngọt, ông đã cho ra đời bộ sách “Nam dược thần hiệu” toàn những vị thuốc phương Nam. Người phương Nam đã có thuốc trị bệnh. Người phương Nam không còn lệ thuộc vào người phương Bắc. Người phương Nam còn có thể tự hào có một vị thần y đã ngăn chặn được một nạn dịch hoành hành. Nhưng người phương Bắc đã dùng sức mạnh để  bắt ông mãi mãi rời xa quê hương của mình. Nay bằng sự khôn khéo biết giấu mình, ông đang sắp được trở về ngắm vầng trăng xứ sở. Ôi, lòng ông vui như trẻ nhỏ. Thì ra không có sức mạnh nào có thể bứng người ta ra khỏi gốc rễ sinh ra nếu người ta không muốn. Ông sắp được toại nguyện rồi, sắp được chữa bệnh cho dân Nam, sắp gặp lại học trò của mình mà nói rằng “Nam dược trị Nam nhân” (2) , đó là tinh thần tự lập tự cường, là niềm tự hào dân tộc.

Một áng mây bay ngang qua vầng trăng làm ông khó chịu. Ông chợt nhớ đến vẻ buồn bả âu sầu của Trần Việt Nhân, nhớ đến vương phi đang nằm hấp hối trong cung. Ông bắt mình không được nghĩ đến điều đó, nhưng không hiểu sao ông vẫn tưởng tượng được vẻ mặt đau đớn của vương phi và vẻ sầu khổ của những người xung quanh. Ông lại nghĩ đến bài thuốc Sinh hóa thang của Trần thái y. Các thầy thuốc cứ truyền rằng, bài Sinh hóa thang gia giảm chữa hàng trăm thứ bệnh của sản hậu. Nhưng bệnh Kính không phải do huyết hôi đình ứ lại mà dùng phương thuốc này thì ngoại tà đi vào huyết thất, trung khí sẽ bị tổn thương, gây nguy hiểm cho người bệnh. Nghĩ đến đó, người ông lạnh tóat, trái tim co thắt lại. Bất giác ông lại nhìn trăng.

Ông không ngủ, đi đi lại lại trong phòng, nhưng bây giờ lại với lý do khác. Ông nhớ đến người thiếu phụ trẻ được ông cứu sống trước đây. Vẻ mặt của nàng mới rạng rỡ làm sao. Niềm vui đó, niềm hạnh phúc đó là một sự đền bù lớn lao cho người thầy thuốc. Chồng không mất vợ, con không mồ côi mẹ. Thử hỏi có sự hóa độ nào đầy ý nghĩa hơn thế? Bài Sinh hóa thang đêm nay sẽ góp phần giết chết vương phi. Nhưng ai cũng biết bệnh Kính mười người chết hết mười mà, ông còn suy nghĩ làm gì, cho dù ông biết rằng có một người đã từng được ông cứu sống. Giấc mộng hồi hương chỉ còn vài canh giờ nữa là đã toại nguyện.

Trăng vẫn sáng, cuốc vẫn kêu khắc khoải ngoài sân. Tiếng trống sang canh vẫn vô tư vang lên vọng vào lòng ông một niềm nhức nhối. Ông tự biện minh với mình, vua Minh có tam cung lục viện cả mấy trăm người, một Tống vương phi thì có ý nghĩa gì. Nhưng điều đó cũng không thuyết phục nổi ông, vì với người thầy thuốc không bao giờ phân biệt người sang kẻ hèn, người quan trọng hay không quan trọng, người đáng sống hay không đáng sống, mà chỉ biết trước mặt mình là một con người, một sinh mệnh.

Trăng vẫn vằng vặc sáng. Tiếng cuốc vẫn khắc khoải ngoài sân. Tiếng trống sang canh vẫn vô tư vang lên trong hoàng thành.

*

Đến canh năm, Tống vương phi bắt đầu lên cơn co giật, mặt đỏ gay, hơi thở rít lại. Vua Minh luôn miệng quát các quan Thái y. Trần thái y cũng quát con trai:

– Ta bảo con cho người sắc thuốc mang đến sao bây giờ còn chưa thấy?

– Con bảo họ thôi rồi.

– Thôi là sao?

– Con thấy uống phương thuốc đó vào chỉ co giật nhiều hơn, đờm kéo lên nhiều hơn.

– Con biết cái gì mà nói. Con hay hơn ta à? Bài Sinh hóa thang này là bài thuốc hay nhất để trị bệnh sản hậu.

– Nhưng có người nào bệnh Kính được cứu sống đâu – Trần Việt Nhân dè dặt nói. Trần thái y chựng người lại. Không phải là ông không biết. Nhưng tâm lý còn nước còn tát và bệnh nào cũng dùng những thuốc hay nhất để chữa thì dù người bệnh có ra đi cũng không áy náy là mình đã không làm hết sức mình. Như bài Sinh hóa thang này, những bệnh sản hậu thông thuờng đều chữa khỏi. Dẫu biết bệnh Kính mười người chết hết mười, nhưng thử hỏi còn cái gì chữa bệnh sản hay hơn Đương qui, lại còn Xuyên khung, nào Can khương, nào Đào nhân gia thêm Ích mẫu. Ông hạ giọng với con trai:

– Cũng phải để cho Hoàng thượng thấy là chúng ta đã cố hết sức mình. Vương phi giờ đã cấm khẩu rồi, lại co giật liên hồi, con mau cho thêm Kinh giới huệ ba đồng cân.

– Con biết rồi.

Chàng bước ra ngoài thì ngay lúc đó có một người mặc áo cà sa bước vào. Chàng bàng hoàng khi thấy đó là Tuệ Tĩnh. Cả đêm nay chàng đã cố không nghĩ đến người ấy, cố quên vầng trăng vằng vặc ở cửa sổ nhà ông ta. Bởi vì nhớ đến tất cả những điều đó, chàng sẽ không thể kìm lòng mà chạy đến bên ông. Chàng biết, ông không vu vơ khi nói câu có thể bệnh Kính mười người chỉ chết có chín. Một phần mười mong manh đó có đủ sức níu kéo ông đến hoàng cung này, nơi có thể nhốt chặt giấc mộng hồi quê của ông?

Vua Minh gặp mặt ông như lửa thêm dầu, đùng đùng nổi giận:

– Ngươi còn đến đây làm gì. Ngày mai ngươi về Đại Việt cũng đừng để cho ta thấy mặt. Tốn biết bao công sức vừa thuyết phục vừa đe dọa, vua Trần mới cống ngươi cho ta. Thế mà Thần y đâu ta không thấy, chỉ tốn cơm nuôi một kẻ bất tài. Ngươi đi đi cho khuất mất ta.

– Thần sẽ đi. Nhưng xin cho phép thần xem bệnh vương phi.

– Sao, một kẻ bệnh cảm xoàng mà cũng không chữa khỏi lại đòi chữa bệnh cho vương phi ư? Ngươi không còn muốn sống nữa à?

– Thần xin bảo đảm – bất thần Trần Việt Nhân bước lên tâu. Chàng không biết việc chàng làm có đúng không, nhưng cũng như Tuệ Tĩnh, chàng không thể nhìn một người chết đi khi còn có khả năng cứu chữa. Cha chàng tái mặt vì sự liều lĩnh của con. Nhưng vua Minh đột nhiên nói:

– Thôi được, dù sao các ngự y đều đã bó tay. Cho ngươi thử một phen. Nhưng ta cho ngươi hay, có thể ta sẽ tế sống ngươi theo vương phi đấy. Đúng là ngươi muốn được tế sống rồi.

Tuệ Tĩnh không nói gì, lẳng lặng vào cung vương phi. Ông đang đi tận cùng số mệnh của mình, số mệnh một người vong quốc.

*

Bài Trúc diệp thang với vị thuốc chủ lực là lá tre đầy rẫy ở đất phương Nam đã cứu sống Tống vương phi. Một tháng sau, Tống vương phi đã đi đứng được, đến tận nhà ông để tạ ơn. Vương phi lộng lẫy, xinh đẹp như tiên nga, nhưng ánh mắt không hề khác người thiếu phụ nghèo nàn lam lũ năm xưa ông đã cứu sống ở quê nhà, vẫn ánh mắt ngời sáng niềm vui hạnh phúc. Dẫu là vương phi hay thứ dân đều là một sinh mệnh. Dẫu là con đen hay một vị hoàng tử cũng cần có mẹ biết bao. Ông đã trả lại cho hoàng tử một người mẹ như ngày xưa ông đã trả cho cậu bé mới sinh đỏ hỏn quấn tả rách một người mẹ.

Đêm đó trăng lại rọi sáng vào cửa số nhà ông. Đêm đó Trần Việt Nhân lại đến. Chàng thấy ông hì hụt khắc một tấm bia. Chàng ngồi trên chiếc giường xem ông làm. Ông ngừng tay lại, mang đến cho chàng một chén trà. Chàng uống trà. Chàng nhìn ông qua làn khói bốc lên từ chén trà… Ông đã bình thản. Tấm lòng ông đã bình thản. Bất chợt chàng hỏi:

– Tiền bối có hối hận không?

– Một thầy thuốc hối hận khi đã cứu người ư? Người thầy thuốc khi cứu người dù là kẻ cướp, dù là kẻ thù của mình, cũng không hối hận. Con không nghe câu: “Y gia hữu cát cổ chi tâm”, nghĩa là thầy thuốc có lòng cắt thịt ở đùi mình để chữa cho người bệnh. Ta mãi mãi là kẻ vong quốc rồi, nhưng ta không bao giờ hối hận khi cứu vương phi cả. Ở nơi đây, kể ra ta chỉ có mình con là người thân thiết. Con có thấy tấm bia này không. Chàng đọc dòng chữ: “Về sau có ai bên nước Nam sang, nhớ cho di cốt tôi về với”. Sau này ta chết ta muốn đặt tấm bia này trước mộ. Chắc chắn sẽ có một vị sứ giả nào đó từ Nam sang, ta mong người ấy hãy hiểu ước vọng của ta mà mang ta về.

Chàng đã uống cạn chén trà. Suốt đêm chàng ngồi nhìn ông tự khắc tấm bia cho mình, dù ông còn sống cả đời để phục vụ vua Minh và người dân Trung Hoa.  Sáng hôm sau, chàng cùng ông vào Đại điện. Ông mặc áo cà sa, quỳ dưới sân rồng nhận tước phong “Đại y thiền sư” của vua Minh. Không ai thấy một giọt nước mắt  âm thầm lăn nhanh trên má ông, một vị thiền sư lòng đã tĩnh lặng nhưng vẫn không tĩnh lặng khi nghe tiếng cuốc kêu ngoài sân, khi nhìn vầng trăng phương Bắc mà đau đáu nhớ vầng trăng phương Nam. Trên ngai vàng, vua Minh cười hỉ hả: “Ta thật sự có một thần y rồi”. Trần Việt Nhân cũng lén lấy tay lau những giọt lệ bất chợt rơi ra từ mắt chàng.

T.T.T.H

 

(1): Tần Việt Nhân, hiệu là Biển Thước, thầy thuốc người thời Chiến quốc.

(2): Dùng thuốc Nam để chữa bệnh cho người nước Nam