Có bằng chứng tiêu cực trong chọn sách giáo khoa?

189

Trao đổi với Bộ trưởng GD-ĐT, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, khó có thể đủ sách giáo khoa cho học sinh trước năm học mới. Bà cũng có thông tin cụ thể về tiêu cực trong chọn sách giáo khoa và sẽ cung cấp cho cơ quan bảo vệ pháp luật khi cần thiết.

Ngày 6.6, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, bà nhận được Công văn số 2706/BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phản hồi về ý kiến của ĐB Kim Thúy liên quan đến lĩnh vực giáo dục tại phiên thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

“Những điều tôi nêu ra là những vấn đề mà tôi đã từng chất vấn Bộ trưởng nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng hoặc là những vấn đề mới phát sinh mà việc giải trình và giải quyết thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng. Tiếc rằng, Công văn số 2706 của Bộ trưởng trả lời tôi lần này không đề cập đến những vấn đề chính yếu mà tôi đã đặt ra”, nữ ĐB cho biết.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, đối với những sai phạm phải xử lý hình sự ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), Công văn số 2706 không có câu nào cho biết cơ quan chủ quản (tức Bộ GD-ĐT) có trách nhiệm như thế nào trong việc “Bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát”.

Về khả năng thiếu sách giáo khoa (SGK) trong năm học sắp tới, mặc dù Công văn số 2706 đã nêu ra nhiều giải thích, song ĐB Kim Thúy nhận định: “Trước cuộc họp báo cáo Phó Thủ tướng 5 ngày, tức là ngày 5-5-2023, NXBGDVN mới có công văn mời thầu in SGK các lớp 4, 8, 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ; ngày mở thầu là 21.5.2023. Nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu thì việc kịp in sách trước năm học mới còn khó, chứ không nói là in kịp trước ngày 30.6.2023 như kế hoạch của Bộ GD-ĐT”.

ĐB Kim Thuý cũng thông tin, trước đó bà đã nhận xét, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn lựa chọn SGK bất hợp lý khi trao quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không hề có quy định là khi một quyển SGK được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì Hội đồng có trách nhiệm lựa chọn quyển sách ấy và Công văn số 2706 chưa giải thích tính hợp lý của quy định này.

Theo ĐB, quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều 8, Luật Giáo dục, cơ sở giáo dục phổ thông phải tổ chức xét chọn rất công phu, song toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng SGK rất có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ. Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển SGK cho một môn học thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy có nghĩa là toàn bộ các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 bị vô hiệu hóa bằng khoản 4.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Kim Thuý nêu rõ, hiện nay, do có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành SGK nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thế nhưng, khi trao toàn quyền cho Hội đồng lựa chọn SGK, tạo điều kiện cho thành viên Hội đồng chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín thì đây là kẽ hở pháp luật rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh. Khi tình trạng lựa chọn SGK thiếu khách quan diễn ra tràn lan thì việc lựa chọn SGK lại quay về cơ chế chỉ có một bộ SGK cho một môn học ở địa phương, tức là triệt tiêu chủ trương “một chương trình – nhiều SGK” của Đảng và Nhà nước.

ĐB Kim Thúy khẳng định, bà có thông tin cụ thể được cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phản ánh về tình trạng thiếu dân chủ, khách quan trong lựa chọn SGK và sẽ cung cấp cho cơ quan bảo vệ pháp luật khi cần thiết.

Theo Anh Phương/ Báo Sài Gòn Giải Phóng