(Vanchuongphuongnam.vn) – Hừng đông, tôi dắt xe ra khỏi cửa đến căn quán quen thuộc uống ly cà phê sớm mai. Trên nền trời, mặt trăng khuyết còn sót lại của bóng đêm vằng vặc in lên như một chiếc thuyền mắc cạn trên những nhánh cây khô mọc tua tủa lên bầu trời le lói chút ánh sáng đầu ngày.
Căn quán quen đã lác đác vài người. Những mảng sáng tối đan xen nhau trong quán. Tôi kêu một ly cà phê đen, một gói thuốc đen. Rồi tôi ngồi chờ Diệu đến như mọi khi. Trước khi đi bán vé số, Diệu cũng uống một ly cà phê sữa nóng cho tỉnh táo. Chờ một chút, Diệu đạp xe lọc cọc đến. Dựng xe vào hàng rào sắt vách quán, Diệu bước vào. Với một cọc vé số trên tay, một tay nải quàng chéo bên hông, Diệu ngồi xuống mệt mỏi. Gương mặt Diệu in hằn sự lao khổ do đời sống áo cơm thúc bách. Những vết nhăn xuất hiện chạy dài bên khóe miệng, những đường hằn trên trán, và cặp mắt nhỏ dài tinh anh.
– Hôm nay anh mua vé số không? – Diệu hỏi.
– Anh chỉ mua một tờ thôi. Cầu may mà em. Vì anh cũng hết tiền rồi. – Tôi trả lời.
– Anh mua bao nhiêu cũng được, có chi mà ngại, anh.
– Anh sợ mở hàng lắm. Bán được không nói gì, bán không được người ta rủa trong bụng và đốt phong long. Anh lấy số đuôi 33, con nhện đó em. Giờ anh chơi với nhện, anh kinh sợ con người rồi.
Diệu cười nhỏn nhoẻn.
Ánh sáng ngọn đèn trong quán hắt lên mặt Diệu một luồng sáng. Ngoài kia bóng đêm vẫn còn một màu đen tối. Mấy người đàn ông trong quán nói chuyện với nhau nhấm nhẳng về đời sống, công việc. Chánh – thầu thợ hồ – nói :
– Tôi làm nhà cho thằng đại úy bảo vệ chính trị, nó theo đạo Tin Lành. Nó không cho người thân nó lạy khi có người chết. Nó xây một cái nhà riêng gọi là nhà nguyện. Khi có người bệnh hoạn, nó đưa vào đó cầu nguyện.
Và Chánh hạ một câu:
– Chắc thằng nầy từ lỗ nẻ chui lên nên không biết lạy ai cả. Tin Lành đâu có vậy.
Sáu – bán thóc gạo – ngồi im không nói gì vì có thời Sáu làm công an nên cũng rất vô thần. Sáu là anh rể tôi, lấy người chị thứ hai của tôi, chị tôi dạy Anh văn. Tôi không thích tính cách và thái độ của Sáu, vì nó hách dịch, thực dụng và vô thần triệt để. Nhưng là anh rể, thì nói sao bây giờ, phải ngậm bồ hòn làm ngọt, sinh hoạt, gặp mặt hoài vậy. Tôi thì theo Phật giáo, quy y năm bốn mươi tuổi tại chùa Khánh Quới thuộc phái Thiền tông dòng Lâm Tế. Có lẽ, một bên duy vật, một bên duy tâm, thì không hợp nhau thôi.
Nãy giờ Diệu vẫn ngồi im lặng. Tôi hỏi Diệu :
– Em người gốc Huế à?
– Dạ, em người Huế – Diệu đáp – Người ta nói Huế mộng Huế mơ đó anh.
– Anh thấy cảnh Huế thì đẹp, nên thơ, nhưng đời sống ngoài đó thì khổ quá. Anh có ra Huế một lần, đi theo thằng bạn hồi sinh viên về nhà của nó.
– Người Huế chịu thương chịu khó lắm anh.
– Anh cũng thấy như vậy.
Cái xóm trọ đối diện quán cà phê nầy đều là dân Miền Trung vào sinh sống làm ăn tại đất Cai Lậy. Tôi thường ngồi ở đấy hàng giờ liền để đọc sách, viết lách. Những bài thơ của tôi cũng ra đời ở đó, nó nhuốm mùi vị cần lao.
****
Thường Diệu đạp xe đi bán vé số trên những nẻo đường Cai Lậy. Cái thị xã Cai Lậy mười năm trở lại đây mở rộng đường xá nên cũng lắm đường chằng chịt. Còn quán cà phê thì dầy đặc. Một ngày Diệu bán được hai trăm tờ, đi hết buổi sáng, trưa về lo cho con cái. Người bán vé số ở Cai Lậy rất nhiều. Có lẽ dân Cai Lậy làm ăn được và thích mua vé số. Đất Cai Lậy nổi tiếng ăn chơi từ xưa đến giờ. Tôi có một ông cậu ruột, trước giải phóng thì nhà lầu xe hơi sống ở đất Tây Ninh. Ông rất nhiều vợ, một vợ chính thức và không biết bao nhiêu vợ phi chính thức. Con rơi con vãi khắp chốn. Giờ ở tuổi tám mươi, ông đi bán vé số. Đám con của ông làm ăn rất được nhưng ông không sống với ai cả mà thuê một căn phòng sống với một đứa nhỏ (có lẽ con ông) và lê la đi bán vé số khắp chợ Tây Ninh. Mới đây, đám giỗ bà ngoại tôi, ông về râu tóc bạc trắng. Ông theo đạo Cao Đài, trong khi ông ngoại tôi đạo Tin Lành. Mộ ông ngoại tôi lẻ loi cây thánh giá giữa khu mộ dòng họ nằm ở một miếng đất thuộc xã Mỹ Phước Tây. Gặp tôi, Cậu Hai bắt tay tôi. Tôi bắt hai tay. Ông nằm trên ghế bố trong nhà thờ cũ kỹ bên ngoại, ông hỏi:
– Còn đi dạy không?
– Người ta cho nghỉ rồi, tôi nói.
– Giờ làm làm gì?
– Thì ở nhà vậy thôi.
Cả hai bên nội ngoại tôi không ai làm văn chương cả. Ông ngoại tôi ngày xưa kinh doanh gỗ súc, rất giàu có ở đất Cai Lậy. Ông nội tôi nông dân, theo cách mạng. Ba mẹ tôi không môn đăng hộ đối, mẹ tôi bị bà ngoại cấm cản không cho quen với ba tôi. Chỉ nảy nòi tôi làm thơ và ghi dấu ấn. Tôi nghĩ: Văn chương cũng là sự chọn lựa. Anh chọn nó và chủ động theo đuổi nó thì hay hơn là trời bắt làm văn chương. Thiếu gì nhà thơ, nhà văn sinh ra trong gia đình không có truyền thống văn chương. Nếu anh chọn lựa và chấp nhận thì thơ văn sẽ đến với anh thôi. Nhưng nên nhớ: Thơ có thể làm khốn cùng con người, thậm chí có thể giết người. Thơ không phải là nghề, thơ là nghiệp. Còn văn là nghề, nghề viết văn. Viết văn có thể kiếm tiền, thơ thì không. Nam Cao, Lan Khai, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc,… đều viết văn kiếm sống cả thôi. Nghề nghiệp mà, đòi hỏi vốn sống, sự từng trải. Nhà văn ít người học cao, học nhiều có thể không viết được, chỉ làm giáo sư vì chỉ biết chúi mũi vô sách vở. Văn rất cần đời sống.
****
Khi mới gặp Diệu, tôi tặng Diệu tập thơ “Lửa sâu cõi đá“ của tôi. Diệu nhận lấy và cám ơn. Những lần ngồi trò chuyện cùng nhau trong quán, tôi thêm biết về đời Diệu, một cô gái Miền Trung nghèo khổ.
– Em học tới lớp mấy.
– Trình độ học vấn em không có. Em chỉ học tới lớp 2, biết chữ thôi. Vì em là chị cả, nhà lại nghèo nên không có điều kiện đi học.
– Ừ, những chữ khó em đọc được không?
– Không, anh. Em cũng không biết ký tên.
– Em cứ viết tắt tên mình và mơ hồ ra thì thành chữ ký.
– Nên em cho con em đi học đàng hoàng, hai đứa.
– Ừ, học như anh cũng chẳng để làm gì. Anh Cử nhân Chính trị hệ chính quy đó. Giờ ngồi chơi xơi nước, uống cà phê riết đắng cổ.
– Tại sao họ cho anh nghỉ?
– Chuyện nhiều lắm.
– Anh cứ kể đi.
– Anh dạy mười năm, kiệt sức nên nghỉ thôi.
– Nhìn anh có vẻ u uất.
– Ừ, chuyện đời anh buồn lắm. Nhưng thôi, nói làm gì.
– Sao anh không có vợ?
– Anh từng lấy vợ nhưng đã thôi nhau lâu rồi. Giờ anh muốn sống độc thân.
– Độc thân cũng tốt, có chồng con phải lo khổ lắm.
– Ừ, anh biết.
– Anh làm thơ lâu chưa?
– Hồi học sinh. Tập “Lửa sâu cõi đá“ anh làm những năm anh mới hai mươi tuổi. Chỉ hai mươi bài mà hình thành, phác thảo và hoàn chỉnh trong mười năm. Tập ấy đúc kết cả quãng đời của anh. Có lúc anh hút cả bồ đà để tìm ảo giác cho tập thơ đó. Anh lang thang ở Sài Gòn dữ lắm, bỏ học hoàn toàn. Làm thơ phải đòi hỏi toàn tâm toàn ý. Đẽo gọt, khắc chạm bài thơ như một món đồ thủ công tinh xảo, như một công trình nghệ thuật. Anh ghét thứ thơ ngâm vịnh thù tạc. Thơ đòi hỏi sự kỳ công ngôn ngữ, khổ sở tìm ý, vắt kiệt hồn mình qua bóng chữ.
– Em hiểu rồi.
– Người Huế thường yêu thơ
– Đúng vậy, anh.
****
Như đã nói, tôi theo Phật giáo, nên đời sống tôi là cúi xuống những mảnh đời đau khổ. Triết học Phật giáo rất hay, nó nhân bản. Tôi có đọc cuốn “Tinh hoa triết học Phật giáo” do thầy Tuệ Sỹ dịch. Tôi nể phục nhất là thầy Tuệ Sỹ. Hồi còn đi dạy, tôi có theo một nhà thơ già đến tìm thầy Tuệ Sỹ, nhưng không gặp được thầy vì thầy đã nhập thất tại chùa Già Lam. Tôi ra sân chùa ngồi uống cà phê với mấy ông anh làm thơ Sài Gòn, rồi về. Hồi đó, tôi chỉ mới đọc thơ Tuệ Sỹ, chưa đọc những cuốn sách Phật học của ông và cũng chưa biết Tuệ Sỹ là một nhà dịch kinh Phật tài ba. Tuệ Sỹ làm thơ rất hay, tôi còn nhớ hai câu: “Ngọn gió đưa anh đi qua mười năm phiêu lãng – Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn“. Tôi hỏi Diệu:
– Em có theo đạo Phật không?
– Có, Diệu nói.
– Hình như người Việt mình đại đa số theo Phật giáo rồi. Phật giáo đã ăn sâu vào xương tủy người Việt. Thời Lý, Trần là hai triều đại thịnh trị, nhưng vua đều theo Phật giáo.
– Em không biết lịch sử – Diệu nói – nhưng theo em, đạo Phật nó gần gũi với mình. Những khi buồn khổ, em thường niệm Phật.
– Tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành lánh dữ. Nhưng Thiên Chúa giáo và Phật giáo khác nhau về cơ bản là: Phật giáo tìm phương cách giải thoát cho con người. Còn Thiên Chúa thì dấn thân vào đau khổ để cứu rỗi con người. Phật giáo là tôn giáo của con người, Thiên Chúa là tôn giáo mặc khải.
– Mặc khải là sao anh? – Diệu hỏi.
– Tức là những lời truyền dạy của Đấng Tối Linh thông qua Jesu Christ. Ông ngoại anh cũng đạo Tin Lành đó, nhưng con cháu đều không có đạo hoặc theo Phật giáo.
– Thì ra là vậy.
Tôi rót ly nước cho Diệu và nhấp một ngụm cà phê đen, tôi nghe vị đắng của nó lan ra trên đầu lưỡi và thấm vào máu thịt tôi. Rít một hơi thuốc đen, tôi không nói gì nữa. Mấy ai hiểu rõ căn nguyên và thực chất của tôn giáo dù người ta cứ ùn ùn theo tôn giáo nầy tôn giáo nọ. Vì sao tôi không muốn nói nhiều về tôn giáo? Xin thưa rằng, trong một xã hội vô thần như Việt Nam, thì mọi tôn giáo đều bị biến dạng qua bàn tay kẻ có thế lực, và nó bị những kẻ duy vật vô thần xuyên tạc kinh khủng. Do đó, tôi giữ tôn giáo trong lòng mình với năm lời nguyện khi quy y Tam bảo: không sát sanh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu. Hàng ngày, tôi vẫn nghiên cứu Phật giáo về mặt nguyên lý triết học, tức là xẻ nó ra phần cốt lõi nhất mà nắm lấy.
****
Đi ngoài đường, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Diệu đạp xe đi bán vé số. Có lần tôi gặp Diệu ở góc đường dẫn vào trường Đốc Binh Kiều. Đó là một ngôi trường cấp ba lớn nhất Cai Lậy, xưa tôi học ở đó nhưng ở cơ sở cũ nằm trong khu chợ Cai Lậy. Tôi học lớp A1 là lớp chọn của trường. Tôi học khối A, sau nầy bỏ lâu, tôi quên cách giải và các công thức Toán Lý Hóa, tôi đành chuyển qua học khối C, ôm ba cuốn sách giáo khoa Văn Sử Địa học trong ba tháng và thi vào trường Sư Phạm. Tôi hỏi Diệu:
– Em có biết trường Đốc Binh Kiều nằm trên nền một nghĩa địa cũ hay không?
– Vậy hả anh?
– Ừ, nó có ma đó, Anh có thằng cháu học ở đó, tụi học sinh chụp hình buổi chiều sẩm tối, khi rửa ảnh ra thấy một hình người đứng phía sau hàng học sinh. Ngày xưa nó là một khu nghĩa địa kề bên sân banh Cai Lậy.
– Ma có thật không anh?
– Có thật đó, nó là một dạng năng lượng tâm linh. Con người chết không phải là hết. Cái thần thức nó còn lưu chuyển đi đầu thai.
Tôi thấy mình nói chuyện hợp với Diệu vì em chịu học hỏi, không như những cô gái có chút học vấn rồi kênh kiệu, không coi ai ra gì, không tin vào điều gì cả. Hồi tôi dạy môn Giáo Dục Công Dân cấp ba, phần Triết học, tôi hỏi học sinh: – Có ma không? Học sinh không đứa nào dám trả lời, và tôi cũng không giải đáp, mặc cho câu hỏi còn bỏ lửng nguyên đấy. Đúng là người Miền Trung nghèo mà ham học. Vùng đất đó sản sinh nhiều nhân tài. Đất Nam bộ chỉ là đất của kinh tế, làm ăn giàu có.
Có lần tôi gặp Diệu ngồi gặm bánh mì trong công viên gần Cầu Đúc. Xấp vé số và tay nải để kế bên, em cầm ổ bánh mì ăn ngon lành. Trong khi kề bên công viên, con sông Ba Rài với con nước đục vẫn vỗ sóng ì oạp dưới chân cầu và từng đợt xô vào bờ kè xi măng hai bên sông. Những khi buồn tôi cũng thường ra đó hút thuốc nhìn sông và búng những mẩu tàn thuốc xuống lòng sông nước đục. Mọi người tưởng tôi là một kẻ lang thang nào đó.
****
Bẵng một thời gian, tôi không gặp Diệu. Hỏi thăm được biết em bong gân ở chân, có lẽ do đạp xe đi bán vé số nhiều quá. Tôi lần đường vào khu nhà trọ thăm Diệu theo lời chỉ dẫn của em lúc trước. Đầu hẻm vào khu nhà trọ bán bún riêu và bánh canh vịt. Nhà trọ cũng dễ tìm, nó được cất san sát nhau như những cái hộp diêm. Gõ cửa phòng em, tôi đưa em một bịch bánh canh. Diệu đang nằm trên chiếu với hai đứa con. Con Diệu học trường gần đó. Một đứa lớp hai, một đứa mẫu giáo. Diệu đã thôi chồng, nhưng thằng chồng làm thợ hồ mướn nhà gần đó nó vẫn còn kiểm soát Diệu. Khi say, nó hằn học nói với Diệu :
– Mầy bỏ tao để chạy theo thằng khác à? Thằng chồng của Diệu quê ở Đồng Tháp.
– Tôi không theo ai cả, tôi lo nuôi con. Diệu trả lời cứng cỏi.
Tôi nói với Diệu:
– Em ráng cho hai đứa nhỏ học hết lớp mười hai. Đời em đã khổ vì không học vấn, nên cho con học đàng hoàng để nó có tương lai sáng sủa một chút.
Diệu nói:
– Em biết mà anh.
Sáng hôm sau tôi đến quán thì gặp Diệu. Tôi hỏi em:
– Cái chân đỡ chưa?
Diệu đáp:
– Đỡ một chút rồi, nhưng em phải đi bán để còn lo tiền cơm nước cho ba mẹ con và tiền trọ phòng.
Trong ánh sáng đan xen bóng tối từng mảng của không gian quán, những người lao động ngồi uống cà phê, gương mặt họ pha lẫn nửa sáng nửa tối, nửa con người nửa ma quỷ.
Trong thứ ánh sáng pha trộn đó, tôi hỏi Diệu:
– Em có mơ ước gì?
– Em chỉ ước có một nền nhà ngang 3m dài 6m, nằm ở ngoại ô thị xã nầy để cất một căn nhà nhỏ gọn cho ba mẹ con em ở. Nhưng biết đời nào mua nổi hả anh ? Diệu trả lời, giọng nặng và u buồn.
Tôi gật đầu, châm thêm một điếu thuốc đen. Tôi nghĩ, không biết ngày mai tôi sẽ ra sao. Lúc ấy, trời đã sáng hẳn.
27/6/2022
V.H