Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển

112

Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.

Nhà thơ Trần Thế Tuyển

Bước vào khoảng sân có nhiều hoa sim tím, trái tim ông Hữu đập như trống chèo. Đây không phải lần đầu, mà mấy chục năm nay, mỗi lần đến ngôi nhà nhỏ nằm ven sông này, ông đều có cảm giác như thế.  Một cô gái từ trong nhà bước ra:

– Cháu chào ông ạ. Cháu mời ông vào nhà.

Ông Hữu ngỡ ngàng khi nghe giọng cô gái. Không chỉ có giọng nói mà cả dáng đi, khuôn mặt của cô gái cũng giống người ấy. Khuôn mặt trăng rằm, cặp lông mày như vẽ và đặc biệt nụ cười tỏa nắng.

Người lính trẻ đã theo kịp thủ trưởng, tay xách giỏ trái cây và chùm hoa màu tím. Trong khi cô gái và chàng lính trẻ bày lễ, ông Hữu ngước nhìn căn phòng.

Mấy chục năm rồi, căn phòng vẫn như xưa. Tấm ảnh bà Hiền thời trẻ, gọn gàng trong bộ trang phục thanh niên xung phong (TNXP). Nón tai bèo như lá sen, vài sợi tóc vương trên khuôn mặt khả ái, gợi lại trong ông bao nhiêu kỷ niệm.

Ngày ấy, sở chỉ huy tiền phương của mặt trận đặt tại ngôi nhà này. Cách đó không xa là bến phà Long Đại, dường như cả ngày lẫn đêm đều ì ầm tiếng bom, đạn. Sở chỉ huy tiền phương chọn nơi này đặt căn cứ để gần với chiến sĩ. Tướng Nguyên, Tư lệnh mặt trận chủ trương như thế. An toàn, hiệu quả nhất là gần bộ đội. Là phó Tư lệnh, ông Hữu được phân công trực tiếp làm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tiền phương. Cô gái có khuôn mặt trăng rằm, gặp ông Hữu lần đầu chính trong ngôi nhà nhỏ của bố mẹ mình. Một cô gái thanh niên xung phong chưa đầy 25 tuổi có vồng ngực tràn dâng sức sống và ánh mắt như biết nói đã làm bao chàng lính trẻ đắm say. Lúc ấy ông Hữu đang “đơn thân, độc mã”. Người vợ trẻ của ông là ý tá đơn vị đã hy sinh giữa ngã ba Đồng Lộc, khi họ cưới nhau chưa tròn tháng. Công việc của người chỉ huy cuốn hút ông Hữu. Phần vì công việc, phần vì nỗi đau mất vợ chưa nguôi ngoai nên ông Hữu chẳng có tâm tưởng gì nghĩ đến chuyện khác. Nhưng cô gái có khuôn mặt trăng rằm nghĩ khác.

Sau khi biết được vị Phó Tư lệnh mặt trận hơn mình gần 20 tuổi “góa vợ”, cô thấy thương thương làm sao. Mặc cho các chàng lính trẻ “thả thính”, cô chỉ nghĩ đến ông Hữu với sự thương cảm thầm kín và tìm mọi cách có thể  để chia sẻ, chăm sóc ông. Ông Hữu nhận ra điều ấy. Nhưng vị trí và hoàn cảnh của ông không thể. Ông Hữu cố tình làm ngơ. Cứ như là ông sinh ra chỉ để làm một việc: chỉ huy bộ đội…

– Thưa ông, lễ đã xong, con mời ông thắp hương. Giọng cô gái trong veo.

Tay run run, những nén nhang như nhảy múa trong tay vị tướng già đã dạn dày trận mạc. Di ảnh. Bà Hiền như hiểu được tâm trạng của ông, nhoẻn miệng cười. Ông Hữu đứng hồi lâu, trước di ảnh Thảo, con trai bà – người chiến sĩ lái xe của ông cuối giai đoạn chống Mỹ. Đó cũng là lý do, sáng nay, trước khi làm lễ khởi công ngôi đền thờ liệt sĩ cạnh bến phà lịch sử này, ông tranh thủ đến thắp hương cho bà Hiền và con trai của bà.

Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.

Câu chuyện “vong nhập” đêm qua trong lễ cầu siêu trước ngày khởi công xây dựng đền thờ liệt sĩ càng khẳng định suy nghĩ của ông. Gần nửa đêm, theo kế hoạch của ban tổ chức sự kiện, ông Hữu có mặt tại quả đồi cạnh bến phà Long Đại xưa. Một chiến sĩ trẻ được phân công dìu ông lên đỉnh đồi. Đã lâu ông mới trở lại nơi đây. Ông Hữu còn nhớ như in, những năm chống Mỹ, quả đồi này là trận địa pháo cao xạ. Ngày ấy chưa có cây cầu sắt bắc qua sông. Bến phà Long Đại trở thành trọng điểm đánh phá của máy bay và tàu chiến địch. Đơn vị do ông chỉ huy đã quần nhau với địch suốt mấy tháng liền. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của ông đã nằm lại nơi này. Điều ấy, như là món nợ mà ông và những người đang sống chưa trả được. Hàng ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Và cả hàng chục ngàn ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ vẫn chưa xác định được danh tính. Khi ông Hữu lên tới đỉnh đồi, nơi đặt lễ cầu siêu, bỗng nhiên có ngọn gió thật lớn ập đến. Cậu chiến sĩ trẻ phải ôm lấy ông. Ông Hữu nghe lao xao tiếng người từ không trung và từ  dòng Long Đại vang lên. Âm thanh lạ mà ông chỉ thấy xuất hiện trong những giấc mơ.

Bớt gió, ban tổ chức mời ông Hữu vào vị trí chủ lễ. Sau vài lời phi lộ của ban tổ chức, một nhà ngoại cảm có uy tín được mời hành lễ. Giọng trầm hùng tụng kinh của các nhà sư hòa lẫn tiếng chuông đồng, tiếng gió hú khiến người ta đang nghĩ mình nhập vào thế giới tâm linh, cổ tích. Bên cạnh ông Hữu không chỉ có cậu lính trẻ mà còn có cô gái xinh đẹp do tổng đội thanh niên xung phong phân công tháp tùng vị tướng già.

Khi tiếng chuông đổ dồn, trong ánh sáng mờ ảo, liêu trai, ông Hữu bỗng thấy cô gái trẻ TNXP đứng cạnh mình quỵ ngã, bất tỉnh. Chưa hết bàng hoàng, cô gái TNXP ngồi dậy, ôm lấy ông Hữu:

– Thủ trưởng có nhận ra em không? Mừng quá đã gặp lại thủ trưởng.

Cứ nghĩ mình đang mơ, giọng ông Hữu sắc lạnh:

    – Đồng chí là ai?

– Em là chiến sĩ lái xe của thủ trưởng đây. Ngày ấy, thủ trưởng giao em lái xe cho thủ trưởng Đặng…

Giọng ông Hữu đứt quãng:

– Cậu là Thảo, phải không?

  Ông Hữu nhớ lại, năm ấy chính ủy Đặng vào Sở Chỉ huy tiền phương kiểm tra. Đúng lúc ấy, tài xế của chính ủy bị sốt rét, ông Hữu cử tài xế của mình là Thảo lái thay. Chẳng may cả đoàn xe “dính” bom B52. Chính ủy Đặng và hầu hết mọi người hy sinh, trong đó có Thảo, đứa con trai duy nhất mà bà Hiền gửi gắm. Nghe tin dữ ấy, ông Hữu như điên dại. Phần vì tiếc thương vị chính ủy tài năng, đức độ, phần xót xa cậu tài xế mà ông coi như con trai của mình, ông Hữu day dứt sẽ “ăn nói” với bà Hiền sao đây. Biết rằng, chiến tranh mọi sự đều có thể xảy ra. Nhưng ông Hữu vẫn thấy có lỗi với bà Hiền.

Chuyện ấy xảy ra đã mấy chục năm, nhưng ông Hữu vẫn canh cánh trong lòng. Trở về chiến trường xưa lần nào, ông cũng sắp xếp thời gian đến thắp nhang cho người phụ nữ mà đã có một thời ông yêu thương thầm kín.

– Dạ, thưa ông… Cô gái có khuôn mặt trăng rằm rụt rè: Chúng con muốn thưa ông một việc…

– Con cứ nói.

Cô gái có khuôn mặt trăng rằm đẩy chàng lính trẻ:

– Anh báo cáo ông đi chứ!

Chàng lính trẻ mà Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao tháp tùng, phục vụ ông, giọng ấp úng:

– Chúng con sắp làm lễ thành hôn. Chúng con mời ông dự và thay mặt bà ngoại chúng con làm chủ lễ.

Ông Hữu nghĩ mình đang mơ. Ông cầm nén nhang đến trước di ảnh của Bà Hiền. Giọng ông run run:

– Trái đất tròn. Mọi sự đều có thể xảy ra. Đêm qua, tôi đã gặp Thảo. Con và đồng đội của nó – các vong linh liệt sĩ sẽ có nơi chốn tề tựu bên nhau như một thời đánh giặc. Bà sống anh hùng, chết vẻ vang hãy phù hộ, độ trì cho các cháu được hạnh phúc, bù đắp những mất mát mà một thời chúng ta đã hy sinh, cống hiến…

Ông Hữu thắp nhang lên bàn thờ bà Hiền rồi đến bên chàng lính trẻ và cô gái có khuôn mặt trăng rằm:

– Ông sẽ đến dự lễ cưới của các cháu. Nhất định thế!

Ông Hữu vừa nói xong, bỗng có cánh bướm trắng thật lớn mà ông Hữu chưa từng thấy đậu vào bờ vai mình. Giọng cô gái reo vui:

–  Bà ngoại con về chứng giám, đó ông. Ông ngoại ơi, chúng con thương ông lắm.

Ông Hữu thấy tràn dâng hạnh phúc. Ngoài kia, mùa Xuân đang về. Gió heo may ngọt ngào. Hoa sim tím rực ngọn đồi đã in đậm biết bao kỷ niệm./.

Quảng Bình, Xuân 2024

                Trần Thế Tuyển